Giai đoạn tiêu hóa đầu tiên là chìa khóa của sức khỏe đường ruột

Chúng ta có thể sử dụng các nguyên tắc tương tự mà những nhà sản xuất thực phẩm siêu chế biến áp dụng để có được lợi ích sức khỏe tối đa từ thực phẩm tự nhiên.

Là một đầu bếp tư nhân, ông James Barry khá quan tâm đến cách thức ăn tác động đến các giác quan – món ăn có mùi hấp dẫn không? Màu sắc có đẹp không? Thực khách có bắt đầu nghĩ về món ăn ngay trước khi cắn miếng đầu tiên không? Hương vị có bùng nổ trên lưỡi không?

Trước khi nuốt thức ăn, cơ thể chúng ta đã trải qua giai đoạn tiêu hóa đầu tiên, được kích hoạt bởi mùi, âm thanh, vị và thậm chí là ký ức.

Lối sống hiện đại đã làm gián đoạn giai đoạn đầu tiên này của quá trình tiêu hóa. Một mặt, sự bận rộn và thiếu chuyên tâm có thể khiến chúng ta vội vã trải qua giai đoạn này trong bữa ăn, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.

Mặt khác, các nhà sản xuất thực phẩm siêu chế biến đã tận dụng nguyên lý về giai đoạn tiêu hóa đầu tiên – cùng với sức hấp dẫn của sự tiện lợi – để tạo ra những thực phẩm chế biến vô cùng ngon miệng và có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận món ăn.

Ông Barry chia sẻ với The Epoch Time, “Những công ty thực phẩm siêu chế biến có thể dựa vào việc chúng ta thường máy móc vượt qua quá trình tiêu hóa đầu tiên, thay vì tận hưởng sự hấp dẫn chậm rãi của một bữa ăn được nấu nướng kỹ lưỡng.”

Mặc dù giai đoạn tiêu hóa tại đầu não của chúng ta phải chịu áp lực từ lối sống hiện đại. Nhưng đây cũng có thể là chìa khóa để thiết lập lại khẩu vị và bỏ thói quen ăn uống có hại khiến chúng ta trở nên nghiện thức ăn và mắc bệnh.

Quá bận rộn để thưởng thức việc ăn uống

Theo bà Robin Fillner, một y tá chuyên khoa ung thư tại Salinas Valley Health và là cố vấn dinh dưỡng chức năng được chứng nhận, các vấn đề về tiêu hóa của chúng ta không hoàn toàn là do thực phẩm siêu chế biến. Chúng ta cũng đã mất đi nhiều thói quen ăn uống chánh niệm giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Bà nói với The Epoch Times rằng lối sống bận rộn có thể gây hại cho sức khỏe tiêu hóa.

“Lối sống hiện đại khiến chúng ta cần phải hoàn thành nhiều việc hơn và nhanh hơn, và việc ăn uống trở thành chướng ngại. Chúng ta ăn trong khi lái xe hoặc gõ máy tính,” bà Fillner cho biết.

Thực phẩm siêu chế biến đáp ứng nhu cầu tiện lợi do sự bận rộn gây ra. Và các công ty sản xuất đã thiết kế các thành phần để sản phẩm có hương vị – đặc biệt là mặn và ngọt – kết cấu, mùi và màu sắc hấp dẫn chúng ta trong giai đoạn tiêu hóa đầu tiên.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy ba thực trạng xấu về việc phụ thuộc vào thực phẩm siêu chế biến:

  • Thực phẩm siêu chế biến có thể gây nghiện như thuốc lá và cocaine.
  • Chúng ta đang ăn ngày càng nhiều những thực phẩm này.
  • Thực phẩm siêu chế biến có thể thay đổi cơ chế hoạt động của hệ thống tiêu hóa giai đoạn tại đầu não.

Nghiên cứu kết luận, “Cho dù chỉ tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn trong thời gian ngắn cũng đủ gây ra những bất thường sớm về khứu giác và bộ não, dẫn đến thay đổi sở thích món ăn và tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.”

Tìm hiểu về hệ thống tiêu hóa tại đầu não

Quá trình tiêu hóa tại đầu não phụ thuộc vào phản xạ. Một ví dụ kinh điển về phản xạ này là thí nghiệm nổi tiếng của Pavlov trên chó, cho thấy âm thanh của tiếng chuông đã kích thích sản xuất nước bọt ở chó. Nói cách khác, cơ thể chúng ta dần dần hình thành phản xạ với các tín hiệu như mùi, hình dạng, âm thanh và hương vị của thức ăn.

Là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn tiêu hóa, giai đoạn tiêu hóa tại đầu não giống như một hồi chuông đánh thức toàn bộ hệ thống tiêu hóa chuẩn bị tiếp nhận bữa ăn.

Bà Fillner cho biết, “Theo truyền thống thời xưa, mọi người sẽ dùng bữa cùng nhau tại bàn ăn và dành thời gian chờ tất cả các món ăn được dọn lên, và trong quá trình đó, họ nhìn vào món ăn, ngửi mùi thức ăn và trò chuyện cùng nhau. Lúc này, cơ thể chúng ta đang khởi động các cơ chế để chuẩn bị đón nhận thức ăn, và khi thực sự bắt đầu ăn, thì cơ thể đã sẵn sàng cho việc tiêu hóa.”

Sức mạnh của suy nghĩ

Các phản ứng vào giai đoạn tiêu hóa tại đầu não – bao gồm cả suy nghĩ – không chỉ thúc đẩy chức năng tiêu hóa mà còn kích thích các hoạt động chuyển hóa bằng cách phóng thích insulin.

Một số bằng chứng liên quan đến giai đoạn tiêu hóa tại đầu não:

  • Chỉ cần nói về thức ăn cũng có thể kích thích tiết insulin trước khi ăn.
  • Mức Ghrelin giảm nhiều hơn ở những người tham gia nghĩ về loại sinh tố nhiều calorie so với những người nghĩ về loại sinh tố ít calorie, mặc dù họ đã uống cùng loại sinh tố. Ghrelin đôi khi được gọi là “hormone đói” và giúp tạo cảm giác thèm ăn.
  • Trong các nghiên cứu trên động vật, phản ứng tiêu hóa tại đầu não biến mất khi cắt bỏ dây thần kinh phế vị của động vật.
  • Nghiên cứu trên người liên quan đến loại thuốc chặn dây thần kinh phế vị đã ngăn chặn phản ứng insulin ở giai đoạn tiêu hóa tại đầu não.

Làm dịu hệ thần kinh

Hệ thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh phế vị, có vai trò liên kết các giác quan với cơ quan tiêu hóa. Thần kinh phế vị là thành phần của hệ thần kinh phó giao cảm – kích hoạt phản ứng “nghỉ ngơi và tiêu hóa” – gửi thông điệp đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác để thực hiện chức năng

Theo bà Fillner, ăn khi căng thẳng, thất vọng, tức giận hoặc thậm chí mất tập trung có thể gây hại cho quá trình tiêu hóa. Những cảm xúc này có thể kích hoạt phản ứng “chiến đấu, bỏ chạy, đóng băng” của hệ thần kinh giao cảm và chuyển hướng dòng máu ra khỏi hệ tiêu hóa.

Bà cho biết điều này có thể giải thích cho tình trạng táo bón, phân lỏng và đau khi đại tiện.

“Tôi từng đọc tài liệu nói rằng hít thở là cách duy nhất giúp chúng ta chủ động kiểm soát hệ thần kinh. Tôi tự hỏi việc hít thở sâu hai lần mỗi khi ăn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa như thế nào theo thời gian,” bà Fillner nói.

Bà cũng gợi ý nên cầu nguyện hoặc bày tỏ lòng biết ơn trước khi ăn, ngủ đủ giấc và thực hiện các hoạt động giải tỏa căng thẳng thường xuyên như thiền, yoga, các bài tập thở và hoạt động thể chất.

Bạn cũng nên chú ý mỗi lần cảm giác thèm ăn xuất hiện, nghĩ xem bạn đang cảm thấy đói, khát hay chỉ đơn thuần là thèm ăn. Điều tốt là giai đoạn tiêu hóa tại đầu não của quá trình tiêu hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội để cải thiện sức khỏe, bà Fillner cho biết.

“Điều này làm tôi vô cùng hứng khởi. Đó là những gì tôi muốn truyền đạt cho bệnh nhân của mình và người đọc, về tất cả những cơ chế tuyệt vời đằng sau việc tận dụng giai đoạn tiêu hóa tại đầu não và cách tạo ra sự khác biệt to lớn,” bà nói.

Tận hưởng giai đoạn tiêu hóa tại đầu não

Theo ông Barry, chúng ta cũng cần khởi động lại các vị giác đã bị kích thích quá mức hoặc kém nhạy cảm. Tuy nhiên, quá trình này có thể dài lâu.

Ông tin rằng một nguyên nhân khiến chúng ta không kết nối với những gì cơ thể thực sự cần là do thức ăn khác với những gì có trong tự nhiên. Ví dụ, vị của quả táo bình thường không giống với hương táo cô đặc, vốn có thể chứa các thành phần khác để gia tăng hương vị. Điều đó giống như 50 quả táo ép nước được cô đặc thành một muỗng cà phê hương liệu nhân tạo.

Ông nói, “Tất nhiên là cơ thể chúng ta sẽ bị nhầm lẫn. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ báo hiệu cho cơ thể ngừng ăn. Nhưng vì tín hiệu dinh dưỡng bị gián đoạn, nên chúng ta ăn quá nhiều và dẫn đến thừa cân.”

Ông Barry cho biết chúng ta có thể điều chỉnh lại hệ thống tiêu hóa tại đầu não và lấy lại sự thích thú với những món ăn có hương vị tự nhiên bằng cách thêm 10% hương vị hoặc thực phẩm mới vào bữa ăn hàng ngày rồi tăng dần.

Đây là một khái niệm mà ông tự tin đến mức đã tạo ra một sản phẩm xoay quanh ý tưởng đó. Ông đã tạo ra gia vị Pluck có hương vị umami – một trong năm vị cơ bản bao gồm ngọt, chua, mặn và đắng – với thịt nội tạng và các loại gia vị và thảo mộc bổ sung. Loại gia vị này giúp ông sử dụng hương vị để đạt được sứ mệnh quan trọng nhất của mình là tạo ra các món ăn giàu dinh dưỡng.

Kiểm soát những gì bạn có thể

Theo ông Barry, việc kiểm soát những gì có thể là rất quan trọng đối với giai đoạn đầu tiên này, từ đó tác động lan tỏa đến toàn bộ quá trình tiêu hóa và sức khỏe. Ông đưa ra những lời khuyên sau:

  • “Bỏ phiếu” bằng ví tiền của bạn. “Nếu chúng ta ngừng mua những sản phẩm mà các công ty đang làm, họ sẽ thay đổi, vì họ chỉ muốn kiếm tiền,” ông nói.
  • Đừng đem những món mà bạn thực sự không muốn ăn về nhà. Ông nói, “Nếu đem về nhà, tôi sẽ tìm lý do để ăn nó. Tôi sẽ không lái xe và đi mua món đó vì không đủ động lực. Vì vậy, tôi sẽ uống một ít nước hoặc đi dạo và chỉ cần chịu đựng cảm giác muốn ăn món đó.”
  • Đừng cực đoan đến mức bạn không thể tận hưởng cuộc sống, bạn tránh mọi cám dỗ hoặc không thể hưởng thụ những món ăn. Ông nói, “Nếu bạn quá hạn chế bản thân, thì điều đó cũng không tốt. Với tôi, đó là hành trình tìm kiếm sự cân bằng, và sự cân bằng sẽ xuất hiện khi chúng ta tạo ra những thói quen để đạt được những kết quả mà mình mong muốn. Mỗi người có một cách khác nhau.”
  • Dựa vào động lực để kiên trì và có trách nhiệm trong việc ăn uống. “Tôi muốn sống lâu nhất có thể để trở thành một phần trong cuộc sống của các con. Tôi muốn bản thân vẫn linh hoạt khi già đi. Tôi muốn đủ khỏe mạnh để có thể vui vẻ khi ở bên con cái, không phải nằm trên giường bệnh và chờ con mình đến thăm, mà là nơi tôi trở thành một phần trong cuộc sống của các con theo phương hướng tích cực.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn