Gieo vi khuẩn âm đạo của mẹ cho con sinh mổ có thể cải thiện miễn dịch, phát triển thần kinh của con
Sinh theo đường tự nhiên giúp làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ
Một điểm khác biệt quan trọng giữa trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai và tự nhiên là trẻ không được tiếp xúc với hệ vi sinh vật từ âm đạo và phân của mẹ. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến tăng khả năng bị nhiều loại bệnh khác nhau, bao gồm gia tăng nhiễm trùng, tiểu đường, viêm khớp, béo phì, dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn. May mắn thay, một thủ thuật đơn giản là “gieo” vi khuẩn âm đạo có thể cải thiện miễn dịch và phát triển thần kinh của trẻ.
Giải pháp khả thi cho vấn đề này là một quy trình mới gọi là chuyển hệ vi sinh vật âm đạo, hay đơn giản là “gieo vi khuẩn âm đạo.” Kỹ thuật này cho phép truyền các lợi khuẩn âm đạo của người mẹ cho trẻ sơ sinh sau sinh mổ, từ đó có thể cải thiện sự phát triển thần kinh của trẻ và giảm gánh nặng bệnh tật sau này.
Sinh mổ: Chỉ định y khoa và tự lựa chọn
Sinh mổ là một quy trình phẫu thuật lấy em bé ra ngoài qua một vết mổ trên bụng người mẹ. Sinh mổ có nhiều chỉ định, bao gồm chuyển dạ không tiến triển, tư thế ngôi mông, đa thai và não úng thủy (dư thừa dịch trong đầu em bé). Tùy thuộc vào từng trường hợp, phẫu thuật này có thể cứu sống cả mẹ và bé.
Việc sinh mổ theo kế hoạch có thể do mẹ hoặc bác sĩ lên lịch và không phải lúc nào cũng cần có lý do y tế. Khi nhận thức ngày càng tăng về tác động của sinh mổ đối với em bé, chẳng hạn như thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, suy giảm miễn dịch và các vấn đề sức khỏe khác, số ca sinh mổ không cần thiết có thể sẽ giảm xuống.
Trẻ sinh mổ có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe cao hơn
Sinh mổ làm giảm tính đa dạng của vi khuẩn đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và chức năng miễn dịch. Vì vậy, trẻ sinh mổ có nhiều khả năng gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe hơn. Hệ vi sinh vật trong phân ở trẻ sinh mổ chủ yếu là các loài vi khuẩn thường thấy trong bệnh viện và trên da, như Staphylococcus, Streptococcus, Klebsiella và Enterococcus.
Trong quá trình sinh nở tự nhiên, em bé chui qua âm đạo, do đó một lượng lớn vi khuẩn sẽ bao phủ và xâm nhập vào cơ thể em bé. Phân ở trẻ sinh thường bao gồm vi khuẩn Lactobacillus, Bifidobacteria, Bacteroides, và Prevotella.
Những vi khuẩn này trở thành “hạt giống” để hệ vi sinh vật đường ruột của em bé phát triển, và trở nên trưởng thành, đa dạng về sau. Mối liên quan giữa hệ vi sinh vật đường ruột với chức năng miễn dịch, trao đổi chất và một loạt các quá trình sinh lý khác đã được thiết lập rõ ràng trong nhiều thập niên qua.
Gieo vi khuẩn âm đạo có thể tái tạo vi hệ đường ruột
Việc gieo vi khuẩn âm đạo lần đầu tiên được thảo luận trong một nghiên cứu thí điểm năm 2016. Kết quả cho thấy một kỹ thuật đơn giản có thể phục hồi hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và đa dạng. Các bác sĩ nhét gạc vô trùng vào âm đạo của sản phụ một tiếng trước khi thực hiện ca mổ. Trong vòng hai phút sau khi sinh, trẻ sơ sinh được lau bằng gạc bão hòa chất lỏng, bắt đầu từ miệng, sau đó là mặt, và phần còn lại của toàn bộ cơ thể. Tất cả các bà mẹ đều được sàng lọc các mầm bệnh gây hại có thể truyền sang trẻ sơ sinh. Việc gieo vi khuẩn ấm đạo chỉ được thực hiện nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với Liên cầu Nhóm B, viêm âm đạo do vi khuẩn và pH âm đạo bình thường trong một tiếng trước khi sinh mổ.
Các em bé đã được kiểm tra một tháng sau khi sinh. Kết quả cho thấy hệ vi sinh vật của những trẻ này gần giống với hệ vi sinh vật của trẻ sinh thường hơn so với trẻ sinh mổ không được gieo vi khuẩn âm đạo.
Một nghiên cứu quan sát sâu rộng hơn vào năm 2021 đã xác nhận kết quả. Hơn nữa, nghiên cứu cũng mở rộng hiểu biết của chúng ta về vai trò của vi khuẩn âm đạo trong quỹ đạo phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ. Dịch âm đạo cùng các vi khuẩn có thể gieo mầm những loài tiên phong, tạo thuận tiện cho các lợi khuẩn khác phát triển về sau.
Ngoài việc cải thiện sức khỏe của trẻ, còn có bằng chứng cho thấy việc gieo vi khuẩn âm đạo có thể giúp làm tăng sự phát triển thần kinh của trẻ. Sự phát triển thần kinh được đo lường bằng các kỹ năng vận động thô, giao tiếp, giải quyết vấn đề, cá nhân-xã hội và vận động tinh. Những cải thiện trong sự phát triển thần kinh có tương quan với những cải thiện về hệ vi sinh vật đường ruột và hệ thống chuyển hóa của trẻ sơ sinh.
Mặc dù hiện tại không hoàn toàn được chấp nhận bởi các tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn và các trường cao đẳng y tế như Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, dữ liệu ban đầu là rất hứa hẹn và các nghiên cứu mù, ngẫu nhiên thành công đã được thực hiện. Thủ thuật đơn giản này có thể làm giảm nhiều vấn đề sức khỏe mà không khiến em bé gặp nhiều rủi ro hơn so với quy trình sinh nở qua đường âm đạo truyền thống.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times