Câu chuyện Trung y: Cuộc tranh luận về trái khổ qua
Đôi khi, một ý nghĩ, một câu nói hay một chuyện nhỏ, thường sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bản thân và kéo dài rất lâu. Mãi cho đến một ngày, cũng vì một câu nói khác, một chuyện nhỏ khác, mà đột nhiên tỉnh ngộ.
Một bác đã về hưu 64 tuổi, sống ở miền Nam. Bác từ xa đến chỉ để khám chứng lạnh tay chân, nhất là chỗ khuỷu tay và đầu gối. Ngày nắng nóng, dẫu dùng băng cuốn để giữ ấm khuỷu tay và đầu gối mà bác vẫn cảm thấy rất lạnh. Nhất là lúc gặp phải gió, khí lạnh thổi đến thì càng khó chịu hơn. Bác đã từng được thầy thuốc nổi tiếng châm cứu điều trị rồi, nhưng vẫn không có hiệu quả! Tôi cảm thấy có chút kỳ lạ và khó hiểu. Vị thầy thuốc đó y thuật rất giỏi, tại sao lại như vậy?
Toàn thân bác ấy phát nhiệt, miệng đắng lưỡi khô, dạ dày đau âm ỉ, ăn uống kém. Bác bị bệnh tiểu đường, đêm đi tiểu 4-5 lần, khó ngủ, sắc mặt trắng bệch, sắc môi nhợt nhạt, lưỡi nhạt và có dấu răng quanh đầu lưỡi. Khám xong, trước tiên tôi dặn dò bác nên giảm ăn đồ lạnh, giảm uống nước lạnh và các loại dưa. Tôi vừa dứt lời, bác ấy lập tức thay đổi nét mặt, có chút kích động, ánh mắt nghi hoặc. Bác nói với giọng xem thường: “Tôi đã nóng đến như thế rồi, vẫn không thể ăn dưa sao! Mỗi ngày tôi đều phải ăn nửa cân khổ qua trở lên. Khổ qua có thể hạ đường huyết, tôi ăn khổ qua, đường huyết lập tức giảm.”
Tôi liền đáp lại: “Vậy tại sao tứ chi của bác lạnh như vậy? Khổ qua có tính hàn cao.” Bác ấy vẫn không phục, liếc mắt nhìn tôi, kiên quyết là khổ qua có thể hạ đường huyết. Hơn nữa bác ấy còn nói rằng sẽ kiên trì và tiếp tục ăn khổ qua. Gặp phải người không nói lý lẽ như vậy, thì không thể “ra bài” theo công thức được.
Tôi cũng kiên quyết nghiêm túc nói: “Nếu như bác vẫn tiếp tục ăn nhiều khổ qua, thì bác không cần đến khám bệnh nữa. Bác không cần lãng phí thời gian, tiền bạc, chạy xa như thế đến chỗ tôi khám làm gì nữa. Bác không muốn khỏi bệnh, thì không ai có thể trị được bệnh cho bác.” Bác ấy nghe xong thì có chút giật mình, làm sao lại có thầy thuốc như vậy?
Tôi nói tiếp: “Ăn quá nhiều khổ qua có tính hàn và đắng như vậy, liên đới khiến cho tâm hỏa hàn hóa, làm cho đan điền bị lạnh. Dẫn đến mã lực của tim không đủ, phải cố hết sức để bơm máu tới điểm cuối tứ chi, nên mới xuất hiện hiện tượng thân thể vô lực, tứ chi lạnh như băng. Một chút thức ăn đắng tính hàn sẽ kích thích ăn uống, nhưng trường kỳ dùng lượng lớn thức ăn như vậy sẽ có hại cho dạ dày. Cho nên, bác không chỉ ăn kém, mà dạ dày còn thường đau âm ỉ. Tính hàn đắng như vậy, cho nên tâm tình của bác cũng theo đó trầm xuống mà u buồn.” Vợ bác ấy sau đó nói nhỏ với tôi, “Đầu óc ông nhà tôi, là làm bằng đá đấy. Ai cũng không làm gì được ông ấy.”
Bác ấy tỏ vẻ rất thông minh, nhưng là thông minh mang theo thiên kiến, biến thành thông minh cố chấp. Bác kể rằng có một ngày bác ăn rất nhiều hoa quả, kết quả chỉ số đường trong máu tăng lên tới 300, sợ quá! Nghe nói khổ qua có thể hạ đường huyết, bác liền ăn rất nhiều khổ qua. Ngày thứ hai, chỉ số đường trong máu thật sự giảm xuống. Từ đó về sau, mỗi ngày bác đều ăn rất nhiều khổ qua.
“Bác à, bác nghĩ xem. Bác ăn rất nhiều trái cây, lượng đường trong máu chắc chắn sẽ tăng lên, chỉ là vừa đúng ngày hôm đó bác ăn khổ qua. Ngày thứ hai lượng đường trong máu giảm xuống, không phải do bác ăn khổ qua, mà là bác đã giảm bớt lượng trái cây rồi. Khổ qua chỉ có thể làm thực liệu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Hơn nữa, nó phải nấu chung với mộc nhĩ mới có hiệu quả, không thể dùng làm chủ lực điều trị bệnh tiểu đường, cũng không thể mỗi ngày ăn với số lượng lớn. Cũng có thể chuyển sang dùng rau râu rồng làm thực phẩm trị liệu.”
Bác nghe xong thì khẽ lắc đầu, ánh mắt sắc bén có chút hòa hoãn. Bác nói rằng có rất ít bác sĩ kiên nhẫn giải thích như vậy, hơn nữa vào lúc có rất đông bệnh nhân.
Thấy thái độ của bác thay đổi, nhưng đầu óc vẫn chưa xoay chuyển, tôi tiếp tục nói: “Xin bác nghĩ lại xem. Có phải mỗi ngày chỉ số đường trong máu của bác đều có lúc tăng lúc giảm hay không. Hơn nữa mỗi ngày bác đều ăn khổ qua. Thế mà, bác ăn khổ qua rồi, sao có lúc chỉ số đường trong máu vẫn tăng lên?” Bác ấy không trả lời được, nhưng vẫn chưa phục!
Tôi tiến thêm một bước, nói: “Nếu đúng là khổ qua có thể hạ đường huyết, vậy thì bác có thể đạt giải Nobel về Y học rồi. Trên thế giới có nhiều người bị bệnh tiểu đường như vậy. Mọi người đều ăn khổ qua thì tốt rồi. Nhiều người bị bệnh tiểu đường, không ăn khổ qua, sau khi điều trị, lượng đường trong máu cũng đang giảm. Khổ qua có khả năng hạ đường huyết là kết quả thực nghiệm trên động vật. Sau khi bùng nổ một trận, hiện nay các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe liên quan đến chất peptide trong khổ qua cũng đã bị đình trệ mở rộng. Con người rất khác với chuột. Cơ chế hoạt động của các cơ quan trong con người rất phức tạp, không phải là một chất peptide trong khổ qua liền có thể giải quyết được bệnh tiểu đường. Mà cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng giảm của lượng đường trong máu.”
Thấy bác có vẻ như có chút động tâm, tôi bắt đầu đi vào chủ đề chính. Tôi nói: “Khổ qua vốn có tác dụng giải khát và giải tỏa phiền não. Tại sao toàn thân bác vẫn thấy khô nóng? Bởi vì chức năng cơ thể đã bị khổ qua hàn hóa rồi. Nước trong thân ở phần dưới quá hàn, không thể dung nạp can mộc, khiến cho hư hỏa tăng cao, cho nên bác bị miệng đắng lưỡi khô, người dễ bực bội. Bác là bên trong thì hàn thật nhưng bên ngoài lại nóng giả.”
Để xoay chuyển quan niệm của bác, tôi đã cố gắng hết sức để nhổ tận gốc bệnh. Mọi người thường lệ thuộc vào những quan niệm sai lầm khiến bản thân mình bị tổn hại
Châm cứu
Bác ấy suy nghĩ cố chấp, châm cứu vào huyệt Bách Hội, chỉ mong bác có thể mở mang đầu óc và đừng cố chấp như vậy. Để loại bỏ khí lạnh, điều hòa các cơ quan, châm cứu các huyệt Phong Trì, Khúc Trì, Nội Quan, Túc Tam Lý. Để bồi bổ thận tinh và kích hoạt chức năng giống như Adrenergic, châm cứu các huyệt Quan Nguyên và Thái Khê.
Nếu thận thủy (nước trong thận) quá lạnh, thủy không thể chứa mộc, long hỏa bốc lên thì nên châm huyệt Thái Xung và huyệt Tam Âm Giao. Nếu bị khô miệng, khó chịu, thì châm cứu vào các huyệt Trung Chử và Hợp Cốc. Huyệt Trung Chử còn kiêm chữa trị đau lưng.
Khơi thông các kinh lạc tứ chi, châm các huyệt Khúc Trì, Hợp Cốc, Dương Lăng Tuyền, Phục Thố, Thái Xung. Để điều hòa dạ dày và ruột, châm cứu các huyệt Trung Quản và Túc Tam Lý.
Sau lần khám thứ hai, châm cứu thêm các huyệt Hợp Cốc, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao, Công Tôn, để điều trị tốt bệnh tiểu đường.
Đơn thuốc
Kê đơn thuốc Trung y, dùng thang Quế chi, điều hòa các cơ quan; dùng Tứ nghịch thang để hồi dương ấm bên trong; dùng Đương quy tứ nghịch thang để ôn kinh tán hàn, dùng thêm cây Kê huyết đằng để bổ huyết thông mạch. Tất cả được sử dụng là thảo dược có tính nhiệt.
Sau khi châm cứu, bác ấy nói miệng của bác không biết tại sao lại hết khô ngay, cảm thấy rất lạ và còn nghi ngờ không biết vị giác của mình có vấn đề gì không? Tuần sau quay lại khám, bác nói là khuỷu tay và đầu gối bị lạnh đã đỡ hơn nhiều, gặp gió không còn cảm thấy khó chịu như trước nữa. Tuần này không ăn khổ qua, kết quả là lượng đường trong máu vẫn như thường lệ, không có thay đổi nhiều.
Uống thuốc được một tháng, tứ chi không còn lạnh nữa, người cũng cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Cứ như vậy, việc ăn khổ qua trong ba tháng và cuộc tranh cãi về khổ qua đã kết thúc.
(Bài viết được trích từ cuốn “Thất tình quải tâm – Mê vân già tuệ nguyệt” (Tạm dịch: Cảm xúc trong tim – Mây mù che phủ ánh trăng trí tuệ), Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp.)
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ