Hầu hết bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa trị được, nhưng loại thuốc giá rẻ và hiệu quả thường khan hiếm
Khi cô Laura Bray nghe thấy những từ tàn khốc như “bệnh bạch cầu” mà bác sĩ nói về cô con gái 9 tuổi của mình, thế giới của cô như sụp đổ.
Bé Abby được chẩn đoán sớm về bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL). Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và bác sĩ rất lạc quan về cơ hội của bé. Họ ước tính bé Abby có 90% cơ hội thuyên giảm bệnh hoàn toàn, trong đó tất cả dấu hiệu ung thư và tế bào ung thư biến mất.
Phác đồ điều trị ALL thường là thuốc pegaspargase, vì thuốc khá thành công với bệnh nhân như bé Abby. Tuy nhiên, trong đợt hóa trị đầu tiên, bé Abby lại có phản ứng phản vệ với thuốc.
Cô Bray nói với The Epoch Times, “Kế hoạch B duy nhất là Erwinaze, vốn đang thiếu hụt trên toàn quốc (và điều này đã tồn tại từ nhiều năm). Đó là lúc tôi biết về một sự thật tàn khốc: Đang có tình trạng thiếu thuốc cứu mạng tại Hoa Kỳ.”
Tình trạng thiếu thuốc làm giảm sự tiến bộ trong điều trị ung thư nhi khoa
Sự thiếu hụt về công nghệ đã từng là thách thức đối với điều trị ung thư ở trẻ em. Nhưng thời nay, điều khiến bác sĩ ung thư lo sợ là tình trạng thiếu hụt các loại thuốc hiệu quả.
Theo một tổng quan năm 2022 về các cuộc khảo sát được công bố trên tập san Thực hành Ung thư JCO của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 75% bác sĩ ung thư ở Hoa Kỳ không thể kê thuốc hóa trị phù hợp do tình trạng thiếu thuốc, từ tháng 12/2019 đến tháng 07/2020. Tình trạng này buộc bác sĩ phải lựa chọn các phương pháp thay thế kém hiệu quả hơn, trì hoãn điều trị hoặc giảm liều điều trị.
Tiến sĩ Sarah Leary, bác sĩ điều trị và giám đốc y tế của Chương trình U não Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle, nói với The Epoch Times, “Hầu hết mọi người không nhận ra rằng hơn 80% bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi được. Vấn đề cốt lõi của việc điều trị là những loại thuốc phổ biến, cũ hơn không được sản xuất để cung ứng. Nếu chúng ta không có loại thuốc này, trẻ em sẽ không thể được chữa khỏi.”
Mỗi ngày, Seattle Children’s, một trong những trung tâm ung thư nhi khoa lớn nhất quốc gia, phải vật lộn với áp lực thiếu thuốc. Bác sĩ ung thư và dược sĩ tại đây thường buộc phải điều trị theo nhóm để “không lãng phí một giọt thuốc nào.”
Các dược sĩ của bệnh viện yêu cầu thuốc hàng tuần, nhưng không chắc liệu nhà sản xuất có đáp ứng được nhu cầu của bệnh viện hay không. Bà Tara Wright, tiến sĩ dược lý và là dược sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle, cho biết, “Đó là một tình trạng đầy bất ổn, không biết liệu chúng tôi có nhận được loại thuốc cần thiết để điều trị cho bệnh nhân hay không.”
May mắn thay, Seattle Children’s vẫn cung cấp được cho nhiều trẻ em các loại thuốc cần thiết để chống lại bệnh ung thư. Bà Wright và Tiến sĩ Leary cho rằng điều này là do bệnh viện có quy mô lớn. Tuy nhiên, các bệnh viện nhỏ hơn đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để có được những loại thuốc khan hiếm. Tuy nhiên, Seattle Children’s vẫn “phụ thuộc vào quyết định của nhà sản xuất thuốc.”
Điều gì dẫn đến tình trạng thiếu hụt loại thuốc quan trọng?
Theo Dược điển Hoa Kỳ (USP), một tổ chức bất vụ lợi chuyên theo dõi tình trạng thiếu hụt và hợp lý hóa việc tiếp cận thuốc, các loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu cho trẻ em, thường là thuốc chích vô trùng đời cũ với số lượng hạn chế hoặc không có chất thay thế, có nguy cơ thiếu hụt cao hơn 90% so với các loại thuốc thông thường.
Những lý do chính cho sự thiếu hụt này là tính phức tạp trong sản xuất, thách thức về địa lý và vấn đề kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, yếu tố phổ biến nhất là nhu cầu cao đối với loại thuốc cũ và tiết kiệm chi phí này. Bà Vimala Raghavendran, phó chủ tịch phát triển sản phẩm tin học tại USP, nói với The Epoch Times, “Có một mối tương quan rõ ràng giữa thuốc giá rẻ và tình trạng thiếu hụt.”
Tiến sĩ William Dahut, giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times, “Điều này có nghĩa là, các nhà sản xuất ít có động lực để đầu tư vào việc nâng cấp quy trình, mở rộng công suất hoặc dự phòng trong các cơ sở sản xuất. Các công ty đưa ra quyết định ngừng sản xuất một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc gốc, dựa trên lợi nhuận hoặc cân nhắc công việc kinh doanh khác mà không phải lúc nào cũng bảo đảm việc tiếp tục sản xuất thuốc.”
Ngành công nghiệp dược phẩm không thể tạo ra lợi nhuận mong muốn bằng việc sản xuất loại thuốc phổ biến, mặc dù thuốc có nhu cầu cao. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những gì tạo ra lợi nhuận cao hơn là các loại thuốc mới hơn.
Chính phủ có thể làm gì?
Vào tháng Hai, Akorn Pharmaceuticals, một công ty chuyên sản xuất thuốc gốc, đã nộp đơn xin phá sản và phải đóng cửa tất cả cơ sở hoạt động tại Hoa Kỳ. Đáp lại tin tức về việc đóng cửa Akorn, FDA viết trên Twitter rằng các công ty dược phẩm hoạt động một cách độc lập và FDA không có thẩm quyền bắt buộc sản xuất thuốc, tăng sản xuất hoặc thay đổi phân phối.
Việc tìm ra giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc rất phức tạp do tính tranh cãi của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cả FDA, với các nhà lập pháp.
Một báo cáo tháng Ba của Thượng viện đã nêu bật vấn đề, nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp và chính phủ liên bang đều không có cái nhìn đầy đủ về chuỗi cung ứng dược phẩm. Các tác giả viết, “Sự thiếu minh bạch này hạn chế khả năng của chính phủ liên bang trong việc chủ động xác định và giải quyết tình trạng thiếu thuốc.”
Quyết tâm của người mẹ tạo ra sự thay đổi
Khi bác sĩ nói với cô Bray rằng bé Abby không thể có được loại thuốc cần thiết, cô đã không ngừng tìm kiếm giải pháp như điều mà bất kỳ bậc cha mẹ sẽ làm. Cô Bray cho biết, “Sau hàng nghìn cuộc gọi đến các bệnh viện, hiệu thuốc, nhà lập pháp, công ty dược phẩm cùng rất nhiều điều kỳ diệu trong quãng thời gian qua, chúng tôi đã tìm thấy Erwinaze sau 10 ngày.”
Giờ đây, bé Abby không còn bị ung thư nữa.
Mặc dù cô Bray đã thành công trong việc tìm kiếm thuốc cho con mình, nhưng hành trình đầy sóng gió khiến cô phải suy nghĩ về một vấn đề lớn hơn.
Cô nói, “Còn các phụ huynh và những đứa trẻ khác thì sao? Làm thế nào loại thuốc này có thể trở thành tiêu chuẩn chăm sóc thông thường? Tại sao số lượng cần thiết của các loại thuốc này không được bảo đảm? Ai có thể thay đổi thực trạng này?”
Để chia sẻ kinh nghiệm của mình, cô Bray đã thành lập Angels for Change, một tổ chức bất vụ lợi nhằm mục đích cung cấp cho các gia đình những loại thuốc cần thiết và cuối cùng là chấm dứt tình trạng thiếu thuốc.
Vấn đề đã thu hút sự chú ý từ cả cơ quan lập pháp và hành pháp của chính phủ liên bang, nhưng phản ứng của họ vẫn chưa vượt ra ngoài các phiên điều trần của quốc hội ở Capitol Hill.
Bất chấp sự phức tạp của vấn đề, Tiến sĩ Leary và bà Wright cho biết họ tin rằng các công ty dược phẩm phải chịu trách nhiệm cho vấn đề.
Tiến sĩ Leary nói, “Chúng tôi đang nói về tình huống liên quan đến sự sống và tử vong ở trẻ em. Không điều gì quan trọng hơn thế.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes