Bệnh thần kinh sợi nhỏ không điển hình sau chích vaccine COVID-19, có thể chưa được chẩn đoán
Các biến cố bất lợi của vaccine COVID đã bị bỏ qua (Phần 4)
Mặc dù cục máu đông có khả năng gây tử vong và viêm cơ tim đã được thừa nhận là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine COVID-19, nhưng thực tế vaccine COVID-19 vẫn còn có nhiều biến cố bất lợi tiềm ẩn trên nhiều cơ quan khác nhau.
Trong loạt bài này, chúng tôi đánh giá một số biến cố bất lợi ít được biết đến nhưng được liệt kê trong nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như xuất hiện trong nhiều phòng khám và quan trọng hơn là cách điều trị và giảm thiểu nguy cơ.
Bài trước: Cô Mary lo lắng nghĩ: “Tôi không thể sống với tình trạng này mãi được. Tôi sẽ bị mất trí thôi.” Bất chấp những suy nghĩ của cô, tiếng ù ù trong tai vẫn dai dẳng như một chiếc đồng hồ báo thức không thể tắt, làm cô mất tập trung.
Ba ngày sau khi chích vaccine, cô Jessica Sutta là cựu thành viên của [ban nhạc pop nổi danh] Pussycat Dolls cho biết cô thức dậy với “những cơn co thắt cơ vô cùng dữ dội” không giống với bất cứ điều gì cô từng trải qua.
Cô Sutta nói, “Tôi cảm thấy như bị gãy xương sườn.”
Là một vận động viên và là một vũ công chuyên nghiệp, cô từng bị gãy xương sườn trước khi đi lưu diễn. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên chương trình truyền hình “American Thought Leaders” cô nói, “Vì vậy tôi biết rất rõ sự đau đớn là như thế nào.”
Cô Sutta đã thử các phương pháp điều trị thông thường như: nắn khớp xương, châm cứu, xoa bóp và nghỉ ngơi nhưng tình trạng co thắt cơ và cơn đau vẫn tiếp diễn, trở nên trầm trọng hơn thành đau rát và đau như dao đâm ở hai bên sườn.
Cô nhập viện và thực hiện một số xét nghiệm nhưng kết quả cho thấy mọi thứ đều bình thường.
Cùng lúc đó, cô Sutta bắt đầu nghe về những báo cáo từ những người vốn gặp các vấn đề thần kinh sau khi chích vaccine COVID-19 nhưng lại quá khó để cô thấy được mối liên quan này. Khi chồng Sutta đưa cô xem một đoạn video liên quan đến các biến chứng của vaccine, cô yêu cầu anh tắt đi và nói, “Không thể nào. Đây chỉ là một cơn co thắt cơ. Nó sẽ khỏi thôi.'”
Tuy nhiên, việc liên tục thử các phương pháp điều trị khác nhau đã dẫn đến những triệu chứng suy nhược mới.
Cuối cùng, bác sĩ đa khoa của cô Sutta đã giới thiệu cô đến gặp một bác sĩ thần kinh.
Cô nói, “Cuối cùng [bác sĩ đa khoa của tôi] cũng cho tôi gặp bác sĩ thần kinh và điều đầu tiên ông ấy nói là, ‘Cô chích vaccine khi nào vậy? Tôi nghĩ cô đã gặp phản ứng bất lợi.’ Đó là lần đầu tiên tôi thừa nhận điều đó đã thực sự đang xảy ra với mình.”
Nỗi đau mà cô Sutta trải qua là bệnh thần kinh sợi nhỏ. Cô mô tả cảm giác đó giống như cô đang bị đốt cháy.
Cô nói, “Các cơn co thắt đến từng đợt từng đợt làm tôi rất suy nhược và tôi không biết phải làm gì.”
Thật không may là bệnh thần kinh của cô Sutta vẫn còn cho đến hôm nay.
Theo Hệ thống Báo cáo Biến cố Bất lợi của Vaccine (VAERS), có hơn 1,600 trường hợp bị bệnh thần kinh ngoại biên sau khi chích vaccine COVID-19 và khoảng 150 trường hợp bị bệnh thần kinh sợi nhỏ.
Một phụ nữ tên là Caroline Bollinger bị đau ngực và ngứa ran, tê và đau rát chi trên trong 10 ngày sau khi chích vaccine mRNA ngừa COVID-19.
Mặc dù các triệu chứng đã biến mất nhưng cô nói với The Epoch Times rằng thỉnh thoảng chúng vẫn bùng phát.
Biểu hiện ít điển hình ở người chích vaccine
Kể từ khi vaccine COVID-19 ra đời, hai bác sĩ thần kinh học là tiến sĩ Diane Counce và tiến sĩ Suzanne Gazda đã nhận thấy nhiều biểu hiện thần kinh lạ ở bệnh nhân.
Tiến sĩ Counce cho biết một biến chứng thần kinh phổ biến mà bà thấy là bệnh thần kinh ngoại biên. Đây là những bệnh ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh bên ngoài não và tủy sống, bao gồm các dây thần kinh ở các cơ quan nội tạng, tay chân và da.
Trong số đó, bệnh lý thần kinh sợi nhỏ là phổ biến nhất.
Các tế bào thần kinh sợi nhỏ phát hiện cơn đau và nhiệt độ, đây là lý do tại sao bệnh lý thần kinh sợi nhỏ thường liên quan đến cảm giác ngứa ran, tê, cảm giác như kim châm và nóng rát.
Một số tế bào thần kinh sợi nhỏ là tế bào thần kinh tự chủ [kiểm soát chức năng tự động của cơ thể], vì vậy các vấn đề ở sợi nhỏ có thể gây rối loạn chức năng tiết mồ hôi, huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa, bài tiết, thị lực và nhiều chức năng khác.
Khả năng chịu nhiệt kém, không đổ mồ hôi hoặc đổ mồ hôi quá nhiều là những biểu hiện phổ biến của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ, có thể xảy ra mà không gây đau.
Vì các triệu chứng và mức độ trầm trọng rất khác nhau nên tiến sĩ Svetlana Blitshteyn, phó giáo sư thần kinh học tại Đại học Buffalo cho biết căn bệnh này có thể bị chẩn đoán sai.
Tại Hoa Kỳ, bệnh thần kinh sợi nhỏ thường liên quan đến bệnh tiểu đường. Bệnh thần kinh tiểu đường được biết đến như là biểu hiện kinh điển của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ. Cảm giác tê, ngứa ran, kim châm hoặc đau ban đầu xuất hiện ở các ngón tay và ngón chân, dần dần lan rộng lên các chi theo vùng mang tất và đeo găng tay khi bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tiến sĩ Matthew Bain là bác sĩ thần kinh, nói với The Epoch Times rằng do mức độ phổ biến của bệnh lý thần kinh tiểu đường nên tình trạng này được công nhận nhiều nhất.
Cũng có những biểu hiện ít phổ biến hơn của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ, bao gồm tất cả các bệnh lý thần kinh ngoại biên không theo kiểu mang tất và đeo găng tay; cánh tay có thể bị ảnh hưởng trước bàn tay, hoặc vùng đầu, ngực và thân trên có thể chịu ảnh hưởng đầu tiên. Bệnh lý thần kinh cũng có thể dịch chuyển vị trí, nghĩa là cảm giác tê, ngứa ran và đau có thể thay đổi vị trí theo thời gian, làm cho việc chẩn đoán bệnh càng khó khăn hơn.
Tiến sĩ Counce đã điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân với triệu chứng hậu chích vaccine đã nói với The Epoch Times rằng trong khi các bệnh nhân bị COVID cấp tính và kéo dài có xu hướng tuân theo mô hình giống như bệnh tiểu đường kinh điển, thì các bệnh thần kinh sợi nhỏ liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 có thể không điển hình.
Bà nói, “Tôi có một bệnh nhân [đã chích ngừa] bị nóng rát toàn bộ vai nhưng bàn tay của cô ấy vẫn ổn. Cuối cùng, cô ấy trở thành bệnh nhân thần kinh sợi nhỏ và sau đó tôi cũng gặp một số người [đã chích ngừa] có cảm giác khuôn mặt hoặc giữa lưng như đang bị bỏng.”
Cô Sutta cũng báo cáo những biểu hiện tương tự, cô là người ban đầu trải qua những cơn co thắt cơ dữ dội ở thân mình, sau đó phát triển thành các bệnh lý thần kinh sợi nhỏ nóng ran lan khắp sườn dưới và cột sống.
Tiến sĩ Counce cũng có một bệnh nhân sẽ thay đổi vùng bị rối loạn thần kinh sau mỗi đợt điều trị.
Ý nghĩa bệnh tự miễn
Tiến sĩ Gazda lập luận rằng những bệnh lý thần kinh này có thể là do cơ chế tự miễn dịch gây ra, xảy ra khi cơ thể tấn công các mô của chính mình. Thật trùng hợp, các biểu hiện ít phổ biến hơn của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ cũng có mối liên quan chặt chẽ với các bệnh tự miễn.
Khả năng tự miễn dịch từ vaccine COVID-19 có thể xảy ra nếu các mạch máu cục bộ sản sinh protein gai và bị các tế bào miễn dịch và kháng thể tấn công, như đã được trình bày trong bài thuyết trình khám nghiệm tử thi của nhà nghiên cứu bệnh học người Đức, Arne Burkhardt.
Các protein gai có nhiều đặc điểm giống với protein của con người. Nghiên cứu của nhà miễn dịch học, tiến sĩ Aristo Vojdani cho thấy các kháng thể được sinh ra để chống lại protein gai cũng có thể tấn công ít nhất 28 mô khác nhau của con người.
Bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận, nhà sáng lập và là giám đốc y tế của Trung tâm Sức khỏe Cân bằng, tiến sĩ Keith Berkowitz cho biết ông sẽ quan sát các mô hình bất thường trong đó bệnh lý thần kinh ngoại biên xảy ra với tình trạng mệt mỏi, tinh thần thiếu minh mẫn (mental fog) và ù tai.
Nghiên cứu: Bệnh lý thần kinh sợi nhỏ và vaccine COVID-19
Một số nghiên cứu đã liên kết vaccine COVID-19 với bệnh lý thần kinh sợi nhỏ.
Một nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia [Hoa Kỳ] tài trợ năm 2022 chưa được bình duyệt đã phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ trong nửa số người chích vaccine COVID.
Nghiên cứu đã đánh giá 23 người xuất hiện các triệu chứng thần kinh trong vòng một tháng sau khi chích liều vaccine chính ngừa COVID-19. Không ai trong số họ có tiền sử bệnh thần kinh, hầu hết không có tiền sử bệnh tự miễn và tất cả đều phát triển các triệu chứng trong vòng ba tuần sau khi chích ngừa.
Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng Một trên European Neurology Journal (Tập san Thần kinh học Âu Châu), đã kết luận rằng vaccine mRNA COVID-19 là nguyên nhân gây ra các biểu hiện bệnh lý thần kinh sợi nhỏ ở một nam giới 39 tuổi.
Bệnh nhân bị ngứa ran, tê và đau ở vai trái trong vòng 10 ngày kể từ khi chích ngừa. Những triệu chứng này sau đó lan sang hai cánh tay, bàn tay, và bàn chân.
Trong vòng ba tuần, anh ấy bị co giật cơ và tê ở bàn chân và bàn tay, các vùng sẽ bị bỏng rát khi chạm vào. Sinh thiết da bàn chân và cẳng chân trái của bệnh nhân bằng kim cho thấy các sợi nhỏ, mỏng bất thường và trở lại mật độ bình thường sau khi điều trị bằng truyền kháng thể.
Mặc dù có ít hơn 200 trường hợp bị bệnh thần kinh sợi nhỏ sau khi chích vaccine COVID-19 được báo cáo cho VAERS nhưng các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh lý thần kinh sợi nhỏ, chẳng hạn như ngứa thì có gần 40,000 báo cáo và cảm giác bất thường, mất cảm giác và đổ mồ hôi quá nhiều thì có hơn 20,000 báo cáo.
Đổ mồ hôi và điều hòa nhiệt kém là những dấu hiệu chính của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ. Các nghiên cứu đã đưa Kiểm tra phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định lượng (Quantitative Sudomotor Axon Reflex Test – QSART) trở thành phương pháp chẩn đoán chính xác hơn đối với bệnh lý thần kinh sợi nhỏ so với sinh thiết da thông thường. QSART kiểm tra về hoạt động tiết mồ hôi.
Vì sinh thiết da thường được thực hiện ở bàn chân và cẳng chân nên đây có thể không phải là phương pháp phù hợp cho các biểu hiện không điển hình vì cơn đau cũng có thể xảy ra ở mặt, dạ dày, xương sườn và vai.
Tuy nhiên, máy QSART rất đắt tiền và không có sẵn ở hầu hết các phòng khám. Tiến sĩ Blitshteyn lưu ý rằng bệnh nhân sẽ phải đến các bệnh viện đại học lớn hoặc phòng khám lớn để thực hiện các xét nghiệm này, đó là lý do tại sao các bệnh lý thần kinh sợi nhỏ – đặc biệt là các biểu hiện không điển hình – rất dễ bị chẩn đoán sai.
Các phương pháp điều trị hạn chế
Các giải pháp đầu tiên điều trị cơn đau thần kinh sợi nhỏ là số loại thuốc chống động kinh và chống trầm cảm nhưng kết quả không khả quan và hiệu quả tổng thể thấp.
Tiến sĩ Blitshteyn cho rằng so với việc giảm thiểu các triệu chứng, việc tìm ra loại thuốc có thể điều trị nguyên nhân gây đau dây thần kinh còn quan trọng hơn.
Bà tin rằng COVID kéo dài và hậu chích ngừa là nguyên nhân chính gây ra bệnh tự miễn và tình trạng viêm vốn dẫn đến các bệnh lý thần kinh sợi nhỏ. Tuy nhiên, có rất ít liệu pháp chống viêm và điều chỉnh miễn dịch được chấp thuận cho các mục đích như vậy.
Theo bà Blitshteyn, một số nghiên cứu đã đề cập đến thuốc kháng viêm steroid như một lựa chọn để điều trị bệnh lý thần kinh sợi nhỏ hậu chích ngừa. Truyền kháng thể vào tĩnh mạch (IVIG) và phương pháp lọc huyết tương cũng đã được đề xuất để điều trị tình trạng viêm và bệnh tự miễn.
Steroid được chấp thuận dùng cho bệnh lý thần kinh sợi nhỏ. Bà Blitshteyn nhận thấy rằng, mặc dù thuốc kháng viêm steroid giúp cải thiện ở một số bệnh nhân nhưng lại không có tác dụng lâu dài.
Cả hai bác sĩ Gazda và Counce đều đã truyền kháng thể vào tĩnh mạch để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh liên quan đến phản ứng tự miễn. Tuy nhiên, cách điều trị này rất tốn kém và vì không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để chữa trị các bệnh về thần kinh sợi nhỏ, nên bệnh nhân có bảo hiểm có thể không được hoàn tiền.
Hiệu quả của việc truyền kháng thể vào tĩnh mạch (IVIG) cũng là chủ đề gây tranh cãi, với một số nghiên cứu cho thấy sự khác biệt không đáng kể giữa IVIG và giả dược (dung dịch muối).
Một số nghiên cứu đã báo cáo thành công trong việc dùng thuốc đối kháng naltrexone và chất chống oxy hóa acid alpha-lipoic liều thấp để điều trị bệnh lý thần kinh sợi nhỏ. Tiến sĩ Pierre Kory là chuyên gia chăm sóc y tế đặc biệt (critical care) nhận thấy naltrexone liều thấp khá hiệu quả đối với bệnh nhân của ông nhưng các nghiên cứu [hiện tại] còn hạn chế.
Ngoài các phương pháp điều trị chứng khó chịu về cảm giác do bệnh lý thần kinh thì bệnh lý thần kinh sợi nhỏ còn liên quan đến rối loạn chức năng tự chủ, vốn khó điều trị hơn rất nhiều. Chứng mất tự chủ là một dạng rối loạn tự trị và không thể chữa được.
Các biểu hiện lạ làm phức tạp việc chẩn đoán và điều trị bệnh
Một vấn đề khác mà bà Gazda và ông Berkowitz lưu ý là nhiều biến chứng về thần kinh hậu chích ngừa không có cùng một triệu chứng duy nhất. Đó là bởi vì nhiều quá trình hóa sinh và trao đổi chất khác nhau bị ảnh hưởng.
Bệnh nhân với biểu hiện mệt mỏi, sương mù não, suy giảm nhận thức, ù tai, rối loạn vận động, rối loạn chức năng tự chủ hoặc các triệu chứng có thể không liên quan đến biến chứng thần kinh.
Các bác sĩ chuyên khoa có thể bị choáng ngợp bởi nhiều triệu chứng cùng tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau.
Tiến sĩ Robert Lowry là một bác sĩ thần kinh nói với The Epoch Times, “Nếu bạn là một bác sĩ thần kinh, bạn không nhất thiết phải biết cách điều trị nếu đó là bệnh tự miễn hoặc viêm mạch [bệnh tự miễn gây viêm và thu hẹp các mạch máu].”
Ông Berkowitz cho biết, một vấn đề khác với các biểu hiện lạ hậu chích ngừa là các bác sĩ do dự khi đưa ra chẩn đoán. Bệnh nhân có thể được xét nghiệm nhiều lần trước khi bác sĩ kê toa điều trị.
Bà Gazda cho biết điều quan trọng là các bác sĩ phải cởi mở trong việc xem xét vai trò của vaccine và nghiên cứu xem con đường protein gai do vaccine gây ra ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào. Cách tiếp cận này sẽ giúp một số bệnh nhân có cơ hội phục hồi tốt hơn.
Bà Blitshteyn là bác sĩ đầu tiên nhận thấy mối liên quan giữa chứng mất tự chủ và vaccine HPV (virus gây u nhú ở người), cho biết mặc dù bệnh lý thần kinh sợi nhỏ sau khi chích vaccine [HPV] vẫn tồn tại nhưng bà cũng thấy nhiều bệnh nhân do COVID kéo dài cũng đang có tình trạng tương tự. Do đó, bà nói rằng những phát hiện như vậy không nhất định làm mọi người không chích ngừa.
Các bác sĩ khác như tiến sĩ Joseph Varon là bác sĩ chăm sóc tích cực chuyên khoa phổi, cũng là đồng tác giả các phác đồ phòng ngừa và điều trị sớm COVID-19, cho biết nếu bệnh COVID-19 được điều trị và khỏi sớm thì khả năng bệnh nhân phát triển di chứng hoặc hậu quả bệnh tật là rất thấp.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.