Học thuyết tạng tượng
Học thuyết tạng tượng là một lý thuyết mang tính hệ thống độc đáo về sinh lý và bệnh lý trong Trung y. Đây cũng là phần cốt lõi, có ý nghĩa định hướng quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe, tuổi thọ, phòng ngừa bệnh tật, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng.
“Tạng tượng” dùng để chỉ các cơ quan mang tính âm, dương hay còn gọi là “tạng”, “phủ” cùng những dấu hiệu sinh lý, bệnh lý biểu hiện trên cơ thể, cũng như những sự vật, hiện tượng tương ứng với thiên nhiên.
“Tạng phủ” dùng để chỉ những bộ phận bên trong cơ thể, bao gồm ngũ tạng mang tính âm (can, tâm, tỳ, phế, thận), lục phủ mang tính dương (túi mật, tiểu trường, vị, đại trường, bàng quang, và tam tiêu) cùng các phủ đặc biệt (não, tủy, xương, mạch, túi mật, tế bào cái). Vì ngũ tạng là trung tâm của mọi cơ quan, nên khi đề cập đến “tạng phủ” cũng chính là để chỉ năm hệ thống sinh lý và bệnh lý của con người.
“Tượng” là đề cập đến biểu hiện ra bên ngoài của năm hệ thống sinh lý và bệnh lý này. “Tượng” có hai nghĩa: Một là ám chỉ các dấu hiệu sinh lý và bệnh lý bên ngoài, hai là đề cập đến kết quả thu được từ sự tương đồng giữa sự vật và hiện tượng ở môi trường tự nhiên bên ngoài.
Trung y phân biệt hoạt động của các cơ quan nội tạng bằng cách quan sát các dấu hiệu bên ngoài, tuân theo nguyên tắc rằng “các dấu hiệu bên ngoài sẽ phản ánh sâu sắc tình trạng của các cơ quan bên trong.”
Vì vậy, thuyết Tạng tượng lấy ngũ tạng làm cốt lõi, dùng hệ thống kinh mạch để kết nối lục phủ, ngũ tạng, ngũ giác, cửu khiếu trên cơ thể, bốn chi, và vô số xương, tạo nên một khối thống nhất toàn diện và liên kết với nhau trong cơ thể.
“Ngũ tạng” tượng trưng cho “năm hệ sinh lý” của cơ thể con người, tất cả các mô và cơ quan của cơ thể đều nằm trong năm hệ thống này. Dưới đây là các cấu trúc hệ thống với kết nối cụ thể như sau:
- Hệ can: gan – túi mật – gân – mắt – móng.
- Hệ tâm: tim – ruột non – mạch – lưỡi – mặt.
- Hệ tỳ: lá lách – bao tử – cơ – miệng – môi.
- Hệ phế: phổi – ruột già – da – mũi – lông.
- Hệ thận: thận – bàng quang – tủy xương – tai – tóc.
Năm hệ thống này không tách biệt với nhau mà được kết nối thông qua các kinh mạch cũng như dòng khí huyết. Sự phối hợp cùng có lợi của các chức năng của ngũ tạng là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng sinh lý trong cơ thể con người.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.