Cái giá tiềm ẩn của những lựa chọn hàng ngày
Chi phí cơ hội là những gì bạn trả khi chọn thứ này mà không chọn điều khác.
Trong nhiều trường hợp, việc tính toán rất đơn giản và số tiền đặt cược thấp. Ví dụ: bạn có thể chọn sữa lắc chocolate thay vì vanilla. Ngay cả khi bạn luôn đưa ra lựa chọn này, việc này cũng sẽ không định hình được cuộc đời bạn một cách có ý nghĩa. Bạn chỉ đơn giản là đang đánh đổi niềm vui tức thời này để lấy niềm vui khác. Con đường này không đưa bạn vào bất cứ quỹ đạo cụ thể nào – bạn luôn có thể đảo ngược lựa chọn cá nhân vào lần tiếp theo.
Cân nhắc các lựa chọn
Các nhà kinh tế dùng ý tưởng về chi phí cơ hội để giúp các cá nhân và nhóm quyết định giữa các phương án phức tạp. Chi phí cơ hội của việc tài trợ cho dự án, giả sử trồng 1,000 cây, là giá trị của dự án tốt nhất tiếp theo mà hiện tại bạn không thể tài trợ – có thể là xây dựng khu vườn cộng đồng.
Việc xem xét tất cả những lợi ích lâu dài của cách mà bạn không chọn sẽ giúp bạn nhận ra rằng, mọi lựa chọn trong thế giới thực đều phải trả cái giá. Một khi chúng ta đặt những giá trị này cạnh nhau – giá trị của lựa chọn đầu tiên so với giá trị của lựa chọn thay thế tốt nhất tiếp theo – chúng ta có thể bắt đầu quyết định xem bản thân sẽ lựa chọn sự thay đổi nào.
Chỉ vì chi phí cơ hội tồn tại không có nghĩa là chúng ta nên nhìn nhận các quyết định theo hướng tiêu cực. Nếu lợi ích của con đường bạn chọn lớn hơn chi phí cơ hội thì bạn đã đưa ra quyết định đúng đắn vì lợi nhuận ròng là dương.
Có ý tưởng quan trọng khác khi nói đến chi phí cơ hội và đây thực sự chính là lý do tại sao tôi viết bài này. Chi phí cơ hội của bất kỳ quyết định nào thường có vẻ nhỏ. Hãy để tôi đưa ra một số ví dụ:
- Giúp người bạn chuyển nhà hoặc ở nhà và làm việc của riêng bạn.
- Xem chương trình truyền hình hoặc chọn một cuốn sách.
- Gọi cho cha mẹ khi bạn đang đi dạo hoặc nghe podcast.
- Ăn bánh quy hoặc trái cây.
- Đặt món đồ về đúng vị trí hoặc để trên quầy.
- Mua vật gì đó mới hơn và tốt hơn hoặc hài lòng với những gì bạn có.
- Đáp lại bằng sự tức giận hoặc trả lời với sự kiên nhẫn.
Nếu bạn đang xem xét từng quyết định riêng lẻ hoặc như ngoại lệ chỉ xảy ra một lần, bạn có thể dễ dàng biện minh cho việc lựa chọn sự hài lòng tức thời thay vì một con đường phù hợp hơn với các giá trị của bạn.
Một điều có ích cho tôi là nhận thức được việc không bao giờ đưa ra những quyết định riêng lẻ. Khi bạn chọn con đường buông thả, thiếu kiên nhẫn hoặc ích kỷ vào một ngày nào đó, điều ấy sẽ khiến bạn dễ dàng làm điều tương tự hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, phương pháp tốt hơn để cân nhắc sự đánh đổi có thể là tự hỏi bản thân: Nếu lựa chọn mà bạn đưa ra hôm nay sẽ là lựa chọn mặc định kể từ bây giờ, bạn sẽ chọn gì? Việc đóng khung câu hỏi theo cách này sẽ nhân chi phí cơ hội cho tất cả các quyết định trong tương lai và khi làm như vậy, sẽ giúp bạn đo lường quyết định theo tháng và năm.
Quy mô của sự lựa chọn
Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sức nặng của chi phí cơ hội hơn khi bạn nhận ra rằng bạn không chỉ chọn điều này một lần – bạn đang đưa ra lựa chọn có ảnh hưởng đến tất cả các lựa chọn trong tương lai của bạn.
- Hôm nay bạn không chỉ nói không với người bạn – bạn đang làm suy yếu giá trị và sự gần gũi của tình bạn đó.
- Bạn không chỉ xem chương trình truyền hình – bạn đang bỏ lỡ cơ hội phát triển trí tuệ.
- Bạn không chỉ bỏ qua cuộc gọi cho mẹ bạn – bạn đang để khoảng cách giữa hai người ngày càng tăng.
- Bạn không chỉ ăn chiếc bánh quy – bạn còn ngày càng kém khỏe mạnh và có khả năng tăng cân.
- Bạn không chỉ để món đồ trên quầy – bạn đang chọn sống trong ngôi nhà bừa bộn.
- Bạn không chỉ nhượng bộ việc thôi thúc chi tiêu lần này mà còn bỏ qua những cách tốt hơn để đầu tư, chi tiêu hoặc dùng số tiền đó trong tương lai.
- Hôm nay bạn không chỉ thiếu kiên nhẫn và tức giận – bạn đang trở thành kiểu người như vậy, điều này sẽ khó thay đổi khi bạn càng đi theo con đường ấy.
Nhìn dưới góc độ này, mọi lựa chọn đều trở nên quan trọng hơn một chút.
Chi phí cơ hội thực sự liên quan đến việc bạn sẽ không trở thành loại người như vậy nếu cứ liên tục đưa ra lựa chọn này. Bạn có thể tự nhủ, đây chỉ là lần duy nhất thôi – chỉ là ngoại lệ. Nhưng điều này có thực sự đúng không? Đã bao nhiêu lần bạn tự nhủ rằng ngày mai bạn sẽ làm điều gì đó và khi ngày mai đến, bạn vẫn không cảm thấy thích thú?
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times