Củ cải chống viêm, chống ung thư và hạ đường huyết
Củ cải là một nguyên liệu bổ sung giòn rụm và cay nồng cho các món salad và các món ăn mùa đông, với nhiều lợi ích dinh dưỡng.
Có một câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa khuyên rằng nên “Ăn củ cải vào mùa đông.” Liệu câu nói này có ẩn chứa sự hiểu biết nào không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những lợi ích của củ cải và thảo luận về những lưu ý khi ăn.
Củ cải, với hương vị cay nồng và hăng, chứa đựng nhiều các chất dinh dưỡng có ích. Hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và ít calorie khiến củ cải trở thành lựa chọn lý tưởng để tăng cảm giác no và kiểm soát cân nặng. Trong 100g củ cải, chỉ có 16 calorie, với 3.4g carbohydrate, 1.6g chất xơ, và 0.68g protein. Ngoài ra, củ cải còn chứa vitamin C và A, potassium (kali), calcium, và phosphorus, cùng các dưỡng chất khác.
1. Chống viêm và kháng khuẩn
Củ cải là thực phẩm chống viêm. Nhiều bệnh mạn tính bao gồm viêm khớp, ung thư, xơ vữa động mạch, và cao huyết áp, đều liên quan đến viêm mạn tính. Củ cải thuộc họ rau cải, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất và các thành phần được tinh chế từ rau họ cải có đặc tính chống viêm.
Các hợp chất dược liệu trong củ cải bao gồm glucosinolates, isothiocyanates, và polyphenols. Nghiên cứu đã cho thấy isothiocyanates có hiệu quả kháng khuẩn đáng kinh ngạc, với tỷ suất hoạt động lên tới 87% chống lại vi khuẩn kháng thuốc. Khi kết hợp với kháng sinh thông thường, hợp chất isothiocyanate này làm tăng hiệu quả của kháng sinh, đồng thời cung cấp một giải pháp tiềm năng chống lại sự kháng thuốc của vi khuẩn.
Trong Trung y, củ cải có tính mát, có khả năng thanh nhiệt và thải độc. Điều này phù hợp với khái niệm về tính chống viêm trong Tây y. Nói cách khác, có sự đồng thuận giữa Đông y và Tây y về mặt này.
2. Khả năng chống ung thư và chống oxy hóa
Củ cải cũng có tính năng chống ung thư. Nghiên cho thấy rằng isothiocyanates trong củ cải có thể ức chế sự phát triển và di căn của các khối u bằng cách điều hòa các protein và đường dẫn tín hiệu khác nhau. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của các loại khối u khác nhau.
Ngoài ra, lượng vitamin C dồi dào trong củ cải góp phần ngăn chặn và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư. Hàm lượng flavonoids phong phú, đặc biệt là anthocyanins, trong củ cải hoạt động như một chất chống oxy hóa với tính chống ung thư. Một nghiên cứu cho thấy rằng anthocyanins có thể đảo ngược khả năng kháng nhiều loại thuốc của tế bào ung thư, thể hiện hoạt động chống khối u.
3. Chống tiểu đường
Củ cải cũng có thể giúp kiểm soát mức đường huyết. Nghiên cứu cho thấy rằng củ cải làm tăng các cơ chế phòng vệ chống oxy hóa, giảm căng thẳng oxy hóa và peroxy hóa lipid, tăng hấp thụ glucose và chuyển hóa năng lượng, cải thiện sự điều chỉnh đường huyết do hormone gây ra và giảm sự hấp thụ glucose trong ruột. Điều này thể hiện tác dụng chống tiểu đường mạnh mẽ.
Một bài tổng quan tài liệu khác cho thấy rằng các hợp chất sinh học trong các bộ phận khác nhau của củ cải, như lá, mầm, thân và rễ, có thể tác động đến nhiều loại thuốc tiềm năng liên quan đến các tình trạng như ung thư, viêm, tổn thương gan và tiểu đường.
Lượng vitamin A dồi dào trong củ cải đóng vai trò quan trọng như một chất chống oxy hóa hữu ích cho thị lực. Ngoài ra, vitamin K trong củ cải đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe xương và quá trình đông máu. Củ cải cũng có hàm lượng chất xơ cao, giúp bổ trợ tiêu hóa.
Trung y tin rằng củ cải có thể điều hòa khí, làm dịu gan và kích thích tiêu hóa. Điều này phù hợp với những phát hiện trong y học hiện đại.
Tại sao nên ăn củ cải vào mùa đông?
Theo Trung y, hầu hết thực phẩm được phân loại là có tính lạnh, nóng hoặc trung tính. Ăn thực phẩm tính lạnh đem lại hiệu ứng làm mát, trong khi thực phẩm tính nóng đem lại sự ấm áp. Do đó, việc duy trì sự cân bằng trong cơ thể liên quan đến việc cân đối tiêu thụ thực phẩm tính hàn và nhiệt.
Theo Trung y, củ cải được xem là “lạnh” về bản chất. Tuy nhiên, trong thời tiết mùa đông đã khá lạnh, tại sao lại có câu ngạn ngữ khuyên ăn củ cải vào mùa đông?
Câu ngạn ngữ, “Ăn củ cải vào mùa đông,” ám chỉ đến những điều kiện cụ thể. Trong thời tiết lạnh của mùa đông, mọi người thường giữ nhiệt trong cơ thể và ăn thực phẩm tính nóng, như thịt cừu và thịt bò hầm. Điều này có thể dẫn đến tính nhiệt quá mức trong cơ thể. Việc bổ sung củ cải, được biết đến với tính làm mát, giúp cân bằng tính nhiệt từ các thực phẩm khác.
Lượng dưỡng chất phong phú trong củ cải góp phần tăng miễn dịch và khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng vào mùa đông. Ngoài ra, việc ăn củ cải vào mùa đông phù hợp với khái niệm “ăn theo mùa,” khuyến khích tránh tiêu thụ rau củ và trái cây ngoài mùa. Trung y nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe con người và môi trường, và sản phẩm theo mùa được xem là rất có ích, cung cấp dinh dưỡng và năng lượng tối ưu cho cơ thể. Do đó, thường có lời khuyên nên ăn củ cải chín mùa vào mùa đông.
Những điều cần lưu ý khi ăn củ cải
Mặc dù củ cải đem lại nhiều lợi ích, nhưng có một số điều cần cân nhắc khi ăn.
1. Ăn củ cải sống có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Những người có tình trạng như viêm loét dạ dày nên cẩn thận và tránh ăn củ cải sống.
2. Những người đang dùng thuốc chống đông máu nên hạn chế ăn củ cải do đặc tính làm đông máu của vitamin K có trong củ cải.
Tóm lại, từ quan điểm của Tây y, củ cải được công nhận là thực phẩm chống viêm, chống khối u, giảm đường huyết và bảo vệ gan. Trong Trung y, củ cải được tin là có khả năng thanh nhiệt, thải độc, tiêu đờm, kìm ho, làm ẩm phổi và kích thích tiêu hóa. Do đó, ngoại trừ nhóm người đã đề cập ở trên, việc bổ sung củ cải vào khẩu phần ăn có thể đem lại lợi ích đáng kể về cả năng lượng và giá trị dinh dưỡng. Khi mùa đông đến gần, hãy cân nhắc thêm một ít củ cải vào bữa ăn của bạn để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times