Bạn có thể đã nghe nói rằng đường có thể nuôi sống tế bào ung thư. Điều đó có đúng không?
Đường ‘nuôi dưỡng’ tế bào ung thư
Đối với bệnh nhân ung thư, “đường thực sự có thể nuôi dưỡng tế bào ung thư”, ông Mingyang Song, giáo sư dịch tễ học lâm sàng và dinh dưỡng tại Đại học Harvard T.H. Trường Y tế Công cộng Chan, nói với The Epoch Times. Ông nói, điều này được bằng chứng dịch tễ học chứng minh mạnh mẽ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san trực tuyến PLoS One liên quan đến 1,011 bệnh nhân ung thư đại tràng được theo dõi hơn 7 năm. Kết quả cho thấy so với những bệnh nhân tiêu thụ ít hơn hai phần thức uống có đường mỗi tháng, những người tiêu thụ ít nhất hai phần thức uống có đường mỗi ngày có nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư đại tràng tăng 67%.
Một nghiên cứu khác của Tây Ban Nha được công bố trên Tập san Clinical Nutrition (Dinh Dưỡng Lâm Sàng) vào năm 2021 với hơn 7,000 người tham gia cho thấy rằng cứ tiêu thụ thêm 5g đường ở dạng lỏng mỗi ngày, thì tỉ lệ bị bệnh ung thư tăng 8%. Con số này là 46% ở những người có lượng tiêu thụ cao nhất.
Một lon soda thường chứa từ 30 đến 45g đường. Sự thay đổi trong mức tiêu thụ đường của người dân có thể ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ ung thư.
Ông Lewis Cantley, một nhà sinh vật học và giáo sư sinh học tế bào nổi tiếng tại Trường Y khoa Harvard, đã lấy Đài Loan làm ví dụ trong email gửi tới The Epoch Times. Ông viết rằng trước Đệ nhị Thế chiến, Đài Loan có tỷ lệ bị bệnh ung thư tương đối thấp, bao gồm ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú. Đó là thời điểm thức uống có đường đang khá khan hiếm. Sau đó, vào những năm 1960 và 1970, cách ăn uống Tây phương được tán thưởng – đặc biệt là thức uống có đường – tỷ lệ ung thư ở quốc gia này bắt đầu tăng đều đặn. Bây giờ thì tỷ lệ bị bệnh ung thư ở Đài Loan đạt tương đương với ở Hoa Kỳ.
Tế bào ung thư cần một lượng đường đáng kể để tồn tại. Vào những năm 1930, ông Otto Warburg, một nhà hóa sinh người Đức, đã phát hiện ra rằng cả tế bào ung thư và tế bào bình thường đều cần đường, nhưng con đường trao đổi chất của chúng khác nhau: Tế bào bình thường chủ yếu chuyển hóa glucose thành năng lượng qua hô hấp hiếu khí, trong khi tế bào ung thư lấy năng lượng qua quá trình đường phân thay vì dùng oxy.
Chính vì cách chuyển hóa đường này mà năng lượng do tế bào ung thư tạo ra rất ít và kém hiệu quả. Đó chính là lý do tại sao tế bào ung thư tiêu thụ đường một cách ngấu nghiến với tốc độ nhanh hơn 200 lần so với tế bào bình thường. Sự thèm ăn đó có thể có tác dụng trên phạm vi rộng.
“Các tế bào ung thư, theo một nghĩa nào đó, đã cướp quyền điều khiển các quá trình trao đổi chất trong cơ thể.” Ông Lorenzo Cohen, giáo sư và giám đốc chương trình y học tích hợp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson và là tác giả của cuốn sách “Cuộc Sống Chống Ung Thư”, nói với The Epoch Times.
Đường-Béo phì-Ung thư: Một lý thuyết phổ biến
Tiến sĩ Jeremy Kortmansky, giáo sư về ung thư y khoa tại Trường Y khoa Yale và giám đốc lâm sàng của Khoa Ung thư Nội khoa Đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Yale, cho biết, “Mối quan hệ giữa đường và ung thư là một mối quan hệ phức tạp.”
Lý thuyết phổ biến cho rằng đường không trực tiếp gây ung thư mà gián tiếp góp phần gây ra bệnh này qua bệnh béo phì.
Bà Ellen Kampman, nhà dịch tễ học dinh dưỡng và chủ trì khoa dinh dưỡng và bệnh tật tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, nói với The Epoch Times rằng, nạp vào năng lượng quá nhiều và tiêu hao năng lượng quá ít những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều loại ung thư. Bữa ăn có nhiều đường cũng sẽ làm tăng mức năng lượng nạp vào.
Bà nói, “Giữ cho cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa ung thư.”
Một nghiên cứu tiến cứu với hơn 35,000 người tham gia đã tiết lộ rằng những người tiêu thụ nước ngọt có đường nhiều hơn một lần mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh ung thư liên quan đến béo phì tăng 18% so với những người hiếm khi tiêu thụ thức uống này.
Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Tập san Cancers (Ung thư) vào năm 2023 cho thấy khoảng 48% trường hợp ung thư được quy cho béo phì. Béo phì có liên quan đến 13 loại ung thư, bao gồm vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, gan, dạ dày và tuyến giáp.
Ăn nhiều đường có thể dẫn đến tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ nội tạng. Các nhà khoa học nhận thấy vai trò của chất béo không chỉ dừng lại ở việc dự trữ năng lượng; nó hoạt động như một cơ quan nội tiết có hoạt tính cao, có khả năng tiết ra nhiều chất khác nhau, bao gồm cả hormone. Chất béo quá nhiều có thể dẫn đến sự mất cân bằng của các chất này, góp phần phát triển ung thư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhiều nghiên cứu khác nhau, đường có thể góp phần gây ung thư theo nhiều cách khác nhau.
Một vấn đề đầy thách thức
Việc chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa việc ăn đường và bệnh ung thư là một thách thức vì những lo ngại về đạo đức và những khó khăn thực tế khi tiến hành những thí nghiệm như vậy.
Ông Cantley, người có ảnh hưởng trong lĩnh vực sinh học tế bào ung thư, cho biết, “Tôi chắc chắn không muốn con tôi tham gia vào một thử nghiệm như vậy.”
Tuy nhiên, các nghiên cứu đoàn hệ — một loại nghiên cứu quan sát tập trung vào việc theo dõi một nhóm người cụ thể trong một khoảng thời gian mà không can thiệp vào thói quen ăn uống hàng ngày — có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về mối quan hệ giữa lượng đường tiêu thụ và nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu như vậy, được công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) vào năm 2020, đã theo dõi hơn 100,000 người trưởng thành ở Pháp trong vài năm. Những người tiêu thụ nhiều đường nhất có nguy cơ ung thư tăng 17% so với những người ăn ít đường nhất. Nguy cơ gia tăng này đặc biệt đáng chú ý đối với bệnh ung thư vú, với mức tăng 51%.
Mối liên quan này vẫn có ý nghĩa ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố như tăng cân và chỉ số khối cơ thể. Nghiên cứu cho thấy đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư qua các cơ chế khác ngoài việc tăng cân.
Đường có thể dẫn đến ung thư theo nhiều cách
Đường tinh luyện là nguồn năng lượng tiềm năng, có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư bên cạnh tác động tăng cân.
1. Thay đổi sự trao đổi chất
Ông Song cho biết, “Một cơ chế khác khiến đường làm tăng nguy cơ ung thư là tác động của đường đối với quá trình trao đổi chất.”
Lượng đường cao có thể làm thay đổi cách trao đổi chất, gây viêm và kháng insulin – vốn là hai yếu tố nguy cơ phát triển khối u.
Ông cho biết đây là cơ chế chính gây ra ung thư, không phụ thuộc vào béo phì. Những người béo phì dễ bị viêm và kháng insulin hơn, mặc dù hai hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở những người gầy.
Tiêu thụ sucrose, fructose và carbohydrate tinh chế khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Theo ông Cohen, để duy trì sự cân bằng lượng đường, cơ thể phải tăng insulin cho phù hợp và “lượng insulin tăng quá mức sẽ gây viêm.”
Ông Thomas Seyfried, giáo sư sinh học tại Đại học Boston, nói với The Epoch Times rằng lượng đường trong máu cao có liên quan đến tình trạng viêm toàn thân, có thể dẫn đến tổn thương ty thể và cuối cùng là ung thư.
2. Kích hoạt đột biến DNA
Tình trạng viêm và kháng insulin cũng có thể trực tiếp thúc đẩy đột biến gene của tế bào, dẫn đến thay đổi hoạt động của tế bào.
Ông Song giải thích thêm rằng vòng đời bình thường của tế bào sẽ bị gián đoạn trong những trường hợp như vậy. Các tế bào không trải qua quá trình chết tế bào kịp thời như bình thường, thay vào đó chúng phát triển và sinh sôi nảy nở không giới hạn, thúc đẩy sự phát triển của khối u.
Nhiều thí nghiệm đã xác nhận các cơ chế này. Ví dụ, đột biến gene liên quan đến tín hiệu insulin có thể góp phần phát triển khối u ở các mô khác nhau, làm tăng nguy cơ một số loại ung thư, bao gồm vú, nội mạc tử cung và tuyến giáp.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho thấy khả năng đột biến gene dẫn đến ung thư tuyến tụy tăng gấp 5 lần trong môi trường có hàm lượng glucose cao so với môi trường bình thường.
3. Ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột
Ông Song nói, “Chỉ trong những năm gần đây, người ta mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột [liên quan đến nguy cơ ung thư].”
Đường có thể phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột và thay thế vi khuẩn có lợi bằng vi khuẩn có hại, cuối cùng dẫn đến sự phát triển của các khối u trong ruột và thậm chí ở những nơi khác.
Ông Song giải thích một số cơ chế mà hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u. Đây cũng là trọng tâm của các nghiên cứu gần đây.
Đường có thể làm tăng một số vi khuẩn có hại, tạo ra protein gây ung thư trên bề mặt của vi khuẩn, dẫn đến đột biến gene và trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khối u. Một số vi khuẩn đường ruột có hại cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, khiến tế bào phát triển không kiểm soát.