Lá ô liu chứa các hợp chất có khả năng chống lại ung thư hắc tố

Một nghiên cứu gần đây về lá cây ô liu đã phát hiện ra sự khác biệt trong thành phần hóa học thực vật giữa lá cây ô liu trồng ở Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Dầu ô liu được biết là có lợi cho sức khỏe, nhưng còn lá ô liu thì sao?

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chiết xuất ethanolic từ lá ô liu có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và Hy Lạp có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ung thư và có thể có tác dụng điều trị ung thư hắc tố – một loại ung thư da.

Hy Lạp và Tây Ban Nha

Trong nghiên cứu được công bố trên Antioxidants (Tập san Chất Chống Oxy Hóa) vào ngày 27/6, các nhà nghiên cứu từ Rumani đã tiến hành nghiên cứu để xem xét về thành phần và tiềm năng hóa học thực vật của lá ô liu.

Trong khi các nghiên cứu khác cho thấy dầu ô liu và chiết xuất từ ​​lá ô liu có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, có thể chống lại một số bệnh ung thư, thì các nhà nghiên cứu từ Rumani lại muốn biết xem liệu khu vực trồng cây ô liu có ảnh hưởng đến các hợp chất hóa học thực vật của cây hay không.

Những chiếc lá ô liu từ Seville – Tây Ban Nha và Lefkada – Hy Lạp đã được các nhà nghiên cứu thu hoạch, sấy khô, nghiền nhỏ và sau đó trộn với dung môi để chuẩn bị phân tích.

Các chất chiết xuất đã được kiểm tra độc tính đối với các tế bào ung thư hắc tố ở người và đánh giá tác động đối với sự phát triển của mạch máu. Khi một khối u phát triển, nhiều mạch máu cũng thường bắt đầu phát triển để cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u.

Chiết xuất lá ô liu từ Hy Lạp chứa nhiều polyphenol hơn, chẳng hạn như lutein, giúp cải thiện sức khỏe của mắt và oleuropein, có đặc tính chống oxy hóa, hạ lipid, chống xơ vữa động mạch và chống viêm.

Chiết xuất lá ô liu từ Tây Ban Nha chứa hàm lượng kim loại gần gấp đôi so với chiết xuất lá ô liu từ ​​Hy Lạp, có hàm lượng niken, kẽm, đồng, crom và sắt – tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết – đồng thời có hàm lượng cadmium và nhôm cao hơn, có thể gây độc ở liều lượng cao. Các nhà nghiên cứu không xác định mức độ độc hại.

Chiết xuất lá ô liu từ Hy Lạp có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn nên có hiệu quả hơn trong việc chống lại các gốc tự do, đồng thời cũng có hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư hắc tố và ngăn ngừa tăng sinh mạch máu. Đây cũng là một đặc tính chống ung thư khác của chiết xuất lá ô liu từ Hy Lạp.

Tuy nhiên, chiết xuất lá ô liu từ Tây Ban Nha có hiệu quả chống được nhiều loại vi khuẩn hơn, cho thấy rằng, lá tại khu vực này có chứa nhiều đặc tính kháng khuẩn hơn. Chiết xuất lá ô liu từ Tây Ban Nha không ảnh hưởng đến sự hình thành mạch máu.

Nhóm nghiên cứu viết, “Phát hiện của chúng tôi góp phần mô tả rộng hơn đặc tính của lá ô liu có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và Hy Lạp… Những dữ liệu về sinh học và hóa thực vật này đã giúp cho thấy về khả năng cao trong việc sử dụng lá ô liu để làm chất chiết xuất chống oxy hóa và có tác động tiềm tàng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.”

Tại sao lại có sự khác biệt?

Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự khác biệt về thành phần hóa học có thể là do sự khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng giữa Hy Lạp và Tây Ban Nha. Vì vậy, họ lưu ý là cần xuất xứ lá ô liu khi sản xuất thuốc trị liệu.

Họ viết, “Trong quá trình xác định thực vật, hàm lượng nguyên tố đã được xem xét riêng, do đó, chỉ tính đến sự đóng góp của nguyên tố tương ứng đối với thực vật và cơ thể con người, đồng thời so sánh với lượng khuyến nghị về liều dùng và giới hạn cho phép dùng hàng ngày.”

Các tác giả lưu ý rằng, vì ô liu cũng được trồng ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Bồ Đào Nha và Ý, nên điều quan trọng là phải kiểm tra tính hiệu quả của các hợp chất trong lá ô liu được thu hoạch từ các quốc gia này.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn