Các nhà nghiên cứu nhận thấy âm nhạc ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn uống

Âm nhạc không chỉ làm phong phú trải nghiệm mà còn có thể dẫn dắt hành vi ăn uống của bạn.

Một nghiên cứu mới từ Ý cho thấy thực khách khi được nghe âm nhạc chậm rãi hơn sẽ ăn uống từ tốn hơn, nhai kỹ hơn và nán lại bàn ăn lâu hơn.

Tại Đại học Khoa học Ẩm thực ở Pollenzo, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm để xác định nhịp độ của âm nhạc ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của thực khách bằng cách khơi gợi các cảm xúc như thế nào.

Kết quả của thí nghiệm được công bố gần đây trên Food Quality and Preference (Tập san Chất lượng và Ưu tiên Thực phẩm) cho thấy âm nhạc có khả năng giúp mọi người thay đổi thói quen ăn uống—có thể mang lại lợi ích cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống cũng như những người đang ăn kiêng hoặc đơn giản là muốn hạn chế hoặc tiết chế lượng thức ăn của họ.

Âm nhạc và tâm trạng

Tất cả chúng ta đều từng trải qua cảm giác tâm trạng thay đổi đột ngột khi nghe một loại nhạc nhất định và các nhà khoa học đã nhiều lần quan sát, xác nhận và định lượng hiện tượng này.

Một can thiệp bằng liệu pháp âm nhạc gần đây dành cho bệnh nhân nội trú lão khoa tại một bệnh viện ở Úc cho thấy âm nhạc mang lại cảm giác “an ủi” và “xoa dịu” cho bệnh nhân, đồng thời giúp họ quên đi những lo lắng. Nhân viên bệnh viện cho biết các buổi trị liệu bằng âm nhạc khiến cho tâm trạng của bệnh nhân lớn tuổi trở nên vui vẻ và êm dịu hơn.

Đặc biệt, âm nhạc cổ điển đã được chứng minh là có tác dụng giúp người nghe tiết ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine, một loại hormone hạnh phúc, làm giảm cảm giác lo lắng, căng thẳng và có những tác động tích cực đến nhịp tim và huyết áp.

Các nhà điều tra người Ý, dẫn đầu bởi Riccardo Migliavada, người có bằng tiến sĩ về ẩm thực sinh thái, giáo dục và xã hội, khẳng định rằng ngoài khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng, âm nhạc còn có sức mạnh ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta trong khi ăn, bao gồm cả “nhận thức về vị giác, sự thèm ăn và quyết định lựa chọn thực phẩm của chúng ta.” Các nhà điều tra lưu ý rằng có một loạt nghiên cứu cho thấy nhạc nền của nhà hàng ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà thực khách quen ăn, tốc độ ăn và thậm chí cả cách họ cảm nhận hương vị của món ăn.

Các nhà nghiên cứu dẫn chứng một nghiên cứu cụ thể trong đó các đối tượng nhận thấy thức ăn (trong trường hợp này là sô cô la gelatin) ngọt hơn khi họ vừa ăn vừa lắng nghe thể loại âm nhạc mà họ yêu thích.

Các nhà nghiên cứu đã gọi hiện tượng này là “tương tác âm thanh-vị giác” và khẳng định thể loại âm nhạc ảnh hưởng đến “hương vị cảm xúc” của món ăn và thức uống mà mọi người ăn trong khi nghe — và do đó ảnh hưởng đến cách mọi người trải nghiệm và cảm nhận những gì họ nếm.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng Một trên Journal of Eating Disorders (Tập san Rối loạn Ăn uống), ngay cả những người đang điều trị nội trú chứng rối loạn ăn uống cũng cho thấy hành vi ăn uống được cải thiện khi được nghe nhạc. 51 phụ nữ tham gia vào nghiên cứu cho biết rằng cả nhạc piano êm dịu và nhạc pop đều cải thiện tâm trạng của họ trong bữa ăn, đồng thời cũng có thể là trải nghiệm căng thẳng đối với những người mắc chứng rối loạn ăn uống.

Các chuyên gia dinh dưỡng quan sát bệnh nhân cũng báo cáo rằng những hành vi trong bữa ăn bệnh nhân đã được cải thiện (để lại ít thức ăn thừa hơn và thực hiện ít “nghi thức ăn uống” rối loạn hơn) khi họ được nghe nhạc.

Cách ăn uống phụ thuộc vào nhịp độ của âm nhạc

Nghiên cứu mới ở Ý đã điều tra những tác động cụ thể của nhịp độ, thay vì thể loại âm nhạc, âm lượng hoặc các yếu tố khác. Các tác giả của nghiên cứu đã chọn cách ly thành phần này vì “trong số nhiều biến số kỹ thuật, nhịp độ âm nhạc là một trong những biến số dường như ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi ăn uống, ảnh hưởng đến tốc độ ăn uống cũng như thời lượng của bữa ăn.”

Ông Migliavada và các nhà nghiên cứu của ông đã chia ngẫu nhiên 124 đối tượng thành hai nhóm: một nhóm nghe nhạc với tốc độ nhanh 145 nhịp mỗi phút (BPM) và một nhóm khác nghe nhạc với tốc độ 85 BPM trong khi ăn bánh mì focaccia.

Các nhà nghiên cứu quan sát hành vi ăn uống của các đối tượng bằng cách phân tích các đoạn video ghi lại cảnh họ ăn, đo lượng thức ăn thừa sau khi ăn và thực hiện một bảng câu hỏi.

Những người nghe nhạc nhanh hơn (145 BPM) cho biết họ cảm thấy “năng động, tràn đầy năng lượng và nhiệt tình” hơn những người nghe nhạc chậm hơn. Những người trong nhóm nghe nhạc chậm hơn cho biết họ cảm thấy “dịu lại và yên bình” hơn so với những người trong nhóm nghe nhạc nhanh hơn.

Các nhà điều tra phát hiện ra rằng ngoài việc cảm thấy thư giãn hơn, những người nghe nhạc chậm hơn còn dành nhiều thời gian để ăn và nhai kỹ hơn những người nghe nhạc nhanh hơn. Họ viết: “Điều này đã xác nhận sự ảnh hưởng của nhịp độ âm nhạc đến hành vi ăn uống.”

Các nhà điều tra báo cáo, “Đặc biệt, đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo rằng âm nhạc có nhịp độ chậm có thể làm tăng số lần nhai và tổng thời gian nhai.” Động tác nhai thường bị bỏ qua trong cách ăn uống lành mạnh, là một yếu tố quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Theo các nhà nghiên cứu, động tác nhai trợ giúp cho quá trình đồng hóa chất dinh dưỡng và thậm chí cả sức khỏe của bộ não.

Ngược lại, khi BPM của âm nhạc tăng lên, mức tiêu thụ thực phẩm của đối tượng nghiên cứu tăng lên trong khi thời gian ăn uống lại giảm đi. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về tổng lượng thức ăn mà các đối tượng tiêu thụ ở hai nhóm ăn.

Nhai thức ăn chậm hơn và kỹ hơn — từ đó dành nhiều thời gian hơn để ăn — ảnh hưởng đến tốc độ mọi người cảm thấy “no” hoặc hài lòng và có thể là một chiến lược hữu ích để giảm cân.

Như các nhà nghiên cứu đã nói, “Thời gian thức ăn lưu lại trong miệng lâu hơn trong quá trình nhai cho phép các đặc tính cảm quan của thực phẩm tương tác với các cơ quan thụ cảm, đóng vai trò là tín hiệu cảm giác liên quan đến cảm giác no.”

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng cảm giác no làm giảm cơn đói sau bữa ăn và cũng có thể ngăn ngừa việc ăn quá nhiều vào bữa ăn tiếp theo, giúp thói quen ăn uống được cải thiện bền vững.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Susan C. Olmstead
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Susan C. Olmstead viết về sức khỏe và y học, thực phẩm, các vấn đề xã hội và văn hóa. Tác phẩm của cô được đăng trên The Epoch Times, Children's Health Defense, Salvo Magazine và nhiều ấn phẩm khác.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn