Kháng insulin là nguyên nhân thầm lặng dẫn đến ung thư tuyến tụy
Insulin dư thừa gây kích thích quá mức và làm viêm các tế bào tuyến tụy, khiến chúng chuyển sang trạng thái tiền ung thư.
Kháng insulin khiến cơ thể không có khả năng điều chỉnh lượng đường máu một cách hợp lý. Điều này có thể là kẻ thầm lặng tấn công tuyến tụy, làm viêm và biến đổi các tế bào tuyến tụy thành những quả bom hẹn giờ gây ung thư.
Nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan giữa lượng insulin tăng cao (do lối ăn uống không tốt và béo phì) với sự phát triển của ung thư tuyến tụy, nguyên nhân thứ ba gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ.
Insulin tăng cao gây ung thư tuyến tụy như thế nào
Insulin là một hormone của tuyến tụy, giúp các tế bào lấy đường từ máu để làm năng lượng. Kháng insulin là tình trạng các tế bào của cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin, dẫn đến đường máu tăng cao và có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
Kháng insulin gắn liền với béo phì và tiểu đường là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với bệnh ung thư tuyến tụy. Nghiên cứu mới của Đại học British Columbia (UBC) trên Tập san Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho thấy cách diễn ra điều đó. Insulin dư thừa sẽ kích thích quá mức các tế bào tuyến tụy sản xuất dịch tiêu hóa. Điều này gây ra tình trạng viêm, chuyển các tế bào sang trạng thái tiền ung thư.
Các tác giả nghiên cứu và nhà nghiên cứu của UBC, ông James Johnson và cô Janel Kopp nói với The Epoch Times qua thư điện tử, “Những phát hiện này có ý nghĩa mạnh mẽ nhất đối với những người biết rằng họ có nguy cơ cao phát triển ung thư biểu mô ống tuyến tụy [dạng phổ biến nhất], nhưng có thể áp dụng cho tất cả mọi người.”
Họ nói thêm, “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy nguy cơ bị ung thư tuyến tụy cao hơn liên quan đến lối ăn uống không tốt và béo phì, có thể là do đến những tình trạng này liên quan đến mức insulin cao hơn.” Điều đó cũng gợi ý việc làm giảm insulin qua thuốc, cách ăn uống hoặc tập thể dục có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tụy.
Tiến sĩ Emily Gallagher, giáo sư tại Khoa Nội tiết, Tiểu đường và Bệnh xương tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, nói với The Epoch Times, nghiên cứu này cho thấy vai trò của insulin trong việc khởi phát ung thư tuyến tụy.
Bà nói, “Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của thụ thể insulin trong việc điều chỉnh việc sản xuất enzyme tiêu hóa và tình trạng viêm ở tuyến tụy,” đồng thời lưu ý rằng câu hỏi quan trọng là làm thế nào thông tin này có thể được dùng để giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy ở những người có mức insulin cao.
Insulin có thể đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư như thế nào
Tăng insulin máu xảy ra khi nồng độ insulin vượt quá mức bình thường. Điều đó xảy ra khi cơ thể kháng insulin – các tế bào cơ, mỡ và gan dừng phản ứng thông thường với insulin.
Tiến sĩ Gallagher cho biết, ngoài ung thư tuyến tụy, insulin cao còn liên quan đến ung thư đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung, gan, buồng trứng và dạ dày.
Trong một bài tổng quan đăng trên Tập san Nature (Tự nhiên), bà cho rằng các vấn đề về chuyển hóa insulin là nguyên nhân cản trở việc điều trị ung thư.
Theo tổng quan, với tình trạng béo phì và tiểu đường đang gia tăng trên toàn thế giới và nhận thức rằng insulin tăng cao có thể góp phần gây ra thất bại trong điều trị, việc hiểu rõ tín hiệu insulin trong tiến triển của bệnh ung thư là rất quan trọng.
Không giống như các tế bào bình thường, tế bào ung thư dựa vào glucose làm nguồn năng lượng chính và không thể chuyển hóa chất béo. Hạn chế lượng glucose qua khẩu phần ăn uống có thể giúp bỏ đói và loại bỏ các tế bào ung thư.
Do đó, các tế bào ung thư phát triển mạnh nhờ đường – và lượng đường trong máu cao do kháng insulin sẽ kích thích sự phát triển này. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tập san Diabetes Cares (Chăm sóc Bệnh tiểu đường) cho thấy thuốc trị tiểu đường metformin, làm giảm đường máu, có thể có tác dụng chống ung thư. Thuốc làm tăng độ nhạy insulin và giảm sản xuất glucose ở gan.
Kiểm soát đường máu là chìa khóa
Tiến sĩ Gallagher cho biết lượng insulin cao có thể xảy ra trước khi tăng đường máu và bệnh tiểu đường trong nhiều năm. Bà nói, “Vì vậy, những người bị hội chứng chuyển hóa, béo phì hoặc tiền tiểu đường có nguy cơ bị ung thư cao hơn do nồng độ insulin cao, ngay cả khi không có lượng đường máu cao”.
Các chiến lược làm giảm lượng insulin lưu thông [trong máu] cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Phương pháp ăn uống, tập thể dục, giảm cân – tất cả đều có thể giúp giảm mức insulin.
Nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng những bệnh nhân thường có lượng insulin thấp hơn sau phẫu thuật giảm cân có nguy cơ phát triển ung thư thấp hơn.
Các chiến lược hiệu quả có thể giúp duy trì mức đường máu trong giới hạn khỏe mạnh:
1. Khẩu phần ăn uống cân bằng, bổ dưỡng
Ăn thực phẩm toàn phần như trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt giúp điều chỉnh lượng đường máu. Tập trung vào thực phẩm nhiều chất xơ vì chúng được tiêu hóa chậm và ngăn ngừa [tăng đường máu] đột biến. Chọn chất béo lành mạnh như bơ và các loại hạt thay vì chất béo bão hòa hoặc chất béo trans.
2. Theo dõi số lượng trong khẩu phần ăn
Ngay cả những thực phẩm lành mạnh cũng có thể làm tăng đường máu nếu ăn quá nhiều. Chú ý đến khẩu phần ăn bằng cách dùng đĩa nhỏ hơn, đo lường thức ăn và thực hành ăn uống có chánh niệm. Ăn uống có chánh niệm bao gồm việc chú ý đến khoảnh khắc tại thời điểm ăn uống và chủ ý tập trung đến hương vị, kết cấu, và cảm giác, đồng thời tránh bị phân tâm và ăn uống quá mức. Điều này có thể giúp bạn tránh ăn quá nhiều và khuyến khích các kiểu ăn uống lành mạnh hơn.
3. Tập thể dục thường xuyên
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times