Giảm nguy cơ còi xương ở trẻ em khi mẹ bổ sung vitamin D
Theo một nghiên cứu gần đây, phụ nữ bổ sung vitamin D cả khi mang thai và sáu tháng sau sinh sẽ giảm nguy cơ bị còi xương ở con.
Tăng bổ sung vitamin D khi mang thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh còi xương với biểu hiện xương yếu và mềm.
Kết quả của một thử nghiệm ngẫu nhiên gần đây được công bố trên Pediatrics (Tập san Nhi khoa) từ các nhà nghiên cứu ở Canada và Bangladesh cho thấy việc bổ sung vitamin D trước và sau khi mang thai mang lại lợi ích cao nhất cho trẻ trong việc ngăn ngừa bệnh còi xương, so với việc chỉ bổ sung đến lúc sinh.
Một bệnh về xương phổ biến
Còi xương là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh về xương ở trẻ em trên toàn thế giới. Còi xương thường là do thiếu hụt vitamin D trầm trọng và kéo dài. Trong thời kỳ mang thai hoặc thời thơ ấu của trẻ dưới 1 tuổi, vitamin D giúp hấp thụ calcium (canxi) và phosphorus (phốt pho) từ thức ăn. Nếu không đủ vitamin D, có thể khó duy trì đủ lượng các khoáng chất bên trong xương, từ đó có thể dẫn đến còi xương.
Bệnh còi xương có thể gây chậm tăng trưởng và chậm phát triển các kỹ năng vận động, đau cột sống, vùng chậu và chân cũng như yếu cơ. Còi xương thường ảnh hưởng đến các vùng mô đang phát triển ở đầu xương, khiến chúng mềm đi và có thể gây biến dạng xương. Chẳng hạn như chân vòng kiềng, chân chữ X, cổ tay và mắt cá chân to ra hoặc xương ức nhô ra.
Lượng khuyến cáo tối đa hàng ngày trong và sau thai kỳ
Trong nghiên cứu mù đôi được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018, 1,300 phụ nữ mang thai ở Dhaka, Bangladesh, trong tam cá nguyệt thứ hai được chia thành 5 nhóm và được cung cấp ngẫu nhiên giả dược hoặc vitamin D với mức độ bắt đầu từ khoảng 600 IU mỗi ngày. Các nhóm được chia như sau:
- Một nhóm được cung cấp 4,200 IU mỗi tuần và dùng giả dược sau sinh.
- Nhóm thứ hai được cung cấp 16,800 IU mỗi tuần, sau đó dùng giả dược sau khi sinh.
- Nhóm thứ ba được dùng 28,000 IU mỗi tuần, sau đó là dùng giả dược sau sinh.
- Nhóm thứ tư được cung cấp 28,000 IU mỗi tuần cho đến sáu tháng sau sinh.
- Nhóm thứ năm dùng giả dược trong suốt thời gian nghiên cứu.
Trong số tất cả trẻ sơ sinh, 4.9% bị còi xương sau khi sinh. Trẻ sơ sinh có mẹ được cung cấp 28,000 IU vitamin D mỗi tuần trong suốt thai kỳ và trong sáu tháng sau khi sinh ít có khả năng bị bệnh còi xương hơn. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm phụ nữ được bổ sung bất kỳ lượng vitamin D nào trong thời kỳ mang thai và không bổ sung vitamin D sau đó với nhóm dùng giả dược.
Các nhà nghiên cứu viết, “Chỉ bổ sung trước khi sinh cho bà mẹ ở bất kỳ liều lượng nào, mà không tiếp tục bổ sung sau sinh, đều không làm giảm đáng kể nguy cơ còi xương sinh hóa.”
Tỷ lệ bị bệnh còi xương cao nhất ở những trẻ có mẹ dùng giả dược.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng “bổ sung vitamin D liều cao cho mẹ sau sinh có thể là một chiến lược y tế công cộng khả thi để phòng ngừa còi xương” nhưng cũng nói thêm rằng cần có nghiên cứu bổ sung để điều chỉnh liều lượng vitamin D cần thiết nhằm phòng ngừa còi xương tối ưu.
Những phát hiện trên phản ánh các hướng dẫn của Hoa Kỳ về việc nên bổ sung bao nhiêu vitamin D trong thai kỳ. Hầu hết các loại vitamin trước sinh thường chứa 400 đến 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D, tương đương với liều lượng được thử nghiệm ở một nhóm trong nghiên cứu (600 IU mỗi ngày). Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan y tế đều đồng ý rằng bổ sung vitamin D với liều 4,000 IU mỗi ngày trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú là an toàn, theo Học viện Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ.
Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh còi xương
Bên cạnh việc thiếu hụt vitamin D của mẹ khi mang thai, nếu người mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và sữa mẹ không đủ vitamin D thì trẻ có thể có nguy cơ bị bệnh còi xương.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times