Khám phá loại trà giúp giảm cân và kéo dài tuổi thọ

Khám phá những loại trà tốt nhất để nhận được những lợi ích sức khỏe cụ thể.

Uống một tách trà không chỉ giúp làm dịu tinh thần mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, với sự đa dạng trên thị trường, việc chọn được một loại trà phù hợp nhất không phải dễ dàng. Bác sĩ Phùng La Tiểu Khiết, một bác sĩ tại Trung tâm Y khoa Northern, đồng thời là nhà châm cứu và nhà thảo dược được chứng nhận ở New York, đã giới thiệu 6 loại trà cùng các lợi ích sức khỏe trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Hầu hết mọi thứ đều có thể được ngâm thành trà. Tuy nhiên, về thực chất, chỉ có lá của cây chè (Camellia sinensis) mới được gọi là lá trà. Cây chè có nguồn gốc từ Trung Hoa, là một loại cây bụi hoặc cây thường xanh lâu năm.

Các khu vực sản xuất trà chính trên thế giới là Trung Hoa, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Sri Lanka. Cây chè thường phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, ở Nhật Bản, nhiệt độ thường thấp hơn nhiệt độ sinh trưởng của cây chè. Tuy nhiên, sản lượng chè của Nhật Bản vẫn ở mức cao do trồng nhiều giống chè có khả năng chịu lạnh cao, chẳng hạn như Yabukita.

Lợi ích sức khỏe của lá chè

Các hoạt chất và thành phần của lá chè có thể khác nhau do sự khác biệt về nguồn gốc, phương pháp chế biến và mức độ lên men. Nhìn chung, lá chè có những lợi ích sức khỏe như sau:

1. Tăng sự tỉnh táo và tinh thần minh mẫn

6 loại trà được giới thiệu dưới đây đều có một điểm chung là tăng sự tỉnh táo và tinh thần minh mẫn.

Các hoạt chất trong lá chè giúp tăng sự tỉnh táo và tinh thần minh mẫn bao gồm theophylline, một dẫn xuất của caffeine. Tuy nhiên, không giống như caffeine nguyên chất, theophylline có tác động dịu nhẹ và kéo dài hơn.

Ngoài ra, lá chè còn chứa theanine, giúp tăng tác dụng kích thích khi kết hợp với caffeine. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng theanine có tác dụng thư giãn, có thể làm giảm tác dụng tăng huyết áp của caffeine. Vì vậy, mọi người thường cảm thấy tỉnh táo và bình tĩnh hơn sau khi uống trà, còn sau khi uống cà phê, mọi người sẽ cảm thấy kích thích và hưng phấn hơn.

2. Kháng khuẩn

Một số sản phẩm kem đánh răng có chứa chiết xuất trà trắng hoặc trà xanh. Những chiết xuất này được thêm vào kem đánh răng nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm rất tốt. Đặc biệt là trà trắng nổi tiếng với tác dụng diệt khuẩn.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng súc miệng bằng trà trắng, trà đen hoặc trà xanh có thể ức chế vi khuẩn gây mảng bám răng. Đặc biệt, trà trắng có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất.

3. Chống viêm

Theo Trung y, thực phẩm có tính hàn hoặc ấm. Thực phẩm có tính hàn giúp hạ nhiệt độ cơ thể còn thực phẩm có tính ấm giúp làm ấm cơ thể. Vì vậy, tiêu thụ thực phẩm phù hợp với loại thể trạng của từng người là điều rất cần thiết.

Theo quan điểm của Trung y, trà trắng và trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, và giảm viêm. Vì vậy, khi chịu căng thẳng cao độ trong công việc, khó chịu hoặc cáu kỉnh, nên uống trà trắng hoặc trà xanh.

6 loại trà và tác dụng đối với sức khỏe

Dựa trên sự khác biệt về nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, màu sắc và mức độ oxy hóa mà trà chủ yếu được chia thành 6 loại. Đó là trà trắng, trà xanh, trà vàng, trà ô long, trà đen và trà phổ nhĩ.

1. Trà trắng

Sản xuất trà thường bao gồm công đoạn “tẩy xanh” (hoặc diệt men) và cán vụn để phóng thích hoàn toàn các chất dinh dưỡng và hương vị trong lá trà. Tuy nhiên, trà trắng không qua các công đoạn này, chỉ được phơi khô tự nhiên hoặc sao khô ở nhiệt độ tối thiểu.

Trà trắng thường làm từ búp chè mập mạp, khỏe mạnh. Những búp chè này thường được bao phủ bởi những sợi lông trắng mịn. Trà trắng nổi tiếng với hương vị nhẹ nhàng, tinh tế và dư vị ngọt ngào.

Mức độ lên men và oxy hóa của trà trắng rất thấp. Loại trà này có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, cải thiện sức khỏe răng miệng bằng cách làm chắc răng và ngăn ngừa sâu răng.

2. Trà xanh

Quy trình sản xuất trà xanh bao gồm các công đoạn như tẩy xanh, cán và sấy khô.

Tẩy xanh là một công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất trà xanh, giúp duy trì màu sắc xanh tươi của lá trà, cải thiện hương vị và ngăn ngừa quá trình oxy hóa catechin – hoạt chất chính của trà xanh. Nói cách khác, tẩy xanh là một bước thiết yếu để bảo tồn đặc tính chống oxy hóa của trà xanh. Tại Trung Quốc, trà xanh thường được sao khô trên chảo, trong khi ở Nhật Bản, trà xanh thường được hấp.

Giống như trà trắng, trà xanh là loại trà không lên men và có mức oxy hóa thấp. Trà xanh có tác dụng kích thích phân hủy chất béo, rất thích hợp để uống sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, trà xanh có hàm lượng catechin cao, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống oxy hóa, chống khối u, chống lão hóa, cải thiện lipid máu và hạ đường huyết. Trà xanh còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch và các bệnh về hệ thần kinh.

Trà xanh chứa hàm lượng epigallocatechin gallate (EGCG) cao nhất, trong khi trà đen và trà ô long bị oxy hóa trong quá trình lên men, dẫn đến hàm lượng EGCG thấp hơn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng EGCG có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, có thể bảo vệ các tế bào thần kinh và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

3. Trà vàng

Trà vàng là loại trà lên men nhẹ, quá trình chế biến cũng tương tự như trà xanh nhưng có thêm công đoạn “ủ.” Nghĩa là, lá chè sau khi được tẩy xanh và cuộn lại sẽ được bọc trong giấy hoặc xếp chồng lên nhau và phủ bằng vải ẩm. Quá trình oxy hóa kéo dài vài giờ sẽ khiến lá trà chuyển sang màu vàng.

Trà vàng thường được dùng để chữa các bệnh tỳ vị hư nhược (lá lách và dạ dày yếu), chướng bụng do khó tiêu. Ngoài ra, trà vàng còn có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, thanh nhiệt và thải độc.

4. Trà ô long

Trà ô long là một loại trà bán lên men. Theo Trung y, trà ô long thuộc loại trung tính, không có tính hàn cũng không có tính ấm.

Khám phá loại trà giúp giảm cân và kéo dài tuổi thọ
(Ảnh: RomarioIen/Shutterstock)

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trà ô long có thể điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể, phù hợp với những người mắc các bệnh như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường. Ngoài ra, trà ô long còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân.

5. Trà đen

Trà đen là loại lên men hoàn toàn, thường được lên men trong 5 đến 6 tiếng để oxy hóa các polyphenol trong lá chè và biến những lá chè thành màu đỏ. Trà đen có tác dụng làm ấm dạ dày, xua tan cảm lạnh, trợ giúp tiêu hóa, kích thích tuần hoàn máu nên thích hợp uống vào mùa đông.

Người Anh rất thích uống trà đen. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người uống nhiều trà đen có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch và các bệnh khác thấp hơn. Đặc biệt đối với những người uống trà không đường hoặc sữa thì tác dụng này càng rõ rệt hơn. Cụ thể, những người uống 2 tách trà trở lên mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn từ 9% đến 13% so với những người không uống trà.

6. Trà phổ nhĩ

Trà phổ nhĩ được chia thành 2 loại: trà phổ nhĩ thô và trà phổ nhĩ chín. Trà phổ nhĩ chín được lên men nhân tạo hoàn toàn, trong khi trà phổ nhĩ thô có mức độ lên men thấp và được oxy hóa tự nhiên bằng không khí. Nếu bảo quản đúng cách, trà phổ nhĩ thô có thể được giữ trong nhiều năm, hương vị sẽ trở nên đậm đà và êm dịu hơn theo thời gian.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mặc dù trà phổ nhĩ lâu năm chứa ít catechin chống oxy hóa hơn trà xanh nhưng có tác dụng chống lão hóa đáng kể trong các thí nghiệm trên động vật. Những tác dụng này bao gồm cả việc ức chế sự hình thành protein amyloid liên quan đến suy giảm nhận thức với hiệu quả tốt hơn trà xanh.

Trà phổ nhĩ còn được gọi là “trà trường thọ” và đặc biệt thích hợp cho người lớn tuổi. Trà phổ nhĩ có hương vị đậm đà và êm dịu, có thể làm ấm, dưỡng tỳ vị, lợi tiêu hóa. Hơn nữa, trà phổ nhĩ có thể giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, có tác dụng làm đẹp và chống lão hóa.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn