Đường có liên quan đến các bệnh tự miễn như thế nào?
Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường (Phần 11)
Tiêu thụ quá nhiều đường liên quan mật thiết đến tình trạng viêm mạn tính nhẹ và sự khởi phát của các bệnh tự miễn.
Theo dõi loạt bài “Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường” tại đây .
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.
Hệ miễn dịch giống như một đội quân, bảo vệ cơ thể khỏi các mối đe dọa, cả bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch chống lại chính cơ thể thì sẽ gây ra tác hại; đây chính là điều xảy ra ở những người bị bệnh tự miễn. Nhiều người có thể không biết rằng những căn bệnh tự miễn có thể liên quan đến đường bổ sung có trong thực đơn ăn uống.
Phổ rộng của bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn chỉ là một thuật ngữ nhưng lại đề cập đến nhiều tình trạng khác nhau. Ông Aristo Vojdani, giáo sư lâm sàng tại Khoa Y học Dự phòng thuộc Đại học Loma Linda ở California và là người sáng lập Phòng thí nghiệm Khoa học Miễn dịch, nói với The Epoch Times rằng: “Hiện tại, chúng ta biết khoảng 100 loại bệnh tự miễn với các tên gọi khác nhau.”
Một số tình trạng nhất định, bao gồm bệnh tiểu đường loại 1, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, bệnh đa xơ cứng và viêm ruột, đều thuộc nhóm bệnh tự miễn. Ví dụ, đối với viêm khớp dạng thấp thì hệ miễn dịch tấn công các khớp, gây sưng, đau và thậm chí là tàn tật. Trong bệnh tiểu đường loại 1, hệ miễn dịch tấn công nhắm vào các tế bào beta sản sinh insulin nên dẫn đến thiếu hụt insulin.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều căn bệnh tự miễn hiếm gặp làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn, khiến bệnh nhân bị bệnh tật dày vò nhiều năm trước khi nhận được một chẩn đoán chính xác. Hơn nữa, nhiều căn bệnh trong số này vẫn không thể chữa khỏi, một số bệnh phải điều trị cả đời nhưng chỉ là giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
Khi đội quân hướng vũ khí vào bên trong
Ông Nicholas Norwitz, tiến sĩ về sinh lý học, giải phẫu học và di truyền học tại Đại học Oxford và là ứng viên lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết: “Hệ miễn dịch giống như đội quân của cơ thể. Hệ miễn dịch được trang bị “các loại vũ khí gây viêm mạnh mẽ” để bảo vệ cơ thể khỏi các mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài.
Tuy nhiên, các tác nhân kích thích lâu dài đối với hệ miễn dịch cũng có thể gây hại. Ông Norwitz mô tả thương tổn mà hệ miễn dịch hoạt động quá mức có thể gây ra cho cơ thể như sau: “Hãy tưởng tượng một tác nhân nào đó (ví dụ như đường) khiến cho đội quân miễn dịch luôn hoạt động và liên tục ném lựu đạn.”
Trong các bệnh tự miễn, hệ miễn dịch không thể phân biệt giữa các mô của cơ thể và tế bào lạ từ bên ngoài, dẫn đến tự tấn công [các tế bào khỏe mạnh của cơ thể] hoặc không thể điều chỉnh cường độ của phản ứng miễn dịch.
Ông Datis Kharrazian, nhà nghiên cứu lâm sàng, bác sĩ y học chức năng và là phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Y Loma Linda, nói với The Epoch Times rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh tự miễn. Những yếu tố này bao gồm chứng viêm do thực đơn ăn uống, chất độc, nấm mốc, virus, ký sinh trùng, căng thẳng mạn tính và rối loạn chuyển hóa. Sự tương tác giữa các yếu tố môi trường này và yếu tố di truyền góp phần phát triển các bệnh tự miễn.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên tập san International Immunology (Miễn dịch học Quốc tế) vào năm 2020, là các nghiên cứu về cặp song sinh từ các quốc gia khác nhau cho thấy chỉ riêng di truyền chỉ có thể dự đoán 22% các trường hợp bệnh tự miễn thông thường. Điều này dẫn đến sự nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của các yếu tố môi trường.
Ngoài ra, các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện rằng ở các nước phương Tây, việc thay đổi thực đơn ăn uống truyền thống liên quan đến tỷ lệ bị các bệnh tự miễn thường cao hơn và không ngừng tăng.
Ông Kharrazian nói: “Trong nền văn hóa [ẩm thực] của chúng ta, hầu hết mọi người đều ăn nhiều đường hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được. Ăn quá nhiều đường gây ra chứng viêm bằng nhiều con đường khác nhau và viêm mạn tính tạo ra “một môi trường trong bộ não và cơ thể làm tăng nguy cơ phát triển khả năng tự miễn dịch,” làm gia tăng hoạt động của hệ miễn dịch.
Ông nói: “Trong gần một trăm bệnh tự miễn, điều chúng ta thường thấy là các bệnh nhân đều đang bị viêm mạn tính.”
Mối liên quan giữa đường và bệnh tự miễn
Trong những năm gần đây, với số lượng các nhà nghiên cứu điều tra mối liên quan giữa thực đơn ăn nhiều đường và tình trạng viêm ngày càng tăng, người ta thấy rõ rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan chặt chẽ đến tình trạng viêm mạn tính nhẹ và sự khởi phát của các bệnh tự miễn, như viêm khớp dạng thấp.
Giáo sư Ranjeny Thomas, chuyên về bệnh thấp khớp tại Viện Frazer của Đại học Queensland, nói với The Epoch Times rằng: “Những người tiêu thụ quá nhiều đường hoặc đồ uống có đường có nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.” Nhiều nghiên cứu đã xác nhận điều này.
Một nghiên cứu thuần tập tương lai quy mô lớn đã phân tích dữ liệu của gần 200,000 phụ nữ trẻ và trung niên trong hơn 20 năm. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiêu thụ một hoặc nhiều khẩu phần soda có đường mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp tăng 63% so với những người tiêu thụ ít hơn một khẩu phần soda có đường mỗi tháng. Mối liên quan này thậm chí còn rõ ràng hơn ở những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi sau 55, với nguy cơ tăng lên tới 164%. Đáng chú ý, tác dụng này không phụ thuộc vào các yếu tố khác như: thực đơn ăn uống và lối sống.
Một nghiên cứu kéo dài 17 năm với hơn 200 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, cho thấy khoảng ¼ bệnh nhân báo cáo rằng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng. Trong số các loại thực phẩm được đề cập, soda có đường và món tráng miệng thường được cho là khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Năm 2020, tập san Nutrients (Dinh dưỡng) đã công bố một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study) nhằm kiểm tra thực đơn ăn uống của 193 bệnh nhân bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tiêu thụ quá nhiều đường tự do [hay còn gọi là free sugar là các đường đơn được thêm vào thực phẩm] có tác động xấu đến hoạt động và biến chứng của bệnh lupus ban đỏ.
Một nghiên cứu trên gần 2,000 trẻ em có nguy cơ di truyền cao bị bệnh tiểu đường loại 1, cho thấy trong số những trẻ có tự kháng thể với insulin thì những trẻ ăn nhiều đường hơn có nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 1 tăng 75% so với những trẻ tiêu thụ lượng đường thấp. Với những trẻ có nguy cơ di truyền bệnh tiểu đường loại 1, thì nguy cơ này tăng lên 84%.
Rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh là một bệnh tự miễn viêm hiếm gặp ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một nghiên cứu bệnh chứng được công bố vào năm 2019 đã so sánh 70 bệnh nhân bị tình trạng này với 164 đối tượng đối chứng, cho thấy cứ tăng tổng lượng đường tiêu thụ lên 10g thì khả năng bị bệnh này tăng lên tới 72%.
Ông Norwitz cho biết trong quá trình nghiên cứu ông đã thu thập được “dữ liệu rõ ràng nhưng còn hạn chế trên người,” ở một mức độ nào đó, dữ liệu này ủng hộ tuyên bố rằng đường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh tự miễn. Ngoài ra, còn có cơ sở sinh học chính đáng để hạn chế tiêu thụ carbohydrates trong quá trình điều trị các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các thử nghiệm chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn tương đối hạn chế, một phần do nguồn tài trợ để nghiên cứu các phương pháp can thiệp vào thực đơn ăn uống thấp hơn nhiều so với [nguồn tài trợ] thử nghiệm thuốc.
Các bệnh tự miễn có liên quan chặt chẽ với đường ruột
Ông Vojdani nói: “Nhiều căn bệnh tự miễn bắt nguồn từ đường ruột,” Có nhiều hại khuẩn, như Escherichia coli (E. coli) và Salmonella, đặc biệt thích đường. Ông nói: “Chúng phát triển rất nhanh” khi ăn đường. Tiêu thụ đường bổ sung sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm lợi khuẩn và tăng hại khuẩn. Sự mất cân bằng này có thể gây viêm ruột và cuối cùng dẫn đến “sự phá vỡ hàng rào ruột.”
Hại khuẩn cũng có thể trực tiếp ăn lớp chất nhầy, vốn đóng vai trò là rào cản giữa vi khuẩn và ruột. Lớp chất nhầy thường dày và khỏe mạnh khiến vi khuẩn khó xâm nhập. Tuy nhiên, khi hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng, đây tình trạng mà các nhà khoa học gọi là “loạn khuẩn đường ruột”, thì lớp chất nhầy sẽ mỏng đi.
Ngoài ra, hại khuẩn ăn đường sẽ sản sinh độc tố, phá vỡ sự sắp xếp của các protein liên kết chặt chẽ với nhau trong các tế bào biểu mô của ruột. Sự gián đoạn này làm tăng tính thấm của ruột, thường được gọi là “rò rỉ ruột.” Những thay đổi này trong ruột có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tự miễn.
Như ông Vojdani nói: “Bây giờ cánh cửa đã mở,” các mảnh vụn thức ăn chưa tiêu hóa, hóa chất độc hại và các chất khác có thể xâm nhập vào máu và lan rộng khắp cơ thể. Ông lưu ý rằng khi những chất này di chuyển đến các khớp, sẽ gây ra tình trạng viêm. Theo thời gian, tình trạng viêm khớp này có thể tiến triển thành các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
“Viêm (trong ruột) cũng có thể lan đến bộ não,” góp phần vào sự phát triển của các bệnh tự miễn phổ biến như bệnh đa xơ cứng. Ông Vojdani cho rằng độc tố xâm nhập vào máu cũng phá vỡ hàng rào máu-não, tương tự như cách chúng tác động đến hàng rào đường ruột.
Hơn nữa, các độc tố do hại khuẩn tạo ra có thể di chuyển theo dòng máu, có khả năng gây ra các bệnh tự miễn ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, gồm các tình trạng như bệnh vẩy nến, là một bệnh da tự miễn.
Độc tố trong miệng di chuyển đến bộ não
Các nha sĩ thường nhắc mọi người nên ăn ít đường để ngăn ngừa sâu răng và bệnh nướu răng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không biết rằng đường cũng gây hại cho bộ não và hệ thần kinh khi đường xâm nhập vào khoang miệng, vì đường có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong miệng.
Nói cách khác, ngay khi ăn đường thì nguy cơ bị các bệnh tự miễn bắt đầu.
Ông Vojdani cho biết, trong miệng có cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Hấp thụ quá nhiều đường có thể làm tăng số lượng hại khuẩn trong miệng và độc tố do những hại khuẩn này sinh ra sẽ di chuyển trực tiếp qua amidan và đi vào bộ não. Bà Thomas cho biết các thí nghiệm trên động vật đã xác nhận hại khuẩn trong khoang miệng có thể xâm nhập vào máu.
Ông Vojdani cho biết, một số độc tố cực mạnh do vi khuẩn trong miệng tạo ra sẽ đi cùng với thức ăn mà xâm nhập vào ruột và gây viêm ruột.
Đường làm mất ổn định hệ miễn dịch
Tế bào T được công nhận rộng rãi là có tác động đến quá trình tự miễn dịch. Có nhiều loại tế bào T khác nhau và việc kích hoạt quá mức cũng như hoạt động kém của các tế bào miễn dịch đều có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh tự miễn.
Cụ thể, một số tế bào T có thể điều chỉnh hệ miễn dịch, duy trì sự cân bằng giữa các thành phần khác nhau của hệ miễn dịch, trong khi những tế bào khác có thể gây viêm.
Độc tố do hại khuẩn trong cơ thể tạo ra có thể phân cực chức năng của miễn dịch: Các tế bào T chịu trách nhiệm duy trì sự ổn định của hệ miễn dịch bị điều chỉnh giảm, trong khi các tế bào T liên quan đến tình trạng viêm bị điều chỉnh tăng, làm phá vỡ sự cân bằng của hệ miễn dịch.
Chúng ta có thể điều chỉnh hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách điều chỉnh thực đơn ăn uống. Một thực đơn ăn uống lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát quần thể hại khuẩn và giảm lượng độc tố do hại khuẩn sản sinh, mà còn bảo vệ các lợi khuẩn trong ruột. Những lợi khuẩn này có thể tạo ra nhiều loại acid béo chuỗi ngắn, từ đó làm tăng chức năng của các tế bào T điều hòa.
Bên cạnh cơ chế hoạt động của tế bào T, ông Kharrazian và ông Norwitz còn nhấn mạnh rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, góp phần gây ra các bệnh tự miễn. Những người bị kháng insulin thường bị viêm mạn tính. Ngoài ra, lượng đường cao có thể gây béo phì, vốn là các yếu tố tiền viêm (pro-inflammatory).
Giảm đường để có sức khỏe tốt
Giáo sư Ranjeny Thomasnói: “Tôi nghĩ một thực đơn ăn kiêng là một trong những điều then chốt nhất mà bạn có thể kiểm soát.”
Khi bệnh nhân tìm kiếm sự trợ giúp cho những căn bệnh mới khởi phát, bà và các đồng nghiệp luôn thảo luận về thực đơn ăn uống với bệnh nhân vì “chúng ta chỉ có thể điều trị một phần với thuốc.”
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh vai trò ngăn ngừa bệnh của một thực đơn ăn uống lành mạnh. Bà nói rằng: “trước khi mọi người bị bệnh, [điều chỉnh thực đơn ăn uống] sẽ tốt hơn nhiều.”
Khi được hỏi liệu ông có khuyên bệnh nhân của mình nên giảm lượng đường tiêu thụ để giảm nhẹ các bệnh tự miễn hay không, câu trả lời của ông Kharrazian là: “Có, luôn luôn như vậy.”
Ông nói: “Dù cho lượng carbs tiêu thụ là tùy thuộc vào [thể trạng] từng người, không có lý do gì để ăn nhiều hơn khoảng 25g đường mỗi ngày”.
Ông Norwitz lặp lại lời khuyên đó.
Ông Norwitz nói: “Nếu bạn loại bỏ tác nhân gây bệnh (trong ví dụ này là đường), đội quân miễn dịch có cơ hội bình tĩnh lại và các triệu chứng có thể thuyên giảm.” Trong thực hành lâm sàng, ông đã quan sát thấy các bệnh tự miễn trầm trọng và tình trạng viêm (bao gồm: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, lupus, viêm khớp dạng thấp và các bệnh khác) thuyên giảm khi bệnh nhân áp dụng thực đơn ăn không đường và/hoặc phương pháp ăn ketogen [giàu chất béo, đủ protein, ít carbohydrate].
Ông Norwitz cho biết: “Đối với những bệnh nhân bị các chứng viêm hoặc bệnh tự miễn, khi cố gắng không dùng đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn trong 8 tuần, điều mất đi là gì? Trường hợp xấu nhất, không có lợi ích gì. Trong trường hợp tốt nhất, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Đó là điều đã xảy ra với tôi.”
Ông nhấn mạnh rằng mặc dù ông khuyên mọi người nên ăn ít đường hơn nhưng điều đó không có nghĩa là thay đường tự nhiên bằng chất làm ngọt nhân tạo. Ông Norwitz cho biết, chất làm ngọt nhân tạo không tốt cho sức khỏe; có thể gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột và đường miệng, đồng thời nghiên cứu cho thấy chúng có đặc tính gây ung thư.
Ông nói: “Vì vậy, tôi hoàn toàn không khuyến nghị dùng chất làm ngọt nhân tạo.”
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times