Hơn một phần tư người lớn tuổi ‘khỏe mạnh’ mắc bệnh van tim không triệu chứng

Hầu hết các trường hợp đều chỉ có chuyển biến nhẹ và chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi trên 75 tuổi.

Theo một nghiên cứu mới, hơn 25% người lớn tuổi khỏe mạnh trên 60 tuổi được phát hiện mắc bệnh van tim mặc dù không có triệu chứng bệnh từ trước.

Vassilios Vassiliou, giáo sư y học tim mạch tại Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Phát hiện của chúng tôi cho thấy hơn 28% (phần trăm) những người lớn tuổi này mắc một số dạng bệnh van tim, mặc dù điều an ủi là phần lớn các trường hợp bệnh chỉ dừng lại ở mức độ nhẹ.”

Nghiên cứu được công bố hôm ngày 26/6 trên European Heart Journal–Cardiovascular Imaging (Tập san Tim mạch Châu Âu – Hình ảnh Tim mạch,) đã kiểm tra 4,500 người ở Anh từ 60 tuổi trở lên và không có bệnh tim từ trước đó.

Bệnh van tim là khi một hoặc nhiều van tim bị mất chức năng, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả của tim.

“Việc van tim bị trục trặc có thể gây thêm gánh nặng cho tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn và có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các bệnh tim khác theo thời gian”, giáo sư Michael Frenneaux của Bệnh viện Hoàng gia Brompton và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí.

Bệnh van tim là gì?

Tim có bốn van—van động mạch chủ, van hai lá, van động mạch phổi và van ba lá—bảo đảm cho dòng máu chảy chính xác qua tim và đến phần còn lại của cơ thể. Máu có thể rò rỉ ngược chiều khi van bị hẹp hoặc không được đóng đúng cách.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh van tim thường là mệt mỏi. Các triệu chứng khác bao gồm ngất xỉu hoặc mất ý thức, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.

Ông Vassiliou cho biết, “Nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn tuổi có vấn đề về van tim, ngay cả khi không có biểu hiện của bất kỳ triệu chứng nào và chúng tôi đề nghị rằng nếu mọi người phát triển bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu mới nào liên quan đến bệnh tim thì hãy thảo luận vấn đề này với bác sĩ.”

“Việc chẩn đoán bệnh van tim chủ yếu dựa vào siêu âm tim qua thành ngực, tuy nhiên việc siêu âm thường chỉ được thực hiện nếu có các triệu chứng được báo cáo hoặc nếu nghe thấy tiếng thở bất thường khi khám thực thể. Việc nhận biết các triệu chứng có thể là một thách thức đối với người cao tuổi vì việc giảm các hoạt động thể chất hoặc suy giảm vận động cũng gây ra các triệu chứng tương tự,” ông nói thêm.

Tuổi tác là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tình trạng này, với tỷ lệ những người trên 75 tuổi mắc bệnh van tim từ trung bình đến nặng cao hơn ở và với những người trên 85 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên gấp đôi.

Các nguyên nhân phổ biến của bệnh van tim bao gồm tuổi tác, sốt thấp khớp do nhiễm trùng họng đến từ việc liên cầu khuẩn không được điều trị, nhồi máu cơ tim và huyết áp cao. Bệnh van tim có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian và hầu hết các phương pháp điều trị lâu dài thường liên quan đến phẫu thuật hoặc thay van.

Những giới hạn nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu thừa nhận có tồn tại một số hạn chế trong nghiên cứu. Đầu tiên, việc tham gia nghiên cứu là tự nguyện, điều này có thể gây ra sự thiên vị trong lựa chọn, vì những người yếu hơn có thể có nhiều khả năng tham gia hơn. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ bao gồm các bệnh nhân từ ba quận của Vương quốc Anh và thiếu sự đa dạng về sắc tộc.

James Leiper, phó giám đốc y tế tại Quỹ Tim mạch Anh, cho biết, “Cần nghiên cứu sâu hơn để xây dựng trên những nền tảng vững chắc và phát triển các phương pháp kiểm tra tính khả thi của việc xác định bệnh ở những cá nhân tham gia nghiên cứu.”

“Mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để loại trừ bệnh tim một cách triệt để. Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu cứu sinh để giảm tỉ lệ nhồi máu cơ tim.”

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Megan Redshaw
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn