Điện thoại thông minh gây nghiện và gây hại cho sức khỏe tâm thần như thế nào
Nghiên cứu cho thấy các thiết bị công nghệ yêu thích đang khiến cho trẻ em có bộ não nhỏ hơn và khả năng nhận thức giảm sút
Chứng nghiện điện thoại thông minh đang trở nên phổ biến trên toàn cầu. Giới trẻ là những người dễ bị tổn thương nhất, mặc dù vấn đề không chỉ xảy ra với những người trẻ. Thời gian dùng mạng xã hội cạnh tranh với thời gian chúng ta dành cho những người thân yêu, với những mong muốn cốt lõi trong cuộc sống và những công việc thiết yếu.
Theo thống kê, hơn 6.6 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, lướt internet hoặc chơi game.
Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chứng nghiện điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, dẫn đến trầm cảm, vô sinh và chậm phát triển trí não. Các chuyên gia cho rằng hậu quả của việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức có thể nghiêm trọng hơn dự đoán.
Nghiện được định nghĩa là một “hành vi gây khoái cảm, nếu tiếp xúc nhiều lần sẽ dần dần dẫn đến mất kiểm soát và gây ra những hậu quả tiêu cực hơn nữa.” Một số nghiên cứu cho thấy chứng nghiện điện thoại thông minh tương tự như hầu hết các bệnh gây nghiện. Điện thoại thông minh nhỏ, dễ vận hành và dễ mang theo khiến nguy cơ nghiện càng trở nên nguy hiểm và phổ biến hơn.
Ảnh hưởng của việc nghiện điện thoại thông minh đến sức khỏe tâm thần
Năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên JAMA Psychiatry (Tập san Tâm thần học của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã khảo sát 6,595 thanh thiếu niên Mỹ. Nghiên cứu cho thấy so với những người không sử dụng mạng xã hội thì những người sử dụng mạng xã hội từ 30 phút đến 3 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị các triệu chứng (bao gồm lo lắng và trầm cảm) tăng 1.89 lần. Nguy cơ tăng lên 2.47 lần nếu sử dụng từ 3 đến 6 tiếng hàng ngày và 2.83 lần trong hơn 6 tiếng. Càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, cảm giác lo lắng, trầm cảm và cô đơn càng mạnh hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san American Journal of Preventive Medicine (Y tế Dự phòng Hoa Kỳ) vào tháng 07/2017 đã tiết lộ rằng những người thường lướt mạng xã hội có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2.7 lần so với những người ít xem mạng xã hội nhất. Những người dành nhiều thời gian nhất cho mạng xã hội có nguy cơ bị chứng trầm cảm cao hơn 1.7 lần so với những người dành ít thời gian hơn.
Một nghiên cứu gần đây từ Canada đã thừa nhận rằng chứng nghiện mạng xã hội có thể có sức tàn phá khủng khiếp giống như các hình thức nghiện khác, chẳng hạn như cờ bạc và lạm dụng ma túy.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 750 người Canada từ 16 đến 30 tuổi và phát hiện ra rằng những người thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để truy cập mạng xã hội sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để được tiếp tục sử dụng mạng xã hội.
Khoảng 40% sẵn sàng từ bỏ caffeine, rượu và trò chơi điện tử; 30% thà không tập thể dục, xem TV hoặc ăn tại nhà hàng yêu thích trong một năm; gần 10% chấp nhận không sinh con hoặc từ bỏ một năm cuộc đời; 5% và 3% sẵn sàng bỏ đi 5 hoặc 10 năm cuộc đời; dưới 5% sẵn sàng bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các bệnh đe dọa đến tính mạng như ung thư; và 10% đến 15% sẵn sàng tăng 15 pound (6.8kg), cạo trọc đầu, bỏ lái xe, ngừng đi du lịch hoặc sống không có điều độ thay vì từ bỏ mạng xã hội.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những người nghiện điện thoại thông minh ở mức độ cao hơn đã giảm khả năng nhận thức, phản ứng thị giác và thính giác cũng như khả năng tự kiểm soát. Họ đạt điểm thấp hơn về mức độ hạnh phúc tổng thể và cao hơn về mức độ sợ mắc sai lầm và sự trì hoãn.
Ảnh hưởng của chứng nghiện điện thoại thông minh đến trí óc của trẻ em
Vào tháng Tư năm nay, dữ liệu do Cục Thống kê Úc (ABS) công bố cho thấy 90% trẻ em dành ít nhất một tiếng mỗi tuần trước màn hình, và số trẻ em dành hơn 20 tiếng mỗi tuần ngày càng tăng. Trong khi tỷ lệ trẻ từ 5 đến 14 tuổi sử dụng màn hình vẫn ở mức 90% thì thời gian sử dụng lại tăng lên so với năm 2017–2018.
Cô Michelle Ducat, Trưởng phòng Thống kê Giáo dục và Đào tạo tại ABS, cho biết 40% trẻ em dành từ 10 đến 19 tiếng trước màn hình, và tỷ lệ trẻ em sử dụng màn hình hơn 20 tiếng mỗi tuần đã tăng từ 16% lên 24%.
Các nghiên cứu cắt dọc được thực hiện trong nhiều năm cho thấy một xu hướng đáng lo ngại – số lần lướt Internet cao hơn dường như có liên quan đến sự suy giảm trí thông minh về lời nói, và giảm gia tăng khối lượng chất xám và chất trắng trên các vùng não ở trẻ em đang lớn.
Các vùng não bị ảnh hưởng bao gồm các vùng có liên hệ phức tạp với các chức năng nhận thức khác nhau, bao gồm các vùng liên quan đến ngôn ngữ, sự chú ý, chức năng điều hành, điều tiết cảm xúc và nhận thức về phần thưởng.
Tóm lại, những phát hiện này cho thấy mối tương quan trực tiếp hoặc gián tiếp giữa việc lướt internet thường xuyên và sự suy giảm trí thông minh bằng lời nói. Hơn nữa, mô hình này dường như mở rộng đến sự phát triển của khối lượng chất xám ít hơn ở nhiều vùng não trong các giai đoạn sau. Nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong ba năm kể từ lớp sáu đã làm giảm đáng kể sự phát triển trí não trong thời gian đó.
Tiến sĩ Ryuta Kawashima, giáo sư của Viện Phát triển, Lão hóa và Ung thư tại Đại học Tohoku, đã tiến hành nghiên cứu với hơn 70,000 học sinh tiểu học, trung học Nhật Bản và tiết lộ rằng thời gian sử dụng điện thoại thông minh lâu hơn có liên quan đến sự suy giảm khả năng học tập nhiều hơn.
Tiến sĩ Kawashima giải thích rằng giao tiếp mặt đối mặt sẽ kích thích não bộ theo nhiều cách khác nhau, đưa đến các hoạt động tích cực. Ngược lại, giao tiếp trực tuyến mang lại sự kích thích não hạn chế – chỉ kích hoạt từng phần của não. Ông nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua những tác động tiêu cực của điện thoại thông minh.
Thoát khỏi sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh
Tiến sĩ Kawashima khuyên sinh viên tránh xa điện thoại thông minh trong khi học và hạn chế sử dụng điện thoại thông minh hàng ngày ở mức một tiếng hoặc ít hơn.
Cục Sức khỏe tâm thần của Bộ Y tế và phúc lợi Đài Loan đề nghị hai phương pháp điều trị chứng nghiện internet dựa trên các nguyên nhân khác nhau của chứng nghiện này.
- Phương pháp thứ nhất là giúp người nghiện internet hiểu rõ bản thân, khám phá bản sắc, tạo ra những thay đổi thông qua trị liệu tâm lý và từ đó cải thiện tình trạng nghiện internet.
- Phương pháp thứ hai liên quan đến sự can thiệp của y tế, do người nghiện thường mắc các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm và lo âu. Việc điều trị những rối loạn liên quan này có thể giúp cải thiện tình trạng nghiện internet.
Tiến sĩ Ngô Khôn Hồng, giám đốc Cục Tâm thần Nghiện thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Tâm thần Đào Viên trực thuộc Cục Phúc lợi ở Đài Loan gợi ý một số phương pháp đơn giản giúp giải quyết chứng nghiện bao gồm:
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times