Làm vườn giúp người lớn tuổi sống sót sau ung thư cảm thấy khỏe mạnh hơn

Nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi sống sót sau ung thư, khi làm vườn cảm thấy sức khỏe tốt hơn, ăn nhiều rau xanh hơn và hệ vi sinh vật cũng được cải thiện.

Làm vườn là một sở thích phổ biến của rất nhiều người. Lợi ích của việc làm vườn có thể vượt ra ngoài phạm vi những mảnh vườn xanh tươi, giúp mọi người biết cách hấp thụ không khí trong lành và ánh sáng mặt trời, giúp những người sống sót sau ung thư cảm thấy sức khỏe tốt hơn.

Những người tham gia nghiên cứu hợp tác với những người làm vườn nhiều kinh nghiệm

Những người sống sót sau ung thư là những người dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao bị bệnh ung thư thứ hai, bệnh tim và tiểu đường, có thể lão hóa nhanh hơn, nhiều khả năng bị suy nhược cơ thể và mất khả năng tự lập.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên gần đây, được công bố vào tháng 6 trên JAMA Network Open (Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), đã xem xét về việc liệu cách thức ăn uống, hoạt động thể chất và chức năng cũng như các kết quả khác có được cải thiện ở những người lớn tuổi sống sót sau ung thư khi họ tham gia làm vườn hay không.

Cuộc thử nghiệm áp dụng với 381 người ở tiểu bang Alabama, sống sót sau ung thư, từ 50 tuổi trở lên, những người có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn vì đã ăn ít hơn 5 phần trái cây và rau, thực hiện ít hơn 150 phút hoạt động thể chất hàng tuần.

Những người sống sót sau ung thư sống độc lập và được cấp một khu vườn có chia theo luống hoặc bốn hộp trồng rau với các loại hạt giống, dụng cụ làm vườn và các nguồn lực cần thiết khác để bắt đầu trồng một vườn rau tại nhà.

Họ được những người làm vườn có kinh nghiệm, được chứng nhận từ Hệ thống Khuyến nông Hợp tác xã Alabama cố vấn và hướng dẫn 2 tuần/lần về việc lập kế hoạch, cách thức trồng trọt và chăm sóc khu vườn. Nhóm nghiên cứu đã đo sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và sự nhanh nhẹn của những người tham gia, đồng thời thu thập dữ liệu về việc tiêu thụ rau, trái cây và mức độ hoạt động thể chất.

Mặc dù việc làm vườn không trực tiếp cải thiện kết quả sức khỏe nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy có những cải thiện “được cảm nhận” về sức khỏe và hoạt động thể chất. Những người tham gia cũng ăn nhiều trái cây và rau quả hơn, với mức tiêu thụ rau tăng thêm 1/3 khẩu phần mỗi ngày. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn quan sát thấy có sự cải thiện về hệ vi sinh vật đường ruột của những người tham gia.

Các cách ăn uống lành mạnh cho người sống sót sau ung thư

Cách ăn uống lành mạnh nhất cho những người sống sót sau ung thư nên là một phương thức ăn uống đa dạng và có các thành phần thích hợp.

Điều này có nghĩa là protein trong khẩu phần ăn phải bảo đảm có ít chất béo và có ngũ cốc nguyên hạt bởi vì những chất dinh dưỡng đó sẽ mang lại nhiều lợi ích, chất xơ và vitamin B hữu ích cho sức khỏe nói chung.

Bên cạnh một khẩu phần ăn đa dạng, những người sống sót sau ung thư nên có một khẩu phần ăn đầy màu sắc vì các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng khác nhau trong các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc có tác dụng tương hỗ sẽ giúp nâng cao sức khỏe.

Hiện nay, cộng đồng y tế và khoa học hiện coi cách ăn Địa Trung Hải là kế hoạch ăn kiêng lành mạnh nhất, đã được chứng minh là có lợi trong việc ngăn ngừa và điều trị nhiều bệnh khác nhau, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, rối loạn nhận thức thần kinh, xương khớp, giảm cân và ung thư.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng “bữa ăn Địa Trung Hải xanh” giảm 15% tình trạng xơ cứng động mạch chủ ngực, trong khi bữa ăn Địa Trung Hải tiêu chuẩn giảm 7.3% và bữa ăn lành mạnh giảm 4.8%. (Ảnh: Oleksandra Naumenko/Shutterstock)
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng “bữa ăn Địa Trung Hải xanh” giảm 15% tình trạng xơ cứng động mạch chủ ngực, trong khi bữa ăn Địa Trung Hải tiêu chuẩn giảm 7.3% và bữa ăn lành mạnh giảm 4.8%. (Ảnh: Oleksandra Naumenko/Shutterstock)

Bữa ăn Địa Trung Hải khuyến khích ăn thực phẩm nguyên chất, ăn ít hoặc không ăn thực phẩm chế biến, chú trọng đến chất béo lành mạnh – chẳng hạn như chất béo có trong dầu ô liu và các loại hạt – so với chất béo từ nguồn động vật, chẳng hạn như sữa, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.

Kết quả này đặc biệt thú vị vì làm vườn là một trong số ít các hoạt động có khả năng ảnh hưởng đồng thời đến cả mức độ hoạt động thể chất, cách thức ăn uống và sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, cách thức ăn uống chỉ là một phần của lối sống lành mạnh. Ngoài ra, hoạt động thể chất, hạn chế rượu và các yếu tố khác cũng góp phần tạo nên một lối sống lành mạnh.

Tập thể dục vẫn là một yếu tố quan trọng

Hoạt động thể chất là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dành quá nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc ngồi có thể khiến cơ thể mất chức năng, giảm phạm vi hoạt động và gây yếu cơ.

Nhiều nhóm chăm sóc ung thư hiện nay khuyến khích bệnh nhân vận động thể chất nhiều nhất có thể vào thời gian trước, trong và sau khi điều trị ung thư.

Tuy nhiên, mặc dù những người sống sót sau ung thư phải tham khảo ý kiến ​​của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mức độ hoạt động thể chất mà họ nên cố gắng thực hiện, nhưng để bắt đầu thì phương thức đi bộ và kéo giãn cơ vẫn là những phương thức hoạt động thể chất tốt nhất.

Tóm lại, làm vườn không chỉ thúc đẩy hoạt động thể chất mà còn cải thiện khả năng tiếp cận và nhận thức về lợi ích của trái cây và rau quả trong khẩu phần ăn uống – điều này đã được thể hiện rõ qua kết quả của nghiên cứu này.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn