Các nhà nghiên cứu tìm ra cách thức tiêu diệt chọn lọc tế bào ung thư

Chùm tia sáng sát thủ này có thể nhắm chính xác vào các mục tiêu có kích thước nhỏ hơn cả một tế bào.

Các phương pháp điều trị ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào gây chết người thường gây ra tổn thương và đau đớn khi chúng tàn phá các tế bào và các mô lân cận. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã dùng ánh sáng nhắm vào các tế bào có hại, và tiêu diệt chính xác các tế bào này.

“Thông thường, các phương pháp điều trị ung thư sử dụng cảm ứng dược lý để tiêu diệt tế bào, nhưng các hóa chất đó có xu hướng khuếch tán khắp các mô và khó có thể ở yên trong một vị trí chính xác,” Giáo sư sinh hóa Urbana-Champaign của Đại học Illinois và là người dẫn dắt nhóm nghiên cứu Kai Zhang cho biết trong một thông cáo báo chí, “Bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều tác dụng không mong muốn.”

Các nhà nghiên cứu đã khai triển quang di truyền học, một phương pháp sử dụng hệ thống quang học để kiểm soát các chức năng của tế bào, nhằm tập trung một chùm tia sáng vào mục tiêu có kích thước nhỏ hơn cả một tế bào.

Ông Zhang cho biết trong thông cáo báo chí, “Đó là cách chúng tôi có thể sử dụng tia sáng để nhắm mục tiêu rất chính xác vào một tế bào và kích hoạt con đường chết của nó.”

Ngoài việc tiêu diệt tế bào ung thư, một kết quả dự định ​​khác là kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng với tia sáng. Ông Zhang cho biết, các tế bào bị vỡ sẽ giải phóng các cytokine, một loại protein nhỏ, thu hút các tế bào bạch cầu giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Bằng cách tiêu diệt các tế bào ung thư, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ huấn luyện các tế bào bạch cầu T nhận biết và tấn công bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã làm cho các tế bào phản ứng với tia sáng bằng cách mượn một gen kích hoạt bằng tia sáng từ thực vật và đưa vào nuôi cấy tế bào ruột. Sau đó, họ gắn các gen đó vào các gen của protein RIPK3, protein này có chức năng điều chỉnh quá trình hoại tử tế bào, một dạng chết tế bào do nhiều tác nhân khác nhau gây ra.

Teak-Jung Oh, một nghiên cứu sinh và là tác giả chính của bài báo cho biết, quá trình kích hoạt bằng tia sáng khiến các protein RIPK3 tập hợp lại với nhau, bắt chước quá trình chết tự nhiên của tế bào.

Ông Oh cho biết, “Hiểu biết về con đường truyền tín hiệu của quá trình hoại tử tế bào là đặc biệt quan trọng vì nó được biết là có liên quan đến các bệnh như bệnh thoái hóa thần kinh và bệnh viêm ruột. Biết được hiện tượng hoại tử tế bào có ảnh hưởng như thế nào tới sự tiến triển của các bệnh này là rất quan trọng. Và nếu bạn không biết được các cơ chế phân tử, bạn sẽ thực sự không biết nên nhắm vào đâu để làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh.”

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Huey Freeman
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Huey Freeman là phóng viên, biên tập viên và tác giả của cuốn sách “Who Shot Nick Ivie?” (Tạm dịch: Ai đã Bắn Nick Ivie?), viết về một về vụ sát hại có thật một đặc vụ biên phòng. Ông và vợ, bà Kate, hiện đang sống ở khu vực trung tâm tiểu bang Illinois.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn