Hiệp hội Béo phì Âu Châu: Mở rộng chỉ định dùng thuốc và phẫu thuật để điều trị béo phì
Một hướng dẫn mới được công bố hôm 5/7 đã thách thức các hướng dẫn hiện hành về điều trị béo phì. Các tác giả đề xuất rằng thay vì chỉ dựa trên BMI, số đo vòng bụng cũng là chỉ số cần xem xét để tiến hành điều trị béo phì bằng thuốc và phẫu thuật.
Hiệp hội Nghiên cứu Béo phì Âu Châu cho biết: “Hệ thống chẩn đoán và quản lý béo phì không nên chỉ dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), vốn khiến nhiều người có thể được hưởng lợi từ việc điều trị nhưng không nằm trong chỉ định.”
Theo tuyên bố, việc chẩn đoán béo phì thường “chỉ dựa trên ngưỡng BMI” mà không tính đến sự phân bổ mỡ trong cơ thể và ảnh hưởng của yếu tố này đến mức độ bệnh. Đề xuất mới đang thách thức việc sử dụng các tiêu chí đo lường cơ thể như là thành phần duy nhất để chẩn đoán béo phì.
Sự tích tụ mỡ trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường và là yếu tố gây bệnh có giá trị hơn BMI — ngay cả với những người có ngưỡng BMI thấp hơn tiêu chuẩn béo phì (BMI 30).
BMI là chỉ số đo lường cân nặng của một người chia cho chiều cao, được chia thành các mức là béo phì, thừa cân, cân nặng khỏe mạnh hoặc thiếu cân. BMI không phải là thước đo lượng mỡ trong cơ thể, nhưng thường liên quan đến các phép đo lượng mỡ trực tiếp.
Các tiêu chuẩn cũ bị thách thức
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ số BMI từ 30 trở lên là béo phì. Ví dụ: một người cao 175cm, nặng 92kg trở lên được coi là béo phì. Một người cao 175 cm, nặng từ 75-90 kg được coi là thừa cân.
Hướng dẫn mới cho biết sự tích tụ mỡ bụng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả ở những người có chỉ số BMI thấp và “không có biểu hiện lâm sàng.”
Theo khuyến nghị mới, việc điều trị sẽ áp dụng cho cả những người thừa cân, người có nhiều mỡ bụng và có các triệu chứng béo phì như suy giảm chức năng hoặc tâm lý.
Các tác giả đồng ý với hướng dẫn hiện hành về điều trị béo phì, nhấn mạnh những thay đổi hành vi như cải thiện dinh dưỡng, tăng hoạt động thể chất, giảm căng thẳng và cải thiện thói quen ngủ. Họ đề xuất mở rộng phương pháp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật cho nhiều người hơn nhưng vẫn công nhận những khuyến nghị cơ bản này cho người béo phì và thừa cân.
Đề xuất điều trị bằng thuốc và phẫu thuật
Những người đứng đầu của hiệp hội khuyến nghị rằng nên tăng số người sử dụng thuốc điều trị béo phì, phẫu thuật giảm cân và các thủ thuật không phẫu thuật để kiểm tra đường tiêu hóa.
Việc điều trị áp dụng cho cả những người thừa cân nhưng không béo phì, có chỉ số BMI từ 25 đến 30, tỷ lệ vòng eo/cân nặng >0.5 và “có các vấn đề về y tế, chức năng hoặc tâm lý.” Ví dụ, người có vòng eo 100cm và cao 182cm sẽ đủ điều kiện để điều trị theo tiêu chí vòng eo.
Các tác giả cho biết: “Tuyên bố này kêu gọi các công ty dược phẩm và cơ quan quản lý sử dụng các tiêu chí gắn với giai đoạn lâm sàng của bệnh béo phì thay vì chỉ dựa trên chỉ số BMI để thiết kế các thử nghiệm lâm sàng với thuốc điều trị.”
“Tuyên bố cũng sẽ đưa việc quản lý béo phì đến gần hơn với việc quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm khác, trong đó tập trung vào lợi ích sức khỏe lâu dài hơn là kết quả ngắn hạn.”
Các nghiên cứu khác cho thấy chỉ thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên 200 phút mỗi tuần và điều chỉnh cách ăn uống cũng có thể giúp giảm cân.
Theo một bài báo trên Tập san Phẫu thuật Béo phì và các Bệnh liên quan, phẫu thuật giảm béo đã không phổ biến như mong đợi kể khi được giới thiệu vào đầu những năm 1980. Mỗi năm có khoảng 280,000 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật giảm cân và chỉ 1% trong số đó là những người đủ điều kiện.
Phẫu thuật thắt dạ dày theo chiều dọc, còn được gọi là “phẫu thuật thu nhỏ dạ dày,” đã bị loại bỏ phần lớn sau nhiều khiếu nại của bệnh nhân về giảm cân kém, tăng cân trở lại, khó nuốt và không dung nạp thức ăn đặc.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times