Mất ngủ và bổ sung melatonin không phải là những từ mà người ta thường liên tưởng đến trẻ em.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát gần đây được công bố trên JAMA (Tập san Nhi khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) cho thấy việc dùng melatonin ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ là “rất phổ biến.”
Các tác giả viết: có khoảng 1/5 trẻ em ở Mỹ dùng melatonin để ngủ, một số phụ huynh bắt đầu cho con mình dùng melatonin khi con mới 1 tuổi.
Hoa Kỳ đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ em dùng melatonin do các vấn đề về giấc ngủ. Một số bác sĩ lâm sàng cho rằng các vấn đề về giấc ngủ là do sự gia tăng bệnh tâm thần cũng như việc dùng màn hình [các thiết bị điện tử].
Theo kết quả khảo sát của Viện Y tế Quốc gia (NIH) [Hoa Kỳ], từ năm 2017 đến 2018, khoảng 1% trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi đã dùng melatonin trong vòng 30 ngày.
Các tác giả nghiên cứu của Tập san Nhi khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã so sánh kết quả này với kết quả nghiên cứu của họ, báo cáo rằng dữ liệu hiện tại cho thấy mức dùng [melatonin] tăng khoảng 20%. Các phụ huynh tham gia khảo sát cũng cho biết con họ dùng chất bổ sung này trung bình từ 2 đến 5 ngày mỗi tuần và thậm chí nhiều em dùng melatonin hàng ngày.
Việc thường xuyên dùng melatonin cũng góp phần gây ngộ độc melatonin. Theo nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong (MMWR) Hoa Kỳ công bố, từ năm 2012 đến năm 2021, các trung tâm kiểm soát chất độc ở Hoa Kỳ đã ghi nhận các báo cáo về việc trẻ em uống melatonin tăng 530%, một số trường hợp đã phải nhập viện và tử vong.
Ngủ không đủ giấc đang phổ biến ở trẻ em
Tiến sĩ Gayln Perry, bác sĩ nhi khoa về giấc ngủ, giám đốc điều hành của Perry Center for Pediatric & Adult Sleep Care (Trung tâm Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ em và người lớn Perry), nói với The Epoch Times rằng, “Rất nhiều người nghĩ rằng trẻ em không gặp vấn đề về giấc ngủ và điều đó hoàn toàn không đúng.”
Trẻ em luôn gặp vấn đề về giấc ngủ và những vấn đề này không khác biệt nhiều so với người lớn.
COVID cũng đã làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Khoảng 25% trẻ em bị gián đoạn giấc ngủ trước đại dịch và con số này đã tăng lên gần 46% vào năm 2020.
Cũng giống như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể gây ra chứng mất ngủ ở người lớn. Trẻ em cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự do những mối lo lắng khác nhau, bao gồm bài vở ở trường, áp lực từ bạn bè và các mối liên lạc trên mạng xã hội.
Nhiều thanh thiếu niên cũng thức khuya để hoàn thành các bài tập ở trường, ảnh hưởng đến việc đi ngủ đúng giờ của các em.
Ngoài ra, việc học tại nhà trong đại dịch đã làm tăng thời gian dùng màn hình [máy tính hoặc điện thoại] của trẻ em. Màn hình có tính kích thích cao; ánh sáng của màn hình có thể ức chế và làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ.
Tiến sĩ Perry cho biết có một vấn đề nghiêm trọng với các thiết bị điện tử nói chung, “đến mức một số bậc phụ huynh thực sự đã mất kiểm soát.” Trẻ em có thể thức dậy vào giữa đêm hoặc sáng sớm trước khi tới trường để dùng máy tính bảng, điện thoại hoặc chơi trò chơi điện tử.
Bác sĩ nhi khoa, tiến sĩ Derek Husmann cho biết ông tin rằng việc dùng màn hình là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em.
Tỷ lệ trẻ em bị chứng tự kỷ và rối loạn tăng động/giảm chú ý ngày càng tăng, cũng liên quan đến tình trạng ngủ không ngon giấc và khó ngủ.
Một cách giúp trẻ dễ ngủ với chi phí thấp và dễ tiếp cận
Do đó, các bậc phụ huynh và nhân viên chăm sóc [y tế] đã chuyển sang dùng melatonin.
Các sản phẩm bổ sung [melatonin] cho trẻ em dễ tiếp cận, không bị kiểm soát và có thể mua mà không cần đơn thuốc. [Các sản phẩm này] ở dạng kẹo dẻo và dạng lỏng, cũng rất hấp dẫn đối với trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Perry cho biết, “Đa phần các bậc phụ huynh đến phòng khám của tôi đã từng thử dùng melatonin. Hoặc là đứa trẻ đã dùng melatonin theo khuyến nghị của bác sĩ nhi khoa đa khoa hoặc [phụ huynh] tự ý [cho trẻ] dùng.”
Theo MMWR (Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong của Hoa kỳ), từ năm 2016 đến 2020, doanh số bán các loại thực phẩm bổ sung melatonin đã tăng khoảng 150%.
Ngoài giấc ngủ, người ta còn bổ sung melatonin để chống oxy hóa, kháng viêm, chống ung thư và bảo vệ thần kinh.
Melatonin là một loại hormone tự nhiên mà cơ thể sản sinh để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Ánh sáng ức chế tuyến tùng sản xuất melatonin, trong khi bóng tối kích thích sản sinh melatonin.
Nói chung, nên dùng các chất bổ sung melatonin trước khi đi ngủ từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để cơ thể bắt chước chu kỳ tự nhiên.
Bà Henriette Edemann Callesen, nhà tư vấn Tâm thần học thần kinh của Cơ quan Y tế Đan Mạch, trong một email gửi The Epoch Times cho biết, “Nếu dùng chất bổ sung melatonin quá gần giờ đi ngủ, bạn có thể sẽ bỏ qua thời điểm giấc ngủ phù hợp với nhịp sinh học cơ thể nhất.”
Melatonin chỉ có tác dụng trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tiến sĩ Perry cho biết, “Melatonin giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn nhưng sẽ không kéo dài đủ lâu để ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.” Mặc dù các bậc phụ huynh thường báo cáo lợi ích ngắn hạn khi dùng dùng melatonin, nhưng theo thời gian, các chất bổ sung có thể không còn hiệu quả như trước và có thể cần phải tăng liều lượng.
Bác sĩ Husmann đã nhìn thấy điều này ở bệnh nhân của mình.
Ông nói, “Trước đây, tôi đã băn khoăn rất nhiều khi gặp những bệnh nhân đã dùng melatonin trong nhiều tháng liền. Tôi đã yêu cầu họ thử cho con mình ngừng dùng chất này…Tuy nhiên, một số trường hợp trong số họ đã thử nhưng không thành công.”
Việc dùng melatonin kéo dài có dẫn đến tình trạng dung nạp [giảm đáp ứng với một số loại thuốc được dùng thường xuyên] giống như các loại thuốc ngủ khác hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bằng chứng mâu thuẫn. Tuy nhiên, việc bổ sung melatonin kéo dài thường không được khuyến khích.
Các mối nguy hiểm
Các bác sĩ thường không khuyến nghị bổ sung melatonin cho trẻ em khỏe mạnh dưới 3 tuổi vì tình trạng khó ngủ và dễ thức giấc ở trẻ đa phần là do đặc điểm sinh lý ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dùng melatonin.
Nồng độ melatonin cao cũng đã được phát hiện ở các trường hợp trẻ em đã tử vong.
Bác sĩ nhi khoa về giấc ngủ, tiến sĩ Muhammad A. Rishi tại Đại học Y khoa Indiana, trong một email gửi The Epoch Times viết, “Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là khả năng tiếp cận với melatonin quá dễ dàng, cũng như sự nhận thức kém về tính an toàn của chất này.”
Một báo cáo giám định tử thi ở tiểu bang North Carolina nêu chi tiết 7 trường hợp tử vong ở trẻ em nghi ngờ liên quan đến melatonin.
Một trường hợp là một bé gái 3 tháng tuổi thường xuyên uống 8 đến 10 liều mỗi ngày, mỗi liều chứa 5mg chất bổ sung melatonin để dễ ngủ. Liều lượng như vậy cao hơn nhiều so với liều lượng được khuyến nghị cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân tử vong của bé gái không được xác định.
Các bác sĩ vẫn chưa biết tại sao việc bổ sung melatonin có thể gây tử vong, vì chất này được cho là có độ an toàn cao. Cũng cần lưu ý rằng tử vong do bổ sung melatonin chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tất cả các báo cáo về ngộ độc melatonin.
Tiến sĩ Perry cho biết bà chưa từng có bệnh nhân nào tử vong vì melatonin. Bà hy vọng rằng vì melatonin là một loại hormone nội sinh – nghĩa là melatonin sản sinh một cách tự nhiên trong cơ thể – nên chất này phải có giới hạn an toàn rộng.
Tiến sĩ Husmann cũng đồng quan điểm, “Tôi không thấy nhiều bất lợi [của melatonin] ngoài việc tôi mong nhiều trẻ em không cần phải dùng đến chất này ngay từ ban đầu.”
Tuy nhiên, tiến sĩ Rishi lập luận rằng melatonin là một loại thuốc, có nghĩa là melatonin làm thay đổi trạng thái tinh thần hoặc thể chất của một người và do đó, nên xem xét [chất này] như một loại thuốc.
Các tác dụng phụ thường gặp của melatonin bao gồm chóng mặt, buồn ngủ ban ngày và huyết áp thấp. Chất này cũng có thể gây ra ác mộng, đái dầm nhiều hơn và kích động.
[Hiện tại], vẫn chưa biết tác dụng phụ lâu dài của melatonin vì chưa có các nghiên cứu tính an toàn lâu dài. Một mối lo ngại là việc bổ sung melatonin có thể làm trì hoãn tuổi dậy thì vì nồng độ melatonin trong máu thường bắt đầu giảm trước khi bắt đầu dậy thì.
Bà Edemann Callesen viết về melatonin như sau: “Khi xem xét các y văn, chúng tôi nhận thấy rằng các báo cáo về tính an toàn là không đầy đủ và mức độ chắc chắn của bằng chứng là thấp.” Bằng chứng hiện tại cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên dễ gặp phải các tác dụng phụ nhẹ thay vì nghiêm trọng, “tuy nhiên chúng tôi chưa biết rõ mức độ thực sự của điều này.”
Nguyên nhân tiềm ẩn làm dấy lên mối lo ngại
Dùng quá liều và tiêu thụ các sản phẩm bị nhiễm bẩn là những rủi ro khi dùng thuốc bổ sung melatonin mua tại cửa hàng.
Tiến sĩ Rishi trong một email cho biết vì melatonin được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung nên chất này không có sự giám sát theo quy định từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) như các loại thuốc không kê đơn khác. [Thực phẩm chứa melatonin] bị nhiễm bẩn và thay đổi liều lượng đang rất phổ biến.
Trẻ em chỉ cần một liều melatonin rất thấp – khoảng 0.05 đến 3mg – nhưng liều lượng từ các chất bổ sung có thể khác nhau, ngay cả trong cùng một lô hàng.
Một nghiên cứu của Canada kiểm tra 30 chất bổ sung melatonin thương mại đã minh chứng cho những sai khác như vậy. Hàm lượng melatonin dao động từ dưới 80% đến gần gấp 5 lần so với số liệu ghi trên nhãn. Thậm chí trong các chất bổ sung của cùng một lô hàng, sự khác biệt có thể dao động tới 465%. Trong số này, viên nhai có hàm lượng thay đổi cao nhất.
Ngoài ra, khoảng 1/4 số thực phẩm bổ sung [melatonin] cũng bị nhiễm serotonin.
Khác với melatonin, thường được cho là có độ an toàn cao, serotonin được biết là gây ra các ảnh hưởng đến thần kinh, bao gồm co giật, run rẩy và thậm chí ở mức độ độc hại có thể gây tử vong.
Tiến sĩ Perry lập luận rằng, “Nếu những chất bổ sung có hàm lượng serotonin cao, về mặt lý thuyết bạn có thể nói rằng các chất bổ sung này gây tử vong.”
Một mối lo ngại tiềm ẩn khác liên quan đến nồng độ serotonin tăng lên là bổ sung melatonin cũng có thể làm cho cơ thể chuyển đổi melatonin thành serotonin. Điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật.
Tiến sĩ Perry khuyến nghị nên dùng melatonin cấp dược phẩm trong thời gian ngắn.
Không giống như các chất bổ sung mua tại cửa hàng, melatonin cấp dược phẩm được [sản xuất] theo tiêu chuẩn giống như các loại thuốc khác do FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) quản lý. Theo các tiêu chuẩn của Dược điển Hoa Kỳ (USP), melatonin cấp dược phẩm phải có độ tinh khiết vượt quá 99% và không chứa bất kỳ chất độc, chất kết dính, thuốc nhuộm hoặc các chất phụ gia không có hoạt tính. Do đó, nguy cơ bị nhiễm bẩn là thấp.
Cũng có sự khác biệt giữa việc bổ sung melatonin và để cơ thể tự điều chỉnh nồng độ melatonin.
Tiến sĩ Rishi cho biết, “ [Sự khác biệt] lớn nhất là melatonin không phải lúc nào cũng có mặt trong cơ thể và melatonin được cơ thể tiết ra theo nhịp sinh học.” Thời điểm bạn uống melatonin cũng ảnh hưởng lớn đến các chức năng khác của cơ thể, bao gồm nhiệt độ cơ thể, trương lực mạch máu và sự tiết ra các hormone khác, “vì melatonin hoạt động như một loại hormone chính.”
Nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung melatonin sẽ tạo ra đỉnh nồng độ melatonin so với lượng melatonin mà cơ thể tiết ra đều đặn một cách tự nhiên vào ban đêm.
Điều trị nguyên nhân vấn đề giấc ngủ của trẻ em từ gốc rễ
Tiến sĩ Perry, chuyên gia về giấc ngủ, với hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết đối với trẻ em thì chứng mất ngủ là vấn đề hành vi do thói quen ngủ kém gây ra.
Bà nói, “Phần lớn trẻ em bị chứng mất ngủ về hành vi (behavioral insomnia) hoặc chân không yên. Hội chứng chân không yên (restless leg syndrome) thường liên quan đến tình trạng thiếu sắt và bổ sung sắt có thể giúp ích.
Mất ngủ hành vi bao gồm mất ngủ liên quan đến việc đi ngủ (sleep-association) và mất ngủ do thiếu kỷ luật từ cha mẹ (limit-setting insomnia).
Chứng mất ngủ do thiếu kỷ luật từ cha mẹ xảy ra khi cha mẹ không thể đặt ra giới hạn do nhượng bộ các chiến thuật để trì hoãn giờ đi ngủ của trẻ. Những chiến thuật này có thể bao gồm khóc lóc, nổi giận, đặt nhiều câu hỏi, ném đồ vật, đi vệ sinh quá thường xuyên một cách không cần thiết, đòi uống nước và những cái ôm thêm, và tuyên bố có những điều quan trọng muốn nói.
Chứng mất ngủ liên quan đến việc đi ngủ xảy ra khi các em cần cha hoặc mẹ nằm cạnh mình để ngủ. Tình trạng này cũng đề cập đến vấn đề đứa trẻ thức dậy vào ban đêm và cần cha mẹ trở lại giường cùng mình để các em có thể ngủ trở lại.
Tuy nhiên, bằng cách bắt đầu thói quen đi ngủ đều đặn cho cả gia đình và đặt ra những ranh giới hợp lý, trẻ em và cha mẹ có thể có được một đêm ngon giấc.
Nghiện màn hình cũng có thể dẫn đến chứng mất ngủ và cha mẹ thường không biết rằng màn hình ảnh hưởng đến giấc ngủ của con họ. Tiến sĩ Perry nói, họ “không biết rằng bọn trẻ đang thức dậy để lấy máy tính bảng hoặc xem điện thoại dưới chăn. Một số cha mẹ đã phải tắt internet” để loại bỏ động cơ thức dậy vào ban đêm của các con.
Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt trong việc thói quen ngủ cho các con. Thông thường, để thay đổi hành vi ngủ của trẻ em đòi hỏi tất cả thành viên của gia đình phải thay đổi hành vi của mình.
Từ những năm 2010, Tiến sĩ Husmann đã nhận thấy thời gian đi ngủ muộn ở trẻ em bắt đầu tăng lên. Tình trạng này xảy ra ở những hộ gia đình có “nhiều thành viên chủ yếu sống về đêm” và có thói quen dùng màn hình quá nhiều. Ông nói thêm, trong những trường hợp như vậy, bọn trẻ sẽ làm theo, đặc biệt là các đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.