Căn bệnh mới: Hội chứng VEXAS biểu hiện sau nhiễm COVID và sau chích vaccine
Các triệu chứng của hội chứng VEXAS, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020, rất khác nhau và không đặc hiệu.
Một số người đã được chích ngừa và nhiễm COVID được cho là đang được chẩn đoán nhiễm một căn bệnh mới gọi là hội chứng VEXAS—một bệnh tự viêm được phát hiện vào năm 2020.
Nhiều người đã quen thuộc với các bệnh tự miễn, thường do rối loạn chức năng của các tế bào miễn dịch thích ứng, trong khi các vấn đề trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh thường gây ra các bệnh tự viêm.
Hội chứng VEXAS gây ra bởi đột biến trong các tế bào miễn dịch bẩm sinh – đột biến soma ở gene UBA1 được tìm thấy trên nhiễm sắc thể X.
Đột biến soma ở gene UBA1 không có tính di truyền, có nghĩa là các cá nhân sẽ nhiễm phải đột biến này sau này trong cuộc đời của họ.
Đột biến soma ở gene UBA1 ảnh hưởng đến các tế bào gốc trong tủy xương. Các tế bào trưởng thành thành các tế bào miễn dịch chuyên biệt lưu thông trong máu.
Các tế bào miễn dịch mang đột biến soma ở gene UBA1 có khả năng gây viêm cao và khi tích tụ đủ số lượng, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Vào tháng 04/2023, một tờ báo của Pháp đưa tin về một người đàn ông 76 tuổi được chẩn đoán hội chứng VEXAS sau khi chích vaccine ngừa COVID.
Ba ngày sau khi chích vaccine Pfizer COVID, người đàn ông này xuất hiện các vết sưng tấy dưới da, phát ban và các đốm màu tím trên tay chân. Các vấn đề về da thường được báo cáo ở bệnh nhân VEXAS. Sau đó ông được chẩn đoán xác định có đột biến soma ở gene UBA1.
“Tỷ lệ hiếm gặp hội chứng VEXAS và khoảng thời gian ngắn 3 ngày kể từ khi chích ngừa cho đến khi xuất hiện các triệu chứng rất gợi ý về vai trò của vaccine như một yếu tố kích hoạt,” các tác giả từ bệnh viện Drôme Nord đã viết.
Một trường hợp được chẩn đoán hội chứng VEXAS khác xảy ra ở một bệnh nhân 72 tuổi. Ông bị sốt, mệt mỏi, huyết khối tĩnh mạch sâu và ho sau khi nhiễm COVID-19.
Trong nhiều tháng, các bác sĩ lâm sàng đã chẩn đoán nhầm ông bị bệnh COVID kéo dài. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó đã được chẩn đoán hội chứng VEXAS khi phát hiện có đột biến soma ở gene UBA1.
Một số bác sĩ cho rằng có thể có mối liên hệ nhưng chỉ là mối liên hệ gián tiếp.
“Theo kinh nghiệm của tôi, hội chứng VEXAS khó có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng hoặc bởi vaccine COVID-19,” Tiến sĩ Sinisa Savic, nhà miễn dịch học và phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Leeds, nói với The Epoch Times.
Ông nói thêm, “Chúng tôi biết rằng con người già đi sẽ phát triển đủ loại đột biến trong tủy xương… Đó là lý do tại sao hội chứng VEXAS phần lớn được tìm thấy ở người cao niên.”
Hội chứng VEXAS có xu hướng biểu hiện ở nam giới lớn tuổi trên 50.
Tuy nhiên, nhiễm trùng và vaccine có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đang trên đường phát triển hội chứng VEXAS, tiến sĩ Savic nói.
“Bất cứ điều gì kích hoạt một phản ứng miễn dịch đều có thể gây ra các triệu chứng trầm trọng tạm thời, Tôi không nghĩ có bất kỳ tranh luận cụ thể nào về điều đó.”
Một nghiên cứu của Ý đã báo cáo một bệnh nhân nhiễm hội chứng VEXAS xuất hiện cục máu đông sau khi nhiễm COVID. Huyết khối thường gặp ở cả hội chứng VEXAS và COVID-19.
Phản ứng miễn dịch làm bệnh tự viêm trầm trọng hơn
Trong số các tế bào miễn dịch chuyên biệt, chỉ có các tế bào miễn dịch bẩm sinh được phát hiện mang đột biến. Các tế bào miễn dịch thích ứng, hình thành nên cái được gọi là tuyến phòng thủ “thứ ba” hay tuyến phòng thủ cuối cùng, chưa được phát hiện mang đột biến này.
Tiến sĩ Savic cho biết có thể các tế bào miễn dịch thích ứng – tế bào T và B – sẽ không thể tồn tại đủ lâu để trở nên chuyên biệt nếu mang đột biến soma ở gene UBA1, trong khi sự chuyên biệt hóa của các tế bào miễn dịch bẩm sinh dường như ít bị ảnh hưởng bởi đột biến soma ở gene UBA1.
Tất cả các nhiễm trùng và vaccine đều kích hoạt các phản ứng miễn dịch cần thiết để hệ thống miễn dịch phản ứng và hình thành trí nhớ miễn dịch với mầm bệnh.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị bệnh tự viêm, bất kỳ phản ứng miễn dịch nào cũng có thể gây ra sự mất cân bằng trong hệ thống vốn đã bấp bênh, có khả năng làm tình trạng của bệnh nhân trở nên xấu hơn, theo tiến sĩ Savic.
Ông nói, “Đây là trường hợp xảy ra với bất kỳ tình trạng viêm hoặc tự miễn nào vì hệ thống miễn dịch cố gắng tự kiểm soát, nhưng nếu sau đó bạn bị thách thức bởi điều gì khác thì mức độ kiểm soát đó có thể bị giảm đi.”
Trong suốt quá trình đáp ứng miễn dịch, cơ thể tạo ra nhiều tế bào miễn dịch hơn; ở những bệnh nhân hội chứng VEXAS, điều này có thể có nghĩa là có nhiều tế bào bẩm sinh bị đột biến hơn.
Các tế bào miễn dịch bẩm sinh cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên; chúng là những tế bào miễn dịch đầu tiên được kích hoạt.
Tiến sĩ Savic cho biết thêm, “Các tế bào mang đột biến dễ kích hoạt phản ứng viêm hơn nhiều.”
Các triệu chứng rất khác nhau, có khả năng ‘gây thiệt hại cho mọi thứ’
Hội chứng VEXAS được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã tuyển hơn 2,500 bệnh nhân nhiễm các chứng viêm khác nhau và nghiên cứu gene của họ để phát hiện đột biến chung.
Ba bệnh nhân được phát hiện có đột biến soma ở gene UBA1 mà các tác giả cho rằng có liên quan đến biểu hiện chứng viêm. Kể từ đó, hàng trăm bệnh nhân hội chứng VEXAS đã được NIH và trên toàn thế giới xác định.
Các triệu chứng của hội chứng VEXAS rất khác nhau và không đặc hiệu, tiến sĩ Savic nói.
Bệnh nhân có thể bị sụt cân, sốt, khó chịu, nổi mẩn da, viêm khớp và mô. Vì căn bệnh này ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch trong máu nên nhiều người có thể bị thiếu máu và không đủ tế bào miễn dịch lưu thông.
Trong tủy xương, các tế bào gốc bị đột biến tạo ra các tế bào miễn dịch chuyên biệt nhưng bị đột biến với các không bào trông “hoàn toàn vô tổ chức” dưới kính hiển vi. Các tế bào này cũng “sản sinh ra một lượng khá đáng kể các hóa chất gây viêm,” tiến sĩ Savic cho biết.
Những tế bào miễn dịch chuyên biệt này sau đó sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn, gây ra tình trạng viêm trong cơ thể.
Khi bệnh tiến triển, các cơ quan khác nhau bị viêm, suy yếu và có thể bắt đầu suy chức năng, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Savic cho biết, mặc dù vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng “chắc chắn có sự đồng thuận về quan điểm rằng hầu hết tình trạng viêm của các cơ quan là do các tế bào đột biến này xâm nhập vào cơ quan và gây tổn thương cho mọi thứ.”
Nhiều bệnh nhân cũng bị suy tủy xương tiến triển, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh nhân khác nhau; một số bệnh nhân suy sụp nhanh chóng, trong khi một số bệnh nhân khác có sinh trắc học tương tự có thể sống sót trong nhiều năm.
Điều trị hội chứng VEXAS vẫn còn hạn chế
Vì căn bệnh này chỉ mới được phát hiện gần đây nên các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nhiều phương pháp điều trị lâu dài khả thi.
Bệnh nhân thường đáp ứng tốt với steroid kháng viêm, nhưng steroid sẽ gây hại cho cơ thể nếu sử dụng trong thời gian dài.
Những bệnh nhân có nguy cơ bị suy tủy xương có thể được xem xét ghép tế bào gốc đồng loại. Trong thủ thuật này, các tế bào gốc của cơ thể bị phá hủy bằng liệu pháp hóa trị và xạ trị và được thay thế bằng tế bào gốc của người khác.
Cấy ghép tự thân, nghĩa là cấy ghép tế bào gốc khỏe mạnh của chính người đó, thường không được xem xét vì lo ngại rằng các tế bào đột biến có thể được cấy ghép.
Tuy nhiên, tiến sĩ Savic cho biết đã có những trường hợp cấy ghép tự thân thành công và bệnh nhân hội chứng VEXAS đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, những ca cấy ghép này diễn ra trước khi bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng VEXAS.
Mặc dù các bác sĩ lâm sàng chưa tìm ra phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh nhân của họ nhưng ít nhất họ cũng có ý tưởng rõ ràng hơn về những gì không nên cung cấp cho họ.
Tiến sĩ Savic giải thích, “Trước đây, nhiều bệnh nhân trong số này đã được điều trị bằng các phương pháp điều trị được gọi là DMARD truyền thống (thuốc chống thấp khớp điều chỉnh theo bệnh), ở một mức độ nào đó [liệu pháp này] gây độc cho tủy xương, và trong những trường hợp này chắc chắn sẽ không phải là điều kiện bạn muốn sử dụng.”
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times