Chuyên gia cảnh báo thở bằng miệng có thể gây hại cho sức khỏe
Thở bằng miệng có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm các triệu chứng giống như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Trong khi đó, thở bằng mũi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Bạn có vô tình đánh đổi sức khỏe của mình mỗi lần hít thở không?
Hành động đơn giản như thở bằng miệng cũng có thể âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe – từ việc làm gián đoạn giấc ngủ đến cản trở sự phát triển thể chất. Tuy nhiên, cách chữa trị lại đơn giản đến bất ngờ.
Tại sao thở bằng miệng lại không tốt?
Mũi được sinh ra để ngửi và thở, trong khi miệng dùng để nói, nếm và ăn.
Theo Tiến sĩ Mark Burhenne, nha sĩ gia đình chuyên về y học giấc ngủ, các vấn đề sẽ phát sinh khi các bộ phận cơ thể hoạt động không đúng chức năng. Ông nói, đường hô hấp có thể suy yếu khi thở bằng miệng, vì lượng không khí đi qua đường hô hấp lớn hơn nhiều so với thở bằng mũi.
Thở bằng miệng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh nướu răng và sâu răng, có thể làm tổn thương nướu và mô mềm trong miệng, phá vỡ cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong khoang miệng.
Nhiều vấn đề sức khỏe ở trẻ em có liên quan đến thở bằng miệng, bao gồm vùng mặt phát triển bất thường và mất ngủ. Thở bằng miệng thậm chí có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và huyết áp, gây ra các triệu chứng tương tự như rối loạn tăng động giảm chú ý, và làm bệnh hen suyễn nặng hơn.
“Thở bằng miệng khiến hơi thở ngắn, nông và khu trú ở ngực trên, gây ra phản ứng căng thẳng cả tâm lẫn thân,” Tiến sĩ Priyal Modi, bác sĩ y khoa tích hợp và huấn luyện viên tập thở ở Johannesburg, Nam Phi, nói với The Epoch Times.
Tiến sĩ Modi nói rằng, những tác hại khác của thở bằng miệng bao gồm hôi miệng, sâu răng, bệnh nướu răng, kích ứng họng, nhiễm trùng, khô miệng, khàn giọng và suy hô hấp. Bà lưu ý rằng thở bằng miệng có liên quan đến tình trạng thiếu ngủ, mất tập trung và mất trí nhớ, rối loạn chuyển hóa và tâm trạng, ngáy, mệt mỏi, sương mù não, cao huyết áp, căng thẳng kinh niên và lo lắng.
Tiến sĩ Modi cho biết, thở bằng miệng ngày càng trở nên phổ biến hơn do lối sống căng thẳng, ăn uống kém chất lượng, béo phì, nghẹt mũi hoặc các bất thường về cấu trúc như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi hoặc amidan.
Những lợi ích của thở bằng mũi
Thở bằng mũi giúp lọc không khí kỹ lưỡng trước khi đến phổi. Không khí sẽ được làm sạch khi đi qua các cấu trúc của mũi, bao gồm lông mũi, lông vi mao, khoang mũi và cuốn mũi. Những cấu trúc này sẽ lọc, khử trùng, làm ẩm và thanh lọc không khí, loại bỏ bụi, chất gây dị ứng và chất bẩn. Thở bằng mũi cũng giúp đưa nitric oxide vào không khí.
Nitric oxide đóng vai trò quan trọng trong các chức năng sinh học thần kinh khác nhau, như trí nhớ và hành vi. Nitric oxide cũng giúp điều chỉnh huyết áp và viêm. Ngoài ra, nghiên cứu trên chuột cho thấy nitric oxide có ích trong kiểm soát béo phì. Nghiên cứu trên động vật gợi ý rằng nitric oxide có thể giúp giảm đau và thậm chí còn có đặc tính giống thuốc chống trầm cảm.
Trong cuốn sách của mình, ông James Nestor, nhà báo khoa học từng đạt giải thưởng và là tác giả của cuốn sách “Breath: The New Science of a Lost Art” (Hơi thở: Khoa học mới của nghệ thuật đã mất), viết rằng thở bằng mũi có thể làm tăng sản xuất nitric oxide gấp sáu lần. Có nghĩa là qua việc thở bằng mũi, chúng ta có thể thu được lượng oxy nhiều hơn 18% so với thở bằng miệng, ông nói thêm. Nghiên cứu của ông Nestor đi sâu vào các cơ chế phức tạp của hệ hô hấp, tiết lộ vai trò quan trọng của mũi trong việc tối ưu hóa các chức năng cơ thể.
Ông Nestor viết, “Hầu hết mọi người đều biết rằng khi thở bằng mũi, không khí được lọc sạch, làm ấm và ẩm để dễ dàng hấp thụ hơn. Tuy nhiên nhiều người không bao giờ nghĩ đến tầm quan trọng của mũi trong các vấn đề như rối loạn cương dương, hoặc kích hoạt một loạt hormone và hóa chất giúp tiêu hóa dễ dàng hơn cũng như làm giảm huyết áp. Thở bằng mũi cũng phản ứng với các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, điều chỉnh nhịp tim và làm giãn mạch máu ở ngón chân.”
Thuốc điều trị rối loạn cương dương Viagra hoạt động bằng cách phóng thích nitric oxide vào máu, làm giãn các mao mạch ở bộ phận sinh dục và các bộ phận khác của cơ thể.
Đường dẫn khí vào mũi cũng có đặc tính kháng nấm, kháng virus và kháng khuẩn. Hơn nữa, theo tiến sĩ Modi, thở bằng mũi làm chậm nhịp thở, giúp cơ hoành hoạt động tốt hơn, ổn định hơi thở và hấp thụ oxy hiệu quả hơn.
Vì vậy, việc chuyển từ thở bằng miệng sang thở bằng mũi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Một số mẹo bất ngờ
Dán băng dính vào miệng có thể bảo đảm không khí đi qua mũi trong khi ngủ.
Ông Nestor đã tự thử nghiệm và thấy rằng việc dán miệng làm giảm thời gian ngáy ngủ từ 4 giờ xuống chỉ còn 10 phút và cũng loại bỏ các cơn ngưng thở khi ngủ, vốn xảy ra tới hai chục lần trước đây.
Một nghiên cứu năm 2022 trên Tập san Healthcare (Basel) đã chứng minh hai khái niệm then chốt. Thứ nhất, nhiều bệnh nhân bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) thường thở bằng miệng, làm chứng ngưng thở trở nên trầm trọng hơn. Thứ hai, dán miệng trong khi ngủ có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ và giảm ngáy ngủ.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng dán miệng có thể thay thế các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật hoặc liệu pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP).
Các kỹ thuật thở có thể áp dụng
Huấn luyện viên thở chức năng Ross Austen chia sẻ với The Epoch Times rằng, “Chúng ta đã bỏ qua tầm quan trọng của hơi thở đối với hiệu suất và sự khỏe mạnh. Một khi bắt đầu hiểu về khoa học và hệ thần kinh, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và đánh giá cao hơn về vai trò của việc hít thở.” Ông nói thêm rằng hơi thở có thể rèn luyện và việc hiểu những điều cơ bản sẽ giúp cải thiện sức khỏe và hiệu suất làm việc. Dưới đây là các kỹ thuật thở giúp bình tĩnh và thư giãn mà ông Austen gợi ý:
- Thở ra kéo dài: Hít vào trong 4 giây, thở ra trong 8 giây (lặp lại)
- Thở theo nhịp điệu: Hít vào trong 3 giây, giữ trong 3 giây, thở ra trong 6 giây, giữ trong 3 giây (lặp lại)
- Thở 478: Hít vào trong 4 giây, giữ trong 7 giây, thở ra trong 8 giây (lặp lại)
- Thở dài sinh lý: Hít vào sâu, hít vào lần thứ hai, thở dài ra
Một kỹ thuật thở khác là thở mũi luân phiên. Một nghiên cứu năm 2013 trên Journal of Clinical and Diagnostic Research (Tập san Nghiên cứu Lâm sàng và Chẩn đoán) cho thấy thở mũi luân phiên ảnh hưởng đáng kể đến sự kích hoạt của hệ thần kinh đối giao cảm khi thực hiện trong 15 phút mỗi ngày trong sáu tuần.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.