Cắt buồng trứng có liên hệ đến suy giảm nhận thức tiềm ẩn

Đối với những phụ nữ không có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng, phẫu thuật này có thể không cần thiết và làm tổn thương chất trắng của não.

Việc cân nhắc cắt bỏ buồng trứng ở phụ nữ để ngăn ngừa ung thư là một sự đánh đổi. Cắt bỏ sớm cả hai buồng trứng có thể làm tổn thương chất trắng trong não dẫn đến tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, lý do giải thích vì sao vẫn chưa rõ ràng.

Kết luận này có thể sớm sẽ thay đổi.

Hình ảnh chụp MRI làm sáng tỏ những thay đổi của bộ não

Việc cắt bỏ cả hai buồng trứng trước khi mãn kinh tự nhiên sẽ gây ra rối loạn chức năng nội tiết đột ngột, làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ. Các nhà học đã tiến hành một số nghiên cứu về hình ảnh chụp MRI (cộng hưởng từ) để hiểu rõ hơn về cơ chế căn bản.

Các phát hiện ghi nhận sự suy giảm tính toàn vẹn của chất trắng ở nhiều vùng não ở những phụ nữ đã phẫu thuật cắt hai bên buồng trứng tiền mãn kinh (PBO) trước 40 tuổi. Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở những phụ nữ trải qua PBO trong độ tuổi từ 46 đến 49. Không có sự khác biệt về đường dẫn truyền trong não đối với những phụ nữ trải qua PBO ở độ tuổi 40 đến 44 so với những phụ nữ không thực hiện phẫu thuật này.

Có tới 80% những người tham gia đã cắt bỏ buồng trứng cũng có tiền sử điều trị thay thế estrogen (ERT). Mặc dù vậy, tính toàn vẹn của chất trắng của những phụ nữ vẫn bị giảm sút.

Điều này cho thấy việc mất testosterone, chứ không phải estrogen, đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe bộ não.

Testosterone là loại hormone chủ yếu liên quan đến đặc tính ở nam giới, nhưng cũng có ở phụ nữ với số lượng nhỏ hơn. Ở phụ nữ, hormone này được sản xuất bởi buồng trứng và tuyến thượng thận. Như vậy, việc cắt bỏ cả hai buồng trứng dẫn đến giảm sản xuất testosterone đột ngột.

Ảnh hưởng nội tiết tố đến cấu trúc não

Buồng trứng sản xuất hormone cả trước và sau khi mãn kinh. Trước khi mãn kinh, chúng chủ yếu sản xuất estrogen, progesterone và testosterone. Sau khi mãn kinh, buồng trứng chủ yếu sản xuất testosterone và androstenedione.

Trong suốt cuộc đời, sự khác biệt đáng kể về khối lượng và tính toàn vẹn của chất trắng giữa nam và nữ chủ yếu là do ảnh hưởng của hormone giới tính. Đàn ông thường có lượng chất trắng lớn hơn phụ nữ. Sự khác biệt vẫn tồn tại cả trước và sau thời kỳ mãn kinh.

Nghiên cứu gần đây liên quan đến người chuyển giới và những người mắc hội chứng không nhạy cảm với androgen, một chứng rối loạn di truyền ở nam giới khiến họ không thể sản xuất hormone giới tính nam, chứng minh thêm vai trò có thể có của testosterone trong việc duy trì sức khỏe chất trắng.

Những người chuyển giới từ nữ sang nam được điều trị bằng testosterone cho thấy tính toàn vẹn của chất trắng tăng lên.

Mặc dù những phát hiện này rất quan trọng để phụ nữ cân nhắc trước khi phẫu thuật cắt buồng trứng hai bên tiền mãn kinh đối với các bệnh không phải ung thư, nhưng cần nghiên cứu trên nhóm phụ nữ lớn hơn và đa dạng hơn để xác nhận những kết quả này.

Lý do phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng

Ước tính có khoảng 23% phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi và 45% phụ nữ từ 45 đến 49 tuổi trải qua phẫu thuật cắt buồng trứng hai bên để phòng ngừa ung thư buồng trứng, ngay cả những người có nguy cơ trung bình. Ngoài mục đích phòng ngừa ung thư, người phụ nữ có thể chọn cắt bỏ cả hai buồng trứng nếu có:

  • Áp xe buồng trứng: Ống dẫn trứng và buồng trứng chứa đầy một túi mủ.
  • Lạc nội mạc tử cung: Sự phát triển của các mô giống tử cung bên ngoài tử cung, thường hình thành các u nang (nội mạc tử cung) trên buồng trứng
  • Khối u hoặc u nang buồng trứng không phải ung thư: Việc loại bỏ có thể ngăn ngừa u nang vỡ và gây biến chứng
  • Ung thư buồng trứng: Cắt bỏ buồng trứng là một lựa chọn điều trị
  • Xoắn buồng trứng

Theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tập san Menopause, trong số những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung, khoảng 1/4 số người từ 40 đến 44 tuổi và gần một nửa số người từ 45 đến 59 tuổi cũng đã cắt bỏ buồng trứng.

Lựa chọn khi có nguy cơ ung thư buồng trứng

Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng, việc quyết định cắt bỏ buồng trứng trước khi mãn kinh như một giải pháp phòng ngừa cần phải cân nhắc kỹ lưỡng cả lợi ích và rủi ro. Xét nghiệm di truyền được khuyến khích để xác định các đột biến có nguy cơ cao, chẳng hạn như BRCA (gene ung thư vú) để giúp hướng dẫn các quyết định về phẫu thuật phòng ngừa.

Phụ nữ có đột biến BRCA1 phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn đáng kể so với dân số nói chung. Trong khi nguy cơ suốt đời đối với dân số nói chung là khoảng 1%, thì phụ nữ có đột biến BRCA1 có nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng từ 35 đến 45%.

Thanh Long biên dịch

Tú Liên biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Cara Michelle Miller
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Cara Michelle Miller là một nhà văn tự do và nhà giáo dục sức khỏe toàn diện. Cô đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học và Y tế Thái Bình Dương tại thành phố New York trong 12 năm và dẫn dắt các cuộc hội thảo về truyền thông cho sinh viên kỹ thuật tại The Cooper Union. Hiện tại cô viết bài tập trung vào chăm sóc tích hợp và các phương thức toàn diện.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn