Đường dừa: Chống viêm, bảo vệ tim, nhiều dưỡng chất
Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường (Phần 7)
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.
Khi nói đến đường tự nhiên tốt cho sức khỏe, nhiều người thường nghĩ đến đường dừa. Đường dừa có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng ít người biết đến.
Một số người có thể nghĩ đường dừa được chiết xuất từ quả dừa. Tuy nhiên, thực tế tên gọi đúng của loại đường này là “đường hoa dừa,” vì nó có nguồn gốc từ nhựa đường chảy ra từ các chùm hoa mọc trên thân cây dừa. Đường dừa có nhiều lợi ích sức khỏe chưa được biết đến rộng rãi.
Đường dừa được sản xuất như thế nào?
Để lấy được đường dừa, người nông dân thường trèo cây dừa hai lần một ngày. Trong quá trình này, họ khéo léo sử dụng dao để cắt những chùm hoa chưa nở và thu thập nhựa chảy ra. Sau đó họ đun sôi nhựa hoa, cô đặc và chế biến thành siro đường dạng khối hoặc dạng hạt.
Những nơi sản xuất đường dừa chính là các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Một chùm hoa của cây dừa có thể tạo ra 1.5 lít nhựa chứa 15% đường mỗi ngày, đủ để sản xuất 200g đường dừa. Trung bình, một cây dừa mọc một chùm hoa mới mỗi tháng và mỗi chùm hoa có thể được khai thác để lấy nhựa trong hơn 40 ngày liên tục. Chu kỳ thu hoạch nhựa từ cây dừa có thể kéo dài tới 20 năm.
Đường dừa có chỉ số đường huyết thấp
Nhìn chung, thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) từ 55 trở xuống được phân loại là thực phẩm có GI thấp vì sau khi tiêu thụ, đường trong máu tăng chậm. Thực phẩm có giá trị GI từ 56 đến 69 được phân loại là thực phẩm có GI trung bình và thực phẩm có giá trị GI từ 70 trở lên được xem là thực phẩm có GI cao.
GI của đường dừa rơi vào khoảng từ 35 đến 54, tương tự như siro cây phong và thấp hơn so với mật ong, có giá trị GI là 60.
Đường dừa có GI thấp hơn nhờ thành phần đường của nó.
Đường dừa làm từ nhựa dừa tươi không có chất bảo quản chứa khoảng 49% sucrose, 16% glucose và 14% fructose. Tuy nhiên, nếu thêm vôi bảo quản trong quá trình thu nhựa, chất vôi sẽ phân hủy một lượng nhỏ sucrose thành glucose và fructose. Kết quả là đường dừa sản xuất sẽ chứa hàm lượng sucrose cao hơn.
Đường dừa cũng chứa một lượng inulin nhất định, khoảng 4.7g/100g. Inulin là một loại chất xơ có thể giúp làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu.
Lợi ích sức khỏe của đường dừa
Chống viêm và chống oxy hóa tốt cho tim
Quá trình đun sôi nhựa dừa bao gồm phản ứng Maillard, sự tương tác giữa đường, acid amin và các đại phân tử khác. Sản phẩm của phản ứng Maillard góp phần tạo nên giá trị dinh dưỡng và vị ngon của đường dừa. Tuy nhiên, tác động của phản ứng Maillard rất phức tạp và không đồng nhất có thể tạo ra các sản phẩm có kết cấu nồng độ đường cao vốn thường nên tránh. Tuy nhiên, một số chất này cũng có hoạt tính chống oxy hóa và chống viêm.
Nghiên cứu đã chứng minh tác dụng bảo vệ tim mạch tiềm tàng của đường dừa đối với người trung niên và người lớn tuổi. Tiêu thụ 1.5g đường dừa mỗi ngày trong 8 tuần giúp giảm huyết áp tâm thu từ 117 xuống 109 mmHg. Việc tiêu thụ đường dừa có liên quan đến sự cải thiện độ cứng động mạch.
Chống tiểu đường
Một trong những yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 là căng thẳng oxy hóa, có thể gây ra tình trạng kháng insulin và làm suy giảm bài tiết insulin. Đường dừa chứa hàm lượng polyphenol cao, có thể làm giảm sự độc hại do oxy hóa.
Có năm hợp chất phenolic chính là acid gallic, acid protocatechuic, acid caffeic, acid p-coumaric và alanine trong nhựa dừa. [Vì vậy,] đường dừa cũng sẽ chứa những chất này, nhưng với hàm lượng chắc chắn nhiều hơn do đun lâu hơn ở nhiệt độ cao hơn.
Các thí nghiệm đã chứng minh rằng đường dừa có tác dụng ức chế nhất định đối với alpha-amylase. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of PharmTech Research (Tập san Quốc tế về Nghiên cứu Kỹ thuật Dược) năm 2015 cho thấy đường dừa có thể điều trị bệnh tiểu đường loại 2.
Đường dừa cũng chứa các acid amin như leucine, arginine và isoleucine, có thể có đặc tính chống tiểu đường.
Nghiên cứu trên động vật cho thấy, so với bánh quy có bổ sung sucrose và bơ thực vật, ăn bánh quy ngô làm từ đường dừa và dầu dừa đã làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và hậu quả của oxy hóa. Đáng chú ý là mức độ thiếu máu và trọng lượng cơ thể trước đây cũng được cải thiện. Sau khi duy trì cách ăn này trong bốn tuần, chuột bị bệnh tiểu đường đã cải thiện chỉ số đường huyết và có tình trạng chung tương đương với chuột bình thường.
Nhiều dưỡng chất hơn đường tinh luyện
Đường dừa có nhiều dưỡng chất hơn đường tinh luyện: sau khi đốt cháy nhựa dừa còn chứa 0.27% tro bao gồm nhiều khoáng chất và kim loại vi lượng như calcium, magnesium, manganese, copper (đồng), sodium (natri), potassium (kali), zinc (kẽm) và iron (sắt).
Vì tính ổn định hơn và không bị phá hủy ngay cả khi đốt cháy nên các khoáng chất cũng có trong đường dừa.
Hàm lượng sắt, magnesium và kẽm trong đường dừa lần lượt cao gấp 2, 4 và 10 lần so với đường mía. Đường dừa còn chứa nhiều phosphorus và potassium.
Mặc dù số lượng các chất này trong đường dừa không đáng kể, nhưng ở một mức độ nào đó, việc tiêu thụ đường dừa có thể cung cấp cho cơ thể các khoáng chất và kim loại vi lượng.
Đường dừa chứa các acid amin cần thiết cho quá trình tổng hợp protein và cũng là nguồn cung cấp vitamin B1, B2, B3 và B6 phong phú.
Tiêu thụ đường dừa ở mức độ vừa phải
Mỗi thìa cà phê đường dừa chứa 16 calorie, giống như đường thông thường. Mặc dù đường dừa có một số thành phần dinh dưỡng nhưng số lượng tương đối hạn chế. Tiêu thụ quá mức sẽ có hại hơn có ích vì cũng đồng thời nạp thêm nhiều đường cho cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Đức đã khảo sát khẩu vị của các loại đường dừa khác nhau và điều thú vị là đường dừa được mô tả không có mùi vị của dừa.
Các loại đường dừa có giá cả phải chăng hơn, có màu sẫm hơn, hạt thô hơn và đặc trưng chủ yếu là vị ngọt.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.