Chất khoáng selenium giúp ngăn ngừa bệnh Parkinson

Một bữa ăn đơn giản chứa nhiều selenium sẽ giúp ích cho bệnh nhân và những người có nguy cơ bị Parkinson. 

Nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ mối liên hệ tiềm năng giữa selenium (một chất khoáng thiết yếu có đặc tính chống oxy hóa) và bệnh Parkinson.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc bổ sung thực phẩm dồi dào selenium vào bữa ăn hàng ngày sẽ có ích cho tiên lượng bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Mối liên hệ giữa Selenium và bệnh Parkinson

Nghiên cứu đoàn hệ đã xem xét dữ liệu của 184 người từ 18 tuổi trở lên qua Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia 2005–2006 đến 2015–2016 và Chỉ số tử vong quốc gia.

Các nhà nghiên cứu viết, “Chúng tôi nhận thấy lượng selenium bình thường có ích hơn cho tiên lượng bệnh Parkinson so với lượng selenium thấp, nhưng tác dụng này biến mất khi lượng selenium quá cao.”

Các tác giả kết luận rằng bổ sung thực phẩm chứa nhiều selenium hoặc thực phẩm chức năng sẽ giúp ích cho bệnh nhân Parkinson, nhưng họ lưu ý rằng chỉ nên tăng vừa phải, vì lượng quá nhiều sẽ mất tác dụng bảo vệ.

Selenium có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh Parkinson bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa và viêm trong não

Người ta vẫn đang nghiên cứu về các cơ chế cụ thể, nhưng đã chứng minh được tác dụng bảo vệ của selenium đối với bệnh Parkinson trên mô hình động vật.

Các nhà nghiên cứu viết, “Bổ sung Selenium làm tăng mức enzyme chống oxy hóa và GSH [glutathione], giảm tình trạng thiếu dopamine, duy trì tính toàn vẹn DNA của tế bào và cải thiện khả năng phục hồi chức năng vận động”.

Selenium giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do tác động của các gốc tự do

Selenium đóng vai trò là chất chống oxy hóa trong cơ thể, từ đó chống lại sự mất cân bằng của các gốc tự do.

Một nghiên cứu cắt ngang năm 2023 đã phân tích dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia kéo dài từ năm 2011 đến năm 2020 đối với 15,660 người từ 40 tuổi trở lên. Kết quả phân tích phù hợp với nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu.

Phân tích cho thấy mối tương quan giữa nồng độ selenium trong máu cao hơn và tỷ lệ mắc bệnh Parkinson thấp hơn. Nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm đáng kể ở mức selenium cao hơn so với ở mức thấp hơn. Tỷ lệ rủi ro lại tăng rõ rệt khi mức selenium quá cao.

Tiến sĩ Ramit Singh Sambyal, bác sĩ đa khoa không liên quan đến nghiên cứu, nói với The Epoch Times trong một email, “Mối tương quan này thể hiện một mô hình phi tuyến tính, với mức giảm nguy cơ rõ rệt hơn ở nồng độ selenium cao hơn. Bệnh nhân [Parkinson] có xu hướng có nồng độ selenium trong máu thấp hơn so với người không bị [Parkinson].”

Nghiên cứu bổ sung trên Nutrients (Tập san Chất dinh dưỡng) vào năm 2020 cho thấy quá ít hay quá nhiều selenium đều có thể góp phần gây thoái hóa thần kinh. Ngược lại, bệnh lý của Parkinson có thể cản trở sự phân phối thích hợp của selenium trong tế bào thần kinh.

Sự thiếu hụt selenium hiếm khi được phát hiện, nhưng nồng độ selenium thấp có thể gây ra những thay đổi trong chuyển hóa tế bào, bao gồm mất dần các tế bào thần kinh sản xuất dopamine, có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson.

Selenium là gì?

Selenium là chất khoáng vi lượng, có nghĩa là cơ thể chỉ cần với số lượng nhỏ. Đây là vi chất dinh dưỡng cần thiết của con người – nghĩa là cơ thể phải hấp thụ từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng mà không thể tự sản xuất. Selenium là thành phần của acid amin selenocysteine. Selenocysteine ​​được tích hợp vào selenoprotein, có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò sản xuất hormone tuyến giáp và tổng hợp DNA, cùng nhiều nhiệm vụ khác.

Selenium rất quan trọng cho sự phát triển của não và sức khỏe tổng thể. Cơ thể cần hấp thụ đủ selenium để thực hiện chức năng nhận thức, trí nhớ, khả năng phối hợp và sức khỏe thần kinh tổng thể, vì chất này giúp duy trì hệ thần kinh trung ương.

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến nhất. Tỷ lệ mắc bệnh này trên toàn thế giới đã tăng 74.3% từ năm 1990 đến năm 2016. Parkinson là chứng rối loạn hệ thần kinh tiến triển ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ nhưng được cho là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh này thường phát triển dần dần trong nhiều thập niên và gây ra tình trạng run rẩy không kiểm soát được, cứng khớp, mất thăng bằng và cử động chậm lại.

Khi bệnh tiến triển, sẽ dẫn đến các vấn đề về nhận thức và vận động, thường đi kèm với các rối loạn sức khỏe tâm thần. Không có cách chữa trị bệnh Parkinson, nhưng cách điều trị bao gồm các loại thuốc làm tăng sản xuất dopamine, tác động đến mức độ dẫn truyền thần kinh và trợ giúp các cử động không tự chủ.

Nguồn thực phẩm chứa Selenium

Các loại thực phẩm có hàm lượng selenium cao nhất bao gồm quả hạch Brazil, hải sản và nội tạng động vật. Chất này cũng được tìm thấy trong nước và đất, và thực vật tùy theo hàm lượng trong đất. Đất ở Bắc Mỹ có xu hướng chứa đủ lượng selenium, mặc dù phần lớn các nguồn nước thì không. Một nghiên cứu bệnh chứng năm 2017 cho thấy đất ở 48 tiểu bang của Hoa Kỳ có nồng độ selenium cao, có ích cho bệnh nhân Parkinson và giúp giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này.

Các nguồn thực phẩm chứa nhiều selenium bao gồm:

  • Quả hạch brazil
  • Cá (cá ngừ, cá bơn, cá mòi, cá hồi)
  • Động vật có vỏ (hàu, tôm, cua)
  • Thịt (thịt bò, gan, thịt lợn)
  • Gia cầm (gà, gà tây)
  • Trứng
  • Hạt hoa hướng dương
  • Nấm
  • Gạo lức
  • Sản phẩm làm từ sữa
  • Đậu
  • Đậu lăng

Ngoài ra, bằng chứng khoa học cũng ủng hộ các tác dụng bảo vệ thần kinh của cà phê.

Quá nhiều selenium sẽ gây hại

Tiêu thụ quá nhiều selenium sẽ gây độc hại, dẫn đến tình trạng selenosis, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi và thậm chí tổn thương thần kinh. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy hô hấp, các vấn đề về tim và thậm chí tử vong. Tiêu thụ selenium trong mức khuyến nghị hàng ngày là rất quan trọng để tránh những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.

Khẩu phần ăn khuyến nghị đối với selenium là 55 mcg mỗi ngày, tương đương từ 3 đến 4 quả trứng hoặc 6 ounce (170g) gà tây. Mức tiêu thụ lớn nhất (UL) nằm ở mức 400mcg mỗi ngày, có thể vượt qua chỉ với một số lượng ít quả hạch Brazil — do đó, cần tiêu thụ ở mức vừa phải.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jennifer Sweenie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jennifer Sweenie là ký giả y tế tại New York. Cô là bác sĩ trị liệu dinh dưỡng và là đầu bếp hỗ trợ sức khỏe được đào tạo tập trung vào dinh dưỡng chức năng và năng lượng của thực phẩm tự nhiên, nguyên chất. Cô là thành viên của ban giám đốc Slow Food NYC và là cựu thành viên của Farm-to-Consumer Foundation.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn