Dùng mạng xã hội quá mức là mối lo ngại hàng đầu của phụ huynh khi trẻ quay lại trường học
Kết quả từ một cuộc thăm dò mới cho thấy ngày càng có nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về thói quen dùng công nghệ số của con cái khi quay trở lại lớp học.
Kết quả của Cuộc thăm dò Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott thuộc Đại học University of Michigan (Mott Poll) cho thấy: Tổng số thời gian dùng thiết bị, lạm dụng mạng xã hội và an toàn internet, là những mối quan tâm chính của 2/3 phụ huynh được khảo sát.
Đồng giám đốc Mott Poll và bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott, Tiến sĩ Susan Woolford cho biết trong một thông cáo báo chí, “Trẻ em đang dùng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội ở độ tuổi sớm hơn và cha mẹ cũng đang gặp khó khăn trong việc làm thế nào để giám sát hiệu quả nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến sự an toàn, lòng tự trọng, kết nối xã hội và thói quen – những thứ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và các lĩnh vực sức khỏe khác.”
Những tác hại của mạng xã hội
Kết quả của cuộc thăm dò dựa trên một cuộc lấy mẫu đại diện quốc gia với hơn 2,000 người được hỏi, cũng tiết lộ rằng 50% phụ huynh lo ngại về các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự tử, căng thẳng và lo lắng liên quan đến việc dùng màn hình quá nhiều.
Các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm Instagram, TikTok, Snapchat và Facebook.
Kết quả từ một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tập san Tâm thần học JAMA cho thấy, trẻ chưa đến tuổi vị thành niên và trẻ vị thành niên dành hơn ba giờ mỗi ngày trên mạng xã hội sẽ có nguy cơ tăng hơn 60% bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu độc lập cho thấy việc dùng mạng xã hội quá nhiều là nguyên nhân chính gây mất tập trung, có thể gây nghiện dẫn đến tác động xấu đến kết quả học tập và gây ra ảo tưởng khi trẻ tự so sánh mình với những người nổi tiếng – người tự cho là có tầm ảnh hưởng lớn.
Theo một blog chính thức của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia, các nền tảng truyền thông xã hội có liên quan đến một sự ấn định về ngoại hình, áp lực phải có cơ bắp và giảm sự hài lòng về cơ thể. Mạng xã hội cũng khiến học sinh dễ bị bắt nạt trực tuyến. 59% thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ nói rằng đã bị bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến.
Cha mẹ phải làm gì?
Những tháng tựu trường là thời điểm tốt để khôi phục những kỳ vọng và đặt ra các giới hạn có thể đã được dỡ bỏ trong nhiều tháng hè.
“Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ nới lỏng những quy tắc đó trong mùa hè, nhưng khi vào đầu năm học thì cha mẹ và con cái nên trò chuyện về giới hạn thời gian lướt web và dùng mạng xã hội bằng cách thiết lập các quy tắc đã được thống nhất,” Tiến sĩ Michelle Escovedo, chuyên gia y khoa lứa tuổi vị thành niên tại Bệnh viện Nhi đồng Cedars-Sinai Guerin ở Los Angeles, cho biết trong một cuộc trò chuyện cộng đồng ảo gần đây về mùa tựu trường.
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) khuyến nghị áp dụng các chiến lược sau đây để giữ an toàn cho trẻ:
1. Giới hạn thời gian dùng màn hình
Hạn chế mạng xã hội bằng cách hẹn giờ dùng thiết bị để trẻ em và thanh thiếu niên học cách tự kiểm soát. Việc thiếu tự chủ có thể dẫn đến nghiện. Các chuyên gia về não cho biết rằng việc thu thập các lượt thích, giao tiếp với mọi người trên mạng và tạm thời thoát khỏi cuộc sống thực cũng kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bằng cách giải phóng dopamine, cũng là chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích với những hoạt động gây nghiện khác như ăn uống và cờ bạc.
Dữ liệu năm 2019 từ công ty nghiên cứu Statista cho thấy 40% người dùng trực tuyến ở Hoa Kỳ từ 18 đến 22 tuổi cho biết họ cảm thấy nghiện mạng xã hội, với 5% số người được hỏi mô tả họ là “hoàn toàn” nghiện.
2. Bảo đảm trẻ ngủ đủ giấc
Hạn chế thời gian dùng màn hình để bảo đảm trẻ có thể ngủ được ít nhất là tám tiếng.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), việc thiếu ngủ của thế hệ Z sẽ làm giảm sự phát triển thần kinh của trẻ, tăng tính bốc đồng, dẫn đến các vấn đề về suy nghĩ và dễ có các hành vi hung hăng. Ngủ không đủ giấc cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên như tiểu đường và béo phì.
3. Theo dõi hành vi liên quan
Nên cảnh giác với những hành vi leo thang đến mức:
- Can thiệp vào các thói quen và cam kết hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như trường học, công việc, tình bạn và các hoạt động ngoại khóa.
- Trẻ thường chọn mạng xã hội thay vì giao tiếp xã hội trực tiếp.
- Trẻ không thể ngủ đủ ít nhất tám tiếng mỗi đêm.
- Trẻ bị hạn chế tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên.
- Trẻ vẫn dùng mạng xã hội ngay cả khi trẻ mong muốn được dừng lại.
- Trẻ có ham muốn cập nhật thông tin trên mạng xã hội.
- Trẻ nói dối hoặc dùng hành vi không chính đáng để có được thời gian trực tuyến.
Những mối quan tâm khác khi tựu trường
Danh sách các mối quan tâm của phụ huynh khi các con trở lại trường học như sau:
- Bữa ăn không lành mạnh (52%).
- Chi phí chăm sóc sức khỏe/bảo hiểm y tế (50%).
- Bạo lực học đường (49%).
- Hút thuốc/thuốc lá điện tử (48%).
Mối quan tâm phân theo tình trạng kinh tế xã hội
Các gia đình nghèo hơn có thu nhập dưới 50,000 USD mỗi năm thường lo ngại nhiều hơn về trầm cảm, tự tử, bắt nạt, bạo lực học đường, khu dân cư không an toàn, uống rượu và ma túy cũng như hút thuốc lá/thuốc lá điện tử. Các mối quan tâm khác trong nhóm này là mang thai và hoạt động tình dục ở tuổi vị thành niên, lạm dụng và bỏ bê trẻ em, căng thẳng của cha mẹ, phân biệt đối xử, COVID-19 và các nguy cơ sức khỏe liên quan đến ô nhiễm.
Cha mẹ của gia đình có thu nhập trung bình từ 50,000 USD đến 99,000 USD mỗi năm và những gia đình có thu nhập cao (trên 100,000 USD mỗi năm) thường cho rằng việc lạm dụng thiết bị và mạng xã hội là những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Mạng xã hội vẫn là mối lo canh cánh của các bậc cha mẹ
“Kể từ năm 2007, Tập san Mott Poll đã công bố các báo cáo định kỳ về mức độ quan tâm của cha mẹ đối với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Các vấn đề hàng đầu xoay quanh vai trò của mạng xã hội và internet đối với cuộc sống của trẻ em…
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times