Hành trình vượt qua ung thư trực tràng giai đoạn cuối của cụ bà 70 tuổi
Hơn ba thập niên sau khi được chẩn đoán ung thư ở tuổi 70, bà không chỉ sống sót mà sức khỏe cũng được cải thiện vượt xa tình trạng so với trước khi bị ung thư.
Ryoko Mochizuki, một phụ nữ người Nhật gốc Hoa, được chẩn đoán bị bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối vào năm 1991, các bác sĩ ước tính tuổi thọ của bà không quá 5 năm. Hơn ba thập niên sau, ở tuổi 70, bà không những sống sót mà sức khỏe còn được cải thiện vượt xa so với trước khi bị ung thư. Bà đã có bí quyết?
Bà Mochizuki sinh ra ở Trung Quốc. Năm 1967, giữa cuộc Cách mạng Văn hóa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng, gia đình bà phải đối mặt với sự đàn áp do người cha của bà trước đây làm quản lý cửa hàng cho người Nhật. Lớn lên trước sự phân biệt đối xử và nghịch cảnh, bà Mochizuki đã phát triển tính cách kiên cường và quyết đoán, không khuất phục khó khăn. Bà luôn khao khát trở nên xuất chúng và thay đổi vận mệnh của mình.
Vào những năm 1980, sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, ĐCSTQ bắt đầu cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Quyết tâm thoát khỏi sự thất vọng khi làm việc ở môi trường nhà nước, bà Mochizuki và chồng bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng cách mở một nhà hàng. Họ bắt đầu bằng việc xây dựng các ống khói nhà bếp và hệ thống lọc nước thải, dần dần mở rộng kinh doanh cho đến khi đạt được công suất sử dụng đầy đủ hàng ngày. Hoạt động như một nhà hàng vào ban ngày và vũ trường vào ban đêm, công việc kinh doanh của họ phát đạt.
“Tôi bận rộn từ sáng đến tối, luôn bỏ bữa và làm việc quá sức đến mức cơ thể không chịu nổi nữa,” bà nói. Năm 1991, bà đến bệnh viện để kiểm tra và được chẩn đoán bị nhiều căn bệnh khác nhau, bao gồm đau đầu do thần kinh, bệnh tim, viêm gan C và viêm dạ dày. Cuối năm đó, bà được chẩn đoán bị bệnh ung thư trực tràng. Ban đầu bị chẩn đoán nhầm là viêm đại tràng, sau đó được xác định là ung thư giai đoạn cuối.
Các bác sĩ nói rằng bà chỉ có thể sống được tối đa là 5 năm, thậm chí còn nói, “Hãy ăn bất cứ thứ gì có thể. Hãy thưởng thức một số món ăn ngon và coi mỗi ngày chị được sống là một điều may mắn.”
Bà nói, “Tôi kiên cường nhưng cuối cùng đã đầu hàng và thừa nhận thất bại. Ở tuổi 40, tôi đang trên con đường hướng tới cái chết. Cuộc sống quá đau đớn. Tôi nghĩ rằng khi chết, mình sẽ không phải chịu đựng những đau khổ như vậy nữa”.
Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ trực tràng, các bác sĩ phát hiện khối u ở tử cung và buồng trứng của bà. Do đó, một cuộc đại phẫu thuật toàn diện đã được thực hiện bao gồm cắt bỏ trực tràng, tử cung và buồng trứng cùng lúc. “Tôi hét lên đau đớn vì không được gây mê toàn thân. Càng về cuối, cơn đau khiến tôi không thể phát ra âm thanh nào, thực sự còn tệ hơn cả cái chết.”
Vì nghĩ đến con thơ và cha mẹ già, bà Mochizuki đã kiên trì trong cuộc chiến dũng cảm chống lại căn bệnh ung thư. Giữa nỗi đau, bà chợt ngẫm nghĩ, “Tôi đã đạt được điều mình mong muốn, có được danh vọng và giàu sang, nhưng vì điều đó mà thân thể tôi suy sụp. Chúng ta đang sống để làm gì? Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì?”
Sau đó, bà và gia đình chuyển đến Nhật Bản. Trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi đến, bà đã đăng ký khám bệnh ở Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản, nhưng ngay cả các chuyên gia ở đó cũng bối rối.
Thậm chí ngày nay, 30 năm sau, tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã bị di căn ác tính vẫn còn cao. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas, xuất bản năm 2023, cho thấy thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đã tăng từ 22.6 tháng trong giai đoạn 2004 đến 2012 lên 32.4 tháng trong giai đoạn 2016 đến 2019. Nói cách khác, phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối vẫn không thể sống sót quá ba năm.
May mắn thay, bà Mochizuki đã tìm thấy hy vọng trong một phương pháp tu luyện thân tâm truyền thống từ Trung Quốc. Vào cuối năm 1997, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà. Pháp Luân Công là một môn khí công tuân theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, bao gồm năm bài tập nhẹ nhàng, trong đó có thiền định. Kể từ khi được người sáng lập, Sư phụ Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người ở Trung Quốc đã tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1999.
Bà nhớ lại ngày đầu tiên tập luyện Pháp Luân Công; mặc dù gặp chứng mất ngủ mãn tính nhưng bà đã có được một giấc ngủ ngon. “Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ, ánh nắng tràn ngập khắp phòng. Gia đình tôi đã đi rồi, khi tôi kiểm tra thời gian thì đã hơn 10 giờ sáng. Tôi đã ngủ rất ngon. Thực sự, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác như vậy. Trước đó tôi chưa bao giờ có một giấc ngủ ngon như vậy. Môn thực hành này quả thực là thần kỳ.”
Nhờ kiên trì thực hành Pháp Luân Công, sức khỏe của bà Mochizuki dần dần được cải thiện. Bà bắt đầu ăn ngon, ngủ ngon và một lần nữa có thể đảm đương được công việc gia đình. Ngoại hình của bà cũng trở nên sáng sủa hơn. Một ngày nọ, chồng của bà nhận thấy ngôi nhà của họ trông sạch sẽ và ngăn nắp như trước khi bà bị bệnh. Bà nói với chồng, “Em đã khỏi bệnh rồi. Không cần phải đến bệnh viện uống thuốc nữa, anh cũng không cần phải lo lắng và sợ hãi cho em mỗi ngày. Bệnh của em đã khỏi hẳn rồi!”
Từ chối nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe quốc gia sau khi phục hồi
Năm 1998, bà quyết định hủy trợ cấp chăm sóc sức khỏe quốc gia. Do trình độ tiếng Nhật còn hạn chế nên bà đã nhờ dì của mình – người đang làm việc trong chính quyền địa phương – giúp đỡ. Tuy nhiên, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng yêu cầu của bà vẫn bị từ chối. Chính phủ nhấn mạnh rằng trợ cấp chăm sóc sức khỏe là bắt buộc và không thể từ chối. Dì của bà cũng khuyên can, “Nếu con không muốn thì hãy đưa tiền cho chúng tôi.”
Bà Mochizuki giải thích, “Là một học viên Pháp Luân Công, tôi phải tuân theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Yêu cầu đầu tiên là phải trung thực. Bây giờ tôi không còn bị bệnh nữa, tôi không thể tiếp tục nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe.” Với quyết tâm của bà, cuối cùng dì của bà đã giúp bà hủy bỏ trợ cấp chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu: Tu luyện Pháp Luân Công kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư
Trường hợp bà Mochizuki khỏi bệnh ung thư không phải là hiếm trong số các học viên Pháp Luân Công. Trong một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ năm 2016, 152 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị ung thư giai đoạn cuối đã được phân tích. Nghiên cứu cho thấy tính đến ngày báo cáo, 149 bệnh nhân vẫn còn sống và có sức khỏe tốt. So với thời gian sống sót dự đoán là 5.1±2.7 tháng, thời gian sống thực tế kéo dài đáng kể đến 56.0±60.1 tháng. Trong số đó, 147 trường hợp (96.7%) cho biết đã hồi phục hoàn toàn triệu chứng, với 60 trường hợp được bác sĩ điều trị xác nhận.
Nghiên cứu cho thấy rằng tu luyện Pháp Luân Công có thể làm giảm bớt các triệu chứng và kéo dài đáng kể thời gian sống sót của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Nghiên cứu: Tu luyện Pháp Luân Công tăng cường khả năng miễn dịch
Một nghiên cứu trước đó cho thấy tu luyện Pháp Luân Công có thể tăng cường khả năng miễn dịch. So với những người khỏe mạnh khác, bạch cầu trung tính trong các học viên Pháp Luân Công thể hiện một cơ chế điều hòa hai chiều độc đáo. Trong điều kiện bình thường, bạch cầu trung tính của họ có tuổi thọ dài hơn và hoạt động thực bào mạnh mẽ hơn so với người bình thường, giúp bảo vệ cơ thể hiệu quả hơn.
Điều thú vị là, ở trạng thái viêm, các bạch cầu trung tính này trải qua quá trình apoptosis nhanh chóng sau khi loại bỏ mầm bệnh, từ đó tạo điều kiện cho quá trình giải quyết tình trạng viêm nhanh chóng.
Những lợi ích sức khỏe của việc tu luyện Pháp Luân Công không chỉ bắt nguồn từ năm bài công pháp mà chủ đạo là đến từ việc nâng cao đạo đức của người tu tập. Nghiên cứu hiện đại đã xác nhận rằng tính cách, quan điểm về hạnh phúc và niềm tin đạo đức của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của họ.
Một nghiên cứu trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) cũng tiết lộ rằng, so với những người ưu tiên hưởng thụ vật chất, những người có mục tiêu sống rõ ràng, vị tha có biểu hiện gen gây viêm giảm và tăng biểu hiện gen kháng virus, từ đó có phản ứng chống viêm và kháng virus tốt hơn
Tìm được cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa
Bà Mochizuki bày tỏ rằng thông qua việc đọc cuốn sách cốt lõi của Pháp Luân Công, “Chuyển Pháp Luân” và học cách sống theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, tính cách và quan điểm sống của bà đã trải qua những thay đổi đáng kể.
“Trước khi tu luyện, tôi luôn muốn là người giỏi nhất trong mọi việc, nghĩ mình có thể làm được mọi việc. Khi bị đối xử bất công, tôi sẽ oán giận đối phương, đổ lỗi cho họ về mọi việc. Sau khi tu luyện, khi gặp vấn đề, phản ứng đầu tiên của tôi là nhìn lại bản thân mình, đánh giá xem mình còn thiếu sót ở điểm nào hay xem mình có quan tâm đến quan điểm của người khác mà không quá quan tâm đến việc được hay mất của cá nhân hay không. Hiện tại tôi luôn vui vẻ, mang lại niềm vui cho những người xung quanh,” bà Mochizuki nói.
Quan trọng hơn, bà đã tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Bà nói, “Con người không sinh ra để chiến đấu với nhau hay chỉ đơn thuần là sống sót qua ngày. Thay vào đó, chúng ta nên sống thực sự cho chính mình. Ý nghĩa của cuộc sống là trở về với con người thật của mình, khám phá sự bình yên nội tâm.”
Một du khách Trung Quốc thay đổi thái độ từ giận dữ đến xúc động
Kể từ khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Mochizuki đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau để trợ giúp cho các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc. Để vạch trần sự tuyên truyền sai trái của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công, bà thường dựng các bảng trưng bày tại các điểm du lịch và phân phát các tài liệu thông tin tiết lộ sự thật cho khách du lịch Trung Quốc.
Một lần nọ, một thanh niên Trung Quốc đến gần bà và nói, “Đi chết đi. Tôi sẽ bắn bà và bảo đảm rằng bà sẽ chết khi quay về Trung Quốc.” Biết rằng thái độ thù địch của chàng trai trẻ đối với Pháp Luân Công bắt nguồn từ những hoang ngôn của ĐCSTQ, bà bình tĩnh mỉm cười và đáp, “Con ơi, con thật đáng thương, thật sự đáng thương.” Ánh mắt hung dữ của chàng trai đột nhiên dịu đi, anh cúi đầu bước đi. Khoảng nửa tiếng sau, nhóm du khách Trung Quốc quay trở lại. Chàng trai đến gần bà, nhận tờ báo có thông tin về sự thật, kín đáo nhét vào trong túi của mình rồi nhỏ giọng nói, “Cám ơn.”
Buông bỏ oán giận với mẹ chồng
Khi bà Mochizuki trở nên bao dung và nhẫn nại hơn, gia đình bà cũng trở nên hòa thuận hơn.
Sau khi mẹ chồng chuyển đến ở cùng nhà, bà ngày càng bực bội trước những lời mắng mỏ vô cớ. Nhớ lại việc mẹ chồng từ chối giúp đỡ khi bà gặp khó khăn về tài chính trong quá khứ, những rắc rối hàng ngày do mẹ chồng gây ra càng làm cho bà thêm bất mãn.
Lúc đầu, bà thấy không chịu nổi và thường xuyên cãi vã lại với mẹ chồng. Để tránh xảy ra mâu thuẫn, bà thậm chí còn ở lại nhà con gái ở Australia trong 3 tháng. Sau đó, bà quyết định đối xử với mẹ chồng bằng lòng nhân ái và bao dung. Bất chấp sự mắng mỏ của mẹ chồng, bà vẫn chọn cách im lặng. Khi mẹ chồng bà đổ nước tiểu vào bồn rửa hoặc bừa bộn sau khi đi vệ sinh, bà dọn dẹp mà không phàn nàn, bà nhớ lại lời dạy trong Chuyển Pháp Luân rằng, “khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng.“
Sau khi buông bỏ oán hận, bà cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tình hình dần dần được cải thiện. “Tôi cảm thấy lòng mình đã thay đổi, gia đình trở nên yên bình hơn. Mẹ chồng không còn tranh cãi với tôi nữa. Giờ đây, mẹ chồng tôi đã có người chăm sóc do chính phủ phân công, tôi cũng không cần phải đi cùng bà ấy đến bệnh viện hay mua đồ tạp hóa nữa.”
Tha thứ không chỉ là một đức tính tốt mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy rằng những người có tư duy tha thứ, sẵn sàng đối xử tử tế với những người đối xử không tốt với họ sẽ ít bị căng thẳng hơn và có sức khỏe tinh thần tốt hơn. Trong một cuộc khảo sát với hơn 1,000 người Mỹ lớn tuổi, người ta thấy rằng ba năm sau lần đánh giá đầu tiên, những người không sẵn sàng tha thứ cho thấy sức khỏe của họ bị suy giảm đáng kể so với những người sẵn sàng tha thứ.
Thay đổi tư duy để cải thiện sức khỏe
Các chuyên gia y tế thừa nhận rằng tư duy là yếu tố then chốt trong điều trị ung thư. Trong một nghiên cứu đăng trên tập san Trends in Cancer (Xu hướng trong Bệnh Ung thư), ba chuyên gia từ Đại học Stanford đã cho thấy rằng bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thường rơi vào trạng thái tuyệt vọng, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân, với tỷ lệ gặp các triệu chứng trầm cảm và lo âu cao gấp hai đến ba lần so với dân số nói chung. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có suy nghĩ tiêu cực. Mặc dù trải qua các triệu chứng lâm sàng tương tự nhau, một bệnh nhân có thể cảm thấy rằng một tai họa lớn đã ập đến với họ, dẫn đến trầm cảm và lo lắng, trong khi bệnh nhân còn lại có thể coi ung thư là cơ hội để thay đổi cuộc sống tích cực.
Các chuyên gia tin rằng trong điều trị ung thư, các biện pháp can thiệp tâm lý có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân điều chỉnh tư duy. Điều này giúp họ nhận ra cơ thể mình có năng lực, có sự kiên cường và có khả năng chữa lành bẩm sinh. Tư duy này khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động có lợi cho sức khỏe và giảm nỗi sợ ung thư tái phát.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng được công bố trên Tập san Ung thư Lâm sàng vào năm 2021 cho thấy những người sống sót sau ung thư vú và ung thư phụ khoa sau khi thiền định sáu tuần đã giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm, bao gồm mệt mỏi, mất ngủ và các triệu chứng vận mạch (bốc hỏa, đổ mồ hôi) so với nhóm không thực hành thiền định.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times