Fluoride tiềm ẩn trong thực phẩm, dược phẩm và môi trường
Cho fluoride vào nước ở Mỹ (Phần 6)
Trong loạt bài này, chúng ta tiếp tục khám phá những phát hiện gây tranh cãi xung quanh việc cho fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng của Hoa Kỳ và trả lời câu hỏi liệu việc cho fluoride vào nước có gây rủi ro hay không và chúng ta nên làm gì.
Phần 2: Khám phá sự khác biệt: Tại sao fluoride tự nhiên và fluoride tổng hợp không được tạo ra như nhau
Phần 3: Fluoride: Là phương pháp thần kỳ chữa sâu răng, là thuốc độc, hay là cả hai?
Phần 4: Fluoride ảnh hưởng lên sức khỏe như thế nào từ góc độ khoa học?
Bài trước: Các nghiên cứu kéo dài nhiều năm gần đây do Viện Y tế Quốc gia (NIH) tài trợ cho thấy việc tiếp xúc với fluoride có liên quan đến việc giảm chỉ số IQ và liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em, làm dấy lên nhiều lo ngại hơn về việc tiếp xúc và liều lượng của từng cá nhân.
Việc tiếp xúc với fluoride không chỉ đến từ nước có fluoride. Điều này gây khó khăn khi xác định lượng fluoride mà mọi người thực sự tiêu thụ. Sau đó, có một thách thức nữa là việc tìm ra mức độ an toàn thực sự, dựa trên cách mọi người phản ứng khác nhau với fluoride.
Fluorine là khí có hai nguyên tử, là chất phản ứng mạnh nhất và có độ âm điện lớn nhất trong tất cả các nguyên tố. Fluoride là bất kỳ sự kết hợp nào của các nguyên tố có chứa nguyên tử Fluorine ở trạng thái oxy hóa -1, theo bản tóm tắt hợp chất của Thư viện Y học Quốc gia.
Fluoride có thể được hít, ăn hoặc hấp thụ qua da. Điều đó có nghĩa là có một số yếu tố quyết định liều lượng fluoride hàng ngày và lượng fluoride có thể tích lũy trong cơ thể bạn là bao nhiêu.
Theo đánh giá khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) năm 2006 về fluoride trong nước uống thì chúng ta hấp thụ fluoride trong thực phẩm, nước, đồ uống, sản phẩm nha khoa có chứa fluoride, dược phẩm và dư lượng thuốc trừ sâu. Ngoài ra còn có nhiều fluoride khác nhau trong không khí và đất từ các nguồn tự nhiên như phun trào núi lửa và phong hóa lớp vỏ đá cũng như từ khí thải công nghiệp độc hại và khói thuốc lá.
Sau cuộc xem xét toàn diện vào năm 2006, ủy ban Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã ghi nhận những thiếu sót trong thông tin về fluoride khiến họ không thể đưa ra đánh giá về sự an toàn hoặc rủi ro của lượng fluoride tối đa ở mức cho phép trong nước uống.
Mục tiêu mức ngăn chặn tối đa hiện tại (MCLG) là 4 miligam/lít (mg/l). Nếu mức trung bình vượt quá 2 mg/l, công chúng phải được thông báo.
Ủy ban của Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ hiện khuyến nghị mức độ fluoride hóa trong nước có nồng độ là 0,7 mg/l.
Các nhà chức trách thấy cần thiết phải tìm ra lượng fluoride mà mọi người thực sự tiếp xúc vì ủy ban Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã nhấn mạnh việc thiếu các đánh giá phơi nhiễm trong đánh giá năm 2006 của họ. Điều này cũng nhấn mạnh thực tế là một số người dễ bị quá liều fluoride hơn người khác.
Liều lượng và các giới hạn trên
Liều lượng fluoride phụ thuộc vào lượng bạn hấp thụ từ tất cả các nguồn như nước, trà, thực phẩm, sản phẩm nha khoa, không khí và dư lượng thuốc trừ sâu. Liều lượng phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, vì vậy một liều lượng cố định ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn hẳn so với người lớn.
Và không giống như thuốc, lượng fluoride hàng ngày của chúng ta đến từ nhiều nguồn và không dễ xác định được, ngay cả khi các cơ quan chính phủ giám sát tất cả các chương trình fluoride trong nước công cộng. Bạn càng khát, lượng bạn nhận được càng cao và một số thói quen nhất định cũng có thể dẫn đến lượng cao hơn.
Năm 1997, Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (FNB) của Viện Y học (IOM) đã thiết lập mức hấp thụ giới hạn (UL) trên có thể chấp nhận được đối với fluoride.
Mức hấp thụ giới hạn trên là lượng hấp thụ tối đa không có khả năng gây ra bất kỳ tác hại tiềm ẩn nào đến sức khỏe của hầu hết người dân trong cộng đồng nói chung.
Dưới đây là các mức hấp thụ fluoride giới hạn trên hiện tại để ngăn ngừa nhiễm fluoride ở răng và nhiễm fluoride ở mức trung bình:
- 0–6 tháng: 0.7 mg/ngày
- 7–12 tháng 0.9 mg/ngày
- 1–3 tuổi: 1.3 mg/ngày
- 4–8 tuổi: 2.2 mg/ngày
- 9 tuổi trở lên: 10 mg/ngày
Báo cáo “Fluoride: Phân tích liều lượng đáp ứng đối với tác dụng không gây ung thư” của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) năm 2010 đã làm rõ rằng đối với fluoride, mức hấp thụ giới hạn trên chỉ dựa trên việc ngăn ngừa nhiễm fluoride ở răng cho trẻ đến 8 tuổi và các nhóm tuổi khác, Mức hấp thụ giới hạn trên dựa trên việc ngăn ngừa nhiễm fluorosis xương. Các bệnh khác, bao gồm các nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh được đề cập trong phần trước của loạt bài này không được tính đến.
Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với Cơ quan Bảo vệ Môi trường để đặt câu hỏi về các nghiên cứu kết luận rằng fluoride có thể ảnh hưởng đến chỉ số IQ ở trẻ em và yêu cầu cung cấp thêm thông tin về mức độ hấp thụ fluoride giới hạn trên có thể chấp nhận được đối với các tác động gây độc thần kinh.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường trả lời rằng họ “hiện đang xem xét Quy định Nước uống Cơ bản Quốc gia (NPDWR) đối với fluoride theo Đánh giá Sáu năm lần thứ 4.”
“Là một phần của đánh giá này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ xem xét thông tin, khoa học và dữ liệu tốt nhất hiện có trước khi quyết định có cập nhật về fluoride trong Quy định Nước uống Cơ bản Quốc gia hay không. Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ xem xét dự thảo báo cáo do Chương trình Chất độc Quốc gia (NTP) công bố và mong muốn được xem xét báo cáo cuối cùng khi có sẵn,” người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết.
Báo cáo Chương trình Chất độc Quốc gia do một hội đồng đánh giá bên ngoài thực hiện và là nguồn gây tranh cãi trong một vụ kiện đang diễn ra chống lại Cơ quan Bảo vệ Môi trường vì các email nội bộ của CDC thu được thông qua Đạo luật Tự do Thông tin cho thấy các cơ quan chính phủ đã can thiệp vào việc phát hành báo cáo này.
Dự thảo báo cáo cuối cùng đã được công khai vào ngày 15/03 theo một thỏa thuận đạt được trong vụ kiện đang diễn ra.
Phơi nhiễm và quần thể nhạy cảm
Khi đề cập đến việc tiếp xúc với fluoride và hậu quả của nó, một trong những đánh giá được chính phủ chấp nhận đến từ các nhà khoa học từ Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật (ATSDR.)
Vào năm 2003, Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật đã chuẩn bị báo cáo “Hồ sơ độc tính đối với fluoride, hydrogen fluoride và Fluorine” theo quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường và đã được nhân viên CDC và các nhà khoa học liên bang khác bình duyệt.
Báo cáo của Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật đã xác định các nhóm dân số nhỏ dễ bị phơi nhiễm fluoride là những người “thể hiện phản ứng khác biệt hoặc tăng đối với fluoride, hydrogen fluoride và fluorine so với hầu hết những người tiếp xúc với cùng một mức độ fluoride, hydrogen fluoride và fluorine trong môi trường.”
Những quần thể này bao gồm những người có vấn đề về thận; thiếu calcium, magnéium, vitamin C hoặc protein; người già, người bị loãng xương.
Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia nêu rõ rằng cũng có những nhóm người tiêu thụ nhiều nước, dẫn đến phơi nhiễm nhiều fluoride hơn như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ sơ sinh, những người có mức độ hoạt động cao (quân nhân, vận động viên, lao động chân tay), những người có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến lượng nước uống như đái tháo đường hoặc đái tháo nhạt, và những người sống ở vùng khí hậu khô nóng.
Báo cáo này nhấn mạnh rằng một số người trưởng thành trong dân số Hoa Kỳ có lượng nước tiêu thụ cộng đồng cao tới 80 ml/kg mỗi ngày và một số trẻ sơ sinh có thể vượt quá 200 ml/kg mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các đánh giá về lượng tiêu thụ không được thực hiện cho các nhóm dân số nhạy cảm, những người tiêu thụ nhiều nước có fluoride hơn hoặc trẻ em có thể hấp thụ lượng fluoride từ các sản phẩm nha khoa vượt quá lượng tiêu thụ trong chế độ ăn uống.
Ngoài ra, họ cũng bày tỏ lo ngại về tất cả lượng fluoride khác mà người dân đang hấp thụ từ nhiều nguồn ngoài nước uống và nhu cầu hiểu đầy đủ về tổng lượng fluoride tiếp xúc từ tất cả các nguồn kết hợp.
Fluoride trong môi trường
Theo Bảng kiểm kê phóng thải chất độc (Toxic Release Inventory -TRI,) vào năm 2021, tổng lượng hydro fluoride thải ra môi trường (bao gồm không khí, nước và đất) từ 638 cơ sở báo cáo là 388.8 triệu pound (khoảng 176.4 triệu kg). Tuy nhiên, báo cáo của Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật cảnh báo rằng dữ liệu TRI không phải là danh sách đầy đủ và chỉ một số loại cơ sở nhất định được yêu cầu báo cáo.
Báo cáo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật năm 2003 liệt kê các nguồn fluoride nhân tạo trong không khí như nhà máy sản xuất nhôm, nhà máy phân bón phốt phát, ngành công nghiệp hạt nhân, nhà máy thép, nhà máy đốt than, cơ sở sản xuất hóa chất, nhà máy magnesium, nhà sản xuất gạch và đồ gốm xây dựng, và các công ty điện lực.
Báo cáo lưu ý rằng các công ty điện lực là nguồn đóng góp lớn nhất với 78% tổng lượng fluoride thải ra môi trường.
Sự phát thải fluoride trong không khí kết thúc trong đất và nước bề mặt bên cạnh fluoride tự nhiên và fluoride hóa học được thêm vào nguồn cung cấp nước công cộng. (Như đã thảo luận trong bài viết trước của loạt bài này, các chất phụ gia fluoride đó cũng có nguồn gốc từ khí thải công nghiệp.)
Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia năm 2006 cảnh báo rằng ngoài việc được hấp thụ và tích lũy trong các nguồn thực phẩm, “fluoride trong đất có thể là nguồn tiếp xúc do vô tình nuốt phải, chủ yếu là đối với trẻ em”.
Báo cáo của Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật lưu ý rằng nồng độ fluoride trong không khí, nước và đất có thể dao động từ thấp đến rất cao tùy thuộc vào các mỏ khoáng sản, cặn trong khí thải từ các hoạt động công nghiệp, việc sử dụng phân lân hoặc các khu vực gần các khu vực chất thải nguy hại.
Thực phẩm và đồ uống
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia năm 2006, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fluoride cao đáng chú ý nhất là trà, thịt gà chế biến, sữa bột cho trẻ sơ sinh, nho và các sản phẩm từ nho, đồ uống thương mại như nước trái cây và nước ngọt, bia, súp, cá đóng hộp, ngũ cốc nấu chín và một số loại hải sản.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia và Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật đều báo cáo rằng lưu ý mức độ fluoride trong thực phẩm và đồ uống phụ thuộc rất nhiều vào hàm lượng fluoride trong nước được sử dụng để chuẩn bị và sản xuất cũng như nồng độ fluoride trong đất trồng.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, hàm lượng fluoride cao trong các sản phẩm nho là do việc sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là cryolite, trong khi việc rút xương gà bằng cơ học để lại da và các hạt xương còn sót lại trong thịt góp phần tạo nên hàm lượng fluoride cao.
Hải sản như trai và tôm có thể tích lũy fluoride nếu chúng nằm ở cửa sông nơi chất thải thực vật chứa nhôm được thải ra. Trà được biết là tích tụ một lượng fluoride đáng kể từ đất và bụi fluoride trong không khí với 97% tích tụ trong lá.
Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy nồng độ fluoride trong thực phẩm là 1,0–6,5 mg/l trong trà thương mại có chứa caffeine và không chứa caffein thu được ở St. Louis.
Một nghiên cứu khác được trích dẫn đã xem xét nồng độ fluoride trong nhiều loại nước trái cây ở Hoa Kỳ và tìm thấy nồng độ fluoride từ 0.15 đến 6.80 mg/l.
Báo cáo cho biết nước đóng chai cũng có thể chứa nhiều fluoride hơn so với liều lượng ghi trên nhãn với nồng độ được tìm thấy cao tới 1.36 mg/l. Tuy nhiên, nước cất và nước thẩm thấu ngược có nồng độ fluoride rất thấp.
Thuốc trừ sâu và dược phẩm
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, thuốc trừ sâu và dược phẩm có chứa flo cũng góp phần vào tổng mức phơi nhiễm flo.
Cryolite và sulfuryl fluoride là hai loại thuốc trừ sâu được đề cập trong báo cáo, được theo dõi và quản lý do chúng có khả năng góp phần tạo ra dư lượng fluoride trong thực phẩm hiện đang được sử dụng trên nhiều loại cây ăn quả, rau và cây lương thực.
Nhiều dược phẩm cũng chứa fluoride
Một nghiên cứu vào tháng 4 được công bố trên Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế cho biết, “cho đến nay, hơn 300 loại dược phẩm chứa fluoride đã được chấp thuận sử dụng làm thuốc.”
Nghiên cứu báo cáo rằng kể từ khi giới thiệu fluorocorticosteroid và fludrocortisone vào năm 1954, 30% dược phẩm chứa fluoride trên thị trường là “dược phẩm bom tấn,” chẳng hạn như thuốc hạ mỡ máu Lipitor, thuốc điều trị trầm cảm Fluoxetine, thuốc kháng sinh Linezolid hoặc thuốc xịt mũi Fluticasone.
Một nguồn tài nguyên tuyệt vời duy trì cơ sở dữ liệu về tất cả các loại dược phẩm có chứa fluoride là Hợp tác Nghiên cứu Độc tính Fluoride.
Các sản phẩm nha khoa
Các tác giả của báo cáo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật cảnh báo rằng việc trẻ em dưới 8 tuổi bị phơi nhiễm fluoride chiếm tỷ lệ lớn khi nuốt kem đánh răng.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm yêu cầu dán nhãn cảnh báo trên kem đánh răng vì lý do này.
Một nghiên cứu được trích dẫn trong báo cáo, (Levy 1993, 1994) cảnh báo rằng “một số trẻ em có thể nhận được nhiều hơn lượng fluoride được khuyến nghị chỉ từ kem đánh răng, ngoài thực phẩm và đồ uống.”
Các tác giả của báo cáo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia nhấn mạnh rằng nhiều bài báo đã đề xuất một số khuyến nghị để giảm nguy cơ hấp thụ quá nhiều fluoride ở trẻ em bao gồm, sử dụng một lượng rất nhỏ kem đánh răng, súc miệng và nhổ sạch nước sau khi đánh răng, tránh kem đánh răng có hương vị, không khuyến khích sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride ở trẻ em dưới 2 tuổi và giám sát trẻ nhỏ khi đánh răng.
Bài viết tiếp theo: Cựu kỹ sư hệ thống điều khiển và dân dụng John F. Mueller Jr. chịu trách nhiệm xem xét và cập nhật các thông số kỹ thuật cho hợp đồng mua acid fluorosilicic (FSA) của một công ty cấp nước lớn của thành phố đã phát hiện rằng các lô hàng của FSA trong nhiều năm đều bị nhiễm thạch tín với liều lượng dao động từ 25 đến 50 mg/l).
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times