Ireland thêm cảnh báo ung thư vào đồ uống có cồn
Liệu hành động thêm cảnh báo này của Ireland có lan rộng như cảnh báo thuốc lá và gây ra các vụ kiện?
Ireland đang dẫn đầu với tư cách là quốc gia đầu tiên bắt buộc cảnh báo sức khỏe đối với tất cả đồ uống có cồn, và các quốc gia khác có thể sớm làm theo.
Nhãn cảnh báo không phải là mới đối với các đồ uống có cồn, nhưng không có quốc gia nào có cảnh báo bổ sung cụ thể [về bệnh tật] – bao gồm bệnh ung thư và bệnh gan như ở quốc gia này.
Không có nghiên cứu về những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của rượu trong nhiều năm qua. Mới đây nhất, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị năm 2020 rằng tốt nhất là không nên uống rượu. Cùng với việc gia tăng nhận thức về các tác động của rượu đối với sức khỏe, xu hướng của ngành công nghiệp này trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Liệu hành động này có mở ra các vụ kiện tụng như với các ông lớn thuốc lá và tiếp đến những cuộc chiến kéo dài hàng thập niên liên quan đến hàng tỷ đô la?
Những điều bạn cần biết về nhãn cảnh báo mới
Dự kiến quy định về nhãn cảnh báo mới sẽ có hiệu lực vào năm 2026 và sẽ yêu cầu [nhãn của] tất cả các chai đựng rượu, bia, và rượu mạnh phải có cảnh báo này. Các cảnh báo bổ sung này sẽ bao gồm các rủi ro sức khỏe liên quan đến tiêu thụ rượu bia, bao gồm việc tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Các nhãn cũng sẽ bao gồm những cảnh báo về tiêu thụ rượu trong thời kỳ mang thai và nguy cơ bị bệnh gan do rượu.
Quy định này dựa trên ý tưởng rằng chính phủ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng một bức tranh toàn diện về các nguy cơ của việc sử dụng sản phẩm. Giống như nhiều quốc gia khác, Ireland có quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, có nghĩa là chính phủ thu thuế đặc biệt từ việc bán rượu.
Ireland là quốc gia đầu tiên của Liên minh Âu Châu đưa ra cảnh báo ung thư đối với các sản phẩm rượu. Hàn Quốc đã thực hiện các quy định về nhãn [rượu] vào năm 2017, yêu cầu các nhà sản xuất chọn 1 trong 3 nhãn, 2 trong số đó là lưu ý về nguy cơ ung thư.
Mối liên quan giữa ung thư và rượu bia
Mặc dù vẫn chưa rõ lý do chính xác tại sao rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có 7 loại ung thư có liên quan đến việc uống rượu: miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, đại trực tràng, và vú. Cũng có lý do để tin rằng có tồn tại mối quan hệ giữa rượu và ung thư dạ dày, cũng như các bệnh ung thư khác.
Một bài đánh giá được công bố trên tập san Nutrients vào năm 2021, đã phát hiện rằng rượu bia là [nguyên nhân của] 4% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới, gây ra hơn 740,000 ca tử vong chỉ riêng trong năm 2020. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, khi một người uống rượu, thì gan của họ sẽ phân giải rượu thành một chất hóa học gọi là acetaldehyde, vốn là chất gây ung thư. Acetaldehyde sẽ làm tổn thương DNA, khiến các tế bào sinh sản nhanh bất thường và hình thành khối u.
Càng tiếp xúc nhiều với acetaldehyde, thì nguy cơ phát triển ung thư càng cao.
Một nghiên cứu được đăng trên tập san British Journal of Cancer vào năm 2014 đã phát hiện rằng bất kỳ lượng tiêu thụ rượu nào cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư khoang miệng và hầu họng.
Đối với một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú, ngay cả khi uống rượu rất ít cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Theo đánh giá trên tập san Nutrients, 100,000 trường hợp ung thư vào năm 2020 là do uống rượu ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải – tức là chỉ 1 đến 2 ly mỗi ngày.
Hầu hết mọi người đều nhận thức được những tác động tiêu cực nổi bật của rượu đối với sức khỏe, nhưng không có nhiều người biết rằng uống rượu có thể gây ra ung thư. Và theo một số nghiên cứu, thì nhận thức về tác động gây ung thư của rượu ở người dân Hoa Kỳ thấp hơn so với các quốc gia khác. Một nghiên cứu được đăng trên tập san Journal of Studies on Alcohol and Drugs (Tập san Nghiên cứu về Rượu và Ma túy) cho thấy nhãn cảnh báo ung thư có hiệu quả trong việc nâng cao hiểu biết về mối liên quan này.
Các luật mới có ý nghĩa gì đối với tương lai của ngành công nghiệp?
Việc dán nhãn mới của Ireland gợi nhớ đến luật nhắm vào ngành công nghiệp thuốc lá – và các nghĩa vụ pháp lý mà ngành này phải thực hiện.
Phần lớn các hành động pháp lý chống lại ngành công nghiệp thuốc lá tập trung vào việc ngành này đã không cảnh báo cho cộng đồng biết về những mối nguy hiểm của thuốc lá.
Nghiên cứu đầu tiên xác định mối tương quan giữa hút thuốc lá quá mức và ung thư phổi được công bố vào năm 1950. Nhãn cảnh báo đầu tiên trên bao bì thuốc lá được giới thiệu vào năm 1965, nhưng phải đến những năm 1980, nhãn này mới đề cập đến việc hút thuốc lá gây ung thư.
Nghiên cứu đầu tiên về tác động gây ung thư của rượu bia được công bố vào năm 1903. Nghiên cứu đã báo cáo sự gia tăng các trường hợp tử vong vì ung thư do uống rượu. Vào cuối những năm 1980, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (International Agency for Research on Cancer) đã gọi rượu là chất gây ung thư và góp phần gây ung thư miệng, hầu họng, thực quản, gan và thanh quản.
Mãi đến năm 1988, mới có quy định về nhãn cảnh báo sức khỏe đối với rượu, và chỉ cảnh báo đối với phụ nữ mang thai và rủi ro khi lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng sau khi uống rượu.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố rượu là chất gây ung thư loại 1 vào năm 1990. Vào năm 1992, một bài đánh giá kéo dài 35 năm đã kết luận, “Đối với việc tiêu thụ rượu/bia, kết luận chung dựa trên bằng chứng hiện tại là [tiêu thụ] đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, là yếu tố gây ung thư đại tràng và trực tràng cho cả nam và nữ.”
Nhãn cảnh báo về rượu không được sửa đổi để phù hợp với nghiên cứu mới.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times