Cuốn sách mới trình bày khoa học đằng sau Pháp Luân Công
Nhân loại đã luôn thiền định trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng khoa học chỉ mới bắt đầu nắm bắt được tất cả những điều thú vị trong đó. Trong thời đại mà các cuộc thử nghiệm lâm sàng khám phá ra những phương pháp điều trị hiệu quả, các nhà nghiên cứu hiện đang đánh giá tác dụng của những bài tập thiền định cổ xưa để xem liệu tiếng tăm cải thiện sức khỏe có thực sự đem lại kết quả hay không.
Kết quả là người ta đã có sự tôn trọng mới mẻ dành cho các môn tập này. Chẳng hạn như, chỉ vài thập niên trước, yoga vốn bị tổ chức y tế gạt bỏ là thứ vô nghĩa của Thời đại mới, giờ đây được một số bác sĩ khuyến nghị như một phương pháp bổ trợ hiệu quả cho liệu pháp chính thống. Yoga đã đạt được hiệu quả tốt trong một số cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trong vài năm qua, khi cho thấy những cải thiện đáng kể trong [việc điều trị] chứng lo âu, trầm cảm, căng thẳng, đau đớn, các vấn đề tim mạch, bệnh tự miễn dịch, và thai nghén.
Một cuốn sách mới, “The Mindful Practice of Falun Gong: Meditation for Health, Wellness, and Beyond,” (Tạm dịch: Thực Hành Chánh Niệm của Pháp Luân Công: Thiền Định cho Sức Khỏe, Sự Khỏe Mạnh, và Hơn Thế Nữa) xem xét những gì khoa học nói về hiệu quả chữa bệnh của môn thiền định cổ truyền Trung Hoa này. So với Yoga, đánh giá khoa học về Pháp Luân Công vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Nhưng theo tác giả và nhà nghiên cứu Tiến sĩ Margaret Trey, dữ liệu hiện có cho thấy tiềm năng chữa bệnh mạnh mẽ của môn tập.
Cuốn sách của bà Trey xem xét tất cả các nghiên cứu chính thức được thực hiện về Pháp Luân Công và việc chữa bệnh cho đến nay, đồng thời nêu bật một dự án nghiên cứu hấp dẫn hiện đang được tiến hành.
Khảo sát ở Úc
Nền tảng của cuốn sách của bà Trey là một nghiên cứu tiên phong do bà thực hiện, được gọi là Khảo sát ở Úc, được công bố trên tập san trực tuyến của Hiệp hội Tư vấn Hoa Kỳ, Vistas Online. Cuộc khảo sát được phát triển như một phần của luận án tiến sĩ của bà tại Đại học Nam Úc. Khảo sát này so sánh tác dụng về sức khỏe và thể chất của Pháp Luân Công theo cảm nhận của các học viên, được đo lường so với nhóm chứng bao gồm những người tham gia không phải học viên. Kết quả cho thấy rằng tập luyện Pháp Luân Công có tác dụng tích cực, rõ ràng đối với các kết cục sức khỏe mà người bệnh tự báo cáo.
Nhìn chung theo Khảo sát ở Úc, các học viên Pháp Luân Công cho biết họ có sức khỏe tốt hơn những người không tập. Nhiều học viên hơn (76%) xác nhận sức khỏe của họ là tuyệt vời, so với nhóm không phải học viên (19%). Hầu hết các học viên (83%) cho biết họ cảm thấy bình yên và tràn đầy năng lượng so với những người không tập luyện (44%). Hầu hết các học viên (83%) cho biết các vấn đề về thể chất hoặc tinh thần không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, so với chỉ hơn một nửa nhóm không phải học viên.
Nghiên cứu của bà Trey rất quan trọng vì đây là cuộc khảo sát đầu tiên thuộc loại này được thực hiện bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt xem xét các tác động đến sức khỏe và thể chất.
Bà Trey nói trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, “Về quy mô mẫu, tôi có thể nói rằng nghiên cứu của tôi khá đa dạng so với các nghiên cứu khác bên ngoài Trung Quốc. Nghiên cứu này lớn hơn nhiều so với nghiên cứu thông thường và số người trả lời rất đa dạng, đến từ hơn 30 quốc gia.”
Điều quan trọng là Khảo sát ở Úc bắt đầu với một nhóm Pháp Luân Công báo cáo có tương đối nhiều vấn đề về sức khỏe và y tế hơn trước khi họ bắt đầu tu luyện, nhưng vẫn vượt xa nhóm không phải học viên Pháp Luân Công về mọi chỉ số sức khỏe. Nhiều học viên Pháp Luân Công cho biết trước đây họ gặp phải từ hai bệnh lý trở lên và đã cải thiện đáng kể hoặc hoàn toàn khỏi bệnh kể từ khi bắt đầu tu luyện.
Bà Trey chia sẻ, “Các phát hiện của tôi cho thấy những người tập luyện Pháp Luân Công cho biết sức khỏe của họ thay đổi sau khi bắt đầu tập luyện. Tôi không thể chứng minh rằng việc tập luyện giúp họ hồi phục. Đó là bước tiếp theo: một nghiên cứu theo dõi lâu dài. Đó là những gì tôi hy vọng sẽ làm được.”
Đặc điểm của Pháp Luân Công
Pháp Luân Công thường được so sánh với Yoga và thái cực quyền vì đều có các động tác thiền định chậm rãi. Nhưng một đặc điểm khác biệt của Pháp Luân Công là yêu cầu các học viên tuân theo tiêu chuẩn đạo đức cao trong cuộc sống hàng ngày, cố gắng sống theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Ngoài việc tập các bài công pháp, các học viên Pháp Luân Công còn thường xuyên đọc quyển sách “Chuyển Pháp Luân,” trong đó bàn về các chủ đề như tầm quan trọng của việc nghĩ cho người khác, vai trò thiết yếu của việc tự suy ngẫm và tự nhận thức, cũng như hậu quả của hành vi xấu.
Khảo sát của bà Trey cho thấy hầu hết các học viên Pháp Luân Công khi nói về ảnh hưởng lên sức khỏe đã đánh giá yếu tố tu luyện tâm tính cao hơn các bài tập luyện.
Trong phần lớn lịch sử, Pháp Luân Công chỉ được một số ít người biết đến, vì được truyền bí mật từ Sư phụ sang đồ đệ, theo Đại Sư Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công. Đại Sư Lý (được các học viên gọi là “Thầy” hoặc “Sư phụ”, theo truyền thống Trung Hoa) giảng rằng Pháp Luân Công chủ yếu là một phương pháp để đạt được sự giác ngộ, tương tự như Đạo giáo hoặc Phật giáo.
Đại Sư Lý lần đầu tiên giới thiệu Pháp Luân Công ra công chúng vào năm 1992 qua chuyến giảng Pháp và hướng dẫn luyện công trên khắp Trung Quốc. Sau 54 lần giảng Pháp, chuyến giảng Pháp kết thúc vào năm 1995, nhưng môn tập này vẫn tiếp tục phát triển qua truyền miệng. Quyển sách “Chuyển Pháp Luân” được viết dựa trên những bài giảng đó, và đã trở nên rất phổ biến. Các không gian công cộng trên khắp đất nước thỉnh thoảng có đến hàng nghìn học viên tập luyện các bài công pháp và hướng dẫn những người mới. Đến năm 1998, một cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc xác định rằng đã có 70 triệu người Trung Quốc tham gia môn tập này, từ những người nông dân, nhà khoa học đến quan chức cao cấp.
Khảo sát ở Trung Quốc
Sự gia tăng nhanh chóng về mức độ phổ biến và các báo cáo về khả năng chữa lành kỳ diệu liên quan đến Pháp Luân Công đã thu hút sự chú ý của chính phủ và cộng đồng y tế Trung Quốc, họ đã cử các nhà nghiên cứu đến điều tra. Những gì họ phát hiện rất giống với Khảo sát ở Úc.
Năm 1998, một năm trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tàn bạo nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, các cuộc khảo sát về sức khỏe và thể chất đã được tiến hành ở các tỉnh Bắc Kinh, Vũ Hán, Đại Liên, và Quảng Đông để tìm hiểu lý do tại sao lại có đông đảo người cùng đến tập luyện. Họ phát hiện rằng 98% trong số 31,000 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã có những cải thiện sức khỏe đáng kể ngay sau khi bắt đầu tập luyện. Hơn 90% cho biết đã bị nhiều loại bệnh khác nhau trước khi tập luyện, và hơn 70% đã hồi phục “hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn.”
Các nghiên cứu này cũng quan sát thấy những người tập luyện Pháp Luân Công đã tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe. Theo các cuộc khảo sát của Trung Quốc, các học viên đã tiết kiệm được khoảng 70 triệu nhân dân tệ (10.6 triệu USD) chi phí chăm sóc sức khỏe có thể xác định được. Một quan chức Trung Quốc nói với tờ US News and World Report rằng việc áp dụng rộng rãi các môn khí công, bao gồm cả Pháp Luân Công, có thể tiết kiệm cho đất nước 100 tỷ nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 15 tỷ USD).
Tương tự trong Khảo sát ở Úc, đa số các học viên Pháp Luân Công (95%) cho biết họ không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào (thuốc kê toa, thuốc không kê toa, vitamin, hoặc thực phẩm chức năng), và 92% trong số đó cho biết họ không chi bất kỳ khoản tiền nào cho chi phí chăm sóc sức khỏe hoặc y tế. Những người báo cáo chi phí y tế thường liên quan đến các khoản phí bảo hiểm y tế bắt buộc của người đóng thuế.
Những tâm hồn thăng hoa
Mặc dù các cuộc khảo sát có thể cung cấp một số hiệu ứng có thể đo lường được của Pháp Luân Công, nhưng bà Trey hiện đang thực hiện một nghiên cứu tiếp theo với các chi tiết, mà theo bà, vượt xa những gì người ta thường hiểu về tâm trí và cơ thể con người. Bà gọi dự án này là Hearts Uplifted (Những tâm hồn thăng hoa).
Được đặt tên theo cảm giác mà bà Trey mong đợi dự án sẽ đem lại, Hearts Uplifted là một tập hợp các nghiên cứu đặc biệt: những câu chuyện trực tiếp đến từ cuộc sống của các học viên Pháp Luân Công. Những câu chuyện này nêu bật những bước ngoặt đầy biến động trong cuộc đời của các học viên, và cung cấp những ví dụ về khả năng phục hồi dường như siêu phàm của con người.
Bà Trey chia sẻ, “Ví dụ, một trong những người tham gia nghiên cứu hiện tại của tôi đã bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Câu chuyện của cô kể về niềm tin và đức tin vào Pháp Luân Công đã giúp cô có sức mạnh và sự kiên cường để sống qua những khoảnh khắc kinh hoàng tại một trong những trại lao động cưỡng bức khét tiếng nhất Trung Quốc mà Phòng 610 sử dụng để giam giữ và tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Nhiều người sẽ gặp phải sang chấn tâm lý sau một trải nghiệm đau khổ như vậy – nhưng các học viên Pháp Luân Công thì không.” Phòng 610 là cơ quan bí mật giống như Gestapo được Đảng Cộng sản thành lập để chỉ đạo chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc.
Câu chuyện của bà Barbara
Một trong những câu chuyện đáng chú ý nằm trong dự án Hearts Uplifted đã xuất hiện ở dạng sơ bộ trong cuốn sách hiện tại này. Câu chuyện thuộc về bà Barbara Schafer.
Bà Schafer là một nhà bảo tồn nghệ thuật gốc Ba Lan đã di cư sang Úc. Trong hơn ba thập niên, bà đã khôi phục và bảo tồn các tòa nhà lịch sử. Vào năm 2003, khi đang duỗi người trên giàn giáo gần trần cao của một Nhà thờ Chính thống Macedonian ở Melbourne, Úc, bà Schafer bị mất thăng bằng và ngã từ độ cao 23 feet (7m).
Bà Schafer nói với bà Trey trong một cuộc phỏng vấn, “Điều cuối cùng tôi nghe thấy là tiếng nứt khi đầu tôi đập vào bê tông.”
Vì làm việc một mình, bà Schafer nằm trên sàn nhà thờ hàng tiếng trước khi nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào. Khi bà tỉnh dậy trong vũng máu, bằng cách nào đó bà đã tập tễnh đi đến chỗ điện thoại ở văn phòng nhà thờ và gọi xe cấp cứu.
Cú ngã đó thật tàn khốc. Xương gãy nhô ra khỏi hai tay. Hộp sọ của bà bị vỡ nhiều chỗ, mũi và xoang dập nát, đầu gối cong theo nhiều hướng, và hàm trên bị gãy ba chỗ. Cuộc phẫu thuật đã khâu các mảnh [xương] lại với nhau, nhưng những biến chứng và cơn đau dai dẳng, dữ dội xảy ra sau đó là một cơn ác mộng. Các bác sĩ chỉ nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên xấu hơn. Bà Schafer được đưa cho một danh sách dài bốn trang về các vấn đề y tế mà bà có thể phải chịu đựng trong tương lai.
Bà nói với Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn, “Cú ngã ảnh hưởng đến trí nhớ của tôi khá nhanh. Một hôm tôi lái xe vào thành phố để khám bác sĩ nhưng rồi tôi quên mất mình đến đó bằng cách nào. Nửa tiếng sau tôi đã tìm thấy chiếc xe. Chìa khóa vẫn ở trong đó. Động cơ vẫn nổ máy, và gần như hết xăng. Tình hình của tôi khá trầm trọng.”
Bà Schafer cho biết bà đã nghe nói về Pháp Luân Công nhiều năm trước, nhưng chưa bao giờ nghĩ nhiều về môn này. Bà chia sẻ, “Sau tai nạn, tôi có nhiều thời gian nên tôi quyết định tập thử. Khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, mọi thứ gần như thay đổi ngay lập tức.”
Bảy tuần sau cuộc phẫu thuật và vẫn còn quấn băng, bà Schafer đã thử các bài tập và nhận thấy rằng việc tập luyện [các bài khí công] đã làm biến mất cơn đau mạn tính. Hai ngày sau, bà bắt đầu đọc “Chuyển Pháp Luân,” một cách khó khăn vì tầm nhìn bị ảnh hưởng trầm trọng do tai nạn. Vào ngày thứ ba đọc cuốn sách đó, bà cảm thấy một dòng điện mạnh mẽ chạy từ ngón tay lên cánh tay của mình. Bà cho biết trải nghiệm này đã giúp bà phục hồi thị lực, làm dịu cơn ù tai liên tục gây đau đớn, và ngăn dòng dịch tủy sống chảy ra sau cổ họng mà hai cuộc phẫu thuật không thể khắc phục được.
Bà Schafer chia sẻ bà cũng đã hồi phục sau các vấn đề sức khỏe gặp phải trước vụ tai nạn: rối loạn tiêu hóa trầm trọng, chứng đau nửa đầu, dị ứng, lo lắng, và trầm cảm.
Bà nói, “Tôi biết điều gì đó kỳ diệu và không thể giải thích được đang xảy ra.”
Sức khỏe tốt là ‘tác dụng phụ’
Theo nghiên cứu của bà Trey, trải nghiệm nổi bật của bà Schafer là một trong số rất nhiều trải nghiệm khác. Những câu chuyện khác trong dự án Hearts Uplifted bao gồm một người trước đây bị Hội chứng Guillain-Barré, và một người khác bị bệnh viêm cơ tim do virus, cả hai đều đã hồi phục tình trạng suy nhược sau khi tu luyện Pháp Luân Công.
Theo các cuộc khảo sát ở Trung Quốc, hàng nghìn học viên khẳng định đã tự chữa khỏi các vấn đề sức khỏe của họ nhờ tu luyện Pháp Luân Công; nghiên cứu gần đây đi đến một kết luận tương tự. Một nghiên cứu, bản tóm tắt được đưa vào các cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, tuyên bố rằng 97% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tự báo cáo đã hồi phục hoàn toàn các triệu chứng sau khi tập luyện Pháp Luân Công. Thời gian trung bình để phục hồi triệu chứng là 3.6 tháng sau khi bắt đầu tập luyện.
Tuy nhiên, Pháp Luân Công không bảo đảm cho sức khỏe tốt. Một số người trong nhóm Pháp Luân Công được khảo sát tại Úc không thấy tình trạng của họ cải thiện nhiều hay không hề cải thiện, và một người được xác định là học viên đã trả lời rằng cô ấy vẫn bị đau mạn tính trầm trọng. Bà Trey suy đoán rằng những người này có thể đã không đọc sách và tập các bài công pháp thường xuyên, vì dữ liệu cho thấy những học viên thực hành hàng ngày sẽ có tình trạng sức khỏe tốt hơn.
Mặc dù hy vọng về sức khỏe tốt hơn ban đầu có thể thu hút nhiều người đến với Pháp Luân Công, nhưng các học viên lâu năm thường xem sức khỏe tốt là một tác dụng phụ dễ chịu, hơn là mục tiêu của tu luyện.
Bà Trey viết, “Một khi mọi người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và học các bài giảng của môn này, họ sẽ nhận ra rằng việc tu luyện không phải là để bảo đảm có được sức khỏe tốt hơn trong cuộc đời này. Họ nhận ra rằng sức khỏe tốt hơn chỉ là sản phẩm phụ của quá trình tu luyện chân chính.”
Theo bà Schafer, Pháp Luân Công chủ yếu là “một cơ hội để trở thành một người tốt hơn.”
“Một khi học Pháp Luân Công, bạn sẽ nhận thức được những nguyên do và nhân duyên của những sự tình khác nhau trong cuộc sống, bạn ngộ ra nhiều điều. Cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, và bạn cảm thấy tự do và hạnh phúc vì cảm thấy tự chủ hơn với cuộc đời mình. Đó là một nền văn hoá khác với nền văn hoá chúng ta đã quen.”
Dù bà nghĩ Pháp Luân Công thật tuyệt vời, bà Schafer cũng nói thêm rằng môn tập này không dành cho tất cả mọi người. Việc đáp ứng các yêu cầu của tu luyện có thể là một thử thách, và những người thiếu ý chí và quyết tâm mạnh mẽ sẽ không thể làm theo, ngay cả khi có bằng chứng thuyết phục [về những lợi ích gặt hái được qua quá trình tu luyện], bà chia sẻ.
Bốn tháng sau tai nạn của bà, các bác sĩ đã bối rối trước sự hồi phục của bà Schafer và hỏi bà đã làm gì. Bà đưa cho họ một tờ rơi Pháp Luân Công và đề nghị dạy họ tập luyện, nhưng tất cả họ đều từ chối. Tương tự như vậy, bà đã đưa một số bản in của cuốn “Chuyển Pháp Luân” cho bạn bè và gia đình, nhưng bà nhận thấy rằng rất ít người trong số họ thích thú với quyển sách này.
Nhóm biên dịch Văn hóa-Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times