Các lựa chọn và lợi ích sức khỏe của sữa thực vật cho người gầy

Có rất nhiều lựa chọn về sữa thực vật cho những người đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế lành mạnh cho sữa bò.

Với việc phát hiện một chủng cúm gia cầm độc hại ở một số đàn bò sữa vào tháng trước, đã có một số lo ngại về khả năng lây lan của virus sang nguồn cung cấp sữa. Mặc dù lời khuyên của CDC tuyên bố quá trình thanh trùng có thể tiêu diệt virus, các chuyên gia khác cho rằng sữa bị nhiễm virus có thể đến tay người tiêu dùng. Do đó, một số người có thể chọn từ bỏ sữa bò và khám phá các lựa chọn sữa thực vật.

Lịch sử lâu dài của sữa

Trong nhiều thiên niên kỷ, con người từ các nền văn hóa trên khắp thế giới đã uống sữa từ bò và các động vật khác như cừu và dê.

Sữa là một loại thực phẩm hoàn chỉnh, nhiều dưỡng chất do động vật có vú tạo ra để nuôi con non và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, calcium (canxi), magnesium (magie), phosphorus (phốt pho), potassium (kali), folate, zinc (kẽm) và vitamin A và B12. Sữa cũng chứa chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và cholesterol, thay đổi tùy thuộc vào loại sữa.

Bất chấp những lợi ích, bò sữa trong sản xuất sữa thương mại có thể phải chịu điều kiện sống dưới mức tối ưu và nhận nhiều loại hormone, thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác mà cuối cùng chúng ta cũng đang sử dụng. Những “thành phần” bổ sung này không có trên nhãn, khiến chúng ta khó biết được thành phần trong sữa đang uống là gì.

Một số nghiên cứu cho biết việc tăng lượng sữa bò và các loại sữa khác có thể gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, các nghiên cứu khác lại thấy sữa có lợi, vì vậy việc tìm ra nguy cơ và lợi ích có thể là một thách thức.

Lý do uống sữa thực vật rất đa dạng, có thể bao gồm dị ứng, không dung nạp lactose, các vấn đề về đạo đức, môi trường hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Dù lý do là gì, nhưng số lượng lựa chọn ngày càng tăng cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các lựa chọn thay thế này cho sữa bò.

Các lựa chọn thay thế sữa bò

Cô Anna Herby có bằng tiến sĩ về khoa học sức khỏe, là chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận và là nhà giáo dục về bệnh tiểu đường được chứng nhận. Cô cũng là chuyên gia giáo dục dinh dưỡng cho Ủy ban trách nhiệm y khoa Hoa Kỳ, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Washington chuyên trợ giúp y tế dự phòng, đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng.

Cô Herby có lời khuyên dành cho những ai đã quen với sữa bò và đang băn khoăn không biết nên thử loại sữa thay thế nào, đặc biệt là những thức uống như cà phê. Cô nói với The Epoch Times, “Đối với những người lo lắng về mùi vị, tôi khuyên dùng sữa yến mạch vì tôi cảm thấy nó có hương vị nhẹ nhàng nhất và giống như kem. Họ cũng làm kem từ bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra – như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa yến mạch và sữa hỗn hợp.”

Trong những năm gần đây, với mức độ phổ biến của sữa thực vật tăng lên, chúng ta hãy cùng xem xét năm lựa chọn thay thế nổi tiếng cho sữa bò.

Sữa đậu nành

Cô Herby khuyên dùng đậu nành như một loại sữa thay thế cho sữa bò nhờ nhiều lợi ích, đặc biệt là isoflavone – miễn là bạn thích mùi vị.

“Isoflavone thực sự có tác dụng chống lại bệnh ung thư vú và ngay cả đối với những người đã sống sót sau bệnh ung thư vú, isoflavone có thể làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư vú. Và chỉ riêng những lợi ích đó thôi cũng khiến bạn nên tập trung vào sữa đậu nành hơn các loại sữa khác nếu bạn thích nó.”

Mặc dù đậu nành vẫn là một chủ đề gây tranh cãi nhưng bà Herby cho rằng vấn đề này dễ bị nhầm lẫn vì từ estrogen trong phytoestrogen có thể khiến mọi người sợ hãi.

“Khi bạn xem xét kỹ hơn nghiên cứu, bạn sẽ thấy phytoestrogen rất khác với estrogen của chúng ta. Phytoestrogen thực sự hữu ích cho việc cân bằng lượng hormone. Chẳng hạn như nếu chúng ta cần thêm một chút estrogen, thì phytoestrogen sẽ kích hoạt thụ thể đó và nếu chúng ta cần ít hơn thì phytoestrogen sẽ kích hoạt thụ thể estrogen khác và làm giảm tác dụng [của estrogen]. Phytoestrogen rất khác với estrogen của chúng ta, mặc dù có chung từ estrogen.”

Sữa đậu nành cũng có hàm lượng protein tương đương với sữa bò. Một ly sữa bò nguyên chất có 8g protein so với 7g trong sữa đậu nành. Sữa đậu nành cũng thường được bổ sung các vitamin và khoáng chất như calcium, vitamin D và B12, sắt, đồng thời chứa tất cả 9 acid amin thiết yếu chúng ta cần để có một cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch mạnh mẽ.

Sữa đậu nành thích hợp cho những người không dung nạp lactose nhưng một số người lại bị dị ứng với đậu nành nên khó tiêu hóa. Theo Bệnh viện Cleveland, các dấu hiệu dị ứng bao gồm đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.

Sữa hạnh nhân

Một lựa chọn phổ biến khác là sữa hạnh nhân, ít calorie, nhiều vitamin E chống oxy hóa và magnesium. Sữa hạnh nhân cũng không chứa lactose. Sữa hạnh nhân thường được bổ sung calcium và vitamin D nhưng có ít protein hơn đáng kể so với sữa bò hoặc sữa đậu nành, chỉ với 1g protein mỗi ly. Sữa hạnh nhân không thích hợp cho những người bị dị ứng với các loại hạt, nhưng vẫn có rất nhiều lựa chọn khác.

Sữa yến mạch

Sữa yến mạch có dạng kem và hương vị dịu nhẹ. Đây là sự lựa chọn phổ biến cho những ai đang tìm kiếm thứ gì đó tương tự như sữa bò để pha cà phê, trà và ngũ cốc. Sữa yến mạch cũng chứa beta-glucans, được chứng minh là làm giảm mức cholesterol, tăng miễn dịch và có ích trong điều trị ung thư.

Một nghiên cứu trên International Journal of Molecular Medicine (Tập san Y học Phân tử Quốc tế) cho thấy beta-glucans giúp cân bằng lại mức cholesterol. Một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng khác cho thấy việc bổ sung ngắn hạn beta-glucan làm tăng tế bào diệt tự nhiên ở những bệnh nhân đang hồi phục sau ung thư. Nghiên cứu cho biết những tế bào này là “một trong những cơ chế bảo vệ quan trọng nhất chống lại bệnh ung thư.”

Theo Bastyr University, do có tác động nhỏ hơn đến việc sử dụng nước và đất, sữa yến mạch đã trở thành một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với sữa bò, hạnh nhân và sữa gạo. Sữa yến mạch thường được bổ sung calcium và vitamin D, an toàn cho những người không dung nạp lactose.

Sữa dừa

Kết cấu dạng kem và hương vị ngọt ngào của vùng nhiệt đới, đã khiến sữa dừa trở thành món bổ sung phổ biến cho nhiều món ăn, đặc biệt là cà ri, sinh tố và món tráng miệng. Sữa dừa chứa nhiều chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT), có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số MCT trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, có thể giúp chống lại nhiễm trùng. Sữa dừa tự nhiên không chứa lactose và thường an toàn cho những người bị dị ứng với sữa bò và sữa hạt.

Sữa gạo

Sữa gạo có vị ngọt tự nhiên, thích hợp cho những người không dung nạp lactose và dị ứng với đậu nành hoặc các loại hạt. Sữa gạo có ít chất béo và không chứa cholesterol. Theo USDA, một ly sữa gạo cung cấp 288mg calcium, 26.8mg magnesium, 137mg phosphorus và 65.9mg potassium. Sữa gạo thương mại thường được bổ sung calcium, vitamin A, D và B12. Điều này khiến sữa gạo trở thành nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt.

Khi được trồng ở Hoa Kỳ, gạo thông thường được phun thuốc trừ sâu, vì vậy hãy tìm kiếm các lựa chọn hữu cơ.

Kết luận

Các chuyên gia cho rằng loại sữa thực vật lành mạnh nhất là loại không đường và có thành phần tối thiểu. Mỗi nhãn hiệu có hàm lượng vitamin và khoáng chất, đường và các chất phụ gia khác nhau, vì vậy hãy đọc nhãn để tìm loại phù hợp với nhu cầu của bạn. Đôi khi, các thành phần bổ sung trong sữa thực vật thương mại như dầu thực vật (hướng dương và cải dầu), đường và các thành phần khác ít được nhận biết hơn (như carrageenan, xanthan gum và lecithin) được thêm vào để tạo độ đặc dạng kem, kéo dài thời hạn sử dụng và đóng vai trò như chất làm đặc, chất nhũ hóa và chất ổn định. Một cách để tránh những thành phần bổ sung này là làm sữa thực vật tại nhà. Nếu bạn thích cảm giác tìm tòi, khám phá, hãy thử tham khảo rất nhiều công thức nấu ăn có sẵn trên mạng.

Chúng ta đang sống trong một thời đại vô cùng phong phú về thực phẩm. Vì vậy, cho dù bạn uống sữa bò hay những sản phẩm thay thế đa dạng, bạn chắc chắn sẽ tìm được loại phù hợp với nhu cầu và mong muốn cho bản thân. Sự lựa chọn là do bạn quyết định.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn