Lá lách kỳ diệu hoạt động không mệt mỏi, làm sạch máu và chống virus tấn công cơ thể
Hệ miễn dịch kỳ diệu (Phần 6)
Trong loạt bài “Hệ miễn dịch kỳ diệu” này, chúng ta sẽ khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch, vốn là những cơ quan hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ cơ thể. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những cách thiết thực để bảo vệ những món quà quan trọng mà Thần đã ban cho chúng ta.
Bài trước: Hệ bạch huyết không chỉ là bộ phận bảo vệ không thể thiếu mà còn có thể là con đường ngầm giúp chất độc phát tán khắp cơ thể. Hệ bạch huyết còn có thể là con đường lây lan của vaccine COVID-19, có liên quan đến các biến cố nghiêm trọng đe dọa tính mạng ở não và tim.
Nếu cơ thể là một quốc gia thì hệ bạch huyết sẽ là hệ thống chế biến rác thải. Còn đối với hệ tuần hoàn máu thì lá lách sẽ là trạm chỉ huy chung với một nhà máy sản xuất vũ khí, một trạm tái sinh trung tâm và một trạm kiểm tra giám sát.
Lá lách, vốn là cơ quan bạch huyết lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thời đại COVID-19. Tuy nhiên, đây lại là một trong những cơ quan ít được hiểu biết nhất.
Lá lách ‘kỳ quặc’
Lá lách là một cơ quan có kích thước bằng nắm tay, hình hạt cà phê, màu tím đỏ, nằm dưới khung xương sườn ở phía bên trái của bụng, bên cạnh dạ dày.
Thật kỳ lạ, lá lách được liên kết với một loạt các số “lẻ”: 1, 3, 5, 7, 9 và 11. Lá lách dày khoảng 1 inch (2.54 cm), rộng 3 inch (7.62 cm), dài 5 inch (12.7 cm), nặng khoảng 7 ounce (198g) và nằm giữa xương sườn thứ 9 và thứ 11.
Lá lách gồm hai loại mô chủ yếu: tủy đỏ, chứa các tế bào hồng cầu và mô tĩnh mạch; tủy trắng, chứa các tế bào bạch cầu điều hòa phản ứng viêm và đóng vai trò quan trọng chống lại mầm bệnh.
Cơ quan quan trọng đa chức năng
Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng lá lách thực hiện vô số chức năng quan trọng. Lá lách minh họa cho sự kỳ diệu về khả năng một cơ quan đa chức năng của cơ thể người
Lá lách là nơi dự trữ máu cho cơ thể, bên cạnh chức năng điều hòa miễn dịch, tạo ra các kháng thể và lọc máu để loại bỏ mầm bệnh, đặc biệt là mầm bệnh có vỏ bao. Đây là những vi khuẩn được bảo vệ kép, có khả năng chống lại khả năng miễn dịch của cơ thể cao hơn và xâm lấn hơn (ví dụ: Streptococcus pneumonia).
Lá lách cũng loại bỏ các tế bào máu cũ và kiểm soát lưu lượng tuần hoàn, đồng thời tạo ra lượng máu dự trữ quan trọng có thể bù đắp khi cơ thể bị chấn thương và chảy máu nghiêm trọng.
Ba chức năng chính của lá lách
- Lọc máu để loại bỏ vi trùng và virus xâm nhập
Mầm bệnh thường sẽ bị hệ hạch bạch huyết trung hòa hoặc tiêu diệt. Tuy nhiên, bất kỳ mầm bệnh nào tránh được quá trình lọc sẽ tiếp tục lưu thông trong dòng chảy bạch huyết và cuối cùng sẽ được tái tuần hoàn trong máu.
Khi ở trong máu, có một bộ lọc hiệu quả khác để loại bỏ các tác nhân gây hại này đó là lá lách. Khi máu đi qua lá lách thì các thành phần gây bệnh như mảnh vụn, vi khuẩn và ký sinh trùng nhanh chóng bị loại bỏ, làm sạch máu.
Điều này chủ yếu được thực hiện trong mô bạch huyết dồi dào của lá lách—tức là “tủy trắng”—với sự trợ giúp của các đại thực bào, vốn là những kẻ ăn xác thối mạnh mẽ có thể nuốt chửng và phân hủy các tế bào chết, mảnh vụn, tế bào khối u và các vật lạ.
Trong quá trình nhiễm trùng mãn tính, và tương tự như các hạch bạch huyết, lá lách có thể bị viêm do tích tụ mầm bệnh, khi đó lá lách sẽ to ra.
Ngoài ra, các tế bào B, vốn là một loại tế bào bạch cầu, tạo ra các protein chống nhiễm trùng được gọi là kháng thể có thể tấn công vi khuẩn. Việc sản xuất kháng thể của các tế bào B là một trong những đóng góp quan trọng nhất của lá lách đối với khả năng miễn dịch.
- Sản xuất và tái chế hồng cầu
Cơ thể chứa ba loại tế bào máu chính: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Lá lách có chức năng thiết yếu là tạo ra và tái chế hồng cầu, giúp máu khỏe mạnh và sạch sẽ.
Từ tuần thứ 12 đến 28 của quá trình phát triển bào thai, lá lách tạo ra hầu hết các tế bào hồng cầu. Sau tuần 28, tủy xương tiếp nhận vai trò này và trở thành nơi sản xuất hồng cầu chính.
Tuổi thọ trung bình của các tế bào hồng cầu của con người là khoảng 120 ngày lưu thông, sau đó thì bị các đại thực bào nuốt chửng.
Đây là một quá trình rất hiệu quả, vì các đại thực bào hấp thụ khoảng 5 triệu tế bào hồng cầu mỗi giây mà không có bất kỳ sự rò rỉ đáng kể nào của các thành phần tế bào hồng cầu vào hệ tuần hoàn.
Máu trong lá lách chảy qua một mạng lưới duy nhất được thiết kế để thực hiện quá trình làm sạch này. Hãy tưởng tượng lá lách là nhà máy và vi tuần hoàn lách là dây chuyền lắp ráp. Máu đi vào nhà máy thông qua các mạch máu nhỏ ở lách và đi qua một mạng lưới gọi là tủy đỏ, giống như trạm kiểm soát chất lượng kiểm tra từng tế bào máu xem có bị hư hại hay không.
Hãy nghĩ về đại thực bào như những công nhân trên dây chuyền lắp ráp loại bỏ bất kỳ tế bào nào không vượt qua bài kiểm tra chất lượng. Khi các tế bào máu đi qua tủy đỏ và vào mạng lưới, chúng bị bóp chặt và ép.
Việc bóp chặt giúp xác định bất kỳ tế bào bị hư hỏng nào có thể đã vượt qua bài kiểm tra kiểm soát chất lượng. Nếu các tế bào bị tổn thương, chúng sẽ vỡ ra và các tế bào của lá lách sẽ tiêu hóa các thành phần bị vỡ ra này.
Các sản phẩm của quá trình tiêu hóa đó chủ yếu được cơ thể tái sử dụng làm chất dinh dưỡng, thường là để tạo ra các tế bào máu mới.
- Tạo máu dự trữ
Một chức năng quan trọng khác của lá lách là khả năng tạo ra thêm lượng máu dự trữ trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp cơ thể gặp vấn đề về cung cấp máu, chẳng hạn như sốc hoặc mất máu, lá lách có thể thu nhỏ kích thước và cung cấp tới 100ml máu vào lưu lượng tuần hoàn, chiếm 2% lượng máu toàn bộ cơ thể.
Kết cục không mong muốn của COVID trên lách
Ở bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ thường không kiểm tra lá lách, mặc dù lá lách có thể bị virus ảnh hưởng đáng kể, vì vậy tình trạng tổn thương lá lách có thể không được chú ý cho đến khi vấn đề lớn phát sinh.
SARS-CoV-2 có thể tàn phá lá lách như thế nào
Một nghiên cứu khám nghiệm tử thi cho thấy rằng nhiễm SARS-CoV-2 có thể liên quan đến những thay đổi bệnh lý ở hạch bạch huyết và lá lách, có thể gây tổn thương tế bào nghiêm trọng và làm giảm các tế bào miễn dịch.
Nghiên cứu này cho thấy SARS-CoV-2 có thể làm hỏng lá lách và các hạch bạch huyết bằng cách lây nhiễm trực tiếp cho chúng hoặc qua việc kích hoạt sản xuất interleukin 6 (IL-6). Điều này có thể dẫn đến cái chết của các tế bào miễn dịch, sự co lại của các nốt lách và giảm tế bào lympho.
Nghiên cứu này cũng phát hiện rằng một loại protein gọi là acid béo tổng hợp (FAS), vốn điều chỉnh sự chết của tế bào, đã tăng đáng kể ở những lá lách bị nhiễm virus so với những lá lách khỏe mạnh.
Nghiên cứu này cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang lá lách và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch chứ không chỉ phổi. Điều này giúp giải thích tại sao bệnh nhân COVID-19 có thể gặp phải các kết quả nghiêm trọng liên quan đến lá lách.
Nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến kích thước lá lách
Một nghiên cứu đã xem xét 160 bệnh nhân COVID-19 cấp tính và phát hiện rằng kích thước và thể tích lá lách tăng lên đáng kể trong giai đoạn đầu nhập viện. Điều này có thể là do phản ứng miễn dịch của cơ thể hoặc các yếu tố khác. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng COVID-19 cũng liên quan đến việc lá lách to.
Một nghiên cứu khác cho thấy những bệnh nhân hồi phục sau COVID-19 có kích thước lá lách nhỏ hơn đáng kể so với những người khỏe mạnh. Ngoài ra, số lượng tế bào T chống nhiễm trùng trong cơ thể ở những bệnh nhân bị viêm phổi nặng thấp hơn so với những người bị viêm phổi vừa phải.
Cả hai nghiên cứu đều nhấn mạnh tác động đáng kể của COVID-19 đối với lá lách. Sự khác biệt về kích thước lá lách giữa hai nghiên cứu có thể được giải thích là do các giai đoạn khác nhau của COVID-19 và tác động đối với các tế bào chống nhiễm trùng, viêm nhiễm và tế bào máu.
COVID-19 có thể gây vỡ lá lách và ‘nhồi máu’
Lá lách là cơ quan có nhiều mạch máu nhất trong cơ thể. Bất kỳ chấn thương nghiêm trọng hoặc chảy máu từ lá lách đều có thể dẫn đến mất máu đáng kể, dẫn đến thiếu cân bằng nội môi và trong một số trường hợp, thậm chí tử vong. Tổn thương lách thường gặp trong chấn thương bụng kín.
Tương tự như đột quỵ não hoặc tim, lá lách cũng có thể bị “nhồi máu” khi động mạch lách hoặc các nhánh của nó bị cục máu đông chặn lại.
Trong ba năm qua, nghiên cứu đã tìm thấy khá nhiều trường hợp COVID-19 bị “nhồi máu” lá lách được báo cáo trên toàn thế giới:
- Ba trường hợp người Brazil bị nhồi máu lách và nhiều cơ quan khác.
- Một trường hợp ở Thụy Sĩ, một thanh niên 17 tuổi khỏe mạnh bị nhồi máu não và cũng bị nhồi máu lách.
- Một trường hợp ở Vương quốc Anh đã được báo cáo với tình trạng nhồi máu lách nghiêm trọng do COVID-19 gây ra.
- Một trường hợp ở Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo một bệnh nhân 68 tuổi bị nhồi máu lách và thuyên tắc phổi.
- Các bác sĩ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã báo cáo một bệnh nhân nữ 23 tuổi khỏe mạnh trước đây nhiễm COVID-19 bị nhồi máu lách là triệu chứng ban đầu.
Tất cả những điều này có thể là do COVID-19 có thể gây ra hiện tượng đông máu trong các mạch máu nhỏ ở lá lách, điều này có thể dẫn đến mô lá lách bị chết. Trong một số trường hợp, lá lách thậm chí có thể tự vỡ .
Các trường hợp vỡ lách tự phát không do chấn thương thứ phát do bệnh COVID-19 đã được báo cáo ở một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Iran, Ý, Vương quốc Anh và Ả Rập Saudi.
Những trường hợp nghiêm trọng này một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm tim, não và một cơ quan thường bị lãng quên—lá lách.
Các triệu chứng của đột quỵ não và đột quỵ tim được biết đến rộng rãi, nhưng các triệu chứng của đột quỵ lá lách, với khả năng đe dọa tính mạng (vỡ lách) thường không được nhận biết.
Đau bụng bên trái, có hoặc không có buồn nôn và nôn, nên được theo dõi cẩn thận để loại trừ khả năng nhồi máu lá lách. Khi lá lách bị vỡ thì thường phải phẫu thuật cắt bỏ lá lách.
Bài tiếp theo: Các dấu hiệu cảnh báo lá lách không khỏe mạnh và 6 cách thiết thực bảo vệ lá lách
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times