Cơn giận làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu mới cho thấy việc hồi tưởng về những ký ức khiến người ta cảm thấy tức giận trong 8 phút làm tổn hại đến sự giãn nở của mạch máu trong suốt 40 phút tiếp theo.
Bạn có biết câu nói “Hãy để chuyện đã qua ở lại trong quá khứ?”
Hóa ra câu nói trên có thể cứu mạng bạn – hoặc ít nhất là sức khỏe tim mạch của bạn. Theo nghiên cứu mới được công bố trên Journal of the American Heart Association (Tập san Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ,) cơn giận có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thư giãn của mạch máu, làm tổn hại lưu lượng máu và khiến một người có nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.
“Chức năng của mạch máu bị tổn hại có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các nghiên cứu quan sát đã liên kết những cảm xúc tiêu cực với cơn nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh tim mạch khác,” tác giả chính của nghiên cứu và cũng là một bác sĩ tim mạch, Tiến sĩ Daichi Shimbo cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ông cho biết, cảm xúc tiêu cực phổ biến nhất được nghiên cứu là tức giận, mặc dù lo lắng và buồn bã cũng có liên quan đến các cơn đau tim. Ông và nhóm của mình đã chuyển sang nghiên cứu để xem liệu những cảm xúc tiêu cực như vậy có làm tổn thương chức năng của mạch máu hay không.
Khơi gợi lại cơn giận làm suy giảm lưu lượng máu
Trong cuộc nghiên cứu, 280 người lớn được phân ngẫu nhiên để thực hiện 4 nhiệm vụ mang tính cảm xúc kéo dài 8 phút. Những người tham gia không có tiền sử bệnh tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ truyền thống, chẳng hạn như đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh động mạch ngoại biên, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc rối loạn lipid máu. Những người tham gia là những người không hút thuốc, không có tiền sử rối loạn tâm thần, rối loạn tâm trạng hoặc rối loạn nhân cách.
Các nhiệm vụ bao gồm nhớ lại một ký ức cá nhân khiến họ tức giận hoặc một ký ức khiến họ lo lắng, đọc một loạt câu nói mang tính tiêu cực hoặc đếm liên tục đến 100 để cố gắng duy trì trạng thái cảm xúc bình thường.
Trước và sau khi những người tham gia thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tế bào lót nội mô mạch máu của người tham gia để xem liệu những tế bào này có gặp khó khăn trong việc giãn nở hay bị chấn thương hay không. Nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá nhiều lần sau khi người tham gia hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm 3 phút, 40 phút, 70 phút và 100 phút sau đó.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi những người tham gian nhớ lại những ký ức khiến họ cảm thấy tức giận, khả năng giãn nở mạch máu của họ bị suy giảm trong vòng tối đa 40 phút sau khi thực hiện nhiệm vụ và không lâu hơn. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy không có sự thay đổi có ý nghĩa thống kê nào ở những người thực hiện những nhiệm vụ khiến họ cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã.
Tiến sĩ Shimbo cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc khơi dậy trạng thái tức giận sẽ dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, mặc dù chúng tôi vẫn chưa hiểu điều gì có thể gây ra những thay đổi này. Việc điều tra mối liên quan cơ bản giữa sự tức giận và rối loạn chức năng mạch máu có thể giúp xác định các mục tiêu can thiệp hiệu quả cho những người có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch cao hơn.”
Kết nối Tâm trí-Cơ thể-Trái tim
Theo một tuyên bố khoa học vào năm 2021 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), sức khỏe tinh thần có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe của một người và ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuyên bố lưu ý rằng tâm trí, trái tim và cơ thể có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.
“Nghiên cứu này đã cung cấp thêm bằng chứng chứng minh rằng sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và các trạng thái cảm xúc cấp tính mãnh mẽ, chẳng hạn như tức giận hoặc căng thẳng cũng có thể dẫn đến các biến cố về tim mạch,” tiến sĩ Glenn Levine, chủ tịch ủy ban biên soạn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đồng thời là bác sĩ lâm sàng bậc thầy và giáo sư y khoa tại Đại học Y Baylor, bình luận về nghiên cứu mới trong thông cáo báo chí.
Tiến sĩ Levine giải thích rằng các nhà nghiên cứu biết rằng một số sự việc nhất định có thể gây căng thẳng, chẳng hạn như động đất hoặc xem một trận đấu thể thao, có thể dẫn đến đau tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Nam Khanh biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times