Được thiết kế để gây nghiện: Tại sao những thói quen và thú vui hàng ngày lại khiến chúng ta mắc bẫy
Cho dù là nghiện mạng xã hội, nghiên nội dung khiêu dâm hay nghiện đồ ăn, bạn đều phải bắt đầu với việc loại bỏ những ảo tưởng của bản thân để thoát khỏi chứng nghiện.
Khi nghĩ về chứng nghiện, tất cả hình ảnh nghiệt ngã về việc hút hít ma túy, chơi cờ bạc hoặc tự hủy hoại bản thân trong những thú vui tội lỗi đều xuất hiện trong tâm trí chúng ta.
Tuy nhiên, khi văn hóa đại chúng ngày càng trở nên hiện thực hóa, chứng nghiện đã đi từ vấn đề bên lề thành một tình trạng gần như không thể nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày.
Việc tìm kiếm niềm vui được nâng lên một tầm cao mới, và thật khó để tưởng tượng về thời đại của nền văn hóa điện toán với xu hướng cuộn trang cho đến kết thúc và các ứng dụng được xây dựng để đáp ứng bất kỳ mong muốn nào theo nhu cầu.
Trong nền văn hóa thế tục của chúng ta, có rất ít giới hạn cho việc theo đuổi thú vui. Giả định là việc tối đa hóa số lượng và chất lượng niềm vui sẽ cải thiện mức độ hạnh phúc. Tuy nhiên khi xem xét rằng, bất chấp sự bùng nổ của văn hóa vật chất, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy chán nản và lo lắng. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đang đi đúng hướng hay không.
Hầu hết mọi người sẽ không thừa nhận họ có vấn đề với việc kiểm soát sự tùy hứng của mình khi nói đến những thú vui có vẻ vô thưởng vô phạt. Việc xác định vấn đề liên quan đến chất gây nghiện là tương đối dễ dàng. Rượu, ma túy và thuốc lá rõ ràng là gây nghiện và chúng có thể hủy hoại cuộc sống của con người.
Nhưng còn những hành vi nghiện ngập ít rõ ràng hơn thì sao?
Dữ liệu gần đây cho thấy người Mỹ dành trung bình bốn giờ đồng hồ mỗi ngày để sử dụng thiết bị di động và khoảng 70% thời gian là dành cho các ứng dụng xã hội, ảnh và video như Facebook và YouTube. Ba trang web khiêu dâm hàng đầu trên thế giới nhận được tổng cộng 5.8 tỷ lượt truy cập mỗi tháng. Gần 60% lượng calorie mà người Mỹ tiêu thụ đến từ thực phẩm siêu chế biến.
Câu châm ngôn liên quan đến việc kiểm soát chứng nghiện là “mọi thứ đều có mức độ.” Nhưng khi “tất cả mọi thứ” được thiết kế và tiếp thị để có thể gây nghiện tối đa, thì đâu là giải pháp tốt nhất cho chúng ta? Chứng nghiện hành vi thường khó bị phát hiện khi liên quan đến đến những chất “gây nghiện nhẹ nhàng.” Chất gây nghiện này thực sự khác với chất bên ngoài khi chúng được sinh ra bên trong cơ thể—như chất dẫn truyền thần kinh dopamine chẳng hạn?
Khi ‘thêm nữa’ là ‘không bao giờ đủ’
Tiến sĩ Daniel Lieberman, giáo sư lâm sàng học tại Đại học George Washington, đã có cuộc thảo luận về vai trò của dopamine đối với hành vi và chứng nghiện trong cuốn sách “The Molecule of More.”
“Có một số điều khiến bạn cảm thấy tuyệt vời giống như được chích một liều dopamine vậy. Đó là cảm giác khi chúng ta chuẩn bị thưởng thức một bữa ăn ngon, hoặc nghe một số tin tốt lành, hoặc chiến thắng trong một cuộc thi. Và cảm giác tốt đẹp đó khiến chúng ta muốn lặp lại điều này thêm lần nữa,” ông nói với The Epoch Times.
Theo ông Lieberman, ưu điểm của dopamine là giúp chúng ta hướng về tương lai. Công việc của dopamine là khiến con người hướng tới hành vi giúp cho sự sống còn. Dopamine cũng khiến chúng ta tối đa hóa các nguồn lực trong tương lai.
Ông nói: “Dopamine đang chăm sóc cho các gen của chúng ta, giúp chúng tồn tại và nhân lên. Dopamine giúp cho tương lai trở nên tốt hơn, nhưng vai trò của nó rất, rất cụ thể. Nó chỉ tập trung vào tương lai. Nó không giải quyết những vấn đề xảy ra trong hiện tại. Và vì vậy, ngay khi một thứ gì đó đến từ tương lai, dopamine hiện tại sẽ ngừng hoạt động.”
Khả năng gây nghiện này nằm ở sự mất kết nối giữa bản chất sinh học và cái gọi là kích thích trên mức bình thường: các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng hiện nay như thực phẩm chế biến sẵn, phương tiện truyền thông xã hội và nội dung khiêu dâm có khả năng tác động đến con đường tưởng thưởng và kích hoạt các thôi thúc tiêu dùng mạnh mẽ.
Ông Lieberman nói: “Khi một hoạt động nào đó kích hoạt dopamine lần thứ nhất, cơ thể sẽ trở nên phụ thuộc và cuối cùng chúng ta có thể mất kiểm soát hành vi của mình. Bây giờ, những người viết mã cho mạng xã hội, họ đều biết điều này. Trên thực tế, họ thuê các nhà tâm lý học là những chuyên gia về hành vi cưỡng chế để giúp tạo ra sản phẩm kích hoạt các hành vi cưỡng chế ở khách hàng. Bạn biết đấy, hầu hết những thứ mà chúng ta dùng theo cách không phù hợp đều là những sản phẩm không mất phí.”
Tuy nhiên, như người ta thường nói, “Nếu bạn không trả tiền cho sản phẩm, thì bạn chính là sản phẩm.”
Nhưng không phải tất cả các sản phẩm gây nghiện đều miễn phí. Trong số những kích thích trên mức bình thường này, có một thứ mà chúng ta không thể sống thiếu: đồ ăn.
Những gì chúng ta ăn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta
Khi nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, ông Michael Moss, bắt đầu điều tra về ngành công nghiệp thực phẩm, một phóng viên báo khổ nhỏ của Anh đã hỏi rằng liệu ông có nghĩ thực phẩm chế biến sẵn cũng gây nghiện như ma túy không.
“Đối với tôi, việc so sánh Twinkies với cocaine là hoàn toàn nực cười,” ông Moss nói với The Epoch Times.
Trong cuốn sách đầu tiên của mình, “Salt Sugar Fat: How the Food Giants Hooked Us” (Tạm dịch: Chất béo Đường Muối: Làm thế nào những gã khổng lồ thực phẩm đặt bẫy chúng ta), xuất bản năm 2013, ông Moss đã khám phá ra cách mà ngành công nghiệp thực phẩm tạo ra sản phẩm giúp người dùng đạt được “niềm vui” cực đại.
“Họ thuê các nhà hóa học để sáng tạo ra công thức hấp dẫn nhất có thể. Họ thuê các nhà tâm lý học thực nghiệm để tìm ra cách thâm nhập vào tâm trí chúng ta và những nút thắt cảm xúc nào khiến chúng ta ăn dù không hề đói,” ông Moss nói. “Họ dùng đến rất nhiều chiến lược tiếp thị trong cửa hàng tạp hóa để khiến chúng ta mất cảnh giác và mua sắm vô độ thay vì mua theo danh sách, một lần nữa, đây là một đặc điểm khác của chất gây nghiện.”
Chưa hết, ông cho biết ban đầu ông tránh dùng thuật ngữ “nghiện” để mô tả những gì diễn ra. Tuy nhiên, khi tiếp tục điều tra và xuất bản cuốn sách tiếp theo vào năm 2021, “Hooked: Food, Free Will, and How the Food Giants Exploit Our Addictions” (Tạm dịch: Khi bạn bị mắc bẫy: Thức ăn, Ý chí tự do và Cách những gã khổng lồ thực phẩm khai thác cơn nghiện của chúng ta), ông kết luận rằng việc phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn thực sự có thể trở thành một cơn nghiện toàn diện. Và, trong một số trường hợp, điều này còn xảo quyệt hơn cả ma túy.
Một thành phần cơ bản của chất gây nghiện là chúng có thể ăn sâu vào trí nhớ chúng ta. Ông Moss cho biết trong khi ký ức gắn liền với ma túy thường bắt đầu từ những năm niên thiếu, thì ký ức liên quan đến thực phẩm lại hình thành trong những năm đầu đời. Đây là lý do tại sao các tập đoàn như Công ty Coca-Cola thường kết hợp các câu chuyện tiếp thị của họ với sân chơi bóng chày và bàn ăn tối.
Ông nói: “Những ký ức bắt đầu chớm nở và chúng gắn liền với khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống chúng ta, hơn cả ký ức về ma túy hay thuốc lá.”
Một khía cạnh khác có thể khiến thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện, thậm chí hơn cả ma túy, là tốc độ được tiêu thụ của chúng. Ông Moss cho biết bà Nora Volkow, giám đốc Viện quốc gia về lạm dụng ma túy, đã phát hiện rằng cocaine có thể trở thành chất gây nghiện là do tốc độ ảnh hưởng đến não của chúng. Ông Moss lưu ý rằng đây là lý do tại sao những người nghiện sẽ chuyển từ hít cocaine sang hút ma túy đá, vì thứ sau tác động đến não nhanh hơn.
“[Thực phẩm đã qua chế biến] được đóng gói để khiến chúng ta có thể bóc vỏ và lấy thức ăn ra một cách nhanh chóng, một điều gây kích thích cho não bộ. Và tiếp theo, các chất muối, đường, chất béo được tinh chế có thể đến não rất nhanh,” ông Moss nói.
Ông kết luận rằng các tập đoàn thực phẩm khai thác những mong muốn bản năng liên quan đến thực phẩm để khiến những người tiêu dùng thông thường không thể cưỡng lại sản phẩm của họ.
Vượt qua chứng nghiện
Anh Ed Latimore, một cựu võ sĩ chuyên nghiệp và hiện là người sáng tạo nội dung và tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, đã phải đối mặt với chứng nghiện rượu và nội dung khiêu dâm từ những năm 20 tuổi. Lớn lên trong khu nhà công ở Pittsburgh, anh phải vật lộn với tình trạng nghèo đói và bạo lực, nhưng trong phần lớn cuộc đời, anh đều tránh được những rắc rối liên quan.
Anh trúng xổ số và bắt đầu theo học tại một trường trung học ở khu phố khác của Pittsburgh. Anh được tiếp xúc với môi trường mới và nhóm học sinh mới. Khi tốt nghiệp, anh trở nên oán giận mẹ mình vì cuộc sống đầy nguy hiểm và sóng gió mà anh phải chịu đựng khi lớn lên, đỉnh điểm là vòng xoáy cảm xúc đã đẩy anh vào chứng nghiện rượu.
“Tôi đã uống rượu do môi trường sống của mình; Tôi không biết tôi là ai. Tôi không cảm thấy mình có năng lực gì. Tôi nghĩ đây là cách để tôi hòa nhập. … Đây là cách để tôi mở mang tính cách của mình. Và rượu khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn… Nhưng, tôi đã phải trả giá đắt,” anh Latimore nói với The Epoch Times.
Trong khi đó, anh cũng phải vật lộn với tình trạng phụ thuộc vào nội dung khiêu dâm.
“Khiêu dâm chiếm đoạt thiên hướng tự nhiên của bạn. … Khiêu dâm khiến bạn cảm thấy ‘an toàn’. Nếu bạn đi ra ngoài và nói chuyện với một cô gái, bạn có thể gặp nhiều rủi ro,” anh Latimore nói. “Bạn bị từ chối, bạn lãng phí thời gian, cô ấy có thể không hành xử như cách bạn mong muốn. Trên thực tế, cô ấy có lẽ sẽ không làm như vậy. Rất dễ rơi vào tình trạng này.”
Anh cũng là một võ sĩ nghiệp dư đang trong quá trình phát triển. Anh nhận ra những cơn nghiện đã kìm hãm anh. Vào tháng 01/2013, anh gia nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia để phát triển các kỹ năng làm việc và kiếm tiền học đại học. Cùng tháng đó, anh có trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên.
Sau khi trải nghiệm cảm giác tỉnh táo trong thời gian dài khi đang đào tạo cơ bản, anh quyết định bỏ rượu. Đồng thời, anh Latimore thường xuyên viết lách, duy trì công việc ổn định, hoàn thành bằng cử nhân vật lý và dành khoảng thời gian ý nghĩa cho bạn gái. Tất cả những điều này giúp anh dành ít thời gian hơn cho việc giao lưu hoặc những thỏa mãn vô ích.
“Tôi đã thay thế những gì tôi làm để giải trí bằng những mục tiêu thực sự. Tôi dừng việc giết thời gian, và đó là lúc thời gian được dùng đúng cách,” anh nói. “Bạn không có thời gian để vui chơi hưởng thụ khi bạn có mục tiêu trong cuộc sống. … Tôi thà dành thời gian đó để lấy bằng tốt nghiệp và [chơi] quyền anh. Và sau đó, mọi thứ sẽ dần ủng hộ bạn. … Đây là những điều rất quan trọng.”
Cuối cùng, anh Latimore cho biết việc thiết lập những mục tiêu sống có thể thay thế nhu cầu lấp đầy khoảng trống bằng cơn nghiện. Anh nhấn mạnh rằng mục đích mới này đòi hỏi chúng ta phải có thời gian và năng lượng để hoàn thành, nhưng nó phải ở lĩnh vực khác với thứ gây nghiện. Ví dụ như: nếu bạn mê phim khiêu dâm, thì mục tiêu trở thành một game thủ chuyên nghiệp sẽ không giúp gì cho bạn, một người nghiện rượu đang cai rượu cũng sẽ không đạt mục đích nếu trở thành DJ hộp đêm.
“Bạn phải tìm ra thứ gì quan trọng và liên tục duy trì để đạt được điều đó. … Tôi gọi sự tỉnh táo của mình là một thói quen,” anh nói. “Tôi luôn dành thời gian xây dựng nó.”
Anh Latimore thường xuyên chia sẻ câu chuyện vượt qua chứng nghiện của mình cho mọi người. Anh cũng hướng dẫn người khác về cách bỏ thuốc lá. Về cơn nghiện hàng ngày, anh thấy những kích thích trên mức thường hiện nay đã phổ biến đến mức khó có thể dựng lên hàng rào bảo vệ.
“Tôi tin rằng bạn có thể ngừng hầu hết mọi thói quen nghiện ngập. Nhưng, nếu thứ đó phổ biến và ở khắp mọi nơi, nếu đó là điều dễ kiếm, thì họ thậm chí không có cơ hội xây dựng kỷ luật,” anh nói. “Đó là một siêu trải nghiệm và bạn phải điều chỉnh lại cuộc sống.”
Ảo tưởng về sự kiểm soát
Cho dù chúng ta nghiện mạng xã hội, nội dung khiêu dâm hay đồ ăn, thì để thoát khỏi chứng nghiện, bạn cần bắt đầu với việc loại bỏ những ảo tưởng của bản thân.
Ông Lieberman nói: “Chúng ta đang ảo tưởng rằng có thể kiểm soát mọi thứ và những điều được thảo luận hoặc nói đến trên đây hoàn toàn không đúng sự thật. Vì vậy, bước đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận rằng người khác có khả năng thao túng suy nghĩ và hành vi của bạn một cách sâu sắc. Bước thứ hai là chú ý đến thời điểm mà bạn làm những việc khiến bạn cảm thấy không khỏe hoặc khó chịu.”
Chúng ta có thể cảm thấy chóng mặt khi lướt qua những thú vui có thể cuốn chúng ta vào, nhưng vấn đề cơ bản nằm ở chỗ, liệu một sản phẩm hoặc dịch vụ có được tiếp thị là “tiện lợi” hay không.
“Những công ty đối thủ này liên tục nói với chúng ta… cuộc sống có thể trở nên dễ dàng. Bạn biết đấy, Amazon sẽ giao gói hàng đó cho bạn bằng máy bay không người lái. Bạn không phải đợi đến 24 giờ. Tất cả mọi thứ được thực hiện để khiến cuộc sống trở nên dễ dàng, dễ dàng và dễ dàng. Và chúng ta sau đó sẽ mất khả năng hy sinh và làm những điều khó khăn khi ngày càng hưởng thụ những thứ dễ dàng,” ông Lieberman nói.
Những thay đổi có chủ đích
Khi mọi người dần có nhận thức về chứng nghiện hành vi và dopamine, xu hướng “kiêng dopamine” bắt đầu trở nên phổ biến, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon. Theo quan niệm thông thường, xu hướng này có thể liên quan đến bất cứ thứ gì, từ những chuyến nghỉ dưỡng kéo dài nhiều ngày cho đến việc không dùng các thiết bị kỹ thuật số trong cả tuần.
Theo ông Lieberman, xu hướng này chủ yếu là một mẹo quảng cáo; nhấn mạnh rằng bộ não có khả năng thích nghi rất chậm. Thay vào đó, ông đề xuất một điều gì đó như Tháng Giêng không rượu, khoảng thời gian 30 ngày hoàn toàn không dùng rượu.
Lấy ví dụ về cách những người nghiện rượu hồi phục, ông nói rằng phải mất tới 12 tháng để cơn thèm rượu biến mất, nhưng 30 ngày là thời gian đủ lâu để họ bắt đầu cảm nhận những thay đổi tích cực, khiến họ mong muốn gắn bó với việc thay đổi lối sống.
Ông Lieberman cũng cho biết tôn giáo là một khía cạnh “giúp chúng ta có lòng hy sinh và tăng khả năng tự chủ”. Ông trích dẫn nghiên cứu cho thấy những người theo đạo ít bị lo lắng và trầm cảm, những yếu tố chính dẫn đến nghiện ngập. Nhưng lợi ích này chủ yếu được trông thấy ở những người tham dự các buổi cầu nguyện chung.
“Hầu hết các tôn giáo, nếu không nói là tất cả, đều dạy cho chúng ta triết lý về sự hy sinh, phải không? Các bậc thánh hiền nói rằng ‘hãy buông bỏ thú vui hiện tại vì lợi ích của tương lai’. Điều đó rất hữu ích khi bạn đang đối mặt với chất dopamine thiếu thích ứng. Và tôn giáo cũng mang lại cho chúng ta sự trợ giúp mang tính xã hội để đạt được những nguyện vọng cao hơn, thay vì nhượng bộ cho những ham muốn thấp kém. Tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tôn giáo, đặc biệt là các buổi cầu nguyện chung, đóng một vai trò nào đó cho tình trạng hiện nay của xã hội.”
Để thoát khỏi chứng nghiện thực phẩm chế biến sẵn, ông Moss gợi ý rằng chúng ta nên bắt đầu bằng việc tự nấu nướng.
Ông nói: “Nếu bạn bắt đầu nấu ăn, quá trình này có tác dụng kỳ diệu là khiến bạn sống chậm lại và bắt đầu suy nghĩ về thức ăn, thậm chí có thể ăn ít hơn.”
Ông Moss cũng đưa ra phân tích về mô hình thèm ăn của một người và quá trình vượt qua sự thôi thúc đối với thực phẩm chế biến sẵn. Ví dụ: nếu bạn thường ăn một túi khoai tây chiên vào lúc 3 giờ chiều, hãy đi dạo hoặc ăn một quả táo lúc 2:50.
Ngoài việc mài giũa mục đích sống giúp một người từ bỏ chứng nghiện, ông Latimore nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thay đổi môi trường, bao gồm cả công ty mà người đó làm việc. Ông tin rằng, trong nhiều trường hợp, chúng ta không chỉ nghiện chất gây nghiện mà còn nghiện các kiểu hành vi xung quanh.
Ông nói: “Không phải là bạn đưa một người nghiện rượu đang trong quá trình hồi phục đến một quán bar, và họ sẽ trở nên kích động và giống như, ‘Tôi phải uống nó.’ Đó là một nơi quen thuộc với một tập hợp các hành vi quen thuộc. Và họ rơi vào nghi thức đó rất nhiều lần. Nghi thức này giống như một chất gây nghiện thực sự.
Khi chúng ta quyết định giải quyết những cơn nghiện hàng ngày, chúng ta phải nhớ rằng các chuyên gia và những người nghiện đang hồi phục có xu hướng đồng ý rằng điều đó sẽ không dễ dàng. Đó có thể là điều khó khăn nhất mà chúng ta từng làm. Điều này có sự khác biệt với tư duy hiện nay, rằng mọi căn bệnh đều có thể được chữa khỏi bằng viên thuốc, sản phẩm hoặc ứng dụng mới nhất.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times