Công dụng của giấm: Giảm huyết áp, ổn định đường huyết và hơn thế nữa
Giấm không chỉ hợp để trộn salad, mà còn được sử dụng hàng thế kỷ để điều trị nhiều bệnh.
Giấm có lịch sử chữa bệnh và ẩm thực từ 5000 năm trước Công nguyên. Trong quá trình lên men, rượu chuyển hóa thành giấm. Thời Trung Hoa cổ xưa, người ta gọi giấm là “rượu đắng” và được dùng như một phương thuốc chữa cho nhiều bệnh khác nhau. Bác sĩ Ngô Quốc Bân, giám đốc Phòng khám Trung y Tâm Y Đường, đã trình bày chi tiết về lợi ích sức khỏe và các ứng dụng đa dạng của giấm trong đời sống hàng ngày trong chương trình “Health 1+1” của The Epoch Times.
Công dụng y học của giấm
Ông Ngô cho biết các văn bản y học cổ xưa có nhiều ghi chép về giấm, nhấn mạnh đến các lợi ích sức khỏe của giấm, bao gồm:
- Giảm sưng: Giấm có thể được dùng để điều trị các triệu chứng sưng tấy và mủ (dịch nhiễm trùng).
- Có tác dụng chống khuẩn và kháng virus: Giấm có thể tiêu diệt một số vi trùng. Khi các triệu chứng cảm lạnh mới xuất hiện, có thể dùng giấm pha loãng với một thìa canh muối trong nước nóng để súc miệng nhằm giảm nhiễm trùng do vi khuẩn và virus ở họng.
- Giúp bảo quản thực phẩm: Giấm có thể dùng để bảo quản và đóng hộp thực phẩm, ngâm thực phẩm và làm các loại nước xốt như chutney. Acid acetic trong giấm ngăn vi sinh vật xâm nhập vào thực phẩm và giúp thực phẩm không bị hư hỏng.
- Lợi cho tiêu hóa: Đối với những người thường xuyên bị trào ngược acid hoặc đầy bụng sau bữa ăn, uống một ít giấm có thể giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Kích thích hồi tỉnh: Đặt một miếng vải thấm giấm gần mũi của bệnh nhân bị ngất xỉu do sốc đột ngột có thể kích thích mạnh giúp họ tỉnh lại. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc giữ cho bệnh nhân tỉnh táo trong khi chờ vận chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Một phương pháp khác là đặt than nóng vào bát giấm, tạo ra khói có mùi giấm, có thể dùng để xông hơi qua miệng và mũi, giúp kích thích bệnh nhân tỉnh lại.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy giấm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ông Ngô đã liệt kê những lợi ích này:
- Giảm cholesterol: Giấm có thể giúp giảm cholesterol trong máu, do đó ngăn ngừa các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch. Nghiên cứu đã cho thấy rằng việc tiêu thụ giấm táo có thể làm giảm đáng kể tổng cholesterol huyết thanh và lượng đường huyết lúc đói.
- Giảm huyết áp: Giấm, đặc biệt là giấm táo, có thể giúp hạ huyết áp. Hàm lượng potassium (kali) dồi dào trong giấm táo giúp loại bỏ sodium (natri) dư thừa khỏi cơ thể, do đó duy trì sự cân bằng khoáng chất và giảm huyết áp. Một bài tổng quan hệ thống cho thấy giấm có thể làm giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Kết hợp giấm vào khẩu phần ăn uống có thể đóng vai trò như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh cao huyết áp.
- Giảm đường huyết: Acid acetic trong giấm có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate trong ruột, ức chế hấp thụ đường và giảm lượng đường huyết. Acid acetic cũng làm giảm tiết insulin, giúp ổn định đường huyết. Ông Ngô chia sẻ rằng một số bệnh nhân tiểu đường nhận thấy lượng đường huyết ổn định hơn sau khi dùng giấm mận. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy việc uống hai thìa cà phê giấm trong bữa ăn có thể làm giảm đường huyết sau ăn hiệu quả ở người lớn khỏe mạnh. Nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng hạ đường huyết của giấm liên quan đến quá trình tiêu hóa carbohydrate. Một thử nghiệm lâm sàng khác cho thấy việc tiêu thụ giấm táo hàng ngày có thể hữu ích trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết và lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.
- Giảm đau nhức: Sự tích tụ acid lactic trong cơ thể có thể gây đau nhức cơ bắp. Giấm có thể giúp đốt cháy acid lactic, do đó giảm đau nhức cơ bắp.
- Giảm acid uric: Sự tích tụ acid uric có thể dẫn đến hình thành sỏi. Giấm có thể giúp duy trì môi trường hơi kiềm bằng cách cân bằng độ acid của cơ thể, do đó giảm nguy cơ sỏi acid uric hoặc sỏi thận. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Medicinal Food (Tập san Thực phẩm Y học) vào năm 2018 cho thấy chiết xuất giấm đậu nành, được chiết xuất từ đậu nành lên men, có thể giảm lượng acid uric và tăng đào thải acid uric ở chuột bị tăng acid uric máu.
- Cải thiện làn da: Lipid trên màng tế bào có thể chuyển thành lipid peroxy hóa khi bị oxy hóa, dẫn đến giảm độ đàn hồi của da, nếp nhăn và đốm đen. Acid acetic có thể làm giảm sản xuất lipid peroxy hóa, cải thiện vẻ đẹp và sự trẻ trung cho làn da.
- Giảm chứng nấc cụt: Uống một lượng nhỏ giấm có thể giúp giảm co thắt cơ hoành trong các cơn nấc cụt dữ dội.
- Giảm say tàu xe: Trung y tin rằng say tàu xe có thể được cải thiện bằng cách giải quyết các vấn đề về đường tiêu hóa. Họ khuyến khích uống một ly nhỏ giấm loãng để giảm các triệu chứng say tàu xe.
- Cải thiện tình trạng nấm móng: Giấm có thể ức chế hiệu quả sự phát triển và sinh sôi của nấm móng. Ngâm móng nhiễm nấm thường xuyên trong dung dịch gồm 120g giấm và 1000ml nước trong khoảng 20 phút có thể dần dần loại bỏ nấm.
Ứng dụng của giấm trong đời sống hàng ngày
Ngoài các lợi ích sức khỏe được nêu trên, ông Ngô còn chia sẻ một số ứng dụng của giấm trong đời sống hàng ngày:
- Nấu cá nhỏ: Thêm giấm khi nấu cá nhỏ có thể giúp hòa tan calcium (canxi) trong xương, giúp cơ thể dễ hấp thụ. Cách này cũng làm mềm xương cá, do đó ăn được cả xương.
- Làm bánh mì: Thêm vài giọt giấm vào baking soda và trộn vào bột có thể giúp bột nhanh lên men hơn.
- Làm sạch chảo mới: Trước khi sử dụng chảo rán mới mua, bạn có thể thêm vài giọt giấm để vệ sinh lòng chảo.
- Nướng cá: Quét giấm lên bề mặt cá sẽ giúp da cá không bị dính vào vỉ nướng.
- Ngâm cá sống: Ngâm cá sống trong giấm giúp loại bỏ da dễ dàng hơn.
- Rửa sạch bào ngư, sò và khoai môn: Thêm một lượng giấm bằng với nước giúp rửa sạch chất nhờn trên bào ngư, sò và khoai môn.
- Luộc trứng: Thêm một chút giấm khi luộc trứng sẽ giúp lòng trắng không bị chảy ra ngoài ngay cả khi vỏ trứng bị nứt.
- Cắm hoa: Nhúng cuống hoa vào giấm trước khi cắm vào bình sẽ giúp hoa hút nước tốt hơn, từ đó kéo dài độ tươi.
- Nấu rong biển: Thêm một chút giấm có thể làm rong biển mềm hơn.
- Giảm lượng muối: Thêm một chút giấm trong khi nấu ăn có thể giúp tăng hương vị của món ăn, do đó giảm lượng muối cần thiết.
Đậu nành ngâm giấm giúp hạ huyết áp và chống táo bón
Ông Ngô chia sẻ một phương pháp ăn kiêng đơn giản và dễ thực hiện có tác dụng cải thiện huyết áp cao và táo bón. Đó là món đậu nành ngâm giấm. Như đã đề cập trước, giấm có thể giảm lipid máu, làm mềm mạch máu và giúp kiểm soát hoặc thậm chí hạ huyết áp. Cùng với đó là đậu nành nhiều chất xơ, giúp giảm táo bón.
Cách làm:
Ngâm 200g đậu nành hữu cơ chưa rửa sạch trong 600ml giấm trong bình miệng rộng, đậy nắp và để ở nhiệt độ phòng trong bốn ngày. Vào ngày thứ năm, để đậu nành trong tủ lạnh. Ăn từ 5 đến 10 hạt đậu nành mỗi ngày, tăng dần theo khả năng.
Ông Ngô cho biết một bệnh nhân cao huyết áp của ông bắt đầu ăn 15 đến 20 hạt đậu nành ngâm giấm mỗi ngày. Sau khoảng hai tuần, huyết áp của bệnh nhân bắt đầu ổn định. Sau một đến hai tháng, huyết áp của ông đã giảm 20 đến 30.
Chọn giấm như thế nào?
Ông Ngô khuyên nên chọn giấm lên men tự nhiên thay vì giấm tổng hợp được làm từ các chất phụ gia hóa học hoặc hỗn hợp của giấm tổng hợp và tự nhiên. Khi mua hàng, quý vị có thể phân biệt bằng các tiêu chí sau:
- Mùi: Giấm tổng hợp thường có mùi hăng và có thể gây kích ứng lưỡi, còn giấm lên men tự nhiên có mùi dịu hơn.
- Giá thành: Giấm lên men tự nhiên thường đắt gấp hai đến ba lần so với giấm tổng hợp.
- Uy tín thương hiệu: Nên mua hàng từ các thương hiệu uy tín.
Lưu ý: Phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy theo từng người. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phác đồ điều trị cụ thể.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times