Câu chuyện Trung y: Yêu thương và cay đắng của cuộc đời
Khi sinh mệnh đi đến hồi kết, nhìn lại những yêu thương và cay đắng của cuộc đời, hơn 30,000 ngày đã trải qua như thế nào? Thời gian như một con dao làm bằng nước, lướt qua tất cả. Mười ngày thì luôn có chín ngày mưa gió, cuộc đời xem ra là trải qua mấy cuộc bể dâu. Nếu cuộc sống có thể bắt đầu lại, thì sẽ sống như thế nào? Khi ngày hôm qua càng nhiều hơn, mà ngày mai thì lại càng ít đi, chúng ta phải sống như thế nào?
Một người đàn ông 40 tuổi, vợ ông bị bệnh ung thư ống mật, đã trải qua tám tháng bệnh tật dày vò. Tuy được người chồng hết lòng chăm sóc, cũng dốc hết tiền bạc để chữa trị, nhưng cuối cùng cô cũng không thắng được bàn tay của tử thần. Vợ ông buông tay ra đi, để lại hai người con còn nhỏ mới bước vào tiểu học. Sau nỗi đau buồn, cuộc sống phải sống như thế nào đây?
Người chồng phải đảm nhận thiên chức của người mẹ. Trong những ngày sương mù mờ mịt, ông phải đi tìm kiếm ánh nắng mặt trời, có khi phải tự mình đóng vai mặt trời. Ông một mình nuôi con trưởng thành, quyết định không tái hôn. Cuối cùng, ông Trời cũng không phụ lòng người. Con gái ông được gả cho một chàng rể tốt có thể nương tựa, còn con trai cũng có công việc làm rất ổn định. Nay ông đã 82 tuổi rồi, nhưng vẫn hàng ngày nấu cơm cho người con trai tuổi trung niên chưa lập gia đình, để khi con đi làm về đến nhà luôn có được bữa cơm nóng hổi.
Núi có cao mấy, cũng không đỡ được trời.
Mây có dày mấy, cũng không thể chở được vật.
Thời gian giống như kẻ trộm, lấy đi thanh xuân, sức trẻ, và cũng lấy đi cả sức khỏe của con người. Một ông lão đã trải qua cuộc đời sương gió, có thân phận rất đặc biệt, được khám bệnh miễn phí ở các bệnh viện lớn, ngay cả phí ghi danh lấy số cũng được miễn phí. Ông thường xuyên phải ra vào bệnh viện để cứu lấy sức khỏe đã bị đánh cắp đó.
Mấy năm gần đây, ông lão bị đau lưng, đau tới mức ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ông đã điều trị ở bệnh viện, từ phục hồi sức khỏe của Tây y, đến châm cứu tại Bệnh viện Trung y, được một năm rồi, nhưng vẫn không mấy tiến triển. Vốn dĩ ông tiếc tiền, biết vị thầy thuốc Trung y đó đã lâu rồi, nhưng cứ chần chừ do dự, không muốn tới khám.
Con cái đều đã trưởng thành, kinh tế không phải lo nghĩ, vậy tại sao lại ngần ngại tiêu tiền cho bản thân mình? Sức khỏe của mình chính là tài sản của con cái! Đối với sức khỏe của chính mình mà còn ki bo như vậy, thì cuối cùng sẽ bị bệnh viện rút hết không còn sót lại một cọng lông.
Cuối cùng ông lão cũng xuất hiện ở phòng khám. Khi ông mô tả xong về bệnh tình của mình, tôi thấy lưng ông như cái cung. Lưng còng rất nặng, bị gánh nặng phong sương của cuộc sống đè đến nỗi đầu thấp hơn sống lưng, xương cột sống bị cong 50 độ, đi như rùa bò, chẳng trách chữa trị lâu vẫn không khỏi.
Ông bị mất ngủ do đau lưng, phì đại tuyến tiền liệt, tiểu đêm 4-5 lần, tứ chi vô lực, mắt mờ, còn kèm thêm cao huyết áp, thận teo và vôi hóa. Người gầy chỉ còn da bọc xương, dường như chỉ cần có một cơn gió, cũng sẽ thổi bay mất. Thế nhưng, ánh mắt của ông rất kiên nghị, ánh mắt của một người từng trải qua bao nhiêu yêu thương và cay đắng của cuộc đời. Ông tự mình đi xe máy đến, đi mất 20 phút.
Điều trị bằng châm cứu
Với tình trạng cong vẹo cột sống nghiêm trọng như vậy, phải bắt đầu từ đâu? Đầu tiên phải bồi bổ dương khí, cần châm huyệt Bách hội. Phàm các bệnh về gân cốt, đều có triệu chứng gân co rút, liên quan đến tắc nghẽn khí trong kinh mạch và mất cân bằng của nội tạng.
Bệnh đau lưng của ông có lẽ là là do toàn bộ cột sống bị lệch khỏi vị trí. Đầu tiên châm cứu vùng da đầu và khu vực thắt lưng, khoảng từ huyệt Cường gian đến huyệt Não hộ và huyệt Thận du; lại dọc theo hai bên cột sống, sờ thấy chỗ nào hơi căng, hơi cứng thì châm kim; châm từ trên xuống dưới, có một số kim ở huyệt Giáp tích Hoa Đà. Cột sống muốn thông với mạch Đốc, cần châm huyệt Hậu khê.
Tứ chi vô lực, cần mở khớp nối tứ chi, châm cứu các huyệt Hợp cốc, Thái xung. Gân nằm ở Dương lăng tuyền, muốn giãn lỏng ra cần châm huyệt Dương lăng tuyền. Để bổ sung khí huyết và nuôi dưỡng kinh mạch cho người cao niên, châm huyệt Tam âm giao và huyệt Công tôn. Do bệnh nhân nằm sấp nên không thể châm được huyệt Túc tam lý, lấy huyệt Công tôn thay thế gánh vác trách nhiệm.
Đối với bệnh phì đại tuyến tiền liệt, châm cứu các huyệt Âm lăng tuyền, Thái khê, Dũng tuyền và đâm chéo chỗ gần Hội âm; thêm phần da đầu châm khu sinh thực, từ huyệt Đầu duy châm kim hướng về phía chân tóc. Thận bị teo, vôi hóa, châm các huyệt Thận du, Mệnh môn, Thái khê. Để máu lưu thông và đánh tan máu ứ đọng, châm cứu các huyệt Huyết hải và Tam âm giao.
Sau khi nằm sấp 30 phút, ngồi dậy châm cứu chữa mắt mờ và tăng cường thị lực, châm các huyệt Toản trúc, Thái dương, Tình minh, Thừa khấp, sau đó ngồi tiếp nửa giờ đồng hồ.
Sau lần châm cứu đầu tiên, bệnh tình chưa cải thiện nhưng ông lão cảm thấy tinh thần thoải mái, cơ thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thế là mỗi tuần ông đến châm cứu ba lần, bất kể trời lạnh hay mưa gió. Vì lo lắng cho sự an toàn của ông, khi trời mưa hoặc có không khí lạnh, tôi đề nghị ông tạm dừng điều trị cũng không sao cả. Nếu như nhất định phải đến khám, tôi khuyên ông không nên đi xe máy, mà nên ngồi nhờ xe. Tuy nhiên, ông nhất quyết đi xe máy đến khám. Ông lão thậm chí còn ở trong phòng chờ, kết giao không ít bằng hữu và trò chuyện rất nhiều.
Ông lão còn thường an ủi tôi, ông biết bệnh của mình khó chữa trị, nói tôi đừng quá áp lực. Có lẽ chính nhờ tinh thần kiên cường này, nên ông mới vượt qua được những gian khổ của cuộc đời.
Ông lão có vẻ rất thích đến phòng khám, thích trò chuyện với tôi. Ông thường bày tỏ rằng ông rất nhớ người vợ đã khuất của mình, chẳng trách ông không tái hôn. Ngày đêm thương nhớ:
“Thiên lý cô phần,
Vô xử thoại thê lương”
(Trích từ bài thơ “Giang thành tử” của Tô Đông Pha).
Tạm dịch:
“Nấm mộ cô đơn cách xa ngàn dặm,
Không nơi nào có thể kể hết nỗi thê lương.”
Chớp mắt đã hơn 40 năm trôi qua:
“Quân mai tuyền hạ nê tiêu cốt,
Ngã ký nhân gian tuyết mãn đầu.”
(Trích từ bài thơ “Mộng Vi Chi” của Bạch Cư Dị).
Tạm dịch:
“Nàng ở dưới hoàng tuyền, bùn đất tiêu xương cốt,
Ta gửi thân mình chốn nhân gian, tuyết phủ trắng đầu.”
Giờ đây, cặp lông mày của ông nhíu lại như hoa văn, tóc mai như sương giá, gương mặt phủ đầy bụi trần. Một ngày nào đó, trên đường đến hoàng tuyền gặp lại người vợ đã khuất, liệu bà ấy còn nhận ra ông không?
Hai tháng sau, ông lão vừa bước vào đã cười vui vẻ, trông rất dễ mến. Ông báo cho tôi một tin vui: lần đầu tiên ông ngủ một mạch tới sáng, không thức dậy đi tiểu đêm.
Một ngày khác, ông lão rất vui mừng, chỉ vào mái tóc của mình và nói rằng ông kinh ngạc phát hiện, mái tóc bạc trắng của mình đã giảm bạc, tóc đen lại nhiều lên! Ông cảm thấy bản thân vô cùng hạnh phúc. Ông không ngờ rằng bản thân nghĩ rằng mình đã già đi lâu lắm rồi, nay lại cảm thấy như được trẻ lại.
Một ngày nọ, ông lão xin nghỉ châm cứu, nói rằng Tây y đã sắp xếp cho ông một cuộc phẫu thuật cắt bỏ phì đại tuyến tiền liệt, tất nhiên là miễn phí. Tôi khuyên ông nên mời bác sĩ Tây y đánh giá lại một chút, nếu có thể không cần động đến dao kéo thì không nên động dao. Phẫu thuật đối với người cao tuổi, dễ bị tổn thương nguyên khí và sức sống. Hơn nữa, sau khi điều trị tuyến tiền liệt bằng châm cứu, thì ông đi tiểu đã thuận lợi hơn, không còn tình trạng không thể kiểm soát, hoặc tiểu không được, hoặc tiểu khó.
Ông lão lạc quan nói: “Cần cắt thì cắt, cần làm gì thì làm nấy!” Ông đã xem cái chết rất nhẹ nhàng, trái tim rộng mở thì con đường sẽ rộng mở. Ông lão có tấm lòng bao la, có thể chứa đựng hết thảy yêu thương và cay đắng của cuộc đời.
Tuần sau, ông lão đến châm cứu như thường lệ. Bác sĩ nói tình trạng tuyến tiền liệt của ông không tệ, có thể không cần phẫu thuật. Nửa năm trôi qua, ông lão vẫn còn gù lưng, thắt lưng còn hơi đau nhưng có thể ngủ được, đi tiểu đêm một hoặc hai lần, tinh thần thoải mái. Ông đã rất hài lòng và kết thúc đợt điều trị.
Cuộc đời thì ngắn nhưng con đường nhân sinh thì lại rất dài. Vô luận như thế nào, chúng ta cũng cần phải dũng mãnh tiến về phía trước.
(Bài viết được trích từ cuốn “Cửu cửu quy chân – Thượng thiện nhược thủy,” Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ