Các nhà nghiên cứu Standford nhận diện 6 nhóm trầm cảm thông qua hình ảnh học bộ não

Một nghiên cứu mới nhận diện 6 nhóm trầm cảm đáp ứng với các phương thức điều trị khác nhau

Các nhà nghiên cứu tại Stanford Medicine đã nhận diện 6 nhóm sinh học khác nhau của trầm cảm và lo âu, thông qua sử dụng hình ảnh học bộ não mới và kỹ thuật học máy.

Phát hiện được đăng tải trên Nature Medicine, (Tập san Khoa Học Tự Nhiên) có thể tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ sức khoẻ một công cụ điều trị các rối loạn tâm thần hiệu quả hơn.

Tác giả nghiên cứu Leeanne Williams, giám đốc của Stanford Center for Precision Mental Health and Wellness (Trung tâm Sức Khỏe Tâm Thần Chính Xác Stanford) tại Trường Đại Học Y Standford, cho rằng các phương pháp tốt hơn để lựa chọn phép điều trị cho từng người bệnh là “rất cần thiết.”

Kể từ khi mất đi người bạn đời vào năm 2015, bà Williams đã tập trung làm việc trong lĩnh vực tâm thần học chính xác.

Các tác giả nghiên cứu đã đánh giá hình ảnh học não bộ của 801 người được chẩn đoán trầm cảm và lo âu, qua đó nhận diện sáu dạng hoạt động của não bộ. Họ phát hiện thấy những nhóm hoạt động não bộ này có liên quan với đáp ứng khác nhau với thuốc và liệu pháp, đồng thời do các tác nhân kích thích khác nhau gây ra.

“Mục tiêu của công trình chúng tôi là phát hiện ra cách phù hợp ngay lần đầu,” bà Williams nói. Hiện nay, khoảng 30% người trầm cảm không thấy cải thiện khi dùng thuốc, trong ⅔ số đó thuốc và liệu pháp không thể đưa họ trở về như bình thường.

Một phần nguyên nhân, theo bà William, là do thuốc thường được kê đơn thông qua phương pháp thử nghiệm và lỗi, do vậy thường mất hàng tháng hoặc hàng năm để tìm ra loại thuốc phù hợp.

“Lĩnh vực trầm cảm thực sự dễ làm nản lòng và không có biện pháp thay thế tốt hơn cách tiếp cận một công thức cho tất cả,” bà Williams chia sẻ.

Nhận diện các nhóm trầm cảm

Bà Williams và cộng sự đã sử dụng MRI chức năng để đo lường hoạt động não bộ trên 801 người tham gia. Não bộ của bệnh nhân được chụp khi họ đang nghỉ và khi tham gia vào các tác vụ khác nhau để thử nghiệm chức năng nhận thức cũng như cảm xúc.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng học máy để nhận diện và đưa các dạng thành nhóm. Có sáu nhóm, bao gồm:

  • Nhóm A (169 người bệnh): Sự kết nối cao bất thường giữa mạng lưới nghỉ ngơi, khen thưởng và chú ý.
  • Nhóm B (161 người bệnh): kết nối thấp bất thường trong mạng lưới chú ý
  • Nhóm C (154 người bệnh): Hoạt động cao bất thường khi tiếp xúc với tác nhân gây hạnh phúc hoặc buồn bã
  • Nhóm D (258 người bệnh): hoạt động cao trong vỏ não trước trán, đại diện cho ra quyết định và lên kế hoạch làm việc
  • Nhóm E (15 người bệnh): kết nối và hoạt động thấp bất thường khi tiếp xúc với các khuôn mặt đe doạ và tác vụ nhận thức
  • Nhóm F (44 người bệnh): Không có rối loạn đáng kể đối với mạng lưới não bộ

Bệnh nhân loại A chậm xác định khuôn mặt buồn và mắc nhiều lỗi hơn trong bài kiểm tra mê cung, cho thấy rối loạn chức năng trong việc lập kế hoạch và tổ chức. Họ cũng có phản ứng chậm hơn khi được kiểm tra sự chú ý.

Bệnh nhân loại B có thể xử lý thông tin nhanh chóng nhưng lại mắc lỗi khi kiểm tra khả năng chú ý. Họ có thể nhanh chóng xác định được một tác nhân kích thích mang tính đe dọa.

Bệnh nhân loại C bị mất khoái cảm nghiêm trọng, nghĩa là không có khả năng trải nghiệm khoái cảm. Họ cũng nghiền ngẫm nhiều hơn.

Bệnh nhân loại D có mức độ mất khoái cảm cao nhất và có xu hướng dễ lo lắng hơn. Họ cũng mắc nhiều lỗi hơn trong bài kiểm tra đánh giá việc lập kế hoạch và tổ chức.

Loại E có xu hướng nghiền ngẫm ít hơn các loại nhóm khác và phản ứng nhanh hơn với những khuôn mặt buồn bã.

Cuối cùng, bệnh nhân loại F không có rối loạn chức năng nổi bật nhưng phản ứng chậm hơn với các kích thích đe dọa.

Bà Williams nói, “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là lần đầu tiên chúng ta có thể chứng minh rằng trầm cảm có thể được giải thích bằng những gián đoạn khác nhau đối với hoạt động của não.”

“Đó là minh chứng cho cách tiếp cận cá thể hoá sức khoẻ tâm thần dựa trên các thước đo khách quan về chức năng não.”

Liên hệ cách trị liệu với các nhóm trầm cảm

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ định ngẫu nhiên 250 người tham gia nhận một trong ba loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng hoặc trải qua liệu pháp trò chuyện. Các tác giả nhận thấy rằng mỗi nhóm có xu hướng đáp ứng với điều trị và thuốc theo cách khác nhau.

Những bệnh nhân bị trầm cảm có đặc điểm là hoạt động quá mức ở một số phần của não có đáp ứng tốt hơn với venlafaxine, một loại thuốc chống trầm cảm thông thường có tác dụng ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRI). Trong đó bao gồm bệnh nhân nhóm D có hoạt động cao ở vùng não chịu trách nhiệm lập kế hoạch và ra quyết định.

Ở những bệnh nhân nhóm A, bộ não có mức độ hoạt động cao hơn ở ba vùng liên quan đến trầm cảm và giải quyết vấn đề, cho thấy triệu chứng của họ được giảm bớt tốt nhất bằng liệu pháp trò chuyện. Khi so sánh, những bệnh nhân nhóm B có mức độ hoạt động thấp hơn ở phần não kiểm soát sự chú ý sẽ ít có khả năng được hưởng lợi từ liệu pháp trò chuyện hơn.

Tiến sĩ Jun Ma, giáo sư y khoa tại Đại học Illinois Chicago và đồng tác giả nghiên cứu, lưu ý rằng liệu pháp hành vi đặc biệt giúp bệnh nhân học cách giải quyết các vấn đề hàng ngày, điều này có thể hữu ích cho những người có hoạt động cao trong các vùng giải quyết vấn đề của não.

Tiến sĩ Ma cho biết, “Để thực sự đưa lĩnh vực này hướng tới tâm thần học chính xác, chúng tôi cần xác định các phương pháp điều trị có khả năng hiệu quả nhất cho bệnh nhân và đưa họ vào cách điều trị đó càng sớm càng tốt”.

“Có thông tin về chức năng não của họ, đặc biệt là các dấu hiệu đã được xác thực mà chúng tôi đã đánh giá trong nghiên cứu này, sẽ giúp đưa ra phương pháp điều trị và kê đơn chính xác hơn cho các cá nhân.”

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn