Cải thiện quá trình chuyển hóa với 5 loại thực phẩm và liệu pháp xoa bóp huyệt

Trung y cung cấp các liệu pháp khắc phục tình trạng chuyển hoá chậm - chìa khóa để giảm cân lành mạnh, tăng năng lượng và sức mạnh thể chất.

Tăng chuyển hoá là chìa khóa để giảm cân. Chuyển hoá kém có thể dẫn đến béo phì, mệt mỏi, khả năng miễn dịch kém, da khô và móng giòn. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện chuyển hóa một cách hiệu quả?

Bác sĩ Chu Ích Trí, Phòng khám Trung y Minh Duyệt ở Đài Loan đã phân tích những nguyên nhân chính gây ra béo phì và gợi ý 5 công thức để thúc đẩy chuyển hóa.

Chuyển hoá bị cản trở bởi đàm và ẩm

Để cải thiện quá trình chuyển hoá, bác sĩ Chu tin rằng chúng ta có thể bắt đầu từ 2 hướng khác nhau, một là cải thiện các chức năng cơ bản của cơ thể, hai là giảm lượng thức ăn gây ra đờm ẩm.

Phương pháp điều trị của Trung y được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân và do đó Trung y sẽ chia mọi người thành chín loại. Thể chất đàm ẩm là một loại.

Trung y cho rằng béo phì phần lớn là do đàm ẩm. Đàm ẩm là sự tích tụ quá nhiều nước – còn gọi là độ ẩm – trong cơ thể mà không thể sử dụng hoặc chuyển hóa được. Loại nước này làm tăng tình trạng viêm mạn tính. Hầu hết độ ẩm tập trung ở tỳ và vị. Thức ăn con người ăn vào cũng tập trung ở tỳ và vị để tiêu hóa, độ ẩm sinh ra quá nhiều trong quá trình tiêu hóa sẽ từ từ tích tụ và bị cơ thể làm khô, biến thành đàm đặc.

Theo Trung y, đàm ẩm không chỉ đọng lại ở tỳ và vị – mà sẽ di chuyển đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể – biến thành mỡ dưới da và mỡ nội tạng, theo kinh mạch của cơ thể, đi vào các khớp, gây viêm khớp hoặc cứng khớp, thậm chí có thể đi vào máu dưới dạng cholesterol hoặc chất béo trung tính.

Bác sĩ Chu cho rằng, cải thiện chuyển hóa trong Trung y có nghĩa là lựa chọn những thực phẩm không có khả năng tạo ra đờm và ẩm ở tỳ vị, hoặc ăn những thực phẩm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đàm và ẩm.

5 thực phẩm giúp cải thiện quá trình chuyển hoá

1. Đậu nành

Đậu nành có thể cải thiện quá trình chuyển hoá bằng cách làm tăng hoạt động trơn tru của tỳ vị, tăng tốc độ chuyển hóa đàm ẩm. Từ quan điểm dinh dưỡng, hàm lượng protein thực vật cao trong đậu nành cũng phản ánh quan điểm của y học hiện đại nói về tác dụng sinh nhiệt cao của protein.

2. Cá biển sâu

Các loại cá biển sâu, đặc biệt là cá hồi và cá đuôi trắng, rất nhiều acid béo omega-3, giúp chống viêm và có thể nói là chất tẩy rửa mạch máu. Ngoài ra, Trung y cho rằng cá có tính nóng, giúp tăng chuyển hóa năng lượng và thúc đẩy tuần hoàn máu.

3. Cà phê

Các nghiên cứu dinh dưỡng đã xác nhận rằng cà phê có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo và phân hủy chất béo trung tính. Trung y coi cà phê là một món ăn có tính nóng, vì vậy, người uống cà phê thường sẽ có cảm giác sảng khoái.

Tuy nhiên, quá phụ thuộc vào cà phê sẽ làm khô miệng nên không thích hợp với người bị cảm nóng, khô họng, viêm họng, ho khan.

4. Ớt

Ớt có tính hơi ấm, chứa capsaicin – chất này cũng kích thích quá trình chuyển hoá của cơ thể.

Nhưng lưu ý rằng ăn quá nhiều ớt có thể gây viêm trong cơ thể. Đồng thời, ớt có đặc tính tiêu hao khí (năng lượng). Vì vậy, những người thể chất yếu, chức năng tỳ vị kém, loét dạ dày không thích hợp ăn quá nhiều ớt.

Trung y tin rằng khí là một chất có năng lượng cao và liên tục vận chuyển các chất vi tế trong cơ thể con người, là chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể và duy trì các hoạt động sinh lý của con người. Nếu khí không đủ sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.

5. Nấm Shiitake

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lentinan, một loại polysaccharide có nguồn gốc từ sợi nấm shiitake, giúp chống lại các khối u. Bác sĩ Chu cho biết, từ góc độ Trung y, khối u được gọi là tích tụ ác tính, và đàm ẩm cũng tương tự như sự tích tụ ác tính, do đó, tận dụng khả năng phân hủy chất béo khó hòa tan của nấm hương là một cách tốt, giúp ích cho quá trình chuyển hoá của cơ thể.

3 huyệt và 1 ly trà

Bác sĩ Chu khuyên nên uống loại trà làm từ dược liệu Trung Hoa dưới đây, kết hợp với liệu pháp xoa bóp huyệt giúp cải thiện quá trình chuyển hoá.

Trà thảo dược

Thành phần:

  • 5.6 đến 7.5 gram Hoàng kỳ
  • 3.75 gram Đảng sâm
  • 5.6 gram Cẩu kỷ tử
  • 3.75 gram Trạch tả
  • 7.5 gram lá sen

Chế biến:

Đun sôi tất cả các nguyên liệu trong 600ml nước, giảm nhiệt và đun nhỏ lửa trong 5 đến 10 phút. Dùng làm nước uống trong ngày.

Xoa bóp huyệt

1. Huyệt Lao cung (PC-8)

Huyệt Lao cung là ở vị trí mà ngón giữa ấn vào khi nắm tay. Huyệt Lao cung thuộc về kinh ngoại tâm bào, có tác dụng bổ tim và máu. Ấn vào huyệt Lao cung giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất thải trong mạch máu. Ngoài ra, khi cảm thấy mệt mỏi hoặc nhịp tim nhanh, ấn vào huyệt Lao cung có thể giúp hưng phấn tinh thần, giảm nhịp tim và xoa dịu tâm trạng.

Cải thiện quá trình chuyển hóa với 5 loại thực phẩm và liệu pháp xoa bóp huyệt
Huyệt Lao cung (Ảnh: The Epoch Times)

2. Huyệt Phong long (ST-40)

Nằm ở điểm giữa của đường nối mắt cá chân ngoài và mắt đầu gối ngoài, rộng bằng hai ngón tay hướng ra ngoài tính từ phía xương chày. Bấm huyệt Phong long có tác dụng chuyển hóa đờm, ẩm ướt trong cơ thể nên thường được dùng để giảm phù nề ở bắp chân. Theo Trung y, mỡ máu trong mạch máu có bản chất tương tự như đờm, ẩm ướt nên việc xoa bóp huyệt này còn giúp chuyển hóa chất thải trong mạch máu.

Cải thiện quá trình chuyển hóa với 5 loại thực phẩm và liệu pháp xoa bóp huyệt
Huyệt Phong long (ST-40) (Ảnh: The Epoch Times)

3. Huyệt Âm lăng tuyền (SP-9)

Nằm ở chỗ lõm nơi mặt trong gối chuyển tiếp với xương. Bấm vào huyệt Âm lăng tuyền có thể chuyển hóa nước và độ ẩm, giúp kích hoạt năng lượng cơ thể.

Cải thiện quá trình chuyển hóa với 5 loại thực phẩm và liệu pháp xoa bóp huyệt
Huyệt Âm lăng tuyền (CP-9) (Ảnh: The Epoch Times)

4 thói quen giúp cải thiện quá trình chuyển hoá

Là một bác sĩ Trung y và chuyên gia dinh dưỡng, luôn chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân, bác sĩ Chu đã chia sẻ 4 thói quen chính để cải thiện quá trình chuyển hoá:

1. Đi ngủ đúng giờ

Dựa vào giấc ngủ để giảm cân – vì cơ thể sẽ tiết ra leptin trong khi ngủ, có thể ngăn sự thèm ăn và thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo. Bác sĩ Chu khuyên nên ngủ trước 11 giờ đêm đến 12 giờ sáng, sáng hôm sau, vòng eo và bụng sẽ nhỏ lại.

2. Không nên ăn muộn

Tốt nhất là tránh ăn sau 9 giờ tối, đây là thời điểm quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể ở mức thấp nhất. Nếu thực sự muốn ăn một bữa ăn nhẹ thì nên ăn một số thực phẩm ít calorie, nhiều chất xơ hòa tan, có thể làm tăng cảm giác no trong dạ dày.

3. Tập thể dục

Tập thể dục là cách cơ bản nhất để cải thiện quá trình chuyển hoá, cả tập thể dục nhịp điệu và tập thể dục kỵ khí đều phù hợp.

4. Bổ sung protein trước và sau khi tập thể dục

Tập thể dục có thể gây tổn thương cơ. Ăn thực phẩm nhiều protein nguyên chất trước và sau khi tập thể dục 30 phút có thể bổ sung acid amin và giúp phục hồi cơ bắp. Lựa chọn của bác sĩ Chu là trứng và sữa đậu nành.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có vẻ không quen thuộc nhưng thường có bán ở các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe và tiệm tạp hóa Á châu. Ngoài ra, do thể trạng của mỗi người là khác nhau nên các phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

T C Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn