Chìa khóa giải quyết đại dịch béo phì bắt đầu từ suy nghĩ
Các chuyên gia tranh luận về việc liệu một số loại thực phẩm có thể gây nghiện như ma túy hay không. Một số người lập luận rằng thực phẩm siêu chế biến có thể gây béo phì.
Nước Mỹ đang trong cơn đại dịch béo phì. Hầu như cứ hai người thì có một người bị béo phì chứ không chỉ thừa cân. Mặc cho sự phát triển ngày càng nhanh của các phương pháp ăn kiêng và thuốc giảm cân, chiếc kim trên bàn cân vẫn nhích dần lên.
Ngày càng nhiều các chuyên gia tuyên bố rằng các phương pháp điều trị thông thường không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Họ cho rằng béo phì không chỉ liên quan đến sinh lý mà còn là tâm lý.
Các chuyên gia cho biết chứng nghiện thực phẩm và các sản phẩm chế biến sẵn sẽ dẫn đến việc ăn quá nhiều vì kích hoạt cơ chế khen thưởng của bộ não. Để giảm cân vĩnh viễn, người Mỹ cần từ bỏ cơn nghiện thức ăn vặt.
Thực phẩm cũng có thể gây nghiện
Nghiện thực phẩm liên quan đến việc ăn quá nhiều thức ăn đem lại cảm giác ngon miệng, có đường, mặn, béo vượt quá nhu cầu của cơ thể. Chứng nghiện thức ăn có một số triệu chứng giống với chứng rối loạn ăn uống vô độ, chẳng hạn như thiếu kiểm soát đối với một số loại thực phẩm.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, trong năm qua có khoảng 13% người Mỹ từ 50 đến 80 tuổi có dấu hiệu nghiện các loại thực phẩm tiện lợi, thực phẩm chế biến sẵn và thức uống có đường.
Theo chuyên gia tâm lý học tại University of Michigan, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều carbs và chất béo tinh chế có thể gây ra chứng nghiện này. Hiện nay có tới 60% lượng calorie hằng ngày là đến từ các sản phẩm đã qua chế biến kỹ. Những thực phẩm này được chế biến nhằm làm tăng kích hoạt các trung tâm khen thưởng của bộ não.
Trong một phân tích gộp trên British Medical Journal (Tập san Y học Anh Quốc), các tác giả đã lập luận rằng các thực phẩm siêu chế biến làm từ các thành phần không tự nhiên sẽ gây ra phản ứng dopamine tương tự như phản ứng do nicotine và rượu gây ra.
Điều trị chứng nghiện thực phẩm
Theo chuyên gia tâm lý học tại Trường Y khoa Stanford, việc điều trị chứng nghiện thực phẩm đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện tương tự như điều trị chứng nghiện ma túy hoặc nghiện rượu.
Trên thực tế, có những bệnh nhân nghiện thực phẩm và dùng nó như một chất gây nghiện đến mức tê liệt trí óc giống như cách mọi người nghiện và dùng ma túy, rượu.
Việc điều trị chứng nghiện thực phẩm hiệu quả cần phải giải quyết tận gốc các vấn đề tâm lý và hành vi chứ không chỉ dựa vào sức mạnh ý chí.
Suy nghĩ lại về việc quà vặt là ‘phần thưởng’ cho trẻ em
Cha mẹ thường vô tình tạo điều kiện cho con trẻ nghiện thực phẩm. Các bậc cha mẹ mua thức ăn vặt hoặc thức ăn nhanh cho con mình vì [nghĩ rằng] bọn trẻ sẽ ‘đốt cháy’ hết thực phẩm và lối sống năng động của trẻ em sẽ chống lại tác dụng của thực phẩm chế biến sẵn.
Nhưng những thực phẩm chế biến sẵn này vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe của các em.
Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ còn tặng thức ăn vặt như một phần thưởng cho hành vi tốt, từ đó thiết lập mối liên kết không lành mạnh trong tâm trí con trẻ giữa những món ăn này và lời khen ngợi. Mặc dù việc cân bằng giữa kỷ luật và phần thưởng là điều khó khăn, nhưng không nên dùng những món quà vặt siêu chế biến, vốn có thể kích thích quá mức bộ não của trẻ em.
Việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ về hành vi gây ra béo phì chính là chìa khóa. Tìm hiểu các hành vi dẫn đến tăng cân là điều cơ bản để giúp bệnh nhân đạt được sức khỏe tinh thần và thể chất.
Chứng nghiện thực phẩm cần có phương pháp tiếp cận y tế công cộng
Các chuyên gia đều ủng hộ việc phân loại chứng nghiện thực phẩm là một chứng rối loạn có thể chẩn đoán cần được nghiên cứu, phòng ngừa và điều trị tận tình trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần.
Lịch sử về thuốc lá là ví dụ hướng dẫn về cách tiếp cận chứng nghiện thực phẩm.
Trong nhiều thập niên, đã nổ ra các cuộc tranh luận về việc hút thuốc thực sự gây nghiện hay chỉ là một thói quen xấu. Cuối cùng, nghiên cứu đã cho thấy rõ ràng rằng đó là một chứng nghiện thực sự chứ không chỉ là vấn đề về ý chí.
Chúng ta đã thay đổi môi trường để không quảng bá một chất gây chết người và gây nghiện cao bằng cách thực hiện những việc như hạn chế tiếp thị các sản phẩm này cho trẻ em và dán nhãn cảnh báo trên thuốc lá.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times