Không chỉ là chất béo: Béo phì liên quan đến các rối loạn tâm thần
Nghiên cứu toàn diện cho thấy những người béo phì có nguy cơ cao phát triển các rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu mới về mối quan hệ nhân quả tiềm ẩn giữa béo phì và sức khỏe tâm thần thì béo phì có thể làm tăng đáng kể nguy cơ rối loạn tâm thần.
Mối liên quan giữa béo phì và sức khỏe tâm thần đã được thiết lập rõ ràng. Một cuộc khảo sát dịch tễ học năm 2006 về người trưởng thành Hoa Kỳ trên toàn quốc đã phát hiện ra mối liên hệ giữa béo phì và chẩn đoán suốt đời về trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoảng sợ và chứng sợ khoảng rộng.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây là nghiên cứu đầu tiên trả lời câu hỏi liệu béo phì có làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần và ngược lại. Sử dụng dữ liệu bệnh nhân trong 17 năm, các nhà khoa học nhận thấy những bệnh nhân béo phì có nhiều khả năng phát triển các rối loạn tâm thần nghiêm trọng như tâm thần phân liệt so với những bệnh nhân không béo phì, và béo phì thường xuất hiện trước rối loạn tâm thần này.
Nghiên cứu cung cấp thêm lý do để kiểm soát tăng cân và đưa ra một hướng điều trị khác cho những người bị bệnh tâm thần. Ngoài ra khi kết hợp với những phát hiện trước đó đã chứng minh tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm thần và một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu
Nghiên cứu mới đã sử dụng dữ liệu đăng ký quốc gia của Áo để phân tích khoảng 45 triệu lần nằm viện của 9 triệu bệnh nhân béo phì và không béo phì từ năm 1997 đến năm 2014.
Nghiên cứu công bố trên tập san Translational Psychiatry vào tháng Năm và được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Phức hợp và Đại học Y khoa Vienna.
Tác giả nghiên cứu Alexander Kautzky nói với The Epoch Times rằng “Đây là nghiên cứu đầu tiên mang tính đại diện đến vậy, nghĩa là chúng tôi tiến hành trên toàn bộ dân số Áo trong khoảng thời gian dài; đối với đa số người dân, [chúng ta] có thấy được thời điểm lần đầu tiên một người được chẩn đoán béo phì.”
Ông Kautzky là nhà nghiên cứu thuộc khoa Tâm thần và Tâm lý trị liệu của Đại học Y khoa Vienna, ông nghĩ rằng kết quả lớn nhất của nghiên cứu là những người được chẩn đoán béo phì có thể được hưởng lợi từ việc sàng lọc bệnh tâm thần sớm và điều trị bệnh tâm thần đi kèm.
Tiến sĩ Valerie Taylor, trưởng khoa tâm thần tại Đại học Calgary nói với The Epoch Times trong một email, “Khái niệm nào đến trước, sức khỏe tâm thần hay béo phì, là thách thức đang diễn ra. Nghiên cứu này vừa làm nổi bật mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì với bệnh tâm thần vừa nêu bật một số tiêu chuẩn cho các mốc thời gian.”
Sau khi phân tầng dữ liệu đăng ký của Áo thành bảy nhóm tuổi kéo dài một thập niên (10 – 19, 20 – 29, v.v…), các nhà nghiên cứu so sánh tỷ lệ bị chứng rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân béo phì với tỷ lệ này ở bệnh nhân không béo phì. Sau đó, họ chia nhỏ dữ liệu để đánh giá sự khác biệt về giới tính.
Tám tình trạng tâm thần sau đây được đưa vào phân tích: rối loạn sử dụng nicotine, tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, trầm cảm giai đoạn, trầm cảm tái phát, rối loạn lo âu, rối loạn bản thể và rối loạn nhân cách.
Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, hoặc bệnh động mạch vành đã bị loại khỏi bộ dữ liệu.
Tất cả các rối loạn tâm thần trừ rối loạn tâm thần phân liệt và rối loạn phân liệt cảm xúc, đều thường gặp hơn sau khi người bệnh được chẩn đoán béo phì. Mối quan hệ này thách thức giả định phổ biến rằng tăng cân do thuốc tâm thần là nguyên nhân gây ra mối liên hệ giữa béo phì và rối loạn tâm thần.
Phụ nữ thường có khả năng bị trầm cảm hoặc lo lắng cao gấp đôi so với nam giới và nghiên cứu cho thấy chẩn đoán béo phì làm trầm trọng hơn những xu hướng này. Tỷ lệ trầm cảm cao gấp ba lần ở phụ nữ béo phì so với nam giới béo phì thì tỷ lệ này chỉ gấp đôi.
Nam giới béo phì trẻ hơn (20 – 39 tuổi) có nguy cơ bị bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn phân liệt cảm xúc cao hơn so với nữ giới, nhưng xu hướng này đảo ngược đối với bệnh nhân béo phì cao niên (40 – 79 tuổi).
Đàn ông béo phì có nhiều khả năng bị chứng rối loạn sử dụng nicotine hơn phụ nữ béo phì, với tỷ lệ xảy ra cao nhất là gần 17% ở những bệnh nhân độ tuổi 40 – 49. Để so sánh, tỷ lệ xảy ra cao nhất được quan sát thấy ở phụ nữ là khoảng 8.5%.
Tiến sĩ Taylor nhấn mạnh rằng mặc dù chẩn đoán béo phì thường đến trước, nhưng không thể cho rằng béo phì có trước bệnh tâm thần. Bà nói rằng một nghiên cứu đoàn hệ có phân tích hồi cứu sẽ đánh giá được liệu có bệnh tâm thần trước khi chẩn đoán béo phì hay không.
Sự nguy hiểm của bệnh béo phì đối với bệnh tâm thần
Hơn 1 tỷ người trên thế giới bị béo phì.
Mặc dù ước tính cứ 4 người thì có 1 người bị chứng rối loạn tâm thần, nhưng chẩn đoán béo phì làm tăng đáng kể tỷ lệ bị bệnh đó. Theo nghiên cứu năm 2013, cứ 5 người béo phì thì có 2 người bị ít nhất một chứng rối loạn tâm thần, mặc dù không phải tất cả đều bị ảnh hưởng như nhau.
Theo nghiên cứu năm 2011, phụ nữ có chỉ số BMI cao có nhiều khả năng bị trầm cảm nặng, có ý định tự tử hoặc ý nghĩ tự tử hơn nam giới có chỉ số BMI cao. Phụ nữ béo phì cũng dễ bị rối loạn tâm trạng và rối loạn ăn uống hơn đàn ông béo phì.
Một giả thuyết về nguyên nhân
Nghiên cứu không tìm cách giải thích tại sao béo phì góp phần gây ra bệnh tâm thần, nhưng ông Kautzky nói rằng nghiên cứu trước đây cho thấy tình trạng viêm mô mỡ góp phần vào mối quan hệ này.
Mô mỡ, hoặc mỡ trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm kinh niên ở mức độ thấp, về cơ bản là phản ứng miễn dịch bị sai lệch. Cơ chế này cũng có liên quan đến các bệnh nghiêm trọng khác.
Một nghiên cứu tổng hợp đã xem xét chất báo hiệu tiền viêm có tên là yếu tố hoại tử khối u (TNF) – một cytokine có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Nghiên cứu cho thấy TNF có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2 do béo phì và có nồng độ cao ở những bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Nhưng ông Kautzky cảnh báo rằng chứng viêm không phải là lời giải thích hoàn hảo, vì chứng viêm chỉ xuất hiện ở một số bệnh nhân béo phì.
Ông Kautzky cũng thảo luận về các yếu tố kinh tế và xã hội góp phần tạo nên mối quan hệ phức tạp giữa béo phì và sức khỏe tâm thần. Ông cho biết những người béo phì thường bị kỳ thị, điều này có thể dẫn đến trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác. Ví dụ là khi một người không được nhận việc làm do cân nặng của người đó, thì trải nghiệm bất lợi này có thể dẫn đến trầm cảm. Ông cũng viện dẫn tình trạng kinh tế thấp, vốn làm giảm khả năng có lối sống lành mạnh, là yếu tố nguy cơ dẫn đến cả bệnh béo phì và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Điều trị béo phì: điều trị cả tâm lẫn thân
Các tác giả đã kết thúc nghiên cứu với khuyến nghị cần sàng lọc bệnh nhân rối loạn tâm thần tại thời điểm chẩn đoán béo phì. Các tác giả viết, “Sàng lọc định kỳ các giai đoạn trầm cảm, lo âu và bản thể hóa, rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt và rối loạn phân liệt cảm xúc cũng như rối loạn nhân cách cần được thực hiện bất cứ khi nào thiết lập chẩn đoán béo phì.”
Ông Kautzky dự đoán rằng việc sàng lọc tâm thần sớm sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Ông nói, “Hầu hết những bệnh nhân này cuối cùng đều trở thành bệnh nhân tâm thần. Nếu chúng ta có thể xác định rủi ro sớm hơn và ngăn chặn bệnh xuất hiện, rất có thể đó sẽ là một phương trình kinh tế tích cực.”
Ông Kautzky gợi ý rằng mặc dù nhìn chung các bác sĩ nên giới thiệu bệnh nhân béo phì đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhưng các trường hợp nhẹ hơn có thể được giảm nhẹ nhờ tự thân người bệnh và các biện pháp can thiệp ở ngưỡng thấp khác. Trong đó bao gồm các chương trình cộng đồng có yêu cầu tham gia tối thiểu.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times