Bảo vệ tuyến ức: Cơ quan miễn dịch có thể tái tạo với những lợi ích đáng ngạc nhiên
Hệ miễn dịch kỳ diệu (Phần 9)
Trong loạt bài “Hệ miễn dịch kỳ diệu” này, chúng ta sẽ khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch, vốn là những cơ quan hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ cơ thể. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những cách thiết thực để bảo vệ những món quà quan trọng mà Thần đã ban cho chúng ta.
Tuyến ức là một trong những cơ quan miễn dịch thiết yếu nhất của cơ thể nhưng ít được biết đến.Tuyến ức bắt đầu phát triển trước khi sinh và có chức năng cao nhất trong độ tuổi từ 7 đến 25.
Tuyến ức giống như một căn cứ quân sự huấn luyện binh lính—các tế bào T—để chiến đấu bảo vệ hệ miễn dịch chống lại các mối nguy hiểm như COVID-19 và ung thư.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng khả năng kích thích tạo tế bào T hiệu quả của tuyến ức giảm dần theo tuổi tác. Tuyến ức teo nhỏ hoặc thoái hóa có thể góp phần làm giảm chức năng miễn dịch tổng thể khi người ta già đi.
Chúng ta sẽ thảo luận thêm về mối liên quan giữa tuyến ức và các bệnh tự miễn, các yếu tố có thể gây teo tuyến ức—và các chiến lược bảo vệ và duy trì chức năng tuyến ức nhằm duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.
Các yếu tố gây teo tuyến ức
Tuyến ức teo dần theo tuổi tác là một hiện tượng sinh lý thường thấy; đây là một quá trình phức tạp có thể bị đẩy nhanh do nhiều nguyên nhân khác nhau như suy dinh dưỡng, nhiễm vi khuẩn hoặc virus, tình trạng căng thẳng và nghiện rượu.
Giáo sư Jarrod Dudakov tại Khoa Miễn dịch học của Đại học University of Washington đã công bố một bài nghiên cứu trên tập san Lĩnh vực Miễn dịch học cung cấp đánh giá chuyên sâu về lý do teo tuyến ức.
1. Thiếu chất dinh dưỡng
Khi cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng thì rối loạn tiêu hóa phát triển, dẫn đến suy giảm chức năng tuyến ức và đẩy nhanh quá trình thoái hóa tuyến ức.
Hơn nữa, sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong cơ thể, như kẽm và chất chống oxy hóa, có thể đẩy nhanh quá trình teo tuyến ức.
2. Căng thẳng
Tuyến ức rất nhạy cảm với tình trạng teo cấp tính do căng thẳng gây ra và thường được gọi là “áp kế đo mức độ căng thẳng” của cơ thể. Càng căng thẳng thì tuyến ức càng co lại và bị teo trong thời gian rất ngắn.
Glucocorticoid là chất gây chết tế bào mạnh và có thể khiến tuyến ức co lại nhanh chóng bằng cách làm tế bào tuyến ức chết đi. Trong những tình huống căng thẳng thì glucocorticoid nhắm vào thymocytes, một loại tế bào tuyến ức quan trọng.
3. Nhiễm khuẩn
Theo bài viết của giáo sư Dudakov, mặc dù ít được nghiên cứu hơn nhưng tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng làm suy yếu chức năng tuyến ức, chủ yếu bằng cách gây ra quá trình chết theo chương trình sớm (chết tế bào theo chương trình) trong tuyến ức, dẫn đến tuyến ức bị teo cấp tính.
Nhiễm vi trùng Streptococcus suis có thể gây teo tuyến ức bằng cách kích hoạt các con đường tiền chết theo chương trình trong tế bào tuyến ức. Ngoài ra, nhiễm vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis cũng có thể gây teo tuyến ức bằng cách thay đổi nồng độ glucocorticoid.
4. Nhiễm SARS-CoV-2
Một nghiên cứu khác được công bố trên tập san Vi sinh Canada cho thấy bệnh nhân COVID-19 (do SARS-CoV-2 gây ra) có thể có những thay đổi bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến ức và có thể có ít tế bào lympho hơn. Điều này có ảnh hưởng đến chứng teo tuyến ức hay không vẫn chưa được xác nhận.
5. Nghiện rượu
Một nghiên cứu khám nghiệm tử thi của Nga cho thấy thể tích mô tuyến ức ở 54 người nghiện rượu nhỏ hơn đáng kể so với 53 người không nghiện rượu ở độ tuổi đối chứng. Nghiên cứu đã báo cáo những phát hiện tương tự liên quan đến mô lá lách.
6. Thiếu ngủ
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thiếu ngủ góp phần làm teo tuyến ức.
7. Teo tuyến ức do điều trị
Việc áp dụng liệu pháp ức chế miễn dịch, như hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư hoặc trước khi cấy ghép không chỉ làm hỏng các tế bào khối u và tế bào miễn dịch ngoại vi mà còn có những tác động nghiêm trọng đối với môi trường vi mô tuyến ức, dẫn đến số lượng tế bào lympho T ít hơn.
Tuyến ức rất nhạy cảm với hóa trị. 90% bệnh nhân được nghiên cứu trong quá trình điều trị hóa trị cho thấy tuyến ức bị teo, với sự giảm thể tích tuyến ức trung bình 43% trong đợt hóa trị đầu tiên và 36% trong đợt hóa trị thứ hai.
Tuyến ức có thể tái sinh
Mặc dù có thể thoái hóa nhưng tuyến ức cũng có khả năng tái sinh mạnh mẽ. Trong nghiên cứu hóa trị mô tả ở trên thì tuyến ức tái phát triển được quan sát thấy ở 90% bệnh nhân trong nghiên cứu.
Tái tạo tế bào T sau hóa trị liệu phụ thuộc vào chức năng còn lại của tuyến ức và tuổi tác
Một nghiên cứu do Viện nghiên cứu Scripps thực hiện đã phát hiện rằng tuyến ức đóng vai trò trong việc phục hồi quần thể tế bào T sau khi giảm bạch cầu do hóa trị liệu. Tuyến ức to lên thấy rõ ở bệnh nhân trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi nhưng không thấy ở bệnh nhân lớn tuổi (70 đến 91 tuổi).
Nghiên cứu cho thấy tuyến ức trưởng thành có khả năng tái tạo và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại nhóm tế bào T ngoại vi sau tình trạng giảm bạch cầu do hóa trị liệu, ít nhất là cho đến tuổi trung niên.
Nghiên cứu khác cho thấy tuyến ức có thể tái tạo một tế bào bạch cầu quan trọng (tế bào lympho T CD4+) ở trẻ em đang trải qua hóa trị, nhưng khả năng đó giảm dần theo tuổi tác, thậm chí ngay sau tuổi vị thành niên. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn chức năng tuyến ức còn sót lại ở bệnh nhân trước khi trải qua hóa trị để tạo điều kiện tái tạo tế bào T nhanh chóng.
Tầm quan trọng của các tế bào miễn dịch mà tuyến ức tạo ra đã khơi dậy mối quan tâm trong việc tìm ra các cách để tái tạo tuyến ức. Các nhà khoa học đã đề xuất một số chiến lược trị liệu để tăng cường tái tạo tuyến ức, bao gồm các cytokine, các yếu tố tăng trưởng, hormone hoặc chất trung gian giống hormone và phương pháp tiếp cận dựa trên tế bào.
Giáo sư Dudakov đã đề xuất nhiều kỹ thuật để bảo vệ tuyến ức, trong đó có một kỹ thuật kích hoạt trực tiếp các tế bào có khả năng sản xuất tế bào tuyến ức trong tủy xương hoặc trong tuyến ức. Ông cho biết việc tạo ra các quần thể tế bào tiền thân này tiến hóa thành các tế bào tuyến ức trưởng thành có thể cải thiện chức năng tuyến ức.
Các chiến lược bảo vệ tuyến ức
Có rất nhiều kỹ thuật đơn giản và hiệu quả giúp bảo vệ tuyến ức và tăng cường khả năng miễn dịch.
1. Tiêu thụ thực phẩm thân thiện với tuyến ức
Nhiều chất dinh dưỡng đóng vai trò là đồng yếu tố trong quá trình tổng hợp, bài tiết và hoạt động của các hormone tuyến ức. Sự thiếu hụt dinh dưỡng cụ thể có thể dẫn đến hoạt động của hormone tuyến ức bị suy giảm và chức năng miễn dịch kém.
Một số chất dinh dưỡng quan trọng nhất để bảo vệ tuyến ức là kẽm, vitamin E và vitamin C. Những chất dinh dưỡng này thúc đẩy hoạt động của hormone tuyến ức và khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào.
Một nghiên cứu về miễn dịch học năm 2022 đã xác nhận rằng việc bổ sung kẽm có thể làm giảm bớt tình trạng teo tuyến ức bằng cách tăng cường các tế bào miễn dịch.
Thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng trợ giúp tuyến ức này bao gồm:
- Kẽm: hàu, thịt bò, thịt gà, đậu phụ, thịt heo, quả hạch, hạt, đậu lăng, sữa chua, bột yến mạch và nấm.
- Vitamin C: ổi, ớt bell, kiwi, dâu tây, cam, đu đủ, bông cải xanh, cà chua, cải xoăn và đậu tuyết.
- Vitamin E: hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí ngô, kiwi, cá hồi, tôm, dầu ô liu, dầu mầm lúa mì và bông cải xanh — nguồn cung cấp vitamin E chính trong thực đơn ăn uống là dầu thực vật, như đậu tương, hướng dương, ngô và quả óc chó.
2. Giảm căng thẳng
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thiền là một phương pháp quản lý căng thẳng hiệu quả. Theo tập san Sức khỏe Harvard, nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng thiền tĩnh lặng có thể có tác dụng giảm căng thẳng lâu dài hơn so với việc đi nghỉ.
3. Tập thể dục thường xuyên
Một nghiên cứu trên tập san Tế bào Lão hóa đã so sánh hệ miễn dịch của những người trưởng thành từ 55 đến 79 tuổi, những người đã hoạt động thể chất trong phần lớn thời gian cuộc đời với hệ miễn dịch của những người lớn tuổi không hoạt động và những người trẻ tuổi không tập thể dục thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng những người đạp xe thường xuyên có lượng cytokine trong máu cao hơn giúp bảo vệ tuyến ức, chẳng hạn như IL-7. Mức độ IL-6, một loại cytokine gây teo tuyến ức, thấp hơn ở những người đi xe đạp.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy chức năng miễn dịch suy giảm ít hơn theo tuổi tác ở những người đi xe đạp. Nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất giúp làm chậm lại một số thay đổi liên quan đến tuổi tác xảy ra trong hệ miễn dịch.
Hơn nữa, nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục có tác động tích cực đến hệ miễn dịch. Người ta đã công nhận rộng rãi rằng tập thể dục cường độ vừa phải kéo dài tới 45 phút mang lại lợi ích cho phản ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là đối với người lớn tuổi và những người bị bệnh mạn tính.
Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu, đưa các chất dinh dưỡng đến các khu vực quan trọng nhất của cơ thể và loại bỏ các chất thải. Tập thể dục cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến các vi sinh vật truyền nhiễm khó tồn tại hơn. Ngoài ra, tập thể dục có thể cải thiện giấc ngủ, giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
4. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là rất quan trọng để có hệ miễn dịch khỏe mạnh và sức khỏe tổng thể. Ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm tốt cho tuyến ức và giữ cho hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất.
5. Tránh tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường
Việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như độc tố môi trường, khói thuốc lá, rượu và hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến tuyến ức.
Nên tránh sử dụng thuốc càng nhiều càng tốt. Các loại thuốc như corticosteroid có thể có tác dụng có hại đối với chức năng tuyến ức nếu sử dụng lâu dài hoặc quá mức. Hãy làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tìm ra các phương pháp điều trị thay thế hoặc giảm thời gian và liều lượng thuốc.
Tóm lại, tuyến ức khỏe mạnh là rất quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch. Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa teo và khuyến khích tái tạo tuyến ức. Những chiến lược cụ thể này bảo vệ tuyến ức và giúp duy trì chức năng của tuyến ức trong suốt cuộc đời.
Bài tiếp theo: Miễn dịch bắt nguồn từ đâu? Bạn có thể ngạc nhiên
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times