Dưa leo: Thực phẩm bổ dưỡng chống tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu
Dưa leo là loại thực phẩm mát lạnh, nhưng bạn có biết cách ăn trái cây này như thế nào là tốt nhất ?
Dưa leo là loại thực phẩm mát lạnh, nhưng bạn có biết cách ăn như thế nào để nhận được nhiều lợi ích nhất không? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn, làm sạch và chuẩn bị dưa leo, cũng như những lưu ý [khi ăn loại thực phẩm này] nhìn từ quan điểm của Trung y và Tây y.
Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của dưa leo
Một nghiên cứu năm 2022 trên tập san Journal of Preventive Medicine and Hygiene (Y học Dự phòng và Vệ sinh) cho thấy ăn dưa leo thường xuyên có thể làm giảm huyết áp và lipid máu, đồng thời cải thiện hệ tim mạch và thần kinh nhờ dưa leo chứa các hợp chất flavonoid, isoflavone, tannin, polyphenol và nhiều phân tử tự nhiên có lợi khác.
Dưa leo là loại củ có hàm lượng calorie thấp, nhiều nước, dồi dào chất xơ. Chỉ có 15 calorie trong mỗi 100g (khoảng 3.5 ounce) dưa leo, trong đó 95% là nước, đủ để bổ sung độ ẩm và điện giải cần cho cơ thể một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, dưa leo còn chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa như vitamin C và K, potassium và selenium. Dưa leo cũng chứa các hợp chất phytochemical như flavonoid và carotenoid, có tác dụng chống viêm, chống ung thư, chống oxy hóa và các tác dụng khác. Do đó, dưa leo giúp hạ lipid máu, tăng độ ẩm cho da, lợi tiểu và giảm phù nề.
Cách ăn dưa leo tốt cho sức khỏe
Để tận dụng trọn vẹn giá trị dinh dưỡng của dưa leo, bạn có thể thưởng thức theo những cách sau:
1. Ăn sống
Ăn sống là cách tốt nhất để giữ nguyên nước và dưỡng chất của dưa leo. Bạn chỉ cần rửa sạch và cắt dưa leo tươi thành từng lát mỏng hoặc ăn trực tiếp từng miếng. Dưa leo sống có thể bổ sung nước, chất xơ và vitamin C cho cơ thể.
2. Muối dưa
Bạn có thể muối dưa leo bằng cách ngâm những lát dưa leo trong hỗn hợp muối, giấm, đường và gia vị, đây là một cách đơn giản để làm tăng hương vị và thời gian bảo quản dưa leo. Dưa leo muối có vị chua đặc biệt và kết cấu giòn nhưng vẫn giữ được hầu hết độ ẩm và hàm lượng chất xơ. Dưa leo muối cũng chứa ít calorie và không chứa chất béo.
3. Salad lạnh
Làm salad lạnh bằng cách trộn dưa leo cắt miếng với các loại rau củ, trái cây hoặc gia vị khác. Cách này cũng có thể giữ nguyên hương vị tươi mát và giá trị dinh dưỡng tương tự như ăn dưa leo sống. Có thể sử dụng đĩa dưa leo lạnh làm món phụ cho món salad, cơm hoặc ngũ cốc, làm gia tăng màu sắc và hương vị cho bữa ăn.
4. Nước ép
[Uống] nước ép là cách hấp thụ nước và khoáng chất nhanh chóng từ dưa leo. Nếu không thích phần bã còn sót lại, bạn có thể lọc qua rây và tất nhiên, nếu không phiền bạn có thể uống nguyên [cả phần nước và bã dưa leo]. Nước ép dưa leo chứa rất nhiều nước, vitamin, khoáng chất và còn có tác dụng giải khát.
Ngoài những cách làm trên, có thể hấp, luộc, xào dưa leo nhưng hãy cẩn thận không đun quá nóng để tránh mất nước và dưỡng chất. Ngoài ra, hãy kiểm soát lượng dầu và muối để tránh tăng lượng calorie và sodium hấp thụ. Nên luôn cố gắng giữ lại độ giòn và hương vị tươi mát nhất định, bất kể bạn ưa thích phương pháp chế biến nào.
Những hiểu lầm về dưa leo
1. Ăn khi đói
Trong tình huống thông thường, ăn dưa leo khi đói không thành vấn đề. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy khó chịu nếu ăn dưa leo lúc đói, chủ yếu là do đường tiêu hóa của họ rất nhạy cảm hoặc có các vấn đề khác như ăn quá nhiều, dễ gây đầy hơi, khó tiêu hoặc khó chịu ở dạ dày. Có thể khắc phục bằng cách ăn dưa leo ít hơn hoặc ăn khi đã thái nhỏ, hấp hoặc kết hợp với các thức ăn khác.
2. Nấu chín trước khi ăn
Một số người nghĩ rằng không nên ăn dưa leo khi đã nấu chín vì có thể làm mất nước và dưỡng chất, nhưng đây là một hiểu lầm. Miễn là không đun quá nóng, dưa leo sẽ giữ được phần lớn nước, chất xơ và tất cả các thành phần khác. Thật vậy, đối với những người có khả năng tiêu hóa kém, việc hấp hoặc luộc sơ sẽ giúp dễ tiêu hóa dưa leo hơn.
3. Gọt vỏ trước khi ăn
Nhiều người cho rằng có rất nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và vi khuẩn nhiễm bẩn ở bề mặt ngoài của dưa leo, nên gọt vỏ khi ăn sẽ an toàn hơn. Cách làm này sẽ không mất đi quá nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu có thể rửa sạch hoặc tiệt trùng dưa leo bằng phương pháp tin cậy, bạn có thể an tâm ăn kèm vỏ để giữ lại trọn vẹn dưỡng chất.
Người bụng lạnh nên ăn ít dưa leo
Trung y đã khám phá ra rằng hầu hết các loại thức ăn đều có tính “hàn” hoặc “nhiệt” và chia các loại thực phẩm thông thường thành ba nhóm: hàn, nhiệt và ôn (trung tính).
Dựa trên lý thuyết của Trung y, dưa leo có tính hàn. Những người có dạ dày lạnh và/hoặc yếu không nên ăn quá nhiều dưa leo cùng với các thực phẩm có tính hàn khác.
Ăn những thực phẩm tính hàn sẽ khiến cơ thể lạnh hơn còn ăn thực phẩm tính nhiệt sẽ làm cơ thể ấm hơn một chút. Như vậy, cần ăn lượng thực phẩm hàn và nhiệt thích hợp để cơ thể được cân bằng.
Cách chọn dưa leo
Khi chọn dưa leo, hãy chú ý đến các vết thâm, độ mềm (cứng tốt hơn là mềm) và các dấu hiệu dưa leo bắt đầu hư thối. Hãy cố gắng chọn dưa leo hữu cơ hoặc trồng tự nhiên. Giá của những quả dưa leo này sẽ cao hơn nhưng nguy cơ dư lượng thuốc trừ sâu và ô nhiễm vi khuẩn thường thấp hơn.
Làm sạch và khử trùng dưa leo
Để làm sạch và khử trùng dưa leo, bạn có thể chà dưới nước sạch, ngâm trong dung dịch soda hoặc giấm hay tráng nước sôi.
Chà dưới nước sạch sẽ loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi vỏ của dưa leo.
Nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy thêm một ít bột soda vào nước. Sau đó, ngâm dưa leo trong nước soda từ 8 đến 10 phút để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu và một số vi khuẩn.
Nếu những cách trên vẫn chưa làm bạn an tâm, hãy thêm một ít giấm vào nước và ngâm dưa leo trong nước giấm khoảng 10 phút. Giấm có tính kháng khuẩn và có thể giúp loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt dưa leo.
Biện pháp cuối cùng là tráng dưa leo với nước sôi để loại bỏ các vi khuẩn và các chất độc hại còn sót lại, sau đó ngâm và rửa sạch dưới vòi nước.
Cho dù bạn chọn phương pháp nào, dưa leo tiệt trùng phải được rửa sạch thật kỹ với nước sạch để loại bỏ hoàn toàn chất khử trùng và các dư lượng thuốc trừ sâu.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times