Câu chuyện Trung y: Lực sát thương của tử huyệt
Trong phim võ hiệp, đến đoạn nhân vật ra chiêu điểm huyệt, điểm vào chỗ hiểm, lập tức làm cho đối phương bất động, hoặc thất khiếu chảy máu, dẫn đến thần thức không thanh tỉnh, hôn mê, bị phế mất võ công, thậm chí tử vong. Thật sự có chuyện như vậy không?
Thuật cầm nã trong võ thuật, trong đó có một kỹ năng, đó là kích động vào kinh lạc huyệt vị, đánh vào chỗ hiểm, đủ để khiến tính mệnh của đối phương nguy cấp, thậm chí tử vong. Trong chốn võ lâm, có “thi giải đại pháp,” tức là dùng kim châm vào huyệt vị sau tai gây ra tình trạng chết giả, mấy canh giờ sau thì tự động thức tỉnh. Phi tiêu kích trúng huyệt Thái dương, Ấn đường, Đản trung thì dễ gây tử vong.
Một trong tứ đại thần công của Thiếu Lâm là Kim Chung Tráo, giống như chiếc áo giáp sắt, đao kiếm khó làm tổn thương, nhưng có sáu huyệt có thể phá vỡ, trong đó có huyệt Thần khuyết ở chỗ rốn và huyệt Mệnh môn. Một trong tuyệt kỹ của Thiếu Lâm là phi châm. Từ bên ngoài cửa sổ, phi châm trúng vào huyệt Ấn đường, huyệt Phong trì, liền có thể mất mạng. Bởi vì chiêu này quá hung hiểm, nên sau này bị Đạt Ma tổ sư cấm luyện.
***
Có một vụ án kỳ lạ xảy ra thời nhà Thanh, trong đó một nông dân trẻ có người vợ xinh đẹp. Người chồng bị đau thắt lưng nên thường mời thầy lang giỏi đến nhà châm cứu, nhưng lâu ngày vẫn không khỏi, cả ngày rên rỉ. Từ lâu thầy lang đã thèm muốn sắc đẹp của vợ anh này nên không lấy tiền chữa trị, hơn nữa còn thường xuyên tặng quà. Lâu ngày, trái tim rung động, hai người đã nảy sinh gian tình.
Một ngày nọ, người nông dân đột ngột qua đời sau khi la hét trong đau đớn. Hàng xóm biết người nông dân thân thể yếu đuối bệnh tật, nên không lấy làm lạ, cho rằng anh ta qua đời vì bệnh tật lâu ngày. Sau khi mai táng xong, không lâu sau đó, thầy lang và vợ người nông dân như hình với bóng. Người con trai năm tuổi được bác cả nuôi dưỡng. Hai năm sau, cậu con trai kể lại với bác những gì đã xảy ra vào đêm cha mất. Người bác cảm thấy có điều gì đó kỳ lạ nên đã viết đơn tố cáo đến nha môn.
Người khám nghiệm tử thi và sai dịch mở quan tài kiểm tra thi thể, thì thấy tử thi đã thối rữa. Cuối cùng, phát hiện xương thóp trên đỉnh đầu của người quá cố nhô lên, chỗ huyệt Tín môn có vết thương và vết máu bầm xung quanh, chân răng có một ít máu đọng. Huyện lệnh lập tức xác định có vết thương ở phần dưới cơ thể hoặc bụng, do cơn đau dữ dội uất ức xông lên dẫn đến vết thương ứ máu.
Huyện lệnh truyền gọi thầy lang đến, ông ta mới cúi đầu nhận tội. Ông ta nói rằng, đêm đó hai người họ đã cưỡng ép đè người nông dân trên giường, thầy lang dùng một cây kim bạc châm liên tiếp ba lần. Sau khi cố đâm vào huyệt Thủy phân ở trên rốn một thốn, người chồng liền tử vong. Sự thật vụ án đã được hé lộ, thầy lang và góa phụ đẹp đều bị kết án trảm đầu.
***
Một vụ án kỳ lạ khác xảy ra vào thời Bắc Tống, trong nhà của Tri phủ họ Hàn, quản gia và nhị phu nhân thông dâm với nhau. Cả hai bàn mưu đầu độc Tri phủ đại nhân, dùng kim bạc đâm vào sau gáy của đại nhân dẫn đến tử vong. Việc này đã bị a hoàn nhìn thấy. Quản gia nghĩ kế, đem gả a hoàn cho Trần Quân, đệ tử phái Kinh Môn, phái đứng đầu bát đại môn phái trên giang hồ. Quản gia dặn anh ta gian dâm trước, để gạo đã nấu thành cơm.
A hoàn không nghe theo nên kêu cứu. Trần Quân sợ sự việc bại lộ, liền dùng thủ pháp Bì môn, đâm một cây kim bạc vào huyệt ở sau gáy của a hoàn (có thể là huyệt Á môn, huyệt này cấm đâm sâu, vì nếu điểm trúng động vào trung tâm diên tủy, thì sẽ ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự), khiến mạch máu căng phồng và tử vong.
***
Một vụ án khác không có nguyên cáo xảy ra vào thời nhà Minh. Tuần phủ đại nhân đi thị sát đúng vào dịp Trung thu, quan lại địa phương tổ chức yến tiệc trong tửu lâu. Trong bữa tiệc, nghe thấy tiếng phụ nữ khóc, quan lại bèn sai người đến xem xét tình hình. Người kia về báo tin, nói rằng người phụ nữ này khóc vì chồng say rượu ngã xuống đất tử vong.
Ngày hôm sau, Tuần phủ đại nhân lập tức sai người đi bắt người phụ nữ kia, vì nghe thấy tiếng khóc của cô ta có gì đó bất thường, tiếng khóc không buồn mà đáng sợ.
Tuần phủ đại nhân hỏi người phụ nữ tại sao lại sát hại chồng mình? Đồng thời ông còn sai người mở quan tài khám nghiệm tử thi. Kết quả thấy toàn thân tử thi không có vết thương, dùng kim bạc thử cũng không có độc. Tuần phủ đích thân kiểm tra, vén mái tóc lên, thấy chỗ giữa đỉnh đầu (huyệt Bách hội) có một chiếc đinh sắt đâm sâu vào xương tủy, khi rút ra thì cây kim dài tới nửa xích [một xích bằng khoảng 33.33cm]. Lúc đó, người phụ nữ khóc lóc và thú nhận tội giết chồng. Vì người chồng là kẻ nát rượu, mỗi lần say đều dùng roi mây quất mạnh vào người vợ. Cô ấy không chịu được nỗi khổ này nên đã ra tay sát hại chồng mình.
Trên cơ thể con người rốt cuộc có bao nhiêu huyệt vị? Đạo gia nói, mỗi một khiếu là một huyệt vị. Thông thường có 12 kinh lạc chính được nói tới. Có 52 đơn huyệt, mỗi huyệt loại này chỉ có một huyệt vị; có 309 song huyệt, mỗi huyệt loại này có 2 huyệt vị cùng tên. Huyệt ngoài kinh (còn gọi là kinh ngoại kỳ huyệt) có 50 huyệt. Như vậy tổng cộng có 720 huyệt vị. Huyệt trọng yếu có 108 huyệt, trong đó 72 huyệt vị không đến mức dẫn đến trí mạng, còn 36 huyệt vị có thể gây tử vong, thường được gọi là tử huyệt.
Phân bố tử huyệt
Phần đầu: gồm các huyệt Bách hội, Thần đình, Thái dương, Tình minh, Nhân trung, Nhân ngưỡng, Nhĩ môn, Á môn, Phong trì.
Phần ngực bụng: Gồm các huyệt Ưng song, Nhũ trung, Nhũ căn, Kỳ môn, Chương môn, Thương khúc, Đản trung, Cưu vĩ, Cự khuyết, Thần khuyết, Khí hải, Quan nguyên, Trung cực, Khúc cốt.
Phần lưng: Gồm các huyệt Kiên tỉnh, Phế du, Quyết âm du, Tâm du, Thận du, Mệnh môn, Chí thất, Khí hải du, Trường cường.
Phần tay: Huyệt Thái uyên.
Phần chân: Gồm các huyệt Túc tam lý, Tam âm giao, Dũng tuyền.
Mối nguy hiểm của tử huyệt
Huyệt Nhân trung và huyệt Tình minh: Sau khi điểm trúng, sẽ váng đầu hoa mắt, ngã xuống đất.
Huyệt Phong trì và Á môn: Bị mất tiếng, đầu choáng váng, té xỉu và bất tỉnh nhân sự.
Huyệt Nhân nghênh: Khí huyết ứ tắc, đầu choáng váng.
Huyệt Thái dương và Nhĩ môn: Ù tai, choáng váng, té xỉu.
Huyệt Đản trung: Tâm ý hoảng loạn, thần trí mê mờ.
Huyệt Cự khuyết, Cưu vĩ: Đánh vào sẽ chấn động đến gan, mật, tim, máu ứ trệ mà tử vong.
Các huyệt Ưng song, Nhũ căn, Quyết âm du: Chấn động đến tim, ngừng cung cấp máu, bị choáng, dễ tử vong.
Huyệt Kiên tỉnh: Nửa người tê dại, người đánh võ khi vật lộn thích đánh vào huyệt này.
Huyệt Chương môn: Nếu đánh trúng, mười người thì chín người tử vong.
Huyệt Tam âm giao, Túc tam lý: Nửa người dưới bất động, không linh hoạt.
Huyệt Dũng tuyền: Thương tổn khí đan điền, phá khinh công.
Huyệt Mệnh môn, Thận du: Dễ bị bán thân bất toại.
Lực tác động của tử huyệt rất lớn. Tuy nhiên trong châm cứu, nếu sử dụng đúng cách thì có thể biến vũ khí thành sức mạnh, hiệu quả chữa bệnh đặc biệt tốt và tương đối nhanh.
***
Một vị chủ tịch 65 tuổi, bị teo dây thần kinh thị giác. Ông được bác sĩ trưởng khoa châm cứu tại một bệnh viện chẩn trị bằng cách dùng phương pháp châm cứu toàn thân, châm cứu bằng laser, điện châm và châm cứu da đầu; hàng ngày ăn nhiều thực phẩm lành mạnh và vitamin. Qua nhiều năm, hai mắt ông dần mất đi ánh sáng, chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh tối lờ mờ.
Vị chủ tịch làm việc hàng ngày, từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, quanh năm không nghỉ. Khi nhân viên báo cáo công việc kinh doanh thì ông đều chỉ đạo miệng, hơn nữa còn đích thân đào tạo nhân viên. Trong các sinh hoạt thường ngày của ông, vợ ông đều phải giúp đỡ mọi việc.
Tôi đề nghị ông phải tập thể dục và tắm nắng. Ông lập tức trả lời rằng không có thời gian. Tôi nói rằng trong 10 ngày đầu tiên cần phải châm cứu đều đặn mỗi ngày. Ông lập tức nói mình rất bận, không thể làm được, còn nói rằng công ty không thể thiếu ông. Tử huyệt của ông ấy có tên là: Tự cao tự đại.
***
Một quý bà 53 tuổi, phong tư duyên dáng, cử chỉ nhã nhặn, mắt phượng mày ngài, ăn nói lưu loát. Bà khổ sở vì bị tê mỏi cổ, mất ngủ và đau mỏi lưng. Ở cột nghề nghiệp trong hồ sơ bệnh án ban đầu, bà viết là nội trợ. Nhìn vào bàn tay của bà, tôi đoán bà có lẽ là nắm giữ vị trí tương tự như giám đốc hoặc CEO. Bệnh tật có liên quan đến nghề nghiệp, dẫu bệnh tình giống nhau, nhưng đằng sau lại có những nguyên nhân khác nhau và cách điều trị cũng khác.
Tôi hỏi bà ba lần liên tiếp: “Chị làm nghề gì?” Bà trả lời ba lần liên tiếp rằng bà là một người nội trợ. Tôi nói: “Chị ơi, chị không tin tưởng bác sĩ, chị nói dối, thì hỏi tôi làm sao chữa trị cho chị được. Chị nhất định không phải là nội trợ. Chị rất ít làm việc nhà.” Lúc này quý bà mới thừa nhận bản thân mở một công ty nhỏ, đảm nhận chức vị giám đốc. Tử huyệt của bà ấy có tên là: Phòng vệ quá mức.
***
Một người đàn ông 46 tuổi, đâm đơn kiện vì một vụ tai nạn xe hơi. Sau nửa năm, tòa án hòa giải, đạt được thỏa thuận, bên kia phải bồi thường 140,000 (Đài tệ) nhưng chậm chạp chưa trả. Người đàn ông này vô cùng tức giận, không thiết đến ăn uống, đêm không ngủ được.
Tôi an ủi anh: “140,000 tệ mà đối phương nợ anh, tuyệt đối không chạy đi đâu được. Đời này chưa trả thì đời sau cũng sẽ trả. Ông trời sẽ ghi nhớ món nợ đó. Nhưng anh vì chuyện này mà oán hận, khiến tinh thần và sức khỏe bị dày vò, gây thiệt hại vượt quá 10 triệu tệ rồi. Người ta trả lại tiền cho anh, thì anh sẽ có được tiền. Người ta chưa trả lại cho anh, có thể do hoàn cảnh gia đình của họ gặp khó khăn, thì anh sẽ có được công đức. Buông tha cho họ cũng chính là buông cho chính mình.” Ông nghe xong thì không đồng tình, và tức giận không đến chữa trị nữa. Tử huyệt của ông ấy mang tên: Tức người hại mình.
***
Một người phụ nữ 36 tuổi, sắc mặt xanh xao, toàn thân mệt mỏi không có sức lực, đứa con một tuổi rưỡi vẫn chưa cai sữa. Người mẹ dùng các loại phương pháp, có khi bôi bột hoàng liên lên núm vú để cai sữa cho con, nhưng chỉ cần đứa trẻ vừa khóc là lại thôi. Người mẹ đến phòng khám, muốn châm cứu và uống thuốc giảm tiết sữa. Tôi nói với cô ấy rằng trẻ em một tuổi có thể giao tiếp rồi, nên nói đạo lý với trẻ, tác động bằng tình cảm.
Cho dù trẻ có khóc lóc thảm thiết đến mấy cũng không nên cho bú mẹ nữa, kiên trì vài lần là sẽ hết. Tuy nhiên, đứa trẻ hễ khóc là khóc suốt hai tiếng đồng hồ, ánh mắt cầu cứu, khiến người mẹ mềm lòng, lại đầu hàng. Cô lại có thai, tôi nghiêm túc cảnh báo, nếu tiếp tục như vậy, ba người sẽ phải đau khổ: nhân cách của đứa trẻ, sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tử huyệt của cô ấy có tên là: Trông chờ mòn mỏi.
***
Một bà mẹ 71 tuổi bị ung thư phổi. Sau khi phẫu thuật, sắc mặt trắng xanh, cơ thể suy nhược, thần khí ảm đạm, toàn thân vô lực. Bác sĩ nói rằng phải tiếp tục hóa trị. Bà mẹ đến khám, vẻ mặt cầu cứu, nói rằng bà không muốn hóa trị, không muốn ra đi trong thống khổ của hóa trị, bà rất muốn sống.
Bà mẹ biết mình bây giờ quá yếu rồi, hóa trị thì sẽ mất mạng. Nhưng người con trai nhất quyết muốn mẹ phải hóa trị. Anh ta mắng mỏ, la hét và nói với bà bằng những lời chanh chua cay nghiệt. Người mẹ sợ con trai, sợ đến nỗi cả tuần không ngủ được, giãy giụa đau khổ giữa hai lựa chọn: con trai và hóa trị. Tên tử huyệt của bà: Không dám là chính mình.
***
Một người đàn ông 56 tuổi bị bệnh tiểu đường đã 30 năm, đã được rất nhiều bác sĩ điều trị, nhưng kết quả vẫn không rõ rệt. Có một lần, ông nói rằng ông đang nhịn ăn. Tôi khuyên ông, vì chỉ số đường huyết của ông cao tới 13, không thích hợp để nhịn ăn. Ông ấy liền phản bác và cãi lại: “Tôi đã nghiên cứu cách ăn cho người bị tiểu đường, kỹ hơn cô rất nhiều, nên không cần phải nói về những điều đó.”
Ông cứ thao thao nói về cao kiến của mình, và không cho tôi chen ngang ngắt lời. Mặc dù các bệnh nhân khác đã đợi rất lâu và tôi ra hiệu cho ông tạm dừng, nhưng ông vẫn phớt lờ. Mãi cho đến khi nói xong, ông mới chịu dừng lại. Bất kể tôi kiến nghị hay góp ý điều gì, thì thượng phương bảo kiếm “Tôi hiểu rõ hơn cô” của ông lập tức chĩa về phía tôi. Tử huyệt của ông ấy có tên là: Tự cho mình là đúng.
***
Một người đàn ông 69 tuổi bị bệnh xơ gan, có bốn người bạn thân kết nghĩa huynh đệ. Có một lần, sau khi cãi vã với một người anh em của mình, thì ông bắt đầu oán hận người anh em kia. Khi người anh em này qua đời, người đàn ông làm theo tục lệ đi thắp hương cho người quá cố, nhưng lại nói với người đã khuất: “Tôi vẫn không thể tha thứ cho anh.”
Bản thân ông bị xơ gan phát triển thành ung thư gan và chỉ còn sống được ba tháng, nhưng ông vẫn nói với tôi rằng, dẫu có nhắm mắt xuôi tay cũng sẽ không tha thứ cho người anh em kia. Tử huyệt của ông mang tên: Đến chết cũng không thay đổi.
***
Một người đàn ông 45 tuổi bị bệnh dạ dày. Mấy năm nay, ông đã đi khám nhiều bác sĩ, nhưng đều không chữa khỏi. Ông nói rằng ông không ăn thịt heo. Tôi hỏi ông: “Anh có phải là tín đồ Hồi giáo không?” Ông đáp không phải, mà là vì có một lần sau bữa ăn, chỉ số đường huyết của ông là 105, không cao lắm, nhưng ông sợ bị bệnh tiểu đường, và từ đó không bao giờ ăn thịt heo nữa. Tuy nhiên, ông không hề bị bệnh tiểu đường.
Tế bào mô của heo rất giống với con người và thường được sử dụng làm liệu pháp mô. Tối hôm đó, ông chỉ ăn cơm và thịt heo, ông không nghĩ đến việc mình đã ăn quá nhiều cơm, lại đi nghi ngờ là do ăn thịt heo.
Ông nói rằng một trong những loại thuốc tôi kê có vị Phục linh, sẽ làm tổn thương tạng tỳ (lá lách) của ông. Phục linh vốn là thuốc bổ tỳ. Trong đơn thuốc này có 20 loại thuốc, chú trọng đến việc phối hợp, nghĩa là quân thần giúp đỡ lẫn nhau. Khó trách bệnh tình của ông không khỏi. Tên tử huyệt của ông chính là: Bảo thủ tự phong bế mình.
***
Một cặp vợ chồng, cả hai đều là công chức. Người vợ nhanh nhẹn tháo vát, người chồng hiền lành nhút nhát, hễ nói chuyện với các cô gái thì đỏ mặt. Hàng ngày người vợ đều kiểm tra hành tung, số điện thoại, di động của chồng, lục soát quần áo, ví và cặp của anh. Một hôm, người chồng đến khám vì đau đầu gối. Ngày hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi từ người vợ, giọng điệu của cô như quan tòa nghiêm khắc thẩm vấn, không bỏ sót chi tiết từng nhỏ. Quả thực tôi không dám góp ý! Khi người chồng đến tái khám, tôi đã thông báo cho anh ấy biết tình hình. Tôi khuyên anh ấy quan tâm đến vợ mình nhiều hơn, nếu không lửa ghen tuông ngút trời, sẽ thiêu cháy cả cô ấy, trở thành “đố nhũ” [sữa đố kỵ], dễ mắc bệnh ung thư vú.
Vào ngày hai vợ chồng kỷ niệm 20 năm ngày cưới, bác sĩ báo tin: Cô vợ bị ung thư vú. Tử huyệt của cô mang tên: Tự tâm sinh ma.
***
Một người đàn ông 56 tuổi làm nghề thiết kế cơ khí, thị lực đã bị lạm dụng quá độ trong nhiều năm. Có một hôm, mắt phải của ông bị xuất huyết, tầm nhìn mờ, sắc mặt tái nhợt, nhưng ông vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Mỗi lần đến khám, ông đều mặt mày ủ rũ, lê đôi chân mệt mỏi, vẻ mặt chán chường. Tôi hỏi ông rằng mắt bị đau như vậy, tại sao không nghỉ ngơi dưỡng bệnh? Ông trả lời, vợ ông rất hung dữ, không làm việc thì sẽ mắng mỏ thậm tệ, chuyện bé như hạt vừng cũng khiến sư tử Hà Đông gầm lên và làm ngập Kim Sơn. Vì gia đình nên ông đã chịu đựng hơn 20 năm qua.
Trước khi phẫu thuật mắt thì kiểm tra thân thể. Sau phẫu thuật, kết quả kiểm tra cho thấy trên gan có khối u ác tính 8cm, đã di căn đến bạch huyết, không thể phẫu thuật mà phải hóa trị trực tiếp. Hai vợ chồng đến nhờ tôi giúp đỡ. Mắt người chồng vẫn còn phải bó băng gạc. Sau khi nói hết về bệnh tình, ông cười lớn như thể cuối cùng cũng có thể được giải thoát rồi. Còn người vợ thì lần đầu tiên có ngữ khí ôn hòa, vẻ mặt không còn khó coi nữa, nhờ bác sĩ giúp đỡ vượt qua cửa ải khó khăn. Tên tử huyệt của người vợ là: Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.
Nhân sinh từ cổ, có ai không phải đối diện với cái chết? Vậy đâu là cửa ải sinh tử cần phải vượt qua? Mỗi người đều có tử huyệt của riêng mình, thậm chí có đến mấy tử huyệt. Sống trong cái chết và chết trong khi sống, tự tương tàn và tranh đấu với nhau cả đời!
(Bài viết được trích từ cuốn “Cửu cửu quy chân – Thượng thiện nhược thủy,” Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ