Các bài tập thở có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer
Các bài tập thở đơn giản từ lâu đã được cho là có tác dụng giảm căng thẳng và lo lắng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng việc áp dụng bài tập thở vào thói quen hàng ngày cũng có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Nam California và được công bố trên tập san Nature Scientific Reports, kết luận rằng các bài tập thở hàng ngày có thể giảm mức amyloid-beta trong máu ở người trưởng thành. Mức độ tăng amyloid-beta peptide trong máu được biết là tác nhân gây ra bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ.
Giải thích kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu bắt đầu với một số câu hỏi cơ bản xung quanh sự xuất hiện của amyloid-beta, sự thanh thải trong cơ thể và tại sao các mảng amyloid phát triển trong não, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt muốn tìm hiểu ảnh hưởng của mảng amyloid-beta đến hoạt động và cấu trúc của bộ não và hệ thần kinh trung ương như thế nào.
108 người tham gia được yêu cầu thực hiện các bài tập thở trong 20 phút, hai lần một ngày trong bốn tuần. Một nửa số người tham gia được yêu cầu nghĩ đến những tình huống thư thái, chẳng hạn như trên bãi biển. Nửa còn lại được hướng dẫn thở theo nhịp của máy được hiển thị trên màn hình máy tính nhằm gia tăng sự dao động nhịp tim do động tác hít thở tạo ra. Các xét nghiệm máu được thực hiện trước khi bắt đầu các bài tập thở và lặp lại sau bốn tuần thực hiện nghiên cứu.
Một nửa số người tham gia ở độ tuổi 18–30, trong khi nửa còn lại ở độ tuổi 55–80. Mặc dù có sự khác biệt lớn về độ tuổi, nhưng tất cả những người tham gia đều nhận được lợi ích của các bài tập thở đối với mức amyloid-beta của họ.
Cả hai nhóm đều có mức amyloid-beta trong máu thấp hơn so với khi họ bắt đầu. Nhóm người thở theo nhịp của máy đã giảm mức amyloid-beta trong máu nhiều hơn so với nhóm người có suy nghĩ yên bình.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng những kết quả này là do sự thay đổi nhịp tim tăng lên, cao nhất ở nhóm thở theo nhịp của máy.
Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định rằng các biện pháp can thiệp hành vi có thể trực tiếp làm giảm lượng amyloid-beta trong máu. Cho đến nay, các bài tập thở theo nhịp là biện pháp can thiệp hành vi duy nhất được chứng minh là làm giảm mức peptide amyloid-beta.
Nghiên cứu không đánh giá tác dụng sẽ kéo dài bao lâu hoặc liệu kết quả có được duy trì hay thậm chí được cải thiện sau nhiều tháng thực hành các bài tập thở theo nhịp của máy hay không. Người ta cũng chưa rõ liệu có một mức amyloid-beta nhất định để nhắm tới có thể mang lại ngưỡng phòng ngừa lý tưởng cho bệnh Alzheimer hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn mang lại kết quả đầy hứa hẹn cho việc phòng ngừa bệnh Alzheimer trong tương lai.
Amyloid-Beta là gì?
Amyloid-beta là các protein có trong nhiều mô trong cơ thể, đặc biệt là các khớp nối thần kinh bên trong não. Amyloid-beta là sản phẩm bình thường của quá trình chuyển hóa tế bào và chịu trách nhiệm chính trong việc điều chỉnh sự hình thành và sửa chữa các khớp nối thần kinh và vận chuyển tế bào thần kinh.
Người trưởng thành khỏe mạnh không có dấu hiệu tích tụ amyloid-beta trong não. Tuy nhiên, khi mức amyloid-beta trong máu tăng lên sẽ là nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao hơn trong tương lai.
Khi amyloid-beta tích tụ quá nhiều sẽ tạo thành mảng bám amyloid-beta, góp phần vào sự phát triển của bệnh Alzheimer do ảnh hưởng đến tín hiệu tế bào não và thường sẽ phá hủy mô não, ức chế nhận thức, ức chế hoạt động trí nhớ và tạo tiền đề cho sự phát triển của bệnh Alzheimer.
Các bài tập thở ảnh hưởng đến mức amyloid-beta như thế nào
Hơi thở có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi nhịp tim. Khi chúng ta hít vào, nhịp tim của chúng ta tăng lên và khi chúng ta thở ra, nhịp tim của chúng ta giảm đi. Sự thay đổi nhịp tim được điều khiển bởi dây thần kinh phế vị và cho biết chức năng thích hợp của hệ thần kinh phó giao cảm.
Hơi thở có ảnh hưởng đến nhịp tim, từ đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh phó giao cảm cũng như cách não sản xuất và loại bỏ các protein peptide. Hơi thở có kiểm soát tạo ra dao động nhịp tim lớn hơn, cho phép hệ thống thần kinh giao cảm loại bỏ amyloid-beta hiệu quả hơn.
Các bài tập thở được thực hiện trong nghiên cứu này có tác động rõ rệt đến nhịp tim của tình nguyện viên. Điều này dẫn đến sự sụt giảm amyloid-beta trong máu của người tham gia trong khoảng thời gian bốn tuần.
Cơ thể đòi hỏi sự cân bằng giữa cả hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm để hoạt động ở mức tối ưu. Khi chúng ta còn trẻ, cơ thể chúng ta có xu hướng chuyển đổi khá liền mạch giữa hai hệ thống. Nhưng khi chúng ta già đi, khả năng tiếp cận dễ dàng với hệ thần kinh phó giao cảm của chúng ta giảm đi và sự thay đổi nhịp tim của chúng ta giảm xuống, đôi khi tới 80%. Điều này dẫn đến tăng sản xuất và giảm thải ra của amyloid-beta trong cơ thể.
Các amyloid-beta dư thừa tích tụ trong não, hình thành các mảng bám gây tổn thương mô não. Nghiên cứu trước đây đã xác định rằng sự hiện diện của amyloid-beta dư thừa làm tăng khả năng xảy ra bệnh Alzheimer, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Tia hy vọng trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer
5.8 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh Alzheimer và con số đó dự kiến sẽ tăng gần gấp ba vào năm 2060. Trên thế giới có khoảng 55 triệu người bị chứng mất trí nhớ. Alzheimer là bệnh thần kinh thoái hóa và do đó không có thuốc chữa lành hoàn toàn. Căn bệnh gây ra sự căng thẳng đối với cả bệnh nhân và người chăm sóc.
Nghiên cứu này cho thấy rằng hít thở là một cách dễ dàng, tiết kiệm chi phí để giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer mà không phải lo lắng về tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác.
Nghiên cứu cũng xác nhận rằng tiến hành xét nghiệm máu đơn giản để đo nồng độ amyloid-beta trong máu có thể là cách hợp lý để các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe xác định nguy cơ bị bệnh Alzheimer hoặc thậm chí trợ giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times