Các chuyên gia Trung Quốc công bố nghiên cứu về sự phát triển của loại virus gây ‘tử vong 100%’ ở chuột
Một nghiên cứu được công bố bởi một nhóm có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra sự phản đối kịch liệt của quốc tế và buộc phải sửa đổi một số từ ngữ trong bài viết.
Một nhóm nghiên cứu có liên hệ với quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một bài viết vào đầu tháng này, tiết lộ một loại virus Corona làm chết 100% chuột và có nguy cơ lây lan sang người. Nghiên cứu đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa lại bài viết, loại bỏ những từ như “gây tử vong.”
Chuyên gia virus học người Mỹ Sean Lin (Lâm Hiểu Húc,) người có bằng tiến sĩ vi trùng học đã phân tích tình hình trong chương trình “Health1+1,” cho rằng việc phát hiện ra virus trong nghiên cứu không phải ngẫu nhiên mà có thể là một phần trong nỗ lực có chủ ý của ĐCSTQ nhằm khuyến khích các nhà khoa học sàng lọc các loại virus nguy hiểm hơn làm nguồn tiềm năng cho vũ khí sinh hóa.
Nghiên cứu được công bố vào đầu tháng Một trên trang web bioRxiv. Bài viết cho thấy rằng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện hai loại virus Corona liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở tê tê Mã Lai, có tên là GD/2019 và GX/2017. Các chủng phân lập, ký hiệu là pCoV-GD01 và GX_P2V, đã được nuôi cấy riêng biệt.
Nhóm nghiên cứu trước đây đã sử dụng virus GX_P2V để nuôi cấy tế bào, tạo ra chủng biến thể có tên GX_P2V (short_3UTR). Sau đó, họ nhân bản một biến thể mới có tên GX_P2V C7.
Các nhà nghiên cứu đã lây nhiễm chủng biến thể mới này vào bốn con chuột biến đổi gen. Những con chuột này sở hữu enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) của con người, hoạt động như một thụ thể cho sự xâm nhập của coronavirus vào tế bào. Nói cách khác, chuột biến đổi gen có thể nhiễm loại virus có khả năng lây truyền sang người. Điều đáng kinh ngạc là tất cả những con chuột bị nhiễm loại virus này đều chết trong vòng 7 đến 8 ngày, dẫn đến tỷ lệ tử vong là 100%.
Trong những ngày trước khi chết, những con chuột có biểu hiện sụt cân nhanh chóng, nổi da gà, tư thế khom lưng và cử động chậm chạp. Trước khi chết, mắt của các con chuột này chuyển sang màu trắng bệch.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lây nhiễm nói trên để chích cho 8 con chuột biến đổi gen hACE2. Vào ngày thứ ba và thứ sáu sau khi lây nhiễm, bốn con chuột được đem đi phân tích mỗi ngày. Một lượng đáng kể RNA virus đã được phát hiện trong các cơ quan khác nhau, bao gồm não, phổi, cuốn mũi, khí quản và mắt. Đến ngày thứ sáu sau khi lây nhiễm, người ta đã quan sát thấy lượng RNA virus cao đặc biệt trong các mẫu mô não, cho thấy cơ chế gây chết virus có thể liên quan đến nhiễm trùng não.
Bản preprint của nghiên cứu đã gây lo ngại trong cộng đồng học thuật sau khi được công bố hôm 04/01. Ông Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền UCL, đã chỉ trích trên X (trước đây là Twitter), tuyên bố, “Đó là một nghiên cứu tệ hại, hoàn toàn vô nghĩa về mặt khoa học. Tôi có thể thấy không có gì đáng quan tâm có thể học được từ việc ép lây nhiễm cho một giống chuột được nhân bản hóa kỳ lạ một loại virus ngẫu nhiên.”
Tiến sĩ Gennadi Glinsky, giáo sư y khoa đã nghỉ hưu của Đại học Stanford, cũng viết trên X (trước đây là Twitter), “Sự điên rồ này phải được dừng lại trước khi quá muộn”.
Dưới áp lực của dư luận, hôm 21/01, các nhà nghiên cứu đã cập nhật bài viết, loại bỏ các cụm từ như “lây nhiễm gây tử vong,” “tỷ lệ tử vong 100%” và “nguy cơ lây nhiễm cho người.”
Các chuyên gia cho biết: Sản phẩm kết hợp quân sự-dân sự
Ông Lin, cựu giám đốc Cục Virus tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, mô tả trên chương trình “Health 1+1” rằng các chỗ sửa đổi từ ngữ này là một hành vi khá vô trách nhiệm và gây hiểu nhầm – những người không biết về phiên bản gốc của bài báo có thể coi đó chỉ là một loại virus thông thường ở động vật, không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, theo ông Lin, việc loại bỏ thuật ngữ “gây tử vong” không làm thay đổi thực tế rằng các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại virus nguy hiểm tiềm tàng.
Ông Lin nhấn mạnh rằng nghiên cứu này là một sản phẩm của “sự kết hợp giữa quân sự và dân sự,” với một số tác giả của bài báo làm việc trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông tin rằng nhóm nghiên cứu không vô tình phát hiện ra một loại virus gây tử vong mà cố tình sàng lọc những loại virus có khả năng gây hại lớn nhất cho con người. Ông Lin thậm chí còn cho rằng quân đội của ĐCSTQ đứng sau việc này bằng cách khuyến khích và trợ giúp tài chính.
Ông Lihua Song, tác giả liên lạc của bản preprint, là giáo sư tại Trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Đời sống, Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, đồng thời là thành viên của Trung tâm Đổi mới Tiên tiến Bắc Kinh về Khoa học và Kỹ thuật Vật chất Mềm tại cùng một trường đại học. Ông Song lấy bằng tiến sĩ về quân y dự phòng tại Học viện Khoa học Quân y, trực thuộc quân đội của ĐCSTQ. Sau đó, ông làm cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Vi sinh và Dịch tễ học của Viện Khoa học Quân y. Ngoài ra, hai tác giả bản preprint có mối liên hệ với Trung tâm Y tế Thứ năm của Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các thí nghiệm trên động vật đã được ủy ban của trung tâm này phê chuẩn.
Nghiên cứu có rủi ro cao được các tổ chức khuyến khích
Ông Lin chỉ ra rằng trên trang web của Trung tâm Đổi mới Tiên tiến Bắc Kinh về Khoa học và Kỹ thuật Vật chất Mềm tại Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, nơi tác giả liên lạc của bài báo có liên hệ, có một tuyên bố công khai nhấn mạnh sự đổi mới, đặc biệt khuyến khích “nghiên cứu có rủi ro cao.” Ông giải thích rằng “vật chất mềm” bao gồm các mô sinh học và trọng tâm nghiên cứu của tổ chức là về kỹ thuật vật chất mềm với mục đích sản xuất quy mô lớn. Trong bối cảnh này, việc tổ chức khuyến khích rõ ràng nghiên cứu có rủi ro cao thực sự đáng lo ngại.
Trước những lời chỉ trích quốc tế cho rằng hành động của các chuyên gia ĐCSTQ là liều lĩnh và đang đùa với lửa, ông Lin nói, “Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của toàn bộ tình hình. Đó không chỉ là đùa với lửa; mà là mối liên quan đến việc phát triển vũ khí sinh hóa. Mục tiêu cuối cùng là nghiên cứu những loại virus nguy hiểm hơn, sau đó coi chúng là nguồn vũ khí sinh học tiềm năng cho quân đội. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu bảo đảm nguồn tài trợ bổ sung từ quân đội và làm mạnh các hồ sơ học thuật về công bố khoa học của họ. Toàn bộ hệ thống hoạt động theo một cơ chế rất nham hiểm.”
Ông Lin giải thích thêm rằng các nhà khoa học lớn lên ở Trung Quốc đại lục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc tẩy não, họ thường thiếu đức tin và những ước chế về mặt đạo đức. Miễn là họ có thể bảo đảm nguồn tài trợ cho nghiên cứu, họ có thể bỏ qua những nguy hại tiềm tàng đối với nhân loại. Hơn nữa, họ có thể coi công việc của mình là góp phần phát triển vũ khí mới của đất nước nhằm đạt được lợi thế chiến lược trong chiến tranh.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times