Các nghiên cứu cảnh báo về một vòng luẩn quẩn giữa căng thẳng, ung thư và vi khuẩn đường ruột. Vô số bệnh nhân phải chịu đựng tình trạng này và giải pháp [nên] bắt đầu ngay tại thời điểm chẩn đoán bệnh.
Cô Dana Voight vừa có chuyến du lịch đến Ý. Cô đã leo hàng nghìn bậc thang, trải nghiệm cảm giác tuyệt vời và không có bất kỳ triệu chứng bệnh tật nào.
Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, kết quả chụp x-quang tuyến vú định kỳ cho thấy cô bị ung thư biểu mô tiểu thùy xâm nhập. Đây là một loại ung thư vú khó phát hiện khởi phát từ các tuyến tiết sữa. Từ đó, cuộc sống của cô quay cuồng giữa thông tin, lịch hẹn khám và các quyết định [điều trị].
Điều đáng lo nhất là trong khi cô muốn có thời gian để hiểu và tiếp thu từng mảnh thông tin, thì cô Voight lại cảm thấy nhóm điều trị ung thư đã đẩy cô vào một trò chơi “chạy đua với thời gian” khiến cô không còn thời gian để đưa ra lựa chọn thứ hai.
Cô nói, “Tôi thấy bất kỳ ai mà tôi từng gặp đều cảm thấy choáng ngợp và bối rối khi phải quyết định về một thứ mà họ hầu như không có kinh nghiệm, thậm chí còn không biết phải hỏi gì hoặc tin ai. Quý vị gần như dựa hoàn toàn vào những gì mà bác sĩ và nhóm điều trị ung thư đang nói. Tôi đã mất phương hướng. Tôi không biết đi theo hướng nào, suy nghĩ như thế nào. Tôi đã rơi vào tình trạng hoảng loạn.”
Chứng lo âu do ung thư vú của cô Voight có gì đó khác lạ. Cô mô tả tình trạng này giống một thứ gì đó mà cô không thể kiểm soát dù đã rất cố gắng. Các cảm xúc chối bỏ là phổ biến khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư và phải lựa chọn các quyết định điều trị – một yếu tố chính làm suy giảm các kết quả điều trị của bệnh nhân.
Nghiên cứu cho thấy đây là hậu quả đáng buồn do các bác sĩ, phòng khám ung thư và các nhân viên y tế khác bỏ qua việc giúp bệnh nhân giảm căng thẳng.
Kích thước hệ vi sinh vật đường ruột
Lo âu là vấn đề nan giải đối với bệnh nhân mới chẩn đoán ung thư vì căng thẳng làm tổn hại hệ vi sinh đường ruột, vốn liên quan mật thiết với hệ miễn dịch và sự thành công của một số liệu pháp điều trị ung thư — cả hai yếu tố đều gắn liền với tiên lượng bệnh.
Nghiên cứu mới đã nhận ra vấn đề nan giải này trong một thử nghiệm kiểm tra mối tương quan giữa hệ vi sinh đường ruột — cộng đồng gồm hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus và nấm sống trong hệ tiêu hóa — với tình trạng căng thẳng ở bệnh nhân ung thư vú mới chẩn đoán. Nghiên cứu kết luận: Những bệnh nhân cảm thấy căng thẳng cũng có hệ vi sinh vật đường ruột khác biệt rõ rệt. Hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến nhiều loại ung thư, bệnh viêm ruột, đáp ứng điều trị kém và các đặc điểm bất lợi khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ngay cả sau khi kết thúc điều trị.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Scientific Reports (Báo cáo Nghiên cứu) vào ngày 20/10, cho thấy các quyết định điều trị là nguyên nhân gây căng thẳng được trích dẫn thường xuyên nhất. Căng thẳng do phải lựa chọn quyết định điều trị có thể bao gồm sự thiếu chắc chắn, lo âu và hối tiếc.
Nói cách khác, tình trạng căng thẳng do chẩn đoán ung thư cũng có thể trực tiếp góp phần làm bệnh nặng hơn. Điều này đặt ra câu hỏi là, các bác sĩ và phòng khám ung thư có thể làm gì để giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, từ đó cải thiện kết quả điều trị ung thư.
Một bài báo được viết dành cho các bác sĩ lâm sàng trên Tập san Patient Education and Counseling (Giáo dục và Tư vấn Bệnh nhân) vào năm 2021 nhấn mạnh rằng ung thư vú đi kèm với một loại căng thẳng đặc biệt mà các bác sĩ cần lưu ý khi đánh giá các quyết định điều trị và cần làm rõ [thông tin]. Các tác giả của nghiên cứu này lập luận rằng vì ung thư vú ở phụ nữ đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư được chẩn đoán nhiều nhất và tỷ lệ sống sót cũng tăng lên, do đó việc cải thiện chất lượng cuộc sống là trọng tâm nghiên cứu.
Vì vậy, nhận thức mới về căng thẳng cũng như mối quan hệ giữa căng thẳng và hệ vi sinh vật có thể giúp bệnh nhân chủ động thay đổi lối sống để cải thiện hệ vi sinh vật và tiên lượng bệnh.
Vai trò của hệ vi sinh vật trong ung thư vú
Nghiên cứu mới này được xây dựng dựa trên các nghiên cứu về ung thư vú liên quan đến hệ vi sinh đường ruột. Cộng đồng vi sinh vật chi phối nhiều quá trình trao đổi chất, thần kinh và nội tiết; đồng thời hoạt động như người gác cổng cho hệ miễn dịch, chủ yếu bằng cách kiểm soát các quần thể vi khuẩn gây bệnh.
Hệ vi sinh vật này rất được các nhà nghiên cứu ung thư quan tâm, những người đang tìm cách tăng sức đề kháng thông qua thành phần và sự tương tác của vi khuẩn. Việc tăng sức đề kháng cho phép cơ thể ứng phó trực tiếp với các tế bào ung thư.
Một số phát hiện trước đây liên quan đến hệ vi sinh vật và ung thư vú bao gồm:
- Các vi sinh vật nhất định và sự đa dạng của cộng đồng vi sinh vật có liên quan đến đáp ứng hóa trị và tiên lượng bệnh ở bệnh nhân. Ví dụ, một số vi khuẩn đường ruột cho thấy đáp ứng kém với hóa trị, trong khi những vi khuẩn khác lại cho thấy đáp ứng tốt. Cộng đồng vi sinh vật có thể dự đoán độc tính liên quan đến hóa trị.
- Sự mất cân bằng của hệ vi sinh vật, được gọi là loạn khuẩn, có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư vú.
- Sử dụng các vi khuẩn cộng sinh, bao gồm prebiotic và probiotic đã chứng minh khả năng chống ung thư ở một số bệnh nhân.
Thay vì chọn liệu pháp hóa trị, cô Christine Holcomb đã chọn cách trợ giúp hệ vi sinh vật đường ruột phát triển khỏe mạnh để chống lại bệnh tật, đồng thời tăng sức đề kháng bằng thực phẩm tươi sống, thực phẩm bổ sung và thải độc cơ thể. Mặc dù cô không nhận ra bản thân đang nuôi dưỡng hệ vi sinh vật vào thời điểm được chẩn đoán ung thư vú năm 2011 nhưng giờ đây cô đã quen thuộc hơn với khái niệm này.
Cô nói với The Epoch Times, “Hệ vi sinh vật đường ruột thay đổi có thể tạo điều kiện cho ung thư vú phát triển. Nhưng nếu quý vị thoát khỏi tình trạng căng thẳng mạn tính, hệ vi sinh vật có thể hồi phục và giúp hệ miễn dịch chống lại mọi thứ.”
Cô Holcombe đã phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên vú, khỏi bệnh ung thư vú và trở thành diễn giả về cách chiến thắng bệnh ung thư và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Câu chuyện về hai vi sinh vật
Nghiên cứu mới đã phân tích chi tiết hệ vi sinh vật của 82 bệnh nhân ung thư vú và ghi nhận sự khác biệt đáng kể về họ và chủng vi khuẩn vốn trùng khớp với tình trạng đau khổ và chất lượng cuộc sống [của bệnh nhân].
Cụ thể, bệnh nhân có mức độ đau khổ cao có lượng vi khuẩn Alcaligenaceae và Sutterella nhiều hơn. Alcaligenaceae là một họ vi khuẩn có liên quan đến bệnh viêm ruột (IBD), bệnh thận mạn tính và một số loại ung thư. Các vi khuẩn gây viêm này thường xuất hiện nhiều hơn ở những bệnh nhân trầm cảm không kèm theo lo âu, được cho là đóng vai trò trong sự phát triển hoặc tiến triển của bệnh.
Nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn Sutterella có liên quan đến nhiều loại bệnh bao gồm bệnh viêm ruột (IBD), bệnh Crohn và bệnh đa xơ cứng, cùng nhiều bệnh khác. Sự phong phú của Sutterella dường như có liên quan đến kết quả điều trị ung thư tốt hơn và sự thiếu hụt Sutterella thường thấy ở những người bị trầm cảm, cũng như những người ít ngủ.
Họ vi khuẩn Streptococcaceae cũng phong phú hơn đáng kể ở những người có mức đau khổ thấp. Nhiều loại vi khuẩn trong họ này có tác dụng bảo vệ sức khỏe, giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và có khả năng sản xuất serotonin.
Tuy nhiên, nghiên cứu về họ vi khuẩn Streptococcaceae lại có phần mâu thuẫn khi nói đến sức khỏe tâm thần. Ví dụ, nghiên cứu đã lưu ý rằng trẻ em được chẩn đoán bị các chứng rối loạn tâm thần kinh đã bị nhiễm liên cầu khuẩn trong năm trước đó.
Nghiên cứu về hệ vi sinh vật vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và nhiều điều về hệ sinh thái phức tạp này vẫn còn chưa được biết đến. Tuy nhiên, bà Holcomb, thành viên hội đồng quản trị của nhóm hỗ trợ ung thư toàn diện Healing Strong (Chữa lành khỏe mạnh), cho biết những hiểu biết mới về căng thẳng có thể định hình cách trợ giúp bệnh nhân ung thư trong quá trình chữa bệnh.
Sự vội vàng có thể là vấn đề?
Bà Holcomb cho biết, sự vội vàng trong việc điều trị có thể góp phần gây căng thẳng cho bệnh nhân, mặc dù các phương pháp tiếp cận mới hơn như “chờ đợi thận trọng” hoặc theo dõi tích cực đang được chấp nhận rộng rãi hơn trong một số trường hợp nhất định.
Bà Holcomb nói, “Khi mới được chẩn đoán, tất cả những ý nghĩ tiêu cực sẽ xuất hiện trong đầu quý vị. Họ hối thúc quý vị, muốn quý vị khẩn trương. Mặc dù căn bệnh ung thư có thể đã phát triển trong 10 năm nhưng họ vẫn muốn quý vị phẫu thuật trong một tháng. Mặc dù không phải tất cả các bác sĩ đều như vậy nhưng điều đó càng làm cho bệnh nhân căng thẳng hơn.”
Sự cấp bách này một phần là do các nghiên cứu cho thấy việc trì hoãn điều trị liên quan đến các kết cục kém hơn đối với một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự chậm trễ cũng là một yếu tố quan trọng. Trong một số trường hợp, sự chậm trễ phát sinh do hệ thống y tế quá tải, có thể khiến bệnh nhân lo lắng về sức khỏe của họ. Sự chậm trễ cũng phát sinh do bệnh nhân phải vật lộn với các quyết định điều trị rất căng thẳng, một tình huống khác có thể làm cho kết quả điều trị trở nên xấu hơn.
Một bài báo năm 2021 trên Tập san Patient Education and Counseling (Giáo dục và Tư vấn Bệnh nhân) cho biết, không có gì lạ khi bệnh nhân ung thư vú báo cáo “mức độ đau khổ đáng kể trên lâm sàng,” bao gồm lo lắng về các quyết định điều trị, vốn có thể kéo dài trong nhiều năm.
Nghiên cứu còn cho thấy mức độ trầm trọng và thời gian đau khổ kéo dài ở một số bệnh nhân ung thư vú có thể giống phản ứng với sang chấn tâm lý. Breast Cancer Now (Ung thư vú Thời nay), nhóm nghiên cứu và hỗ trợ, cho biết mặc dù các bệnh nhân ung thư vú hiếm khi bị sang chấn tâm lý nhưng họ có thể gặp một số triệu chứng như hồi tưởng, cảm thấy tách biệt hoặc tê liệt cảm xúc.
Sự mơ hồ dẫn đến lo âu
Bài báo trên Tập san Patient Education and Counseling (Giáo dục và Tư vấn Bệnh nhân) cho biết, những bệnh nhân có mối quan hệ với các bác sĩ dựa trên sự tin tưởng và trợ giúp đã giảm bớt căng thẳng tâm lý và hài lòng hơn với các quyết định của mình. Mặt khác, một số bệnh nhân cảm thấy khó hiểu khi trao đổi thông tin [với bác sĩ] và họ ra về với những câu hỏi chưa được giải đáp.
Bài báo nêu rõ, “Căng thẳng [khi phải đưa ra] quyết định rất quan trọng vì điều này đóng một vai trò nhất định trong chất lượng cuộc sống và sự hài lòng trong quyết định của bệnh nhân ung thư vú. Ảnh hưởng tiêu cực xung quanh việc đưa ra quyết định có thể góp phần gây ra căng thẳng toàn diện từ đó dẫn đến cảm xúc tiêu cực về các quyết định điều trị.”
Bà Ann Fonfa, được chẩn đoán ung thư vú vào năm 1993, nói với The Epoch Times rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bỏ qua cơ hội cung cấp những trợ giúp có ý nghĩa cho bệnh nhân. Bà là người sáng lập dự án Annie Appleseed (Hạt táo Annie), một tổ chức bất vụ lợi trợ giúp các bệnh nhân muốn tìm hiểu về các phương pháp điều trị ung thư thay thế.
Bà Fonta nói, “Khi quý vị đứng trước một quyết định phức tạp, đó là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời vì quý vị không biết mình nên đi theo hướng nào. Điều đó gây ra căng thẳng và hoàn toàn có thể đo lường. Khi mọi người có thể xác định bước tiếp theo cần làm gì, họ sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều so với việc phải suy nghĩ về điều đó. Việc xác định cần làm gì thực sự là một vấn đề nan giải.”
Gánh nặng của việc cân nhắc vô số lựa chọn
Hầu hết các bác sĩ ung thư sẽ chỉ thảo luận về các phương pháp điều trị y khoa như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu. Trong mỗi phương pháp này lại có một loạt các lựa chọn bổ sung khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư vú, cũng như giai đoạn, kích thước, vị trí và tốc độ phát triển của khối u. Cách tiếp cận cũng có thể tính đến tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tình trạng mãn kinh và mong muốn của bệnh nhân.
Bà Holcomb nhấn mạnh, lượng lớn các quyết định này có thể trở nên phức tạp hơn do bệnh nhân phải cân bằng với các lựa chọn trong cuộc sống, bởi vì nhiều bệnh nhân ung thư vú phải đi làm bên ngoài, đồng thời cũng chăm sóc cho các thành viên khác trong gia đình.
Nhiều bệnh nhân cũng băn khoăn là liệu họ có cần cắt bỏ một hoặc hai vú hay không.
Cô Voight nói, “Họ không thực sự nói cho bạn biết việc phẫu thuật sẽ như thế nào và tôi xem đó là một cuộc phẫu thuật cắt cụt. Mặc dù vú là bộ phận mà tôi không cần và cơ thể vẫn có thể hoạt động nếu thiếu bộ phận này nhưng đó vẫn là một phần cơ thể bị mất đi. Đây là một trong những điều mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong thời gian đầu.”
Các bệnh nhân điều trị bằng hóa trị hoặc dùng Tamoxifen có nguy cơ đột quỵ cao hơn do tác dụng phụ. Mặc dù cô Voight không có những yếu tố nguy cơ này nhưng cô lại bị tăng huyết áp và lo âu nên cô đã bị đột quỵ một tháng sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú.
Do đó, cô lo lắng về nguy cơ đột quỵ lần nữa và từ chối Tamoxifen, loại thuốc mà bác sĩ ung thư nhiều lần đề nghị cô tiếp tục dùng. Nỗi lo âu của cô vẫn tồn tại kể từ khi được chẩn đoán vào tháng 09/2019, mặc dù cuối cùng cô cũng bắt đầu cảm thấy mình trở lại bình thường hơn.
Di căn và căng thẳng
Căng thẳng kéo dài là vấn đề khó khăn, nhất là đối với bệnh nhân ung thư, bởi vì di căn (ung thư lan sang các vị trí khác) là mối lo ngại trong quá trình điều trị.
Một nghiên cứu năm 2016 trên Tập san Molecular and Cellular Oncology (Ung thư Phân tử và Tế bào) đã chứng minh ung thư có thể di căn như thế nào khi hệ thần kinh mắc kẹt trong trạng thái “chiến đấu hoặc chạy trốn” (nghĩa là hệ thần kinh giao cảm thường xuyên hoạt động). Các tín hiệu viêm thần kinh làm thay đổi các mô và mạch bạch huyết, do đó gây tăng lưu lượng bạch huyết. Tiên lượng của bệnh nhân trở nên xấu hơn khi tế bào ung thư xâm nhập vào hệ bạch huyết.
Không có gì lạ khi các bác sĩ khuyến nghị nên dẫn lưu bạch huyết sau phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư vú. Một chuyên gia được đào tạo tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng có thể giúp bạch huyết lưu thông trong trường hợp có nguy cơ phù bạch huyết – tình trạng phù nề có thể xảy ra sau phẫu thuật.
Bà Kelly Kennedy, nhà trị liệu xoa bóp được chứng nhận, nói với The Epoch Times rằng, hít thở sâu cũng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu lượng bạch huyết.
Bà nói, “Khi quý vị thở ra, hãy giải tỏa sự căng thẳng và tạo thêm không gian bên trong cơ thể. Tất cả chúng ta đều cần tạo ra không gian sống bắt đầu từ bên trong mỗi người. Hầu hết những người tôi biết đều tích lũy những cảm xúc và độc tố trong mình.”
Thực hiện các bước đơn giản
Ngay cả những thông tin hữu ích cũng có thể trở thành gánh nặng vì bệnh nhân thường tham gia vào nghiên cứu thực đơn ăn uống, các công cụ giảm căng thẳng, các nghiên cứu mới và nhiều thứ khác.
Bà Holcomb nói, “Chúng ta nói với họ quá nhiều điều đến nỗi có thể làm họ choáng ngợp … và cuối cùng là họ căng thẳng. Tôi luôn nói với mọi người rằng khi không tìm ra hướng đi, hãy cầu nguyện để [tâm trí được] sáng suốt. Hãy cứ đi theo nhịp độ của mình và họ sẽ biết liệu điều đó có đúng không. Niềm hy vọng là quan trọng. Hy vọng giúp xua tan căng thẳng.”
Bên cạnh đó, có nhiều lựa chọn điều trị ngoài các mô hình thông thường. Đó là những thay đổi hành vi ảnh hưởng đến cả tình trạng căng thẳng và hệ vi sinh vật đường ruột.
Bà Fonfa nói, “Trọng tâm của những gì tôi làm là cho mọi người thấy rằng họ không nhất thiết chỉ phải thực hiện phương pháp điều trị thông thường với tất cả những tác dụng phụ mà ai cũng biết. Họ cũng có thể thực hiện các liệu pháp bổ sung và có khả năng làm giảm độc tính của việc điều trị. Tôi cảm thấy như hệ thống [y tế] của chúng ta đang lừa gạt bệnh nhân khi không cung cấp các lựa chọn đó ngay lập tức. Và dự án này đã chứng minh điều đó trong suy nghĩ của tôi.”
Trợ giúp bên ngoài bệnh viện
Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) cho biết các lựa chọn bổ sung rất hữu ích để kiểm soát các tác dụng phụ (căng thẳng, buồn nôn và nôn) của quá trình điều trị, như liệu pháp âm nhạc, thiền chánh niệm, quản lý căng thẳng, yoga, bấm huyệt và châm cứu.
Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo “do không được kiểm soát, nên nguy cơ tương tác với phương pháp điều trị và khả năng gây hại của hầu hết các sản phẩm tự nhiên chưa được biết rõ.”
ASCO and Breast Cancer Now (Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ và Ung thư Vú Thời nay) cung cấp các lời khuyên bổ sung sau:
- Giải trí: Học một sở thích mới hoặc theo đuổi một sở thích nào đó.
- Thiền định/tưởng tượng/thư giãn dần dần: Các phương pháp thực hành này có thể thư giãn tâm trí và cơ thể.
- Sắp xếp hợp lý: Chia nhỏ các công việc, tìm kiếm sự trợ giúp và dùng các công cụ để ghi lại quá trình điều trị và cuộc sống hàng ngày.
- Trò chuyện: Cho dù với chuyên gia hay người thân, hãy nói chuyện với người mà bạn có thể tin tưởng về cảm xúc của mình.
- Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể tốt cho cả thể chất và tinh thần.
- Yoga/Thái cực quyền/Khí công: Các môn tập luyện cổ xưa có thể làm giảm căng thẳng.
- Ra ngoài trời: Ánh sáng mặt trời, không khí trong lành và âm thanh của thiên nhiên đều có tác dụng an thần.
- Ăn uống lành mạnh: Chọn thực phẩm giúp nuôi dưỡng cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng cho hệ miễn dịch. Cố gắng ngủ đủ 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
- Tham gia nhóm hỗ trợ: Nói chuyện với những người hiểu quý vị sẽ rất hữu ích và các nhóm có thể cung cấp thông tin và kiến thức vượt xa những gì quý vị tìm thấy ở phòng khám bác sĩ.
- Làm điều gì đó thư giãn: Hãy dành thời gian làm những việc mình thích như làm vườn, nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi đùa với thú cưng.
- Cười: Cân nhắc việc đọc một cuốn sách hài hước hoặc xem một bộ phim hài.
- Viết nhật ký: Việc viết ra cảm xúc có tác dụng trị liệu.
Cân nhắc việc thải độc
Bà Holcomb cho biết, một yếu tố quan trọng khác có thể tác động đến hệ vi sinh vật là giảm tiếp xúc với các chất độc như thuốc trừ sâu, chất chống cháy, sản phẩm kháng khuẩn, chất làm ngọt nhân tạo và các nguồn gây căng thẳng mạn tính. Chẩn đoán ung thư có thể là cơ hội tốt để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Bà nói, “Tôi biết mọi người sẽ làm mọi cách để chữa bệnh. Họ sẽ tiến hành phẫu thuật, thanh lọc cơ thể và thải độc nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm và khối u vẫn còn đó. Tuy nhiên, ngay sau khi họ tha thứ hoặc giải quyết vấn đề cố hữu, quá trình hồi phục bắt đầu.”
Hai phương pháp phổ biến cho loại công việc mang tính cảm xúc này là trị liệu hành vi nhận thức và viết nhật ký.
Một bài tổng quan năm 2021 trên Tập san BioPsychoSocial Medicine (Y học Sinh lý Xã hội) cho thấy liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) – nói chuyện với một nhà trị liệu được đào tạo – có hiệu quả đối với các vấn đề về tâm thần, hành vi và tình trạng thể chất. Bài báo cũng kết luận rằng liệu pháp tự hỗ trợ và trị liệu trực tuyến cũng có thể giúp mọi người quản lý các vấn đề về tinh thần và thể chất.
Những người viết nhật ký về những trải nghiệm đau thương nhất của họ cho thấy có những cải thiện đáng kể về sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghiên cứu năm 1997 trên Tập san Pyschological Science (Khoa học Sinh lý) đã được Huberman Lab podcast (Podcast Phòng thí nghiệm Huberman) tham khảo thường xuyên. Nghiên cứu này dựa trên một mô hình viết cụ thể từ 15 đến 30 phút liên tục trong nhiều buổi.