Các thay đổi ở móng tay có thể liên quan đến bệnh ung thư
Một nghiên cứu của NIH cho thấy những bất thường ở móng tay như xuất hiện các sọc trắng hoặc đỏ có thể là dấu hiệu của hiện tượng đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư.
Móng tay của bạn xuất hiện những sọc nhỏ, bị đổi màu hoặc dày hơn? Đây không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn liên quan đến một số bệnh lý.
Những dấu hiệu bất thường ở móng tay không nên bỏ qua
- Móng tay màu vàng hoặc hơi xanh có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm hoặc vẩy nến.
- Đốm trắng trên móng có liên quan đến bệnh thận, gan, các vấn đề về xoang hoặc hô hấp.
- Móng đổi màu xanh hoặc tím cho thấy quá trình tưới máu kém, thiếu máu hoặc tiếp xúc với hóa chất.
- Những thay đổi về hình dạng và kết cấu của móng, chẳng hạn như ngón tay dùi trống (móng tay cong và đầu ngón tay phồng lên), có thể liên quan đến bệnh tim và phổi do giảm lượng oxy trong máu.
- Vết lõm nhỏ (rỗ) trên móng là dấu hiệu của bệnh vẩy nến, thường đi kèm với ban ở vị trí khác.
- Móng tay mọc chậm gặp trong bệnh suy giáp, suy dinh dưỡng hoặc dùng thuốc, trong khi móng giòn là dấu hiệu của tình trạng thiếu kẽm.
Tuy nhiên, những thay đổi ở móng không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác tình trạng bệnh. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để tìm được nguyên nhân căn bản.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu mới đây, những bất thường ở móng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một rối loạn di truyền hiếm gặp làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khi còn trẻ.
Khuynh hướng di truyền đối với ung thư
Theo một nghiên cứu được công bố trên JAMA Dermatology (Tập san Da liễu học JAMA), sự hiện diện của u nhú móng (onychopapillomas – bất thường lành tính với các dải màu trắng hoặc đỏ dọc theo chiều dài của móng) có thể cho thấy một rối loạn di truyền hiếm gặp – hội chứng khuynh hướng khối u BAP1 (BAP1 tumor predisposition syndrome).
Hội chứng này liên quan đến những thay đổi trong gen BAP1, vốn có chức năng ức chế khối u. Những người bị đột biến gen có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư về da, mắt, thận và u trung biểu mô, trước đây liên quan đến phơi nhiễm amiăng. Ung thư có xu hướng xuất hiện sớm, phát triển nhanh và dễ di căn.
Không phải tất cả những người mang gen đột biến sẽ mắc ung thư và một số có thể chỉ có u da lành tính.
Nghiên cứu đã xem xét 47 người tham gia đến từ 35 hộ gia đình có hội chứng khuynh hướng khối u BAP1, với độ tuổi từ 13 đến 72.
Trong số này, 87.2% có biểu hiện bất thường ở móng, ví dụ như xuất hiện các vệt hoặc sọc trắng (leukonychia), xuất huyết nhỏ dưới móng (splinter hemorrhages), móng bị tách hoặc phân lớp (onychoschizia) và móng dày lên (distal nail hyperkeratosis).
Cụ thể hơn, 83% các phát hiện đều phù hợp với u nhú móng, trong đó 88% những người từ 30 tuổi trở lên có loại u này.
Kết quả sinh thiết giường móng của 5 người đã xác nhận sự hiện diện của u nhú móng. Thông thường, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến một móng, nhưng trong số những người được chẩn đoán mắc hội chứng khuynh hướng khối u BAP1, khoảng 88% có u ở nhiều móng.
Tiến sĩ Edward Cowen, người đứng đầu Dịch vụ Tư vấn Da liễu tại Viện Viêm khớp Quốc gia và Các bệnh về Cơ xương và Da, thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH), cho biết trong một thông cáo báo chí: “Căn bệnh này rất hiếm gặp trong dân số nói chung và chúng tôi tin rằng việc có u nhú trên nhiều móng sẽ giúp định hướng đến hội chứng khuynh hướng khối u BAP1.”
Sàng lọc móng tay giúp phát hiện sớm ung thư
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sàng lọc móng tay có thể rất hữu ích với những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư tế bào hắc tố hoặc các khối u ác tính liên quan đến BAP1.
Tiến sĩ Raman Madan, trưởng khoa da liễu tại Bệnh viện Glen Cove ở New York, nói với The Epoch Times rằng u nhú móng là bệnh không quá phổ biến, nhiều trường hợp thậm chí không được báo cáo “do là bệnh lành tính.”
Tiến sĩ Madan cho biết điều trị cơ bản bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u. Một số bác sĩ cũng loại bỏ một phần nhỏ của giường móng (khu vực dưới móng nơi bắt nguồn của móng) nhằm bảo đảm khối u không quay trở lại. Phẫu thuật hiện là phương pháp điều trị duy nhất nhưng có thể có biến chứng và tỷ lệ tái phát của bệnh là 20%. Các nhà nghiên cứu đang xem xét các phương pháp thay thế, chẳng hạn như điều trị bằng laser, có thể mang lại ít rủi ro hơn.
Thanh Ngọc biên dịch và biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times