2 cách kiểm soát đường huyết bằng Trung y giúp cải thiện bệnh tiểu đường
Trung y điều trị bệnh tiểu đường, ngoài việc phối hợp với việc điều trị của bác sĩ, còn có hai phương pháp bảo vệ sức khỏe hàng ngày có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Cách hạ đường huyết thứ nhất: 5 loại thực phẩm có hiệu quả tốt
Bệnh tiểu đường được chia thành tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là do di truyền, người bệnh cần sử dụng insulin suốt đời; bệnh tiểu đường tuýp 2 phần lớn liên quan đến thói quen ăn uống nhiều đường, nhiều muối và nhiều dầu.
Giáo sư Lưu Tân Sinh (Jonathan Liu), giáo sư Trung y tại Đại học Công lập Canada chỉ ra rằng, nhiều loại thực phẩm chế biến hiện đại, chẳng hạn như đồ uống, bánh ngọt, bánh quy, chứa nhiều đường tinh luyện. Đường tinh luyện là đường đơn, khi ăn vào cơ thể có thể làm cho lượng đường trong máu tăng rất nhanh. Ngược lại, những thực phẩm không qua tinh chế như ngô, gạo là những carbohydrate phức hợp (đường đa), được giải phóng từ từ khi đi vào cơ thể.
Vì vậy, điều hết sức quan trọng là hạn chế đường trong khẩu phần ăn, nhất là đường tinh luyện, đồng thời tránh ăn thực phẩm nhiều muối, nhiều dầu. Nên có chế độ ăn uống điều độ, ăn nhiều thực phẩm không qua tinh chế, cũng như các thực phẩm có tác dụng hạ đường huyết.
Theo Trung y, tình trạng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể chia thành 4 giai đoạn:
- Đàm thấp uất kết (có thể hạ đường huyết, hoàn toàn có thể phục hồi ),
- Huyết ứ (vẫn còn cơ hội điều trị),
- Hư (bắt đầu xuất hiện biến chứng),
- Tổn (các cơ quan xuất hiện tổn thương rõ ràng, bệnh ở giai đoạn muộn).
Có thể lựa chọn thực phẩm tùy theo tình trạng bệnh.
1. Mướp đắng
Có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp, cải thiện bệnh tiểu đường ở những người có thể chất thấp nhiệt, thích hợp cho người tiểu đường đang trong giai đoạn đàm thấp uất kết. Những người béo phì không có bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn thêm mướp đắng.
Có nhiều cách để ăn mướp đắng, có thể xào mướp đắng với thịt, rau trộn mướp đắng hoặc đơn giản là thái mỏng rồi hấp chín.
2. Cát căn (rễ sắn dây)
Rễ sắn dây còn được gọi là pueraria lobata, chứa flavonoid pueraria, có thể cải thiện lưu thông máu, giúp hạ đường huyết, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Cát căn thích hợp làm thực phẩm trị liệu giai đoạn đàm ứ uất kết, có thể hấp, ăn nguyên vị hoặc nấu canh.
3. Đậu bắp
Dậu bắp chứa flavonoid và chất xơ hòa tan, có thể ức chế sự hấp thụ đường trong máu, đặc biệt là làm giảm bớt sự gia tăng đường huyết sau bữa ăn.
Đậu bắp có thể ăn sau khi chần, nhưng không cần nấu quá lâu để tránh phá hủy các thành phần hữu hiệu.
4. Sơn dược (Hoài sơn)
Sơn dược, hay còn gọi là Hoài sơn, hoặc củ mài, có khả năng kiện tỳ bổ khí, sau đó đạt được tác dụng hạ đường huyết, là thực phẩm trị liệu trong giai đoạn hư tổn. Cách dùng tốt nhất là ăn sau khi hấp, không cần thêm gia vị, có thể thưởng thức trực tiếp mùi vị ban đầu.
5. Hoàng kỳ
Có khả năng kiện tỳ bổ phế, tăng cường chức năng của các tiểu đảo tụy, hạ đường huyết, cải thiện biến chứng thần kinh do tiểu đường, điều hòa tuần hoàn ngoại vi.
Phù hợp với giai đoạn hư tổn có biến chứng, ví dụ một số bệnh nhân cao tuổi bị biến chứng thần kinh ngoại biên có triệu chứng như tê liệt ở đầu chi, đau như thiêu đốt, thì lúc này có thể dùng được Hoàng kỳ.
Giáo sư Lưu Tân Sinh nói rằng, hàng ngày uống trà Hoàng kỳ Sơn dược Huyền sâm còn có thể ngăn ngừa trước biến chứng bàn chân ở bệnh tiểu đường.
Nguyên liệu:
15g Hoàng kỳ
30g Sơn dược
10g Huyền sâm
Mỗi ngày một thang, có thể pha nhiều lần, dùng như uống trà.
Vì Hoàng kỳ có tính vị ngọt ấm, Sơn dược có tính vị ngọt bình, uống lâu ngày có thể khiến cơ thể khô nóng (táo nhiệt) hơn, dễ dẫn đến miệng khô, lưỡi đỏ.
Vì vậy, thêm một chút Huyền sâm có tính vị thiên hàn để cân bằng lại, Huyền sâm còn có tác dụng hạ đường huyết đối với bệnh tiểu đường có chứng âm hư.
Cách hạ đường huyết thứ hai: Xoa ấn huyệt Giáng đường, huyệt Di du
Trung dược và châm cứu có thể kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường. Giáo sư Lưu Tân Sinh cho biết một bệnh nhân nữ lớn tuổi của ông bị tiểu đường 15 năm, bị biến chứng mắt nhìn không rõ.
Thông qua Trung dược và châm cứu đã giúp cô ấy kiểm soát thành công giá trị đường huyết từ 6 đến 7mmol/l.
Mọi người hàng ngày có thể tự xoa ấn hai huyệt để hạ đường huyết:
1. Huyệt Giáng đường: trên kinh tâm bào, từ đường ngang cổ tay đo lên trên bề rộng 5 ngón tay, nằm giữa hai gân tay.
Day ấn 100 cái mỗi lần, làm 2 đến 3 lần. “Huyệt Giáng đường là một kỳ huyệt” Giáo sư Lưu Tân Sinh giải thích: ấn nó có thể cải thiện chức năng của tuyến tụy, điều tiết hệ tiêu hóa, giảm sự hấp thụ đường và thúc đẩy quá trình tổng hợp glycogen từ các đường đơn, do đó làm giảm lượng đường trong máu.
2. Huyệt Di du: Từ gai đốt sống ngực thứ 8 trên lưng đo ra bề rộng bằng hai ngón tay.
Huyệt Di du liên quan đến tuyến tụy, có thể trực tiếp điều chỉnh chức năng nội tiết của tuyến tụy, giúp tiết ra càng nhiều insulin, có tác dụng hạ đường huyết rất tốt.
Xây dựng thói quen tập thể dục
Tập thể dục cũng là một cách tốt để kiểm soát lượng đường trong máu, cả Đông và Tây y đều khuyến khích bệnh nhân tiểu đường tập thể dục nhiều hơn.
Giáo sư Lưu Tân Sinh nói: “Nói một cách đơn giản, bệnh tiểu đường là sự mất cân bằng giữa lượng đường nạp vào và lượng đường tiêu thụ.” Tập thể dục có thể tiêu hao lượng đường dư thừa trong cơ thể để đạt được sự cân bằng.
Nên chạy bộ và thực hiện một số bài tập kéo giãn. Nếu đến phòng tập, có thể tập các bài nhẹ như tạ, không nên tập các bài tập có cường độ đặc biệt mạnh.
Về thời lượng vận động, có thể đạt đến mức cơ thể đổ mồ hôi nhẹ và nhịp tim tăng nhẹ là được. Ví dụ, chạy bộ từ 30 đến 45 phút, đổ mồ hôi một chút và toàn thân cảm thấy thoải mái là đủ.
Lý Thanh Phong biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ