8 cách giữ cho tủy xương mạnh khỏe để ngăn ngừa bệnh ung thư
Hệ miễn dịch kỳ diệu (Phần 11)
Trong loạt bài “Hệ miễn dịch kỳ diệu” này, chúng ta sẽ khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch, vốn là những cơ quan hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ cơ thể. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những cách thiết thực để bảo vệ những món quà quan trọng mà Thần đã ban cho chúng ta.
Ung thư máu là một trong 10 bệnh ung thư hàng đầu ở Hoa Kỳ gây ra do sự bất thường của tế bào gốc tủy xương.
Tủy xương dễ bị tổn thương trước nhiều yếu tố có hại và lối sống. Chúng ta sẽ đi sâu vào các tình trạng này và khám phá các phương pháp để giữ cho phân xưởng tế bào quan trọng này khỏe mạnh.
Ung thư máu là căn bệnh phổ biến và chết người
Ung thư máu chiếm khoảng 3% tất cả các trường hợp ung thư mới được chẩn đoán và gần 4% tất cả các trường hợp tử vong do ung thư tại Hoa Kỳ.
Tế bào gốc liên tục phân chia trong tủy xương để bổ sung nhiều tế bào máu. Nhiều yếu tố từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài có thể dẫn đến đột biến tế bào gốc, dẫn đến hiện tượng phát triển bất thường và phân chia quá nhanh. Kết quả là các tế bào ung thư có thể nhiều hơn các tế bào khỏe mạnh trong máu.
Do đó, bệnh nhân ung thư máu có thể bị chảy máu hoặc bầm tím do thiếu tiểu cầu có chức năng bình thường hoặc họ có thể mệt mỏi rất nhanh do thiếu các tế bào hồng cầu bình thường. Họ cũng trở nên rất dễ bị nhiễm trùng vì thiếu các tế bào bạch cầu bình thường.
Bảo vệ và trợ giúp chức năng tủy xương
Có nhiều yếu tố liên quan đến sự tăng nguy cơ bị các loại bệnh ung thư máu khác nhau. Cần tránh các yếu tố này và thực hiện các phương pháp khác giúp duy trì tủy xương khỏe mạnh.
1. Tránh hóa chất độc hại
Tiếp xúc với benzen là một yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh bạch cầu. Thật không may, hóa chất này được sử dụng rất nhiều trong các sản phẩm từ quần áo đến nhựa. Benzen được thêm vào rất nhiều hóa chất khác đến nỗi trở thành tạp chất thường xuyên có trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Dễ tránh hơn là Azathioprine, một loại thuốc ức chế miễn dịch gây độc cho tủy xương.
Tiếp xúc với hóa trị như tác nhân alkyl hóa và chất ức chế topoisomerase II có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư máu.
2. Tránh bức xạ điện từ
Khi một tế bào phân chia, DNA của tế bào cần được nhân đôi và phân tách. Một nhóm các nhà di truyền học và ngôn ngữ học người Nga, do Peter Garyaev đứng đầu, đã tiến hành các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng DNA có khả năng độc đáo thu hút các photon di chuyển dọc theo cấu trúc xoắn của phân tử DNA.
Điều này cho thấy DNA không chỉ là một phân tử sinh học mà còn là một phân tử mang năng lượng.
Việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa, bao gồm cả tia X, đặc biệt có hại cho DNA của các tế bào tủy xương, làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư máu do xạ trị.
Một nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm gồm 308,297 công nhân được theo dõi bức xạ từ Pháp, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cho thấy bằng chứng quan trọng về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với bức xạ liều thấp kéo dài với các loại bệnh ung thư máu khác nhau với nguy cơ tử vong cao hơn.
Kết quả của một nghiên cứu đối chứng ở Ý cho thấy nguy cơ bị ung thư máu cao ở trẻ em tiếp xúc với từ trường từ đường dây điện.
3. Tránh nhiễm virus
Một số bệnh nhiễm virus, chẳng hạn như virus gây bệnh bạch cầu tế bào T ở người và virus Epstein-Barr, có liên quan đến các phân nhóm cụ thể của bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính.
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người, virus gây bệnh AIDS, cũng có thể ảnh hưởng đến tủy xương, gây ra tình trạng viêm mạn tính và kích hoạt miễn dịch, có thể làm cạn kiệt khả năng sản xuất tế bào máu mới của tủy xương.
4.Tránh ăn nhiều chất béo và béo phì
Trong một thời gian dài, chất béo trong tủy xương được coi là không đáng kể và bị bỏ qua trong vai trò góp phần vào sự phát triển và bệnh tật của cơ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ những tác động đáng kể của chất béo trong tủy xương đối với sức khỏe. Tích lũy chất béo trong tủy xương hiện có liên quan đến các tình trạng như loãng xương, tiểu đường loại 1, bệnh Cushing, thiếu hụt estrogen, chán ăn tâm thần và di căn xương trong ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Tủy xương cũng là nơi phản ứng sớm và nhạy cảm với những thay đổi trong thực đơn ăn uống, đặc biệt là hàm lượng chất béo. Điều này cho thấy tủy xương đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phản ứng viêm do thức ăn gây ra và các bệnh liên quan.
5. Bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa
Khi tủy xương khỏe mạnh và có các nguyên liệu thô cần thiết, chẳng hạn như sắt, folate và vitamin B12 thì tủy xương có thể đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu ngày càng tăng.
Thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có thể giúp ích cho sức khỏe của tủy xương gồm có:
- Vitamin A cần thiết cho quá trình sản xuất và chức năng của nhiều loại tế bào trong tủy xương và trợ giúp khả năng miễn dịch.
- Vitamin B12 và acid folic tham gia vào quá trình tổng hợp, sửa chữa DNA và rất quan trọng để tạo ra các tế bào hồng cầu trong tủy xương.
- Vitamin D và calcium phối hợp với nhau để duy trì sức khỏe của xương, răng và trợ giúp chức năng của các tế bào tủy xương.
- Sắt cần thiết để tạo ra huyết sắc tố, một thành phần của tế bào hồng cầu trong tủy xương.
- Kẽm trợ giúp chức năng miễn dịch, có liên quan chặt chẽ đến quá trình sản xuất tế bào trong tủy xương.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa tủy xương. Thực phẩm nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như quả mọng, các loại hạt (nhân của các loại hạt có vỏ cứng) và chocolate, có thể giảm tổn thương oxy hóa và giảm phơi nhiễm phóng xạ của tủy xương.
6. Tập thể dục thường xuyên
Không gì ngạc nhiên khi tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng tủy xương khỏe mạnh. Tập thể dục có thể làm tăng số lượng tế bào gốc trong tủy xương, tăng quá trình tạo máu và trẻ hóa mô và cơ quan.
7. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y học Tự nhiên đã tiết lộ mối liên hệ thú vị giữa căng thẳng, tủy xương và nguy cơ bị bệnh tim.
Nghiên cứu này cho thấy căng thẳng tâm lý xã hội kích thích quá mức tế bào gốc tủy xương, sau đó sản sinh ra quá nhiều tế bào viêm như bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân. Những tế bào này tràn vào dòng máu và tích tụ trong động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Một nghiên cứu khác về những bệnh nhân ung thư máu mạn tính cho thấy căng thẳng có liên quan đến các quá trình miễn dịch và viêm góp phần làm tăng nhanh các tế bào ung thư.
8. Hãy tĩnh lặng và tích cực
Bởi vì tâm trí và cơ thể được kết nối với nhau ở cấp độ tế bào, phân tử và năng lượng, nên trạng thái tĩnh lặng có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng với gần 70% bệnh nhân ung thư huyết học có triệu chứng mệt mỏi tham gia. Chỉ sau một buổi tập thở tĩnh lặng kéo dài 30 phút, các bệnh nhân cho biết tình trạng mệt mỏi giảm đáng kể.
Ung thư máu có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày đã được chứng minh là có tác dụng đáng kể đối với sức khỏe và tinh thần.
Bài tiếp theo: Hệ miễn dịch kỳ diệu: Một kiệt tác về thiết kế và khả năng phục hồi cho sức khỏe suốt đời
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times